Dòng dõi võ công hiển hách, hoàng đế 'tế thế an dân'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Triều đại thịnh vượng nhà Đường có một nền văn hóa xán lạn, là thời đại hoàng kim trong lịch sử Trung Hoa. Người đặt nền móng cho thời kỳ thịnh trị ấy là một bậc vĩ nhân – Đường Thái Tông Lý Thế Dân. 

Các nước phương Tây gọi những khu phố Tàu nơi người Hoa sinh sống là “China Town”. Nhưng tên gọi của China Town trong tiếng Hán lại là “Đường Nhân Nhai” (phố người Đường). Người Trung Quốc đi bất cứ đâu vẫn coi mình là hậu duệ Đại Đường, và trong mắt họ, Đường triều là thời kỳ hoàng kim rực rỡ nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Đại Đường rộng lớn như biển nạp trăm sông, khí độ khoáng đạt, huy hoàng vô tỉ, cường thịnh vô cùng, uy danh vang xa tứ hải, được hậu thế truyền tụng, vạn quốc kính nể. Đó quả thực là một triều đại thịnh vượng xưa nay chưa từng có, vượt xa mọi thời kỳ phát triển trong lịch sử của văn minh Hoa Hạ.

Khai sáng thời đại thịnh thế ấy chính là Hoàng đế Đường Thái Tông. Bài viết dưới đây sẽ kể câu chuyện về gia tộc của ngài.

Mẫu thân hoàng đế: Bậc nữ tử phi phàm

Lịch sử sau thời Tam Quốc được gọi là “Ngụy Tấn Nam Bắc triều”. Tại phía bắc Trung Quốc có “Ngũ Hồ thập lục quốc”. Ngũ Hồ là chỉ năm dân tộc thiểu số, gồm có Hung Nô, Yết, Tiên Ti, Đê và Khương. Các dân tộc này thành lập 16 quốc gia, trong đó có một tiểu quốc do tộc người Tiên Ti kiến lập là Bắc Chu quốc. Vị quân chủ kiến lập Bắc Chu tên là Vũ Văn Thái, sinh được một người con gái là Tương Dương trưởng công chúa, sau này gả cho Đậu Nghị. Đậu Nghị là một trong tám vị đại thần quyền uy nhất trong triều, làm quan tới chức Thượng trụ quốc. Năm 569, Tương Dương trưởng công chúa sinh cho Đậu Nghị một người con gái, gọi là Đậu Thị.

Đậu Thị vừa sinh ra tóc đã xòa xuống cổ, lên 3 tuổi tóc dài đến gót chân, trông rất mực xinh đẹp. Cậu của nàng là Bắc Chu Vũ Đế vô cùng yêu quý cô cháu gái đáng mến này, khi Đậu Thị còn nhỏ ông đã đưa nàng vào cung chăm sóc. Vì thế, Đậu Thị từ nhỏ đã học rộng biết nhiều, tri thức vô cùng uyên thâm.

Hoàng hậu của Bắc Chu Vũ Đế là A Sử Na Thị, công chúa nước Đột Quyết, cuộc hôn nhân giữa họ không xuất phát từ tình yêu, mà là vì mục đích chính trị. Thực tế, Bắc Chu Vũ Đế rất thờ ơ lạnh nhạt với hoàng hậu. Lúc ấy Đột Quyết là một đại quốc hùng mạnh ở phương bắc, có ý nghĩa chiến lược trọng yếu, vì thế vương triều Bắc Chu mới kết thông gia với hoàng thất của Đột Quyết. Cuộc hôn nhân giữa Vũ Đế và A Sử Na Thị sẽ quyết định mối liên minh chính trị giữa hai nước. Mặc dù vậy, hoàng đế vẫn cố chấp làm theo ý mình, vẫn tỏ ra xem thường hoàng hậu. Các đại thần thấy vậy nhưng không ai dám khuyên nhủ, chỉ còn cách nghị luận sau lưng.

Tiểu cô nương Đậu Thị vốn là cô bé thông minh lanh lợi, nàng không ngại khuyên nhủ Hoàng đế: “Bốn bề vẫn chưa an định, chỉ có Đột Quyết là mạnh hơn cả, cháu mong cậu kìm nén tình cảm cá nhân để vỗ về hoàng hậu, lấy muôn dân trăm họ làm trọng. Nếu được Đột Quyết trợ giúp thì Giang Nam và Quan Đông sẽ không thể gây họa cho chúng ta được”.

Chính là nói, ngài nên quan tâm đến hoàng hậu, ức chế tình cảm của bản thân, như thế mới có thể có được sự trợ giúp của Đột Quyết. Khi ấy ngài mới có thể đối phó với Nam Trần ở Giang Nam và Bắc Tề ở Quan Đông. Bắc Chu Vũ Đế nghe lời khuyên của cháu gái, từ đó thay đổi cách ứng xử với hoàng hậu.

Bắc Chu có một võ tướng nổi tiếng với biệt danh “nhất tiễn song điêu” (một mũi tên trúng hai đích) tên là Trưởng Tôn Thịnh. Ông là vị tướng vô cùng uy dũng thiệt chiến, đã đóng góp nhiều công lao trong việc giữ quan hệ giao hảo giữa Bắc Chu và Đột Quyết. Sau khi nghe câu chuyện về Đậu Thị, ông đã hết lời khen ngợi cô gái nhỏ thông minh xuất chúng này. Ông nói: “Cô bé này bất phàm như thế, chúng ta nên kết thông gia với nhà họ”. Hơn 20 năm sau, con gái của Trưởng Tôn Thịnh quả nhiên trở thành con dâu của Đậu Thị, và đó là một câu chuyện khá thú vị sau này.

隋文帝杨坚(图片:〔唐〕阎立本绘,波士顿美术博物馆藏)
Tùy Văn Đế Dương Kiên(Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Boston)

Năm 578, Bắc Chu Vũ Đế băng hà, con trai của ông lên kế vị, xưng là Tuyên Đế, phong con gái lớn của Tùy quốc công Dương Kiên làm hoàng hậu. Sau này Tuyên Đế băng hà và truyền ngôi cho con trai là Tĩnh Đế. Khi ấy Tĩnh Đế vẫn còn là đứa trẻ, ông ngoại của cậu là Dương Kiên lên làm đại thừa tướng phò trợ cho tiểu hoàng đế. Năm 581, Dương Kiên ép cháu ngoại phải nhường ngôi cho mình và tự xưng là Tùy Văn Đế. Tùy Văn Đế lấy niên hiệu Khai Hoàng, lập ra Đại Tùy. Sau khi đoạt hoàng vị của cháu ngoại, vì để tránh hậu hoạn Dương Kiên đã “nhổ cỏ tận gốc”, giết rất nhiều người trong hoàng tộc Bắc Chu.

Đậu Thị chứng kiến đại kiếp nạn của gia đình nhà cậu, nàng vô cùng phẫn uất nói: “Chỉ hận ta không phải nam nhi, không thể cứu được nhà cậu khỏi nạn này”. Đậu Nghị vội vàng che miệng con và nói: “Con chớ nói xằng, nếu không sẽ gây họa diệt cả gia tộc nhà ta đó”. Tuy nhiên, câu nói ấy đã toát lên hào khí anh hùng của tiểu cô nương Đậu Thị.

Lịch sử như một vở kịch, sau này chồng và con trai của Đậu Thị đã đoạt lấy triều Tùy mà Dương Kiên kiến lập, ứng với lời thề của nàng năm xưa.

Khi Đậu Thị mười tám đôi mươi, nàng vô cùng xinh đẹp mỹ lệ, tính cách rộng rãi hào phóng. Các vương tôn công tử thuộc danh gia vọng tộc và những người mến mộ nàng đều lũ lượt kéo đến cầu hôn. Cha của nàng là Đậu Nghị đặt một tấm bình phong ở giữa sân, trên đó vẽ hai con chim khổng tước. Đậu Nghị thách những người đến cầu hôn: Ai có thể đứng ngoài cửa mà bắn trúng vào mắt hai con khổng tước này thì ta sẽ gả con gái cho. Rất nhiều trai tráng thấy vậy đành giũ tay ra về, duy chỉ có một trang nam tử dám bước lên phía trước, hai tay kéo căng cây cung, mũi tên lao đi vun vút, chỉ trong chớp mắt đã bắn trúng vào mắt hai con chim khổng tước. Vị trang nam tử này quả là bậc anh hùng thiện xạ khiến ai nấy đều trầm trồ ngưỡng mộ. Đây chính là câu chuyện “Tước bình trạch tế” (bình phong chim công kén rể) nổi tiếng trong lịch sử.

Vậy chàng trai may mắn ấy là ai? Đó chính là Lý Uyên, cha của Đường Thái Tông sau này.

Phụ thân hoàng đế: Bậc võ dũng hơn người

Trong 200 năm từ cuối thời Tây Tấn đến triều đại nhà Tùy, tại nơi mà ngày nay là huyện Vũ Xuyên nằm ở phía tây bắc thành phố Hồi Hột, Nội Mông Cổ, từng là một trấn quân sự quan trọng nơi biên ải thời Bắc Triều. Tuy chỉ là một trấn quân sự nhỏ, nhưng đó là nơi phong thủy bảo địa đã sinh xuất ra 5 vị hoàng đế trong lịch sử Trung Hoa. Chàng trai trẻ “tước bình trạch tế được giai nhân” ấy tên là Lý Uyên.

Dòng họ Lý là hậu duệ của Phi tướng quân Lý Quảng thời nhà Hán. Ông tổ của Lý Uyên là Lý Hi định cư ở trấn Vũ Xuyên, là đồng hương của các hoàng tộc thời Hậu Chu và triều Tùy. Ông nội của Lý Uyên là Lý Hổ, là khai quốc công thần của Tây Ngụy, được phong làm Thái úy, làm quan đến chức Thượng thư Tả bộc xạ, tước vị là Lũng Tây Quận công.

Sau này Bắc Chu thay thế nhà Tây Ngụy, Lý Hổ cũng qua đời, con trai Lý Hổ là Lý Bính kế thừa tước vị của cha, trở thành đại tướng quân, đổi phong hiệu thành Đường Quốc công. Con trai của Lý Bính là Lý Uyên, được tiếp nối phong hiệu Đường Quốc công của cha. Sau này, chữ “Đường” ấy đã trở thành quốc hiệu của nhà Đường. Trong truyền thuyết, đất Đường cũng nơi bộ lạc Đế Nghiêu cư trú, lịch sử gọi là “Đường Nghiêu”. Địa phương này chính là tỉnh Thái Nguyên ngày nay, là nơi sinh ra rất nhiều bậc Thánh nhân trong lịch sử.

Dòng họ Lý là một gia tộc thượng võ, đứng trong hàng ngũ quý tộc ở Tây bộ Quan Lũng. Quan Lũng là địa khu Cam Túc, Thiểm Tây ngày nay. Lúc ấy có tám đại quý tộc hiển hách được gọi chung là “tập đoàn quân sự Bát trụ quốc” nhà Tây Ngụy.

Mẹ của Lý Uyên là Độc Cô Thị, xuất thân trong danh gia vọng tộc, thân phận cao quý. Chị của bà là Minh Kính hoàng hậu của Bắc Chu Minh Đế, còn em gái bà là Văn Hiến hoàng hậu của Tùy Văn Đế. Do đó Lý Uyên là anh em họ với Tùy Dạng Đế, là bậc hoàng thân quốc thích nhà Tùy.

Năm 16 tuổi Lý Uyên đảm nhậm chức “Thiên ngưu bị thân”, tức võ quan cấm vệ của hoàng đế. Vị hoàng đế này không ai khác chính là người cậu của ông – Tùy Văn Đế.

Chức vụ “Thiên ngưu bị thân” có ý nghĩa như thế nào? Thông thường, các võ sĩ cảnh vệ của nhà vua phải mang theo bên mình một thanh bảo đao, tên gọi của thanh bảo đao này là “Thiên ngưu”. Vì sao gọi là “Thiên ngưu”? Do bảo đao sử dụng chất liệu đặc biệt và chế tác bằng kỹ thuật đặc thù, nên cho dù chém hàng ngàn đầu trâu cũng không mất đi độ sắc bén, thế nên mới gọi là “Thiên ngưu”.

“Thiên ngưu bị thân” là một chức vị rất quan trọng. Người nắm giữ vị trí này cần phải là bậc thân tín của hoàng đế, hơn nữa phải có võ công cao cường, dung mạo khôi ngô, dáng vẻ đường hoàng. Lý Uyên có đầy đủ tất cả đặc điểm này.

Dưới thời Tùy Văn Đế, Lý Uyên làm Thứ sử Tiều Châu, Lũng Châu, Kỳ Châu, ngoài ra ông còn làm Thái thú quận Huỳnh Dương và một chức vụ quan lại tại địa phương. Đến năm 613, Lý Uyên được thăng lên làm Tứ phẩm Vệ úy Thiếu khanh, quản lý quân trang và binh khí trong kinh thành.

Tuy nhiên, Tùy Dạng Đế Dương Quảng lại không coi trọng người em họ Lý Uyên này. Thấy Lý Uyên giỏi kết giao hào kiệt, Dương Quảng lại càng đố kỵ, nghi ngờ. Lý Uyên thích ngựa, nuôi rất nhiều ngựa quý trong nhà, Dương Quảng biết được và cảm thấy rất khó chịu. Vợ của Lý Uyên là phu nhân Đậu Thị tinh ý phát hiện ra, bà bèn khuyên chồng tặng cho Dương Quảng con ngựa quý nhất của mình, như vậy mới khiến ông ta vui lòng.

Lý Uyên luôn cảm kích trước trí thông minh và sự hy sinh hết lòng của vợ, nếu không có bà thì tiền đồ quan lộ của ông đã gặp rất nhiều gian hiểm.

Sau khi kết hôn, Đậu Thị sinh cho Lý Uyên bốn người con trai và một người con gái. Bốn người con trai lần lượt là Lý Kiến Thành, Lý Thế Dân, Lý Huyền Bá, Lý Nguyên Cát. Nhị lang Lý Thế Dân chính là đứa con tâm huyết nhất của bà.

Khi hoàng đế giáng sinh: Hai rồng nghênh đón

Trên đường theo chồng đến Lũng Châu nhậm chức, phu nhân Đậu Thị từng trú tại một công quán ở huyện Võ Công, Thiểm Tây. Tòa công quán nằm ở thôn Kiến Tử Câu, khu Dương Lăng, gần chùa Ân Nghĩa. Kỳ thực đó là một hang động, cũng là nơi Lý Thế Dân chào đời.

Vào ngày Mậu Ngọ, tháng 12 năm Khai Hoàng thứ 18 của nhà Tùy (tức ngày 23 tháng 1 năm 599), phu nhân Đậu Thị đã sinh hạ đứa con trai thứ hai, sau này đặt tên là Lý Thế Dân. Cậu bé này rất đặc biệt, lặng lẽ từ bụng mẹ sinh ra, không quấy cũng không khóc.

“Cựu Đường Thư - Thái Tông Thượng” ghi chép: “Lúc ấy có hai con rồng chơi đùa ngoài cửa quán, ba ngày mới rời đi”.

Thiên Thượng ban điềm lành, dùng phương thức thần kỳ để chiếu cáo thiên hạ: Chân long Thiên tử đã giáng phàm! Vợ chồng Lý Uyên khi hay tin đều không khỏi vui mừng, nhưng cũng lo sợ thiên cơ bất khả lộ, nên đã khuyên mọi người trong nhà nên nhẹ nhàng khẽ tiếng, không được khoe khoang ra bên ngoài.

Quyển thứ nhất của “Văn sử tư liệu huyện Võ Công” chép rằng:

“Người trong thôn gọi đó là Đường Vương Động, vì là nơi Đường Thái Tông xuất sinh. Tấm biển gỗ treo ở động có một mặt in hình huyện trưởng huyện Võ Công tên là Ôn Nhi, vào năm Dân Quốc thứ 33 ông đã cầm trong tay cuốn sách “Thái Tông huyền hồ xứ”. Tương truyền, cây cột buộc ngựa ở bên ngoài chùa Ân Nghĩa là nơi Thái Tông từng buộc ngựa, cây không cành không lá, hơn ngàn năm vẫn không mục nát, hình dáng rất kỳ lạ khác thường”.

后来成为唐高祖的李渊(图片:国立故宫博物院藏)
Đường Thái Tổ Lý Uyên(Ảnh: Bảo tàng Cố cung Quốc gia - Đài Loan)

Năm 603 khi Lý Uyên được điều đến Kỳ Châu làm thứ sử, một vị thư sinh đến thăm nhà Lý Uyên. Người này vốn có thuật xem tướng, vừa nhìn thấy cậu bé 4 tuổi Lý Thế Dân liền nói: “Mặt mũi như rồng phượng, tướng mạo như mặt trời, cậu bé này đến 20 tuổi tất sẽ có thể tế thế an dân”. Điều này đã tiết lộ rằng nhị lang tương lai sẽ vô cùng xuất sắc, nói không chừng còn có thể làm hoàng đế! Lời này nếu truyền rộng ra ngoài, chẳng phải sẽ mắc họa diệt tộc sao? Lý Uyên cho rằng thiên cơ bất khả lộ, liền lập tức phái người đi bắt vị thư sinh kia, nhưng đi khắp nơi vẫn không thể tìm ra tung tích. Lý Uyên tin rằng đó chính là Thần nhân, là Thần đã cho ông biết thiên cơ! Sau đó vợ chồng Lý Uyên đã đặt tên cho đứa con này là Lý Thế Dân, ý nghĩa là “tế thế an dân”.

Trước khi sinh Thế Dân, Lý Uyên đã có một cậu con trai tên là Kiến Thành. Từ khi nhị lang ra đời, hai vợ chồng vô cùng vui mừng. Phu nhân Đậu Thị giỏi về thư họa, thường ngày vẫn luôn dẫn theo nhị lang, chỉ bảo cậu đọc sách, viết chữ, kỳ vọng cậu bé sẽ trở thành bậc dũng tướng văn võ song toàn, sau này có thể gánh vác trách nhiệm lớn lao “tế thế an dân”.

Vào năm Đại Nghiệp thứ 9 thời Tùy Dạng Đế (năm 613), phu nhân Đậu Thị qua đời ở Trác Quận (nay là Trác Châu, Hà Bắc), hưởng thọ 45 tuổi. Bà được an táng tại Võ Công Biệt Nghiệp bến Vị Thủy. Sau khi nhà Đường làm chủ thiên hạ, bà được truy thụy hiệu “Thái Mục hoàng hậu”. Mộ của bà được gọi là Thọ An Lăng. Sau khi Lý Uyên qua đời, bà được chuyển đến hợp táng cùng ông ở Hiến Lăng tại Tam Nguyên.

Đậu Thị từng sinh sống tại huyện Võ Công và có rất nhiều ký ức đẹp nơi đây. Dưới đây là một bài thơ do chính tay bà sáng tác:

Thơ viết:

“Tất thủy thanh, Vị thủy minh,
Lưỡng thủy hội lưu lượng như tinh

Tả ngạn hòe, hữu ngạn liễu,
Vị hà phiêu hành thuyền kỷ sưu

Tướng công nả tri ngô gia mỹ,
Chỉ hữu cư trụ tài minh bạch”.

Tạm dịch:

Sông Vị sáng, sông Tất trong,
Hai sông hội tụ sáng một dòng.

Bờ trái hòe, bờ phải liễu,
Vài chiếc thuyền sông Vị thong dong.

Tướng công nào biết nhà ta đẹp,
Chỉ khi cư trú mới tỏ tường
.

Sau này khi trở về thăm ngôi nhà cũ, Hoàng đế Đường Thái Tông cũng đề thơ rằng:

Lục nhất – Quá Võ Công cựu trạch

Tân phong đình thúy liễn, Tiều ấp trú minh già
Viên hoang nhất kính đoạn, Đài cổ bán giai tà
Tiền trì tiêu cựu thủy, Tích thụ phát kim hoa
Nhất triêu từ thử địa, Tứ giải toại thành gia

Tạm dịch:

Lục nhất – Qua ngôi nhà cũ ở Võ Công

Xe ngọc đỗ Tân Phong
Tiều Ấp tiếng kèn vang

Vườn hoang lối mòn đứt
Đài cổ nửa thềm nghiêng

Ao trước nước xưa cạn
Cây xưa nở hoa nay

Một mai đây từ giã
Bốn biển cũng thành nhà

Nơi hoàng đế xuất sinh: Mảnh đất truyền kỳ

Thôn Kiến Tử Câu, huyện Võ Công là nơi Đường Thái Tông Lý Thế Dân chào đời. Ngôi nhà cũ ở đó sau này đổi tên thành Khánh Thiện Cung, cũng được gọi là Võ Công Biệt Quán, hay Đường Vương Động. Gần đó có chùa Ân Nghĩa, đến nay người dân trong vùng đã xây một ngôi chùa mới để tưởng nhớ Thái Tông hoàng đế.

Hoàng đế Thái Tông sinh ra và lớn lên trên đất Võ Công, nơi đây có chùa Ân Nghĩa, động Đường Vương và cây thiêng “Khả Tầng Thụ”. Chúng ta hãy đến thăm những địa điểm danh tiếng tại nơi này.

Ân Nghĩa tự

Theo ghi chép trong các tài liệu lịch sử, hơn 1400 năm trước, vào ngày 23 tháng 1 năm 599, Lý Thế Dân được sinh ra trong một hang động nhỏ ở thôn Kiến Tử Câu, huyện Võ Công, sau này được gọi là ‘Đường Vương Động’. Trong suốt 14 năm thơ ấu, thủy thổ nơi đây đã nuôi dưỡng ông, con người và văn hóa nơi đây đã hun đúc ông, tiếp thêm cho ông sinh lực, tạo nền tảng nhân sinh cho ông trong những năm sau này.

Tại nơi Lý Thế Dân xuất sinh, mỗi năm vào ngày 23 tháng Giêng, trong lễ hội chùa Ân Nghĩa, người dân quanh vùng lại tiến hành các hoạt động lễ hội, như hát kinh kịch, múa sư tử, gõ chiêng cồng, rước đèn lồng, thắp hương và cúng tế. Người đến xem đông như trẩy hội, không khí vô cùng náo nhiệt. Trong lễ hội còn có nhiều hoạt động trao đổi mua bán các đặc sản vùng núi, hàng tạp hóa và gia súc, v.v. Rất nhiều người từ các vùng lân cận như Phù Phong, My Huyện, Chu Chí, Võ Công, Hưng Bình, Kiền Huyện... đều tập trung ở nơi đây.

Đường Thái Tông là một vị hoàng đế vĩ đại trong lịch sử Trung Hoa, một bậc minh quân văn thao võ lược, ông là người đặt nền móng cho Đại Đường thịnh thế. Những năm “Trinh Quán chi trị” đã đi vào thanh sử, danh tiếng vang xa khắp bốn bề. Nơi Thái Tông chào đời được giới sử học gọi bằng các tên như “Võ Công Cựu Trạch”, “Võ Công Biệt Quán”, “Khánh Thiện Cung”, “Đường Vương Động”. Đó là một hang động ngay cạnh chùa Ân Nghĩa, thôn Kiến Tử Câu, phố Lý Đài, khu Dương Lăng, huyện Võ Công, thành phố Hàm Dương.

“Võ Công huyện văn sử tư liệu” quyển thứ nhất, xuất bản năm 1985 chép rằng:

“Chùa Ân Nghĩa, thôn Kiến Tử Câu, cựu Thành Nam, huyện Võ Công, ở góc phía tây bắc trong chùa có một tiểu động, hương dân gọi là “Đường Vương Động”, là nơi Đường Thái Tông chào đời. Trên tấm biển gỗ treo ở động có một mặt in hình huyện trưởng huyện Võ Công tên là Ôn Nhi, đang cầm trong tay cuốn sách “Thái Tông huyền hồ xứ” vào năm Dân Quốc thứ 33. Cái cột buộc ngựa ở bên ngoài chùa Ân Nghĩa, tương truyền là cây Thái Tông từng buộc ngựa, không có cành lá, hơn ngàn năm vẫn không mục nát, hình dáng rất kỳ dị”.

Đường Vương Động

Đường Vương Động nằm ở gần thôn Kiến Tử Câu, phía đông nam trấn Dương Lăng, là nơi Đường Thái Tông chào đời.

Cha của Lý Thế Dân tên là Lý Uyên, là một vị quan trong triều đại nhà Tùy. Đương thời, Lý Uyên dẫn binh đồn trú tại khu vực Thành Kỷ, Lũng Tây. Ông phụng mệnh triều đình điều chuyển đến Sơn Tây, trấn thủ Thái Nguyên. Lý Uyên dẫn binh mã, mang theo gia quyến cấp tốc đi cả ngày lẫn đêm. Khi đoàn quân đến Quan Trung, Thiểm Tây, vợ của Lý Uyên là Đậu phu nhân đang mang thai. Vì phải di chuyển liên tục nhiều ngày liền, ăn ngủ dọc đường, nên bà đổ bệnh, việc đi lại càng lúc càng gian nan.

Vào giữa mùa đông năm 598, khi đoàn quân của Lý Uyên đến gần khu Dương Lăng thì trời đã khuya. Gió lạnh hiu hiu, tuyết rơi lả tả, cả trời đất là một màu xám xịt. Đậu phu nhân nằm ngồi không yên. Trong lúc mê man bà vén tấm rèm xe lên, bỗng một luồng gió lạnh ập vào khiến bà không khỏi rùng mình ớn lạnh, bụng đau âm ỉ. Lý Uyên đến bên an ủi, phu nhân liền ghé tai thì thầm nói: “Chàng là mệnh quan triều đình, việc quân trên thân, đừng làm lỡ đại sự, cứ để thiếp mai danh ẩn tính ở lại đây dưỡng bệnh sinh con”.

Lý Uyên nghe xong, trong tâm hồi hộp một hồi lâu. Người ta thường nói “cùng đường không bỏ bạn”, huống hồ là phu thê ân ái, làm sao có thể bỏ rơi đây? Ông nhất thời không biết thu xếp thế nào cho phải. Phu nhân hiểu tâm ý của chồng, bà khẩn khoản nói: “Thế sự có biến, lúc này sao có thể cùng một lúc chu toàn mọi việc đây. Vì dòng dõi nhà họ Lý và tương lai của tướng quân, chàng hãy nhanh chóng lên đường đi”.

Lý Uyên nhìn binh mã đang cấp tốc hành quân và bão tuyết rợp trời dậy đất, ông biết phu nhân nói có lý, nghĩ đi nghĩ lại cũng không còn cách nào, vậy nên ông đành gật đầu đồng ý.

Gió càng mạnh, tuyết càng thêm dữ dội, Lý Uyên dõi mắt nhìn đoàn quân vẫn hăm hở trên đường, ông nhíu mày muốn nói rồi lại ngập ngừng không dám nói. Đêm đã canh ba, tìm đâu một nơi an toàn cho phu nhân nghỉ lại đây? Trong lúc nước sôi lửa bỏng, ông đột nhiên nghe thấy tiếng chuông ngân nga từ đâu truyền đến, nơi ấy ánh sáng le lói lập lòe, ông vội dìu phu nhân tiến lên phía trước và gõ cửa xin tá túc qua đêm.

Thì ra đây là một tự viện, bên trong có hơn mười Đạo sĩ cùng ngụ tại đây. Một lão Đạo sĩ bước ra đón tiếp và mời phu nhân vào nghỉ trong nhà khách ở hậu điện. Lý Uyên muốn nán lại gửi gắm thêm vài câu, nhưng đột nhiên nghe thấy tiếng trống kèn inh ỏi, tiếng gươm đao xoang xoảng, ông phải vội vàng giục ngựa lên đường.

Vài ngày sau, bệnh tình của phu nhân đã có chuyển biến tốt, bà càng ngày càng có dấu hiệu sắp sinh. Nhưng trong tự viện chỉ có các Đạo sĩ, đến ngày đứa trẻ sinh ra thì phải làm sao đây? Các Đạo sĩ đưa mắt nhìn nhau, không khỏi lúng túng khó xử: Tướng quân vì để thiên hạ thái bình mà phải nam chinh bắc chiến, vậy chúng ta sao có thể đẩy phu nhân ra ngoài, bỏ mặc không chăm lo cho bà?

Sau một hồi bàn bạc, các Đạo sĩ quyết định đào một hang động ở vách núi phía sau tự viện. Hang động này kể cũng lạ kỳ, khi ngoài trời lạnh thì trong động lại ấm áp, khi ngoài trời nóng thì trong động lại mát mẻ. Hang động ấy sạch sẽ tinh tươm, bốn bề khô ráo, tại chỗ dựa vào cửa sổ kê một chiếc giường thổ kháng (là loại giường đắp bằng đất, bên dưới có lò sưởi ấm). Đậu phu nhân nghỉ ở đây, an lòng chờ đến ngày lâm bồn hạ sinh.

Một ngày nọ, khi trời đã về khuya, Đậu phu nhân ngồi trên giường, qua ánh đèn bập bùng bà cặm cụi sửa lại chiếc áo bông cũ để may thành bộ quần áo cho đứa con sắp sinh. Trong lúc bất cẩn, bà lỡ tay bị kim đâm chảy máu: “Ái...!”. Bỗng bà cảm thấy trong bụng khẽ chuyển động, càng lúc càng dữ dội. Bà vội nhờ đạo đồng đi mời Vương ma ma ở làng bên đến hộ sinh.

Đến khoảng canh năm, đèn hoa nhấp nháy, ánh đèn lập lòe nay lại càng sáng hơn. Đột nhiên từ trong động tỏa ra thứ hương thơm thanh khiết, thoang thoảng vô cùng dễ chịu. Đậu phu nhân nhễ nhại mồ hôi, may có Vương ma ma tiếp ứng, nhờ đó một sinh mệnh mới oe oe chào đời.

Lúc ấy trời vẫn còn chưa sáng, bên ngoài là một màu xám xịt. Tiếng khóc của đứa bé mới ra đời làm kinh động đến Vương Mẫu Nương Nương trên thiên đình. Nương Nương vội lệnh cho Thái Dương Thần ra nghênh đón. Chỉ một loáng, chân trời rực rỡ sắc màu, hào quang vạn trượng, sắc tía rực rỡ thăng lên làm tan băng tuyết. Bên ngoài động hoa tươi khoe sắc, chim hót líu lo. “Vương Mẫu ban thánh quang, anh nhi phi phàm”. Người ta hào hứng báo tin cho nhau, kể cho nhau nghe những chuyện truyền kỳ.

Vì để bảo hộ hai mẹ con được bình an, các Đạo sĩ đã đào một đường hầm rất dài từ trong động thông đến chùa Thượng Các ở trấn Võ Công. Nếu như có kẻ xấu mưu hại, trong lúc nguy cấp hai mẹ con có thể trốn thoát qua đường hầm này.

Sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông đã tự tay đề tên cho tự viện là “Ân Nghĩa Tự”. Ông dẫn theo các quan viên triều đình về thăm thôn Kiến Tử Câu, bày tiệc rượu thết đãi, quang cảnh thịnh vượng xưa nay chưa từng có. Từ đó người dân trong vùng gọi hang động nơi hoàng đế chào đời là “Đường Vương Động” (động vua nước Đại Đường), lưu truyền đến ngày nay.

唐太宗李世民(图片:唐代画作,国立故宫博物院藏)
Đường Thái Tông(Ảnh: Tranh vẽ thời Đường, Bảo tàng Cố cung Quốc gia - Đài Loan)

Khả Tầng Thụ

Gần Đường Vương Động có một cây cổ thụ, người ta gọi đó là “Khả Tầng Thụ”. Kể về lai lịch của cây có một truyền thuyết ấm lòng người.

Sau khi sinh Lý Thế Dân, phu nhân Đậu Thị phải một mình chăm con, sống cảnh thanh bần trong hang động sau chùa Ân Nghĩa. Phu nhân cần cù khó nhọc, vì không muốn gây cho hàng xóm thêm phiền phức nên bà phải tần tảo sớm hôm, hái nhặt rau dại và ngũ cốc cho qua cơn đói. Những rau dại ở gần nhà bà đều hái sạch rồi, muốn có thêm cái ăn bà phải đi rất xa để tìm. Vì phải tứ xứ bôn ba, mỗi khi kiếm được lương thực hay ngũ cốc, bà đều tuốt bỏ cành lá, chỉ mang rau và hạt ngũ cốc trở về.

Cậu bé Lý Thế Dân dường như cũng hiểu được nỗi khó nhọc của mẹ, từ khi còn ẵm ngửa cậu bé đã không khóc không quấy. Mỗi ngày trước khi ra ngoài, phu nhân Đậu Thị lại đặt cậu dưới gốc cây cổ thụ ở trước động. Kể cũng lạ kỳ, cái cây này cành lá um tùm tươi tốt, hình dáng như chiếc ô xòe rộng, buổi sáng che mát cho cậu bé, đến buổi chiều mặt trời chếch về phía tây thì bóng râm vẫn dừng ở đó bất động. Trên cây chim hót véo von, ong bay bướm lượn thật náo nhiệt. Cậu bé nằm ở đây, phu nhân tự cảm thấy an nhiên trong lòng.

Một ngày, khí trời quang đãng, phu nhân phải đi khá xa để tìm thức ăn. Đến trưa, khí trời đột ngột thay đổi, mây đen cuồn cuộn, sấm vang chớp giật, mưa rơi xuống như trút. Phu nhân lo lắng cho con trai đang nằm dưới gốc cây, mưa to gió lớn chẳng biết lành dữ ra sao, bà hoảng hốt cuống cuồng vừa chạy vừa khóc: “Con ơi, con ơi!”. Suốt dọc đường, nước bùn bắn tung tóe khiến cả người bà lấm lem bùn đất. Nhưng khi chạy về dưới cây cổ thụ, bà đứng ngây ra một lúc: Tán cây đang che chở cho đứa bé, cảnh tượng vẫn yên bình như trước. Trên người cậu bé hoàn toàn không có vết mưa, vẫn bình yên vô sự. Cậu bé thấy mẹ về liền cười khanh khách chào mẫu thân. Đậu phu nhân vội vàng ôm lấy con trai, cậu bé được mẹ bế liền nhún nhảy trên đôi chân trắng trẻo bụ bẫm. Bà hôn vào khuôn mặt hồng hào của con trai rồi ngẩng lên nhìn cây, khẽ thở dài một tiếng: “Giá thụ chân khả tầng!” (Cái cây này thật tầng tầng lớp lớp).

Từ đó về sau, “Khả Tầng Thụ” vang danh khắp xa gần, nhưng tên gọi thực sự của cây lại không mấy ai biết đến. Năm tháng trôi qua, gió mưa vần vũ, Khả Tầng Thụ đã dần dần biến thành một cái cây hóa thạch có hình dáng như hòn non bộ, muôn vẻ muôn màu, đứng sừng sững như sắp chạm đến đỉnh trời. Có người đã hái cành cây làm thuốc chữa bệnh, sau đó bệnh tình quả nhiên có biến chuyển tốt. Vì thế, Khả Tầng Thụ luôn được người dân nơi đây coi như báu vật.

Vào những năm Dân Quốc, một vị học giả đã du lịch đến nơi này. Ông vô cùng hứng thú với “cây hóa thạch” và muốn mua lại với giá cao, nhưng dân chúng trong vùng đều từ chối. Sau đó, ông lấy máy ảnh ra chụp một bức làm kỷ niệm, nhưng chụp hàng chục lần mà không có được bức ảnh nào rõ nét. Vị học giả không muốn tin vào mắt mình, ông liền thử chụp vào các thời điểm khác nhau, cứ mỗi thời thần lại chụp một bức. Kết quả là chỉ có bức ảnh chụp lúc mặt trời mọc là rõ ràng nhất. Có người nói: Đó là vì Thiên tử hiển thân, Thánh quang tại thế, Khả Tầng Thụ bảo hộ hoàng thượng nên chỉ hiển thân vào lúc mặt trời mọc, ngoài đó ra cây sẽ không để lộ chân thân.

Minh Hạnh
Theo Hạ Ngữ Băng - Sound of Hope

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Dòng dõi võ công hiển hách, hoàng đế 'tế thế an dân'