Dâng thư 7 vạn chữ, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 bị bỏ tù 10 năm và bị đầu độc chết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 28 tháng 1 năm 1989, nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10, Erdeni Chokyi Gyaltsen, đột ngột qua đời tại Tân Cung ở thành phố Shigatse, Tây Tạng, ở tuổi 51. ĐCSTQ tuyên bố rằng ngài qua đời là do một "cơn đau tim". Tuy nhiên, theo ông Viên Hồng Băng, một nhà văn Trung Quốc lưu vong, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã bị ĐCSTQ đầu độc và sát hại.

Ông Viên Hồng Băng cho biết, sau nhiều năm điều tra, bao gồm các cuộc phỏng vấn với các thành viên “thái tử Đảng” có liên quan, ông biết rằng ĐCSTQ đã ra lệnh cho nhân viên y tế tiêm chất độc kali xyanua cho Ban Thiền Lạt Ma thứ 10, khiến ngài chết vì ngộ độc. Lệnh hạ độc này là do Đặng Tiểu Bình, Lý Tiên Niệm và Bạc Nhất Ba đưa ra. Vậy đâu là lý do khiến ĐCSTQ muốn bịt miệng Ban Thiền Lạt Ma thứ 10?

Lựa chọn ở lại Trung Quốc

Như chúng ta đã biết, Phật giáo Tây Tạng có hai vị lãnh đạo là Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma. Trước khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi Trung Quốc, họ đã mời Ban Thiền Lạt Ma đến Đài Loan để tránh tai họa. Thật đáng tiếc là vị Ban Thiền Lạt Ma trẻ tuổi lúc này đã quên đi lời cảnh báo mà Ban Thiền Lạt Ma thứ 9 đưa ra cho người dân Tây Tạng vào những năm 1930: “Cho dù thổ phỉ Cộng sản đi đến đâu, chúng cũng sẽ đốt phá chùa chiền, đập phá tượng Phật, giết các vị lạt ma và buộc tín đồ phải im lặng. ..Vì thế không có gì ngạc nhiên khi chúng bị người đời thù ghét, .. Chúng là mối hiểm họa rất lớn đối với Phật tử chúng ta… Hãy chung tay, ủng hộ quân đội quốc gia, bảo vệ đồng bào ta trước những kẻ thủ ác ghét tôn giáo của chúng ta. Đừng tin những lời ngon ngọt do chúng tuyên truyền! Chúng sẽ đốt nhà của các con, phá hủy gia đình của các con. Ta nói với điều này để cứu các con và thế giới".

Sau khi lên nắm quyền vào năm 1949, chính quyền ĐCSTQ đã đưa quân đến chiếm đóng Tây Tạng vào năm 1950. Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đều chọn ủng hộ ĐCSTQ, bởi vì họ không hiểu rõ bản chất của ĐCSTQ. Vào tháng 5 năm 1951, Chính phủ Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền Tây Tạng đã ký "Thỏa thuận về các biện pháp giải phóng hòa bình Tây Tạng giữa Chính phủ Nhân dân Trung ương và Chính quyền địa phương Tây Tạng" tại Bắc Kinh, còn được gọi là là "Hiệp định mười bảy điều." Đạt Lai Lạt Ma trở thành phó chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, và Ban Thiền Lạt Ma trở thành thành viên của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, và phó chủ tịch Ủy ban Toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Trong thời gian ở Bắc Kinh, Ban Thiền Lạt Ma đã nhiều lần gặp Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ và các nhà lãnh đạo khác của ĐCSTQ.

Tuy nhiên, tám năm sau, vào năm 1959, Đạt Lai Lạt Ma đã phải trốn sang Ấn Độ. Điều này chắc chắn có liên quan đến những chính sách cải tạo Tây Tạng của ĐCSTQ, và cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội Trung Quốc đối với phong trào khởi nghĩa của nhân dân Tây Tạng ở Lhasa.

Bắt đầu từ nửa cuối năm 1955, ĐCSTQ bắt đầu thực hiện Cải tạo Xã hội Chủ nghĩa và thi hành phong trào Hợp tác xã Nông nghiệp ở nội địa, đồng thời tiến hành Cải cách Ruộng đất ở các khu vực Tây Tạng phía đông sông Kim Sa, bao gồm các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Cam Túc và Thanh Hải. Ngay lập tức, nhân dân Tây Tạng đã nổi dậy khởi nghĩa. Đây chính là cuộc khởi nghĩa mà ĐCSTQ gọi là "Cuộc phản loạn Khang Ba". Thế nhưng, cuộc nổi dậy bị đàn áp tàn bạo. Ngoài ra, khi tiến hành Cải tạo Xã hội Chủ nghĩa đối với ngành nông nghiệp và chăn nuôi ở các khu vực của Tây Tạng như Tứ Xuyên và Thanh Hải, ĐCSTQ đã phá hủy một số lượng lớn các tu viện và buộc các nhà sư phải hoàn tục. Rất nhiều người dân bình thường đã bị xem là "quân phản loạn". Đời sống của người dân vô cùng khó khăn.

Trong cuộc vận động Cải cách Ruộng đất của ĐCSTQ, Ban Thiền Lạt Ma đã hưởng ứng rất tích cực. Ông đề xuất tiến hành thí điểm tại trang viên của mình trước. Cha của Ban Thiền Lạt Ma đã phải chủ động xin lỗi công chúng, bày tỏ sự cải tạo của bản thân. Tuy nhiên, trong phong trào quần chúng diễn ra sau đó, cha của Ban Thiền Lạt Ma cũng không thoát khỏi số phận bị đánh đập.

Sự đàn áp và bức hại của ĐCSTQ càng khiến sự phản kháng của nhân dân Tây Tạng ngày càng mạnh mẽ hơn. Vào tháng 3 năm 1959, có tin đồn rằng Đạt Lai Lạt Ma có thể sẽ bị bắt cóc đến Bắc Kinh. Phong trào phản kháng đã nổ ra ở Lhasa, Tây Tạng. Cuộc chiến đấu ác liệt với quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trực tiếp dẫn đến sự ra đi của Đạt Lai Lạt Ma, và việc thành lập chính phủ lưu vong tại Ấn Độ. Ngay sau đó, Ban Thiền Lạt Ma đã được ĐCSTQ bổ nhiệm làm quyền chủ tịch Ủy ban Trù bị của chính phủ Tây Tạng mới.

Vào tháng 4, Ban Thiền Lạt Ma đến Bắc Kinh để gặp Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, đồng thời tham dự Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 2. Trong hội nghị, Ban Thiền Lạt Ma đã có bài phát biểu nhất quán với tuyên bố chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng: "Tây Tạng đã đạt được thắng lợi lớn trong việc thực hiện cải cách và dập tắt cuộc nổi loạn".

Chúng ta không thể biết được đây là thái độ của chính Ban Thiền Lạt Ma hay là một ý kiến ​​trái với ý muốn của ngài dưới áp lực của ĐCSTQ. Trong những năm tiếp theo, Ban Thiền Lạt Ma đã nhiều lần đứng ra bảo vệ quan điểm của ĐCSTQ về vấn đề Tây Tạng.

Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10, người đã nhiều lần đứng ra bảo vệ ĐCSTQ, chưa bao giờ phê bình hay chỉ trích Đạt Lai Lạt Ma. Ngài đã nhiều lần từ chối việc lên án Đạt Lai Lạt Ma.

Dâng thư 7 vạn chữ

Sau khi ĐCSTQ đàn áp tàn bạo cuộc kháng chiến của người dân Tây Tạng, và Đạt Lai Lạt Ma rời đi, để "ô danh hóa" Tây Tạng, các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đã miêu tả Tây Tạng như một địa ngục trần gian với nhiều loại cực hình như rút gân, lột da và móc mắt. Và quân đội của Mao là "đội quân của chính nghĩa", sẽ "cứu giúp nhân dân Tây Tạng". Những tuyên truyền rầm rộ của Mao Trạch Đông đã ảnh hưởng rất lớn đến ấn tượng của người Hán và thế giới bên ngoài đối với Tây Tạng.

Vào nửa cuối năm 1961, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã đến thăm các tỉnh Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải và Vân Nam. Sau khi phát hiện ra các vấn đề của công xã nhân dân, cũng như những vấn đề khi thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và Mặt trận thống nhất, ông đã chất vấn các cán bộ của tỉnh Tứ Xuyên rằng: “Tôn chỉ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc là hết lòng hết ý phục vụ nhân dân, tại sao các ngài không lên tiếng giúp nhân dân? Tại sao không báo cáo tình hình thực tế cho chính quyền Trung ương? Tại sao lại làm ngơ trước nỗi khổ của nhân dân? "

Ban Thiền Lạt Ma quyết định sẽ báo cáo tình hình với chính quyền Trung ương, nhưng việc này đã bị những người xung quanh ngài phản đối. Thầy của ngài là Phật sống Ân Cửu khuyên ngài không nên hành động vội vàng: "Đạt Lai Lạt Ma đã rời đi, bây giờ chỉ còn lại ngài. Nếu ngài có vấn đề gì, thì không chỉ có ngài, không chỉ có chuyện tu viện Trác Thập Luân Bố và Ü-Tsang, mà toàn bộ các vấn đề chính trị và tôn giáo ở các khu vực Tây Tạng cũng sẽ bị ảnh hưởng, và hàng triệu người Tây Tạng sẽ không còn chỗ dựa”.

Nhưng bởi vì không hiểu rõ bản chất của ĐCSTQ, Ban Thiền Lạt Ma vẫn kiên quyết viết bức thư 7 vạn chữ bằng tiếng Tây Tạng, bởi vì ngài lo nghĩ cho người dân nên không màng đến an nguy bản thân. Ngài đã dành ra 5 tháng để hoàn thiện bức thư, sau đó nhờ người dịch sang tiếng Hán.

Vào tháng 5 năm 1962, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đệ trình lên Quốc Vụ Viện bản "Báo cáo về tình hình chung và tình hình cụ thể của Tây Tạng, cũng như những đau khổ, hy vọng và yêu cầu trong tương lai của các khu vực Tây Tạng do dân tộc Tạng làm chủ", được gọi là "Thư 7 vạn chữ", bao gồm 8 phương diện: bình định phản loạn, cải cách dân chủ, vấn đề sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và đời sống quần chúng nhân dân, công tác Mặt trận thống nhất, nguyên tắc tập trung dân chủ, chuyên chính vô sản, vấn đề tôn giáo, vấn đề công tác dân tộc. Trong báo cáo, Ban Thiền Lạt Ma đưa ra "bảy nhận thức" và tin rằng công cuộc "bình phản" và "cải cách dân chủ" của ĐCSTQ đã phạm phải những sai lầm và vấn đề cực kỳ nghiêm trọng: 1. Nhận thức về quyền tự trị;

  1. Nhận thức vấn đề Tây Tạng của cán bộ Trung ương và địa phương
  2. Nhận thức về vấn đề có nên loại bỏ người Tây Tạng
  3. Nhận thức về việc có nên loại bỏ tôn giáo hay không
  4. Nhận thức về lý do nổi loạn
  5. Nhận thức về những sai lầm của địa phương
  6. Nhận thức về tương lai của đất nước .

Bằng cách trích dẫn một số lượng lớn các sự kiện, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã giải thích những sai lầm và những vấn đề nghiêm trọng trong công cuộc chống nổi loạn và cải cách, đồng thời ngài còn nhấn mạnh rằng, nếu những vấn đề và sai lầm nếu không được sửa chữa một cách nghiêm túc, người Tây Tạng sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị diệt chủng và mất đi tôn giáo.

Ban Thiền Lạt Ma chỉ ra rằng "Sau cuộc cải cách, Phật giáo đã bị suy yếu nghiêm trọng và đang trên bờ vực diệt vong. Người Tây Tạng chúng tôi không thể chịu đựng được điều này" "(ĐCSTQ) đã tạo ra làn sóng phá hủy tượng Phật, kinh Phật, bảo tháp v.v..., đã thiêu hủy vô số tượng Phật, kinh Phật, bảo tháp hay ném vào nước, ném bừa bãi trên đất, cũng như tháo dỡ hay nấu chảy. Đối với chùa chiền, Phật đường, những bức tường đá Mani, tháp Phật thì điên cuồng đột nhập và phá hoại... lấy trộm nhiều đồ trang trí tượng Phật và đồ quý trong chùa... ...xúc phạm tôn giáo một cách trắng trợn, dùng "Tam tạng kinh làm đồ để ủ phân, và đặc biệt là dùng nhiều tranh Phật, kinh sách làm nguyên liệu đóng giày, v.v… không còn chút lý lẽ nào, khiến các tầng lớp nhân hỗn loạn, vô cùng hoang mang, vô cùng chán nản, rơi lệ mà nói rằng: nơi này của chúng ta đã trở thành một nơi đen tối (một nơi không có tôn giáo được gọi là nơi đen tối trong một câu nói của người Tây Tạng) nên vô cùng đau lòng v.v.

Điều đau đớn nhất đối với người Tây Tạng là người chết không được siêu độ: “Theo phong tục của người Tây Tạng chúng tôi, nếu một người không được siêu độ sau khi chết thì bị coi là bất kính, độc ác và tàn nhẫn với người đã khuất. " Vì vậy, có một khoảng thời gian, người ta nói: "Chúng tôi chết muộn quá. Nếu chúng tôi chết sớm hơn, chúng tôi đã được siêu độ. Bây giờ chúng tôi chết như một con chó, vừa dứt hơi thở đã bị ném ra khỏi cửa".

Trong quá trình thực hiện chuyên chính vô sản, Ban Thiền Lạt Ma chỉ ra rằng “nếu muốn tiến hành đấu tố, thì dù người bị đấu tố không có lỗi gì đặc biệt nghiêm trọng cũng phải bịa đặt ra nhiều tội nặng, phóng đại, phải trái đúng sai tùy thích, điên đảo thị phi, không những không có căn cứ, người này đấu tố người kia càng ngày càng gay gắt, thô bạo, ngạo mạn và kiêu căng hơn, khiến nhiều người tốt bị hàm oan; còn những kẻ điên đó thì được khen thưởng, khen ngợi mà không cần tra xét đúng và sai, v.v. không quản lý được những điều nên làm, đó là sai lầm thứ nhất…. Khi bắt đầu đấu tố thì la hét và gầm rú nhiều lần, đồng thời giật tóc và râu, đấm đá, vặn thịt, nhéo vai, xô đẩy qua lại, thậm chí có người còn dùng chìa khóa lớn, gậy gộc đánh đập dã man khiến nạn nhân thất khiếu chảy máu, bất tỉnh và ngất xỉu, chân tay đứt lìa. Một số người thậm chí đã chết tại chỗ trong cuộc đấu tố, đó là sai lầm nghiêm trọng thứ hai”. "Rất nhiều người đã chết bi thảm trên đường bị áp giải đi, trong vài năm qua, dân số người Tây Tạng đã giảm đi rất nhiều, đây là một vấn đề rất nguy hiểm đối với người Tây Tạng”.

Ban Thiền Lạt Ma cũng tuyên bố rằng khi cuộc bình phản của ĐCSTQ mở rộng, tại một số nơi ở khu vực Thanh Hải, Cam Túc, Tứ Xuyên và Vân Nam-Tây Tạng, “ngoại trừ những người không thể chiến đấu, thanh niên, trung niên và những người có hiểu biết, hầu hết đều bị bắt và bỏ tù”.

Với những tuyên truyền rằng Tây Tạng cũ đen tối, lạc hậu, và ĐCSTQ đã mang đến ánh sáng cho Tây Tạng, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 nói: "Tại một số vùng ở Tây Tạng, đã có người chết đói. Đây là điều hoàn toàn không đáng có, là điều vô cùng tàn khốc và vô cùng nghiêm trọng. Mặc dù Tây Tạng cũ là một xã hội được cai trị bởi chế độ phong kiến ​​đen tối và man rợ, nhưng ở đó không đến nỗi thiếu ăn, nhất là Phật giáo truyền bá rộng rãi, không phân biệt cao thấp, mọi người đều có thói quen bố thí cho người nghèo khó, ăn xin cũng có thể kiếm sống, sẽ không xảy ra tình trạng chết đói, chúng ta cũng chưa bao giờ nghe nói có người chết đói...”

Từ đó, Ban Thiền Lạt Ma kêu gọi ĐCSTQ: "Đừng để tất cả mọi người chết đói, đừng để Phật giáo diệt vong! Đừng để người dân ở vùng đất tuyết của tôi bị diệt chủng!".

Mao Trạch Đông tức giận đấu tố

Người ta kể lại rằng Mao Trạch Đông đã rất phẫn nộ sau khi đọc "Thư 7 vạn chữ" do Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 viết, và gọi đây là "cuộc phản công điên cuồng của bọn phản động." Từ năm 1963 đến đầu năm 1964, Ban Thiền Lạt Ma bị giam trong một tòa nhà nhỏ. Khi đó ngài muốn gặp Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai nhưng đều không được đáp ứng. Vì vậy, ngài đã cầu xin sự giúp đỡ của các vị Thần và Đức Phật, hy vọng rằng các vị Thần có thể làm rõ đúng sai cho ngài.

Vào đầu năm 1964, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 được thả ra để tham gia Lễ Monlam ở Lhasa. Ban đầu ĐCSTQ muốn ông chỉ trích Đạt Lai Lạt Ma, nhưng không ngờ, Đức Ban Thiền Lạt Ma đột nhiên đề xuất rằng Tây Tạng có quyền độc lập, và kêu gọi độc lập cho Tây Tạng. Đồng thời ngài còn ủng hộ và ca ngợi Đạt Lai Lạt Ma, nói rằng Đạt Lai Lạt Ma Lạt Ma là Nhà lãnh đạo Tây Tạng thực sự của người dân và ngài "chúc Đạt Lai Lạt Ma trường thọ".

Những gì Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã làm khiến ĐCSTQ vô cùng tức giận. Ngài bị giam giữ ngay tại chỗ và mất tích sau 7 ngày liên tiếp bị thẩm vấn. Sau đó, ngài đã bị mất tự do trong một thời gian dài.

Từ ngày 18 tháng 9 đến ngày 4 tháng 11 năm 1964, trong cuộc họp mở rộng lần thứ bảy của Ủy ban trù bị của Khu tự trị Tây Tạng, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã bị chỉ trích nặng nề và bị buộc tội "chống nhân dân, chống chủ nghĩa xã hội, và âm mưu nổi loạn." Vì Ban Thiền Lạt Ma không chịu thỏa hiệp nên ngài bị coi là có "thái độ xấu" và "không chịu cải tạo". Tại cuộc họp, các “đại diện nông nô được đổi đời” “đầy nước mắt” cáo buộc Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 “đàn áp và bóc lột nông nô một cách dã man” và “phạm những tội ác ghê tởm”, đồng thời chỉ trích ngài là “một trong những chủ nô phản động lớn nhất”. Sau đó, cuộc họp đã chỉ trích "bè lũ phản quốc của Ban Thiền Lạt Ma" và cáo buộc Ban Thiền Lạt thứ 10 âm mưu "phản bội tổ quốc" và đòi "độc lập của Tây Tạng", v.v.

Trong khi cuộc họp diễn ra, nhà của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã bị lục soát, và một số lượng lớn các quẻ bói, được coi là bằng chứng cho việc "tấn công đảng", "chửi rủa Đảng Cộng sản và nguyền rủa Mao Chủ tịch". Kể từ đó, hàng loạt chức vụ của ngài bị thu hồi.

Cuối năm 1964, theo lệnh của Chu Ân Lai, Ban Thiền Lạt Ma phải rời khỏi Tây Tạng đến Bắc Kinh.

Bị cầm tù 10 năm trong Đại Cách mạng Văn hóa

Vào cuối tháng 8 năm 1966, sau khi Đại Cách mạng Văn hóa nổ ra, những kẻ thuộc phái tạo phản của Đại học Dân tộc Trung ương đã đột nhập vào nơi ở của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 ở Bắc Kinh, trói và đưa ngài đến trường Đại học Dân Tộc Trung Ương để tổ chức một buổi đấu tố lớn. Nhóm người này đã thành lập những tổ chức như "Trạm liên lạc đấu tố Ban Thiền Lạt Ma", "Bộ chỉ huy đấu tố Ban Thiền Lạt Ma" để tiến hành đấu tố ngài. Tại đây Ban Thiền Lạt Ma đã bị tra tấn về thể xác. Những tội danh dùng để đấu tố gồm có lạm dụng và đánh đập bảo mẫu tại nhà, thích đàn ông, v.v.

Trong cuốn "Ký ức Tây Tạng" của nhà văn Tây Tạng Woeser, hai thanh niên Tây Tạng nhớ lại cảnh tượng buổi đấu tố Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 ở Bắc Kinh. Trát Nguyên lúc đó đang giảng dạy tại Trường Cán bộ Chính trị Trung ương, cho biết: Năm 1966, Hồng vệ binh Tây Tạng ở Bắc Kinh đến nhà Ban Thiền Lạt Ma, và đưa cả nhà của Ban Thiền Lạt Ma đến Đại học Dân tộc Trung ương để tổ chức buổi đấu tố. Tóc của em dâu Bạch Ương đã bị Hồng vệ binh cắt thành một mớ hỗn độn. Ngay khi Ban Thiền Lạt Ma bước ra khỏi xe, Hồng vệ binh tràn lên, lúc đầu xô đẩy, sau đó nhanh chóng biến thành đấm đá. Hồng vệ binh dùng thắt lưng đánh Ban Thiền Lạt Ma, thậm chí còn làm đứt cả khóa sắt trên thắt lưng, Ban Thiền Lạt Ma rất ngoan cường, không nói gì cả. Bởi vì trời nóng, cả đầu ngài đầy mồ hôi. Bọn họ đấu tố ngài suốt cả ngày.

Mễ Mã Tắc, là một sinh viên của Đại học Dân tộc Trung ương, nhớ lại việc đấu tố Ban Thiền Lạt Ma trong Nhà thi đấu Bắc Kinh. Tôi nhớ rằng Ban Thiền Lạt Ma vẫn còn mặc một bộ trang phục Tây Tạng bằng lụa vàng, trông rất uy nghiêm. Sau khi bị đấu tố, ngài bị đưa đến một dãy nhà một tầng trong Đại học Dân tộc trung ương, đem Ban Thiền Lạt Ma ra trưng bày cho công chúng một cách rất xúc phạm. Hồng vệ binh nhốt gia đình của Ban Thiền Lạt Ma mỗi người một phòng, mở cửa nhưng không cho người đi vào, chỉ được đứng ngoài xem. Mễ Mã Tắc nói: Có rất nhiều người đến xem Ban Thiền Lạt Ma, bởi vì họ rất hiếu kỳ. Trước đây họ chưa bao giờ thấy Phật sống. Ngài bị thị chúng công khai như vậy khoảng 1 tuần.

Vào tháng 2 năm 1968, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 lại bị bắt đi và bị giam trong Nhà tù Tần Thành dưới danh nghĩa "giám hộ biệt lập" trong gần 10 năm. Trong tù, mặc dù Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 không bị tra tấn về thể xác nhưng lại bị tra tấn về tinh thần. Người ta kể lại, bởi vì rào cản ngôn ngữ, trong 10 ngày nửa tháng, không ai nói với Ban Thiền Lạt Ma một câu nào. Điều này gần như đã khiến ngài phát điên.

Jampel Gyatso, dịch giả kiêm người viết tiểu sử của Ban Thiền Lạt Ma cũng cho biết: Ban Thiền Lạt Ma bị nhốt trong một phòng giam biệt lập trong nhà tù, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Sự tức giận và sợ hãi khiến ông nói huyên thuyên mỗi khi được thả ra ngoài hóng gió hoặc có người đến giao đồ ăn. Trong suốt 10 năm, Ban Thiền Lạt Ma không được gặp người thân và bạn bè. Ngài cũng không có cơ hội nói tiếng Tây Tạng. Ban Thiền Lạt Ma chỉ mới 28 tuổi khi bị cầm tù. Bởi vì ông vẫn còn trẻ nên mới có thể sống sót qua những năm tháng tàn khốc của thời Đại Cách mạng Văn hóa.

Nhưng nhà sư lỗi lạc 80 tuổi của Phật giáo Tây Tạng và là chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đại sư Sherao Gyatso, đã không đủ may mắn để sống sót qua Đại Cách mạng Văn hóa. Bị ảnh hưởng bởi "Thư 7 vạn chữ" của Ban Thiền Lạt Ma, ông đã bị điều từ Bắc Kinh về quê ở huyện Tuân Hóa, tỉnh Thanh Hải. Trong Cách mạng Văn hóa, ông bị đánh gãy chân và bị tra tấn đến chết trong tù vào năm 1968.

Ra tù và kết hôn

Sau khi Đại Cách mạng Văn hóa kết thúc vào tháng 10 năm 1977, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 được trả tự do, nhưng ngài vẫn bị quản thúc tại gia ở Bắc Kinh cho đến năm 1982. Ban Thiền Lạt Ma sống cuộc sống của một người bình thường. Vào tháng 6 năm 1978, được sự chấp thuận của Đặng Tiểu Bình, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 kết hôn với Lý Khiết, cháu gái của Đổng Kỳ Vũ, cựu chỉ huy của Quân đoàn 69. Sau khi kết hôn, họ có một người con gái. Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 là người duy nhất trong số các Ban Thiền Lạt Ma đã kết hôn.

Kể từ đó, vì mục tiêu tạo ra Mặt trận thống nhất, ĐCSTQ đã chọn Ban Thiền Lạt Ma lần thứ 10 làm phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc .

Năm 1982, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10, người đã xa Tây Tạng hơn 18 năm, đã trở lại quê hương. Một tuần sau, Ngài mở lại bảo tháp của Tu viện Trác Thập Luân Bố và 30.000 cư dân địa phương đã tham gia vào các nghi lễ liên quan. Ngôi chùa này từng lưu giữ di cốt của các đời Ban Thiền Lạt Ma từ đời thứ 5 đến đời thứ 9. Trong thời Đại Cách mạng Văn Hóa đã bị Hồng vệ binh đào ra vứt đi nhưng được người Tây Tạng tìm lại.

Chỉ trích ĐCSTQ và cái chết

Thật thú vị, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10, người vừa tuyên bố trung thành với ĐCSTQ ở Bắc Kinh, lại phát biểu trong cuộc họp nhóm của Đại hội Đại biểu Nhân dân vào ngày 28 tháng 3 năm 1987 rằng: “Năm 1958, tôi nghe nói ở Thanh Hải có một tài liệu của Đảng cho biết: ‘Chúng ta phải khơi mào phản loạn, trấn áp phản loạn, rồi trong quá trình bình phản, giải quyết triệt để vấn đề tôn giáo, sắc tộc’”.

Vào ngày 17 tháng 7, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 còn cho biết: "Khi chúng ta tập trung ở đây hôm nay, tự nhiên tôi nghĩ đến Đạt Lai Lạt Ma và đồng bào Tây Tạng ở nước ngoài. Họ xa quê hương, sống ở nước ngoài, rời bỏ quê hương, và chia tay đồng bào.Đó đâu phải là lòng yêu nước, người yêu dân tộc yêu đất nước không thể làm vậy. Là một người anh em cùng dân tộc, tôi luôn quan tâm đến hoàn cảnh của họ. Đặc biệt là đối với bản thân Đạt Lai Lạt Ma, vì tôi và ngài đều là đệ tử của Phật và là người nhận truyền thừa của giáo chủ Hoàng Giáo Tông Khách Ba. Ngài là bạn tốt của giáo hội, nên tôi càng quan tâm đến ngài hơn".

Vào ngày 8 và 9 tháng 2 năm 1988, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 tuyên bố rằng, vào tháng 10 năm 1987, cảnh sát đã nổ súng cảnh cáo vào đám đông đang bao vây đồn cảnh sát, dẫn đến thương vong. Điều này mâu thuẫn với tuyên bố chính thức của ĐCSTQ rằng không có ai bị giết.

Vào ngày 11 tháng 1 năm 1989, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tây Tạng đã trả lại cho Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 các tài liệu bị tịch thu từ nhà của Ban Thiền Lạt Ma vào những năm 1960, bao gồm các bản thảo và ảnh của "Thư 7 vạn chữ", ứng mộng lục, các quẻ dịch, v.v. Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã nói rằng: "Hãy nhìn xem, chính tôi đã viết và sửa lại bức thư ý kiến ​​này. Tôi đã dành rất nhiều tâm huyết để viết. Vào thời đấu tố, người ta nói rằng bức thư này do người này hay người kia viết, làm rất nhiều người bị oan sai”.

Vào ngày 23 tháng Giêng, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã tổ chức một hội nghị chuyên đề cho các đại diện từ các tỉnh khác nhau, để lắng nghe ý kiến ​​của họ về công việc ở Tây Tạng. Trong bài phát biểu của mình, ngài chỉ trích gay gắt chính sách Tây Tạng của ĐCSTQ. Ngài cho rằng 30 năm cai trị Tây Tạng của ĐCSTQ đã phải trả giá quá lớn cho sự phát triển, đồng thời chỉ ra rằng một số quan chức đã phạm nhiều sai lầm khi đối xử thô bạo đối với người dân Tây Tạng biểu tình lúc bấy giờ. Ngoài ra, ngài cũng bày tỏ trong các bài phát biểu trước công chúng rằng ngài "rất nhớ người giáo hữu của ngài là Đạt Lai Lạt Ma".

Có lẽ chính sự chỉ trích ngày càng mạnh mẽ của Ban Thiền Lạt Ma đối với lời nói và việc làm của ĐCSTQ đã khiến các quan chức cấp cao của ĐCSTQ ra tay sát hại ngài. Vào ngày 28 tháng 1, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đột ngột lâm bệnh khi đang chủ trì lễ khánh thành Bảo tháp Ban Thiền Lạt Ma ở Shigatse, và qua đời vào ngày hôm sau.

Lời kết

Sau khi Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 bị đầu độc, ĐCSTQ đã bỏ tù cậu bé là chuyển sinh của Ban Thiền Lạt Ma do Đạt Lai Lạt Ma chỉ định, đồng thời tự bổ nhiệm một Ban Thiền Lạt Ma mới. Rõ ràng, ĐCSTQ cần một Ban Thiền Lạt Ma ngoan ngoãn, chứ không phải một Ban Thiền Lạc Ma liên tục chỉ trích và từ chối làm con rối của ĐCSTQ. Tuy nhiên, những thủ đoạn lừa bịp của ĐCSTQ sẽ không thể lừa được những người dân Tây Tạng có đức tin. Người dân Tây Tạng sẽ tiếp tục trốn sang Ấn Độ để đi theo Đạt Lai Lạt Ma, đó là bằng chứng rất rõ ràng. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngày mà người Tây Tạng có quyền tự do tín ngưỡng sẽ chính là ngày mà ĐCSTQ tan rã.

Theo Lâm Huy - Epochtimes

Đức Nhân biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Dâng thư 7 vạn chữ, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 bị bỏ tù 10 năm và bị đầu độc chết