Cổ vật ngọc bích bí ẩn được phát hiện trong ngôi mộ 5300 năm tuổi - Truyền thuyết cổ xưa là có thật?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong số các di tích thời tiền sử, Văn hóa Lương Chử và Văn hóa Hồng Sơn đều nổi tiếng với nền văn hóa ngọc bích phát triển, được gọi là "Lương Chử ở phía nam và Hồng Sơn ở phía bắc". Tuy nhiên rất nhiều người không biết là có một địa điểm khác có liên quan chặt chẽ với Lương Chử và Hồng Sơn, nền văn minh ngọc bích phát triển là đỉnh cao của cùng thời đại - di chỉ nằm ở làng Lăng Gia Than, thị trấn Trường Cương, huyện Hàm Sơn, An Huy. Ba nền văn hóa này có thể được gọi chung là “ba trung tâm văn hóa ngọc lớn thời tiền sử”.

Ngọc là một đặc điểm chính của nền văn minh Trung Quốc cổ đại, và văn hóa ngọc cũng đã trở thành một biểu tượng quan trọng của nền văn minh Trung Quốc cổ xưa. Các hiện vật ngọc bích đặc biệt được khai quật từ địa điểm Lăng Gia Than, bao gồm các tượng ngọc, rồng ngọc, rùa ngọc, bảng ngọc hình ngôi sao hình bát giác, và các công cụ bói toán bằng ngọc bích, thể hiện nền văn minh ngọc bích do tổ tiên của Lăng Gia Than tạo ra.

Các di tích văn hóa được khai quật từ tàn tích Lăng Gia Than (ảnh Internet)

Vào những năm 1980, dân làng Lăng Gia Than, huyện Hàm Sơn, tỉnh An Huy vô tình đào được nhiều công cụ bằng đá, sau khi thăm dò, cơ quan khảo cổ địa phương phát hiện đây là một di tích cổ. Đội khảo cổ đầu tiên bắt đầu khai quật khu vực do dân làng đào, và sớm phát hiện ra một ngôi mộ cổ lớn. Sau khi đoàn khảo cổ khai quật ngôi mộ số M4, một chiếc rìu đá khổng lồ xuất hiện ngay chính giữa ngôi mộ.

Đội khảo cổ chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc rìu đá lớn như vậy, để thận trọng, đội khảo cổ không di chuyển chiếc rìu đá ngay lập tức, vì họ biết rằng dưới chiếc rìu đá chắc chắn sẽ có nhiều di tích văn hóa quý giá hơn. Sau đó, nhóm khảo cổ đã thực hiện một bộ quy trình vẽ, chụp ảnh và đánh số hoàn chỉnh trước khi bắt đầu công việc khai quật.

Quả nhiên, sau khi lấy rìu đá ra, một lượng lớn công cụ bằng đá và ngọc bích tinh xảo xuất hiện trong lăng mộ. Hai di vật văn hóa quan trọng nhất được khai quật trong mộ M4 là thẻ bài ngọc và rùa ngọc. Lúc đầu chỉ lộ ra một nửa tấm ngọc, nửa còn lại được ép dưới con rùa ngọc bên cạnh. Con rùa ngọc này bao gồm ba phần, có yếm trên và dưới, hình chạm khắc rất sống động như thật. Ở yếm trên và dưới của rùa ngọc có nhiều lỗ tròn nhỏ dùng để xâu dây thừng.

Sau khi khai quật được những tấm ngọc và rùa ngọc, chúng lập tức gây chấn động trong giới khảo cổ, những hoa văn phức tạp trên ngọc bài có ý nghĩa gì? Và tại sao rùa ngọc lại có yếm trên và yếm dưới?

Sau khi xem, các chuyên gia nhận xét: “Đây là một phát hiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử Trung Quốc, bởi họ xác nhận những huyền thoại, truyền thuyết xa xưa được ghi lại trong một số tài liệu lịch sử là có thật”.

Rùa ngọc (ảnh Internet)

Những huyền thoại, truyền thuyết được các chuyên gia nhắc đến đều đề cập đến những ghi chép về Chu Dịch Bát Quái trong các cuốn sách như “Sử ký” và “Luận ngữ của Khổng Tử”. Người ta kể rằng vào thời cổ đại, khi Phục Hy, một trong Tam Hoàng, đi ngang qua sông Hoàng Hà, một con long mã xuất hiện từ dòng sông, trên mình nó có vẽ Hà Đồ. Trong thời kỳ Đại Vũ trị thuỷ, một con rùa thần (thần quy) xuất hiện từ sông Lạc Thuỷ, trên lưng nó có hoa văn tạo thành bức đồ hình Lạc Thư.

Hà Đồ và Lạc Thư là nguồn gốc của Chu Dịch. Những tấm ngọc bích được khai quật ở Lăng Gia Than được vẽ theo bốn hướng và tám hướng, phù hợp với quan niệm về tứ tượng và bát quái, xác nhận rằng bát quái Chu Dịch không phải là thần thoại và truyền thuyết như một số học giả nói. Bức vẽ trên tấm ngọc bích có thể đại diện cho Lạc Thư cổ đại và Bát quái xuất hiện thời sơ khai. Ngoài những đồ trang trí trên các tấm ngọc, những con rùa ngọc được khai quật cùng nhau cũng mang những ý nghĩa đặc biệt.

Bức vẽ trên tấm ngọc bích có thể đại diện cho Lạc Thư và Bát quái cổ đại xuất hiện thời sơ khai (ảnh Internet)

Trong thời kỳ đồ đá mới, rùa ngọc chủ yếu được khai quật từ Văn hóa Hồng Sơn và Văn hóa Lương Chử. Theo phát hiện carbon 14, niên đại của các di vật di chỉ Lăng Gia Than là khoảng 5300-6000 năm trước, sớm hơn Văn hóa Lương Chử hơn một nghìn năm. Điều đó cho thấy văn hóa Lương Chử chịu ảnh hưởng của văn hóa Lăng Gia Than. Trong Văn hóa Hồng Sơn và Văn hóa Lương Chử, rùa ngọc đều là công cụ bói toán, nhưng các chuyên gia khảo cổ học tin rằng ngoài chức năng bói toán, rùa ngọc ở Lăng Gia Than còn liên quan đến thiên văn học.

Các chuyên gia cho rằng có quá nhiều bí ẩn chưa được giải đáp về nền văn minh tiền sử. Lăng Gia Than, một ngôi làng miền núi nhỏ nằm gần 30 độ vĩ bắc, chắc chắn đã đóng một vai trò quan trọng trong nền văn minh tiền sử của Trung Quốc, có thể nói là nơi khởi nguồn nền văn minh ở hạ lưu sông Dương Tử. Giới học thuật thường cho rằng văn hoá xã hội Lương Chử có thể là một xã hội đã bước vào thời kỳ văn minh.

Lý Cảnh Nhu - Soundofhope
Khả Vy biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Cổ vật ngọc bích bí ẩn được phát hiện trong ngôi mộ 5300 năm tuổi - Truyền thuyết cổ xưa là có thật?