Đạo làm mẹ kế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ xưa tới nay, mẹ ruột thương con là chuyện thường tình, nhưng mẹ kế thương con mới là điều đáng nói, bởi trong hoàn cảnh ấy mới càng tỏ rõ đức hạnh của người phụ nữ.

Chữ “kế” trong từ “mẹ kế” đơn giản mang nghĩa là kế tiếp. Đây là từ để chỉ người phụ nữ trong mối quan hệ với con riêng của chồng và người vợ trước. Tuy vậy ngày nay, cụm từ này đã bị đưa vào một hàm nghĩa tiêu cực và trở thành quan niệm phổ biến rằng, mẹ kế là người xấu, là người đối xử bất công hoặc hãm hại con chồng. Thậm chí còn có câu ca dao rằng: Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng. Chính những điều không hay trong cuộc sống đã tạo thành một nghĩa mới kia. Nhưng trên thực tế, không phải người “mẹ kế” nào cũng xấu.

Lữ Khôn (Lu Kun) là một nhà văn, nhà tư tưởng nổi tiếng thời triều đại nhà Minh. Ông từng biên soạn cuốn sách "Khuê Phạm", trong đó viết về những quy phạm đạo đức mà nữ giới nên tuân theo. Cuốn sách đặc biệt nói về đạo làm mẹ. Theo tác giả, là mẹ ruột, điều quan trọng nhất là phải biết cách giáo dục con cái, không được chiều chuộng, dung túng cho con; còn nếu là mẹ kế, điều quan trọng nhất là nhân từ, yêu thương con chồng, chứ không phải ghét bỏ, đối xử thậm tệ.

Chuyện thời Chiến Quốc: Mẹ kế chọn chém đầu con ruột, cứu con chồng

Vào thời Tề Tuyên Vương nước Tề thời Chiến Quốc, một hôm trên đường xảy ra một trận đánh nhau chí tử, hai anh em đứng bên cạnh người chết, bị chính quyền nghi ngờ là hung thủ. Vì vậy, cả hai đã bị đưa về phủ quan để điều tra.

Trong cuộc thẩm vấn, người anh trai nói rằng là bản thân đã giết người, người em cũng nhận bản thân là kẻ sát nhân. Vị quan xét xử không thể đưa ra quyết định nên đã bẩm báo lên Tuyên Vương. Tề Tuyên Vương nói: “Nếu đều được miễn xá thì kẻ có tội cũng được tha; nếu đều bị kết án, tất nhiên sẽ làm hại người vô tội”.

Thế là vua sai người đến hỏi mẹ của họ xem ý kiến ​​của bà thế nào.

Người mẹ rơm rớm nước mắt trả lời: “Xin hãy giết người em”.

Vị quan được cử đến liền hỏi nguyên nhân, người mẹ nói: “Người em là con ruột của tôi, người anh là con trai vợ cũ của phu quân. Trước khi qua đời vì bệnh, phu quân dặn tôi phải đối xử tốt với con trai cả, đã hứa thì phải giữ lời, làm sao tôi có thể quên được? Nếu tôi chọn giết anh cứu em, ấy là hành vi bội nghĩa; nói lời mà thất tín, ấy là lừa dối người đã khuất".

Người mẹ vừa nói vừa khóc, nước mắt rơi thấm đẫm vạt áo. Rõ ràng, dù trong lòng bà không muốn từ bỏ đứa con trai dứt ruột đẻ đau, nhưng bà vẫn nén đau thương vì giữ lời hứa và vì chính nghĩa.

Sau khi quan sai thuật lại câu trả lời của người mẹ cho Tề Tuyên Vương, vua vô cùng cảm động và quyết định tha cho cả hai anh em, và tôn xưng người mẹ của họ là "nghĩa mẫu".

Nhà văn Lữ Khôn bình luận rằng, thông thường những người mẹ kế thường coi con riêng của chồng như kẻ thù, bởi vì con riêng không chỉ lớn tuổi hơn con đẻ của mình, mà còn được chia tài sản trong gia đình. Ngoài ra, mẹ kế còn phải lo xem liệu con trai mình có bị thiệt hại vì tranh chấp lợi ích trong nhà hay không. Cho nên, cho dù con chồng có hiếu thuận, cung kính đến mấy, mẹ kế cũng không nhất định có thể thấu hiểu tấm lòng của họ, huống chi nguyện ý hy sinh tính mạng của con trai mình để cứu con vợ trước của chồng? Vậy nên, một người mẹ kế đại nghĩa như trên không chỉ là hiền thê, mà còn là từ mẫu, dù hàng trăm, hàng ngàn năm đã trôi qua nhưng câu chuyện vẫn có thể khiến người ta nghe mà rơi lệ.

Mẹ kế con chồng tranh nhau nhận tội, lòng nhân nghĩa cảm hóa quan phủ

Năm Nguyên Đỉnh thứ 6 (năm 111 TCN), Hán Vũ Đế bình định nước Nam Việt của Triệu Đà, sau đó vượt biển chinh phục đảo Hải Nam. Năm sau đó thành lập các quận Chu Nhai và Đam Nhĩ trên đảo.

Một năm nọ, vị quan đứng đầu Chu Nhai, gọi là Chu Nhai Lệnh qua đời. Vợ sau của ông mang theo đứa con trai 9 tuổi (con đẻ của bà), và cô con gái 13 tuổi tên là Sơ (con của người vợ trước) đi theo linh cữu trở về quê nhà. Hải Nam là vùng đất rất giàu ngọc trai, vợ sau của Chu Nhai Lệnh cũng là người thích đeo vòng ngọc trai. Tuy nhiên, theo luật lệ thời bấy giờ, những người mang vòng ngọc trai vào đất liền sẽ bị xử tử, vì vậy trước khi quay trở về bà đã vứt bỏ tất cả số ngọc trai ấy.

Tuy nhiên, đứa con trai 9 tuổi của bà không biết luật kia, vì cũng thích ngọc trai nên cậu đã nhặt lại những viên ngọc trai ấy và cho vào hộp đựng đồ trang điểm của mẹ. Không ai trong gia đình biết chuyện này.

Khi cả đoàn người đến trạm kiểm soát, lính canh lục soát hành lý như thường lệ, và tìm thấy 10 viên ngọc trai trong hộp đựng đồ của người mẹ. Vị quan trấn giữ cửa khẩu liền hỏi họ: “Ai sẽ chịu tội này?”.

Cô con gái tên Sơ nhìn quanh, trong lòng nghĩ rằng số ngọc trai đó là do mẹ kế bỏ vào hộp, vì không nỡ để em trai còn nhỏ tuổi mà mất mẹ nên cô đã đứng ra nhận tội. Sơ nói rằng, sau khi mẹ kế vứt đi, cô đã nhặt lại và bỏ vào hộp, mẹ kế không hay biết việc này.

Mẹ kế nghe Sơ nói vậy liền bước tới hỏi rốt cuộc là chuyện gì, Sơ vẫn lặp lại những lời trên. Mẹ kế thì lại cho rằng những gì Sơ nói đều là sự thật, nhưng trong lòng bà cũng không nỡ để con phải chịu tội, bèn nói với vị quan:

"Khẩn cầu ngài chờ một chút, đừng vội viết bản án. Con gái tôi thực sự không biết nội tình. Trước kia tôi đeo chuỗi hạt châu này, sau khi chồng tôi không may qua đời, tôi đã tháo ra và cho vào hộp. Bởi vì phải đưa linh cữu chồng về quê, đường đi lại dài, cả đoàn chúng tôi đều là những người chân yếu tay mềm, do quá bận rộn nên quên mất phải vứt chuỗi ngọc đi. Thế nên, tôi mới là người phải chịu trách nhiệm”.

Nghe những gì mẹ kế nói, cô con gái ở bên cạnh vẫn khăng khăng rằng cô đã làm điều đó. Người mẹ kế ngăn cản Sơ, khẳng định rằng bản thân mới là người có tội, bà vừa nói vừa khóc không thành tiếng. Sơ tiếp lời: "Phu nhân nói như vậy là vì thương con đã mất cha mẹ ruột, nhưng phu nhân thực sự không biết chuyện gì".

Sơ vừa nói vừa bắt đầu khóc, những người đi cùng cũng không kìm được nước mắt.

Vị quan đang soạn bản án cũng vô cùng xúc động, không viết được một chữ nào. Ông cúi đầu khóc một hồi, cuối cùng cũng không đành lòng xử tội, bèn nói: “Hai mẹ con có nghĩa như vậy, sao ta có thể phán tội được? Hơn nữa, hai người vì bảo vệ đối phương mà tranh nhau giành chết, làm sao biết được là ai đã làm?".

Sau đó, quan sai hạ lệnh vứt trân châu đi và để cho đoàn người thông quan. Về sau, mọi người mới biết rằng chính cậu con trai đã làm.

Những người nghe được sự việc này đều ca ngợi mẹ kế và con gái riêng của chồng là những người chính nghĩa. Nhà văn Lữ Khôn cũng cảm thán: "Đây là mối quan hệ tự nhiên nhất giữa con người và con người, là lý của Trời, có thể khiến quỷ thần đều khóc, có thể xuyên qua vàng đá, có thể cảm hóa đạo tặc…”.

Những người nghe được sự việc này đều ca ngợi mẹ kế và con gái riêng của chồng là những người chính nghĩa. (Tranh Epoch Times)

Mẹ kế nhân từ, làm cảm động con chồng

Lý Mục Khương là vợ thứ hai của Trình Văn Củ, người Hán Trung, sống ở cuối thời Đông Hán. Bà có hai con trai, con cả tên là Trình Hoài, con thứ tên là Trình Cơ. Vợ cũ của Trình Văn Củ để lại bốn người con trai tên là Trình Hưng, Trình Đôn, Trình Cận, và Trình Dự.

Sau đó, Trình Văn Củ qua đời khi đang giữ chức Huyện lệnh huyện An Chúng (nay là phía đông huyện Đặng, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), Lý Mục Khương phải gánh vác trách nhiệm nuôi dạy sáu người con trai. Bốn anh em Trình Hưng cảm thấy rằng Lý Mục Khương không phải là mẹ ruột của mình, bà nhất định sẽ không đối xử chân thành với họ, vì vậy họ luôn chống đối bà và không chịu nghe lời. Lý Mục Khương không những không nặng lời với họ mà ngược lại còn yêu thương và nhân từ với họ hơn. Chi tiêu cho việc ăn uống, quần áo, nhà ở và đi lại của bốn anh em Trình Hưng đều nhiều hơn hai người con ruột của bà.

Có người cảm thấy bất bình thay Lý Mục Khương, bèn hỏi bà: "Bốn đứa con riêng của chồng bà thật quá đáng, tại sao bà vẫn tốt với chúng như vậy?".

Lý Mục Khương trả lời: "Chúng không có mẹ ruột, nhưng con trai tôi thì có. Giả sử con trai tôi bất hiếu, thân làm mẹ sao nỡ lòng bỏ rơi chúng được?".

Một ngày nọ, người con cả Trình Hưng lâm bệnh nặng, Lý Mục Khương đích thân đun thuốc bón cơm, chăm bẵm chu đáo, nên bản thân bà cũng ngày càng gầy yếu, phờ phạc. Trình Hưng chứng kiến tất cả những điều này, trong lòng anh vô cùng cảm động.

Sau khi khỏi bệnh, Trình Hưng nói với ba người em trai của mình: "Lòng nhân từ của mẹ kế là tính trời sinh. Anh em chúng ta không biết ơn nuôi dưỡng của mẹ thì chúng ta không bằng loài cầm thú. Tội của chúng ta quá nặng".

Thế rồi, bốn anh em trai cùng đi tới nha huyện, họ thuật lại đức hạnh của mẹ kế, kể lại tội lỗi của mình và cầu xin hình phạt.

Do không thể quyết định được, Huyện lệnh đã bẩm báo lên Quận thú. Quan Quận thú đã ra lệnh treo biển để tuyên dương Lý Mục Khương, miễn lao dịch cho gia đình họ, và khuyến khích bốn người con trai tự mình cải chính.

Sáu người con trai của Lý Mục Khương sau này đều trở thành những người con hiếu thảo, và năm người trong số họ được châu và quận tiến cử làm quan vì có phẩm hạnh đoan chính. Trình Cơ, con trai thứ hai của Lý Mục Khương, sau này là Thái thú Nam Quận.

Lý Mục Khương hiền thục, nhân đức, bà sống đến hơn 80 tuổi. Trước khi qua đời, bà nói với các con: "Cậu Lý Bá Độ của các con là một người rất có học vấn, cậu chủ trương chôn cất đơn giản. Các con nên nghe theo lời dạy của cậu, đừng làm theo tục quán, khiến tâm lý mẹ tăng thêm gánh nặng”.

Cuối cùng, không có người con trai nào làm trái ý nguyện của bà.

Theo Lưu Hiểu - Epochtimes

Nam Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đạo làm mẹ kế