Cô gái Trung Quốc mất 3,5 tiếng để rời khỏi 600 nhóm chat công việc sau khi nghỉ làm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, cô Đường (Tang) đến từ thành phố Nam Xung, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc tiết lộ rằng sau khi nghỉ làm cô đã thoát khỏi hơn 600 nhóm chat công việc. Tin tức này ngay lập tức trở thành chủ đề tìm kiếm nóng trên Internet Trung Quốc và được cư dân mạng đồng cảm. Có người bình luận: “Đây nào chỉ đơn giản là nghỉ việc, rõ ràng là chuộc lại tự do”.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, cô Đường cho biết cô đang làm công việc thiết kế cho trung tâm mua sắm, mỗi trung tâm mua sắm lại có tới hàng trăm cửa hàng và cần xem xét bản thiết kế của mỗi một cửa hàng nên cô đã tham gia vào hơn 600 nhóm. Ngày nào cô Đường cũng phải trả lời tin nhắn vào bất kể mọi khung giờ, thần kinh luôn căng thẳng, thậm chí khi đi cắm trại cũng phải mang theo máy tính xách tay (laptop).

Cô Đường cho biết sau khi nghỉ việc, cô phải mất 3 tiếng rưỡi mới thoát khỏi tất cả các nhóm, và cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.

Cư dân mạng Trung Quốc đồng cảm

Sau khi sự việc trên được tiết lộ, có không ít cư dân mạng Trung Quốc đã để lại các bình luận như sau:

  • “Đồng cảm! Bây giờ tôi đang bị vô số nhóm chat công việc làm phiền mỗi ngày, thật khó chịu! Hở ra là bị tag tên trong nhóm, không trả lời kịp sẽ bị sếp chê trách, tim cứ đập thình thịch. Tôi thực sự muốn rời bỏ công việc này và xóa tất cả các nhóm!”.
  • “Đây nào chỉ đơn giản là nghỉ việc, rõ ràng là chuộc lại tự do”.
  • “Đổi lại là tôi thì tôi sụp đổ lâu rồi”.
  • “Có một số người thích tạo nhóm, nào là nhóm nhập hàng, nhóm kiểm tra chất lượng, nhóm phê duyệt, nhóm marketing bán hàng, nhóm quản lý khách hàng, nhóm hậu mãi, nhóm phản hồi khảo sát, mà tất cả nhóm này đều thuộc một dự án, có 5-6 người với nhau thôi mà từng ấy nhóm… thật cạn lời”.
  • "Tôi đã nghỉ việc và rời khỏi hơn 700 nhóm, phải chia ra làm 2-3 ngày mới xong".
  • "Tôi đã nghỉ việc và rời khỏi 105 nhóm".
  • "Ghê thật, tôi có hơn 200 nhóm chat công việc".
  • "Rất thực tế. Tôi mới đi làm được một năm mà đã tham gia hơn 100 nhóm".
  • "Tôi cùng ngành đây, cũng nghỉ việc rồi, rời khỏi hơn 300 nhóm".

Theo truyền thông Trung Quốc, vào cuối năm 2013, cô Đường đã tìm được việc làm ở Bắc Kinh khi các nhà tuyển dụng tới trường và ở lại Bắc Kinh kể từ đó. Vào tháng 9 năm nay, cô Đường đã kết thúc chuỗi ngày phiêu bạt ở Bắc Kinh của mình và hiện đang khởi nghiệp tại quê nhà, tập trung vào nông sản của quê hương.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, học giả nói nền kinh tế Trung Quốc không thể cứu chữa

Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc vẫn ở mức cao, thị trường bất động sản vỡ bong bóng, nợ chính quyền địa phương tiếp tục tăng, nhu cầu trong nước yếu, xuất khẩu sụt giảm, hàng loạt công ty đóng cửa, vốn nước ngoài rút ồ ạt, người giàu bỏ chạy, cuộc sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn… Tất cả những điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang lung lay.

Vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đang tăng cao, ngày 5/12, Bộ Giáo dục cùng Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc cho biết số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học trong năm sau ước tính sẽ lên tới 11,79 triệu người, tăng 210.000 người so với năm nay, thiết lập mức cao mới.

Ngày 5/12, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của chính quyền Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực” và cảnh báo rằng rủi ro nợ của chính quyền địa phương cũng như cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản đang ngày càng sâu sắc.

Nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc Vương Đan (Wang Dan) viết một bài báo trên Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng, để duy trì sự phát triển ổn định cho nền kinh tế thì một quốc gia cần 3 yếu tố: địa chính trị, số liệu phát triển kinh tế và sự ổn định chính sách, nhưng Trung Quốc hiện không có yếu tố nào để có thể trấn an thế giới bên ngoài. Theo xu hướng phát triển này, có thể mạnh dạn dự đoán rằng tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục suy giảm vào năm 2024, cuộc đại suy thoái chỉ mới bắt đầu.

Vào ngày 10/12, ông Nhan Thuần Câu (Yan Chungou), một người làm truyền thông với kinh nghiệm lâu năm, đã viết trên trang Facebook cá nhân rằng nền kinh tế Trung Quốc không thể cứu chữa được nữa, không phải do một vài chính sách riêng lẻ, mà là do sai lầm chính sách mang tính hệ thống; tình trạng khó khăn của Trung Quốc không phải là nhất thời và đơn lẻ ở một địa phương nào, mà là toàn bộ; vũng lầy mà Trung Quốc rơi vào không phải là vũng lầy nhỏ, mà là vũng lầy không đáy, không bờ.

Nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) cũng từng đăng một bài viết trên nền tảng X (tên cũ là Twitter) và chỉ ra rằng, người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh vật với hết chính sách này đến chính sách kia, nhưng nền kinh tế Trung Quốc vẫn không tránh khỏi những cú đả kích, để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư thì cần phải thay đổi phương pháp và thái độ, chỉ mạnh miệng hô hào thì không có tác dụng, cũng không thay đổi được cái nhìn tiêu cực của cộng đồng quốc tế về Trung Quốc.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cô gái Trung Quốc mất 3,5 tiếng để rời khỏi 600 nhóm chat công việc sau khi nghỉ làm