Dùng sai cách đổi mệnh, bậc thầy tiên tri không thoát khỏi số phận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sở hữu cùng một lá số tử vi với Hoàng đế Khang Hy, nhưng lại bước vào một con đường đế vương hoàn toàn khác, giấc mộng hoàng đế của Viên Thế Khải tan vỡ là vấn đề ở đâu?

Ngày 19 tháng 12 năm 1941 là một ngày rất đặc biệt đối với Lâm Canh Bạch, một bậc thầy về số mệnh của Trung Hoa Dân Quốc. Bởi vì ngày định mệnh của ông đã đến.

66 năm sau, vợ của Tiễn Chung Thư - Dương Giáng, đã mô tả ngày đặc biệt này của Lâm Canh Bạch trong cuốn sách mới xuất bản của bà “Đi tới giới hạn nhân sinh”:

“Có một nhà chiêm tinh rất nổi tiếng ở Thượng Hải… ông ấy đã tiên đoán rằng bản thân ông sẽ đột tử trong năm nay. Toán mệnh đều vọng tưởng cố gắng cầu may và tránh vận rủi, vì vậy ông đã trốn sang Hồng Kông, nghĩ rằng tai họa đột tử đã tránh được. Một hôm, sau ăn tối tại nhà một người bạn, ông quay trở về căn hộ, đúng trùng vào lệnh giới nghiêm, ông bị bắn và tử vong. Sự việc này nhanh chóng lan truyền rộng rãi khiến nhiều người bất ngờ trước việc ông vốn bói toán chính xác, nhưng số mệnh đã định, làm sao thoát được?”.

Nhà văn Dương Giáng, tác giả cuốn sách “Đi tới giới hạn nhân sinh” (Ảnh chụp màn hình)
Nhà văn Dương Giáng, tác giả cuốn sách “Đi tới giới hạn nhân sinh” (Ảnh chụp màn hình)

Vị thầy bói rất nổi tiếng được đề cập trong cuốn sách trên chính là Lâm Canh Bạch. Khi đó việc Lâm Canh Bạch gặp nạn ở Hồng Kông đã gây chấn động một thời gian, và có thể nói là không ai không biết. Tại sao? Bởi vì Lâm Canh Bạch nổi tiếng trong giới mệnh lý là một thầy bói rất chính xác, một huyền thoại trong các huyền thoại. Vậy ông tính thế nào mà lại tính toán ra cái chết của bản thân?

Lời tiên tri trở thành sự thật

Lâm Canh Bạch được sinh ra ở Phúc Kiến vào năm 1894 và đã là một thần đồng từ khi còn nhỏ. Ông có khả năng viết văn từ năm 4 tuổi và làm thơ khi lên 7. Năm 13 tuổi, ông đã thi đỗ vào Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nay là Đại học Bắc Kinh. Năm 16 tuổi, ông tham gia Cách mạng Tân Hợi, và nhanh chóng trở thành cánh tay phải của Tôn Trung Sơn. Năm 1913, khi chưa đầy 20 tuổi, ông đã trở thành tổng thư ký của “Ủy ban soạn thảo hiến pháp”.

Nhưng bản lý lịch nổi bật này lại chưa là gì đối với Lâm Canh Bạch. Điều thực sự khiến ông trở thành huyền thoại là một lời tiên tri ông đưa ra vào năm 1915.

Mùa đông năm đó, Viên Thế Khải, khi đó là Tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc, đã vi phạm thỏa thuận của ông với những người cách mạng và quyết định tự mình đăng cơ, trở thành hoàng đế. Những người trẻ tuổi tham gia Cách mạng năm 1911 đều tràn đầy sự phẫn nộ, nhưng họ không thể làm gì được ông ta. Dù sao Viên Thế Khải nắm trong tay lực lượng quân đội hùng hậu, mọi người tạm thời không đủ khả năng để có một quân đội mạnh mẽ chống lại ông ta. Điều duy nhất họ có thể làm là tụ tập trong quán rượu để uống rượu và trút giận bằng cách chửi bới.

Viên Thế Khải (Ảnh chụp màn hình)
Viên Thế Khải (Ảnh chụp màn hình)

Hôm đó khi mọi người đang cùng nhau uống rượu, Lâm Canh Bạch đột nhiên đứng dậy nói: "Viên Thế Khải không có mệnh làm hoàng đế. Nếu hắn dám xưng đế thì nhất định sẽ chết sớm. Mọi người đều cười, nhưng không ai coi trọng lời đó”.

Tuy nhiên, Lâm Canh Bạch rõ ràng là nghiêm túc và tiếp tục: "Gần đây tôi đã nghiên cứu về mệnh lý. Dựa vào lá số tử vi của Viên Thế Khải, ông ấy thực sự không sống lâu. Nếu không tin tôi, tôi sẽ viết số mệnh của ông ấy lên tường, sau này mọi người tới xem sau”.

Nói rồi ông Lâm liền viết trên tường. Nhưng mọi người vẫn uống và uống, tán gẫu và trò chuyện, không ai chú ý đến những gì ông Lâm viết.

Không ngờ, sau Tết Nguyên đán, tình hình chuyển biến bất ngờ, các tỉnh lần lượt tuyên bố độc lập, các làn sóng nổi dậy nối tiếp nhau. Vào ngày 22 tháng 3, Viên Thế Khải tuyên bố thoái vị dưới áp lực của các bên và chỉ làm hoàng đế trong 83 ngày. Vài ngày sau, các tờ báo và tạp chí bắt đầu đưa tin rằng Viên Thế Khải có vấn đề về sức khỏe và có lẽ bị nhiễm trùng tiểu đường. Tháng 5, Viên Thế Khải rất ít khi lộ mặt, mỗi lần như vậy đều trông rất tiều tuỵ. Vào ngày 6 tháng 6, Viên Thế Khải một đời kiêu hùng đột ngột qua đời và để lại di bút ghi: “Tiêu diệt một kẻ thù lớn cho Nhật Bản và xem Trung Quốc xây dựng lại nền cộng hòa”. Có vẻ như đi tới đoạn cuối cùng của sinh mệnh, ông đã hoàn toàn tỉnh ngộ, nhưng đáng tiếc, định mệnh vẫn mang ông ra đi.

Vào ngày 22 tháng 3, Viên Thế Khải tuyên bố thoái vị dưới áp lực của các bên và chỉ làm hoàng đế trong 83 ngày (Ảnh chụp màn hình)
Vào ngày 22 tháng 3, Viên Thế Khải tuyên bố thoái vị dưới áp lực của các bên và chỉ làm hoàng đế trong 83 ngày (Ảnh chụp màn hình)

Sau khi tin tức về cái chết của Viên Thế Khải được đưa ra, những người cách mạng vội vã kể cho nhau nghe, khóc vì sung sướng. Có người nhớ tới lời tiên tri Lâm Canh Bạch viết trên tường, liền quay lại tửu quán xem kỹ, chữ đen trên nền trắng, phân tích có lý có cớ, cuối cùng còn có một câu bình luận như vậy: “Thọ mệnh của Hạng Thành (Viên Thế Khải) sắp kết thúc. Những người tung mũ ăn mừng coi tảng băng là núi Thái Sơn”. Tảng băng sau vài ngày sẽ tan ra, và Lâm Canh Bạch đã dùng câu này để nói rằng việc Viên Thế Khải làm hoàng đế sẽ không kéo dài.

Sáu năm sau, Lâm Canh Bạch đã giải thích chi tiết cách ông phán đoán về cái chết sớm của Viên Thế Khải trong cuốn sách mệnh lý “Nhân giám mệnh lý tồn nghiệm”. Hóa ra có hai quý cách trong tử vi của Viên Thế Khải: “giáp củng lộc mã, hư yếu đế khuyết”. Hoàng đế Khang Hy cũng có tử vi như vậy. Vì vậy, đúng là Viên Thế Khải có mệnh làm hoàng đế. Tuy nhiên, mệnh hoàng đế của Khang Hy rơi vào thực xử, trong khi mệnh đế của Viên Thế Khải lại rơi vào không vong. Trong bát tự, “không vong” là sát Thần, nếu ứng vào vận tốt, nếu không phải vận may sẽ biến thành vận rủi, thì vận may cũng không được lâu. Vì vậy, vận làm hoàng đế của hai người là khác nhau. Khang Hy làm hoàng đế trong 60 năm một cách bình an, còn Viên Thế Khải đã bị đuổi xuống sau 83 ngày.

Vậy tại sao Viên Thế Khải chết sớm? Lâm Canh Bạch tiếp tục phân tích rằng, xét theo tử vi, Viên Thế Khải bắt đầu gặp vận Mão vào năm 54 tuổi. Tuy nhiên, trong tử vi của ông Mão và Dậu đối xung, và lực lượng này rất mạnh đến mức nó thậm chí còn ảnh hưởng đến toàn bộ tử vi. Dưới sự xung kích kép của không vong và đối xung, vận tốt không những không có tác dụng mà thậm chí đến tính mạng cũng khó giữ. Vì vậy, Viên Thế Khải xưng đế năm tuổi 56, thoái vị sau đó chưa đầy ba tháng và không lâu sau qua đời.

Bậc thầy mệnh lý nổi danh

Kể từ đó, Lâm Canh Bạch nổi tiếng và trở thành một ngôi sao đang lên trong giới mệnh lý. Thời điểm đó, vào những năm đầu của Trung Hoa Dân Quốc, xã hội hỗn loạn, và mọi người đều muốn giữ an toàn cho bản thân, vì vậy việc xem bói rất phổ biến. Những người nổi tiếng xung quanh Lâm Canh Bạch cũng liên tiếp tìm đến ông để nhờ xem toán mệnh, để tìm kiếm vận may và tránh những điều xui xẻo. Ông không bao giờ từ chối bất cứ ai đến, bói ra cái gì liền nói thẳng cho người ta biết. Rốt cuộc, ông sinh ra là một thần đồng, và cũng chưa từng thấy ông bái người nào làm thầy, nhưng với học vấn thâm sâu về tử vi ông lại không thầy mà tự thông thạo, vận dụng nó tự do, tử vi mà ông bói ra thường rất chính xác.

Lâm Canh Bạch nổi tiếng và trở thành một ngôi sao đang lên trong giới mệnh lý (Ảnh chụp màn hình)
Lâm Canh Bạch nổi tiếng và trở thành một ngôi sao đang lên trong giới mệnh lý (Ảnh chụp màn hình)

Ví dụ, ông từng dự đoán rằng: Liêu Trọng Khải, người có công lớn của Trung Hoa Dân Quốc, sẽ đột ngột qua đời. Hồ Thích sẽ tỏa sáng trong giới văn học. Người khởi phát cuộc cải cách Mậu Tuất Khang Hữu Vi sẽ qua đời vào khoảng tuổi 71. Đại thi nhân Từ Chí Ma chết oan uổng.

Những hậu nhân quay đầu nhìn lại và thấy rằng, tất cả những điều Lâm Canh Bạch nói đều đúng từng điều một. Năm 1925 Liêu Trọng Khải đã bị ám sát, Hồ Thích sau này trở thành một nhà văn lớn, Khang Hữu Vi qua đời ở tuổi 70, và Từ Chí Ma chết trong một vụ tai nạn máy bay năm 1931.

Vào thời điểm đó, trên phố người ta truyền nhau một câu nói rằng lời tiên tri của Lâm Canh Bạch “có sức thuyết phục đến mức nó vang vọng”. Và phí xem bói của ông cũng tăng vọt theo cùng với danh tiếng. Vào thời đại mà bạn có thể mua một căn nhà với giá 30 đồng, người ta nói rằng Lâm Canh Bạch được trả hơn 100 đồng cho một lần xem tử vi, và đôi khi còn cao tới 500 đồng. Lâm Canh Bạch đã có một thời gian hưng phấn, và cuốn vào giới chính trị và mệnh lý.

Cao nhân gặp cao nhân, vẫn không thoát khỏi kiếp nạn

Tuy nhiên, những ngày tháng tốt đẹp không kéo dài. Bởi vì Lâm Canh Bạch đã nhanh chóng tính ra được bản thân ông sẽ gặp phải một tai nạn đẫm máu ở tuổi 45, dù tính toán cách nào cũng không thể vượt qua được.

Năm 1941, khi thấy thọ mệnh ở tuổi 45 sắp tới, Lâm Canh Bạch càng trở nên hoảng loạn. Vào thời điểm đó, ông đã chuyển từ Thượng Hải - nơi bị quân đội Nhật Bản chiếm giữ, đến Trùng Khánh - thủ đô thứ hai. Mặc dù Trùng Khánh chưa bị chiếm đóng, nhưng máy bay Nhật Bản lại hay ghé thăm bất cứ lúc nào và đôi lúc thả hai quả bom. Lâm Canh Bạch và vợ suốt ngày sống trong sợ hãi, không biết khi nào thảm họa sẽ thành sự thật.

Vào một hôm, nghe nói ở địa phương Trùng Khánh có đại sư xem tướng Đào Bán Mai, xem bói rất linh nghiệm, Lâm Canh Bạch bèn tới thăm và tìm cách giải cứu vận hạn. Đào Bán Mai trầm ngâm hồi lâu và nói, xét về tướng mạo của ông, tôi sợ ông sẽ không qua nổi tuổi 45. Hay chạy về nông thôn thử xem, biết đâu thoát được. Với sự hướng dẫn của Đào Bán Mai, Lâm Canh Bạch quyết định lánh nạn ở phía nam Hồng Kông. Mặc dù thời đó Hồng Kông không được coi là một khu vực nông thôn, nhưng đây là thuộc địa của Anh, giữa Anh và Nhật Bản không có chiến tranh, vì vậy Hồng Kông có thể nói là an toàn.

Không ngờ người tính không bằng trời tính. Họ đến Hồng Kông vào ngày 1 tháng 12. Chỉ bảy ngày sau, chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, và Hồng Kông nhanh chóng bị quân Nhật Bản chiếm đóng. Vài ngày sau, Lâm Canh Bạch bị bắn chết trên đường phố. Bởi vì đó là một thời kỳ bất thường, thi hài của ông chỉ được chôn cất sơ sài trong một hố bùn ven đường, và được chuyển về Thượng Hải an táng sau chiến thắng của chiến tranh chống Nhật Bản. Một đời của đại sư toán mệnh đã có kết cục như vậy, thực là khiến người ta xót xa.

Người tính không bằng trời tính, bảy ngày sau khi Lâm Cảnh Bạch đến Hồng Kông, chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, và Hồng Kông nhanh chóng bị quân Nhật Bản chiếm đóng. Vài ngày sau, Lâm Cảnh Bạch bị bắn chết trên đường phố (Ảnh chụp màn hình)
Người tính không bằng trời tính, bảy ngày sau khi Lâm Canh Bạch đến Hồng Kông, chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, và Hồng Kông nhanh chóng bị quân Nhật Bản chiếm đóng. Vài ngày sau, Lâm Canh Bạch bị bắn chết trên đường phố (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài sự tiếc thương, mọi người còn thảo luận về lý do tại sao Lâm Canh Bạch không thể thoát khỏi thảm họa này. Một số người nói rằng nếu Lâm Canh Bạch không tinh thông về mệnh lý, và ở lại Trùng Khánh, có thể ông đã thoát khỏi cái nạn này. Cũng có người cho rằng, là tai họa thì không thể tránh khỏi, là phúc không cần phải tránh. Nếu thầy bói có thể tránh được tai họa, thì làm thầy thuốc lẽ nào đều có thể sống lâu trăm tuổi? Nói rồi có người đã kể câu chuyện về Kinh Phòng, một nhà Dịch học thời Tây Hán.

Cái chết của bậc thầy Dịch học Kinh Phòng

Kinh Phòng là bậc thầy về Dịch học, là người giỏi dự đoán về người và các sự kiện dựa theo sự thay đổi của các hiện tượng thiên văn, là thuỷ tổ sáng lập xem bói lục hào bát quái. Tuy nhiên, ngay cả một đại sư Dịch học như vậy cũng đã chết vì khả năng tiên đoán của chính mình.

Trong “Hán thư” có ghi lại rằng khi Kinh Phòng đang học “Kinh dịch” từ Tiêu Diên Thọ. Tiêu Diên Thọ nói rằng Kinh Phòng đã có được chân truyền của ta. Nhưng cuối cùng vì thế mà mất mạng. Lúc đó, các học trò không hiểu. Nếu có được chân truyền, chẳng phải có thể dự đoán ra trước được tai hoạ. Nếu biết có tai hoạ, còn tự mình nhảy xuống hố sao?

Trong “Hán thư” có ghi lại rằng khi Kinh Phòng đang học “Kinh dịch” từ Tiêu Diên Thọ. Tiêu Diên Thọ nói rằng Kinh Phòng đã có được chân truyền của ta. Nhưng cuối cùng vì thế mà mất mạng (Ảnh chụp màn hình)
Trong “Hán thư” có ghi lại rằng khi Kinh Phòng đang học “Kinh dịch” từ Tiêu Diên Thọ. Tiêu Diên Thọ nói rằng Kinh Phòng đã có được chân truyền của ta. Nhưng cuối cùng vì thế mà mất mạng (Ảnh chụp màn hình)

Vì thông thạo Dịch học nên Kinh Phòng nhiều lần dự đoán chính xác tai họa, khiến Hán Nguyên Đế ngưỡng mộ ông, phong cho ông làm Thái Thú, và hết sức nghe theo lời khuyên của ông. Thạch Hiển xảo quyệt và bội bạc, đồng thời có bất đồng chính kiến với Kinh Phòng, và hai người luôn xảy ra mâu thuẫn. Vào ngày hôm đó, Kinh Phòng tâu với Hoàng đế và nói: “Tâu bệ hạ, kể từ khi bệ hạ lên ngôi “mặt trời và mặt trăng không còn sáng, các ngôi sao vận chuyển ngược chiều”, núi lở và động đất, mùa hạ sương giá, mùa đông sấm sét. Tất cả các loại thảm họa và dị tượng này đều là do bên bệ hạ có gian thần".

Hán Nguyên Đế vội vàng hỏi, bọn gian thần ở đâu? Kinh Phòng nói rằng Thạch Hiển chính là gian thần. Hán Nguyên Đế không bày tỏ ý kiến, chỉ cười, không nói nữa. Sau đó cũng không làm khó dễ Thạch Hiển.

Tuy nhiên, sau khi Thạch Hiển biết chuyện, lập tức dùng thủ đoạn để chuyển Kinh Phòng xa khỏi Hoàng đế và trở thành quan địa phương. Thời điểm đó, Kinh Phòng tự xem quẻ cho mình và quẻ tượng cho thấy “quân thần cách tuyệt, quân nghi thần nguy”. Xem thấy lần đi này của mình, e là nếu đi sẽ gặp nguy hiểm tính mạng, ông bèn vội vàng viết thư cho hoàng thượng, xin ở lại. Tuy nhiên, đã quá muộn. Lần này hoàng đế không nghe ông. Một tháng sau, Kinh Phòng bị bắt giam và bị giết. Ông qua đời khi mới 41 tuổi.

Lý do Kinh Phòng bị giết là vì ông không nghiêm khắc với lời nói của mình, và hay kể cho học trò Trương Bác về những cuộc trò chuyện của ông với Hoàng đế. Còn Trương Bác cũng không nghiêm khắc với lời nói của mình, lại đi kể với người khác. Lời nói qua lại đến tai Thạch Hiển, liền kiện lên Hoàng đế. Việc giải thích các hiện tượng thiên văn luôn là quốc gia cơ mật, không thể tùy tiện tiết lộ. Điều này đã vi phạm vào đại kỵ của hoàng đế. Kinh Phòng đã không thể thoát khỏi cái chết.

Diêu Bình, một học trò của Kinh Phòng, từng nói thẳng trước mặt ông rằng, ông “biết Đạo nhưng không tin Đạo”. Điều đó có nghĩa là, đối với Sách Kinh Dịch, Kinh Phòng chỉ nắm được những thứ tri thức ở bề mặt, nhưng ông không dụng tâm vào việc học nó. "Kinh Dịch" nhìn thì như dùng để bói toán, nhưng thực ra nó hàm chứa vũ trụ quan trong văn hóa cổ điển Trung Hoa. Nó tin rằng vạn vật trên thế giới đều vận hành theo quy luật của vũ trụ, con người không thể điều khiển được, suy rộng ra thì chính là tư tưởng ‘Thiên - nhân hợp nhất’..

Diêu Bình, một học trò của Kinh Phòng, từng nói thẳng trước mặt ông rằng, ông “biết Đạo nhưng không tin Đạo” (Ảnh chụp màn hình)
Diêu Bình, một học trò của Kinh Phòng, từng nói thẳng trước mặt ông rằng, ông “biết Đạo nhưng không tin Đạo” (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, Kinh Phòng coi những gì học được ở Chu Dịch như một công cụ để loại bỏ những người bất đồng chính kiến ​​​​trong giới quan trường, vì lợi ích của chính ông ta. Không nghiêm khắc với lời nói, tiết lộ bí mật, càng phạm vào đại kỵ ở Dịch học. Trong “Chu Dịch” có câu nói: “loạn chi sử sinh dã, tắc ngôn ngữ dĩ vi giai… thị dĩ quân tử thận mật nhi bất xuất dã”. Có nghĩa là, đôi khi, hoạ là từ miệng mà ra. Người ta nên thận trọng trong lời ăn tiếng nói, chẳng phải có câu “Thiên cơ bất khả lộ” sao. Vì vậy, Kinh Phòng nghiên cứu Chu Dịch và chỉ tập trung học các kỹ thuật chứ không phải chú trọng tu tâm và ích kỷ. Như thế tư tưởng của ông bị giới hạn ở tầng con người, không thể giao tiếp tốt với vũ trụ, trí huệ không đủ và không thể nhìn thấy tình cảnh nguy cơ bốn bề của bản thân.

Lâm Canh Bạch cũng có thể nói là giống như vây. Nếu ông thực sự dụng tâm học, ông sẽ biết rằng tai họa diệt vong không thể tránh khỏi bằng cách trốn tránh. Theo cách nói của Phật gia, những tai họa trong kiếp này là do những điều xấu xa đã làm trong kiếp trước. Vì vậy, nếu muốn hoá giải nguy nan, cần phải bắt đầu bằng việc làm việc thiện, chứ không phải bằng cách trốn tránh.

Viên Liễu Phàm của triều đại nhà Minh là một ví dụ rất nổi tiếng. Khi ông còn trẻ, một thầy bói rất chính xác đã từng bói cho ông. Bói nửa đầu của cuộc đời rất chính xác, nhưng ở nửa sau thì không. Bước ngoặt của số phận là vào năm 37 tuổi. Kể từ năm đó, ông bắt đầu tích cực làm việc thiện. Và số phận dường như đã bắt đầu thay đổi theo. Thầy bói nói rằng ông chỉ sống đến 53 tuổi và sẽ không có con. Nhưng sự thật là ông đã sống đến 74 tuổi và con trai ông đã chăm sóc ông cho đến khi ông qua đời. Ở tuổi 69, Viên Liễu Phàm đã viết toàn bộ những tâm đắc cả đời của mình thành một cuốn sách. Đây là một trong những cuốn sách khuyến thiện nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, có tựa đề là “Liễu Phàm tứ huấn”.

Theo Epoch Times

Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Dùng sai cách đổi mệnh, bậc thầy tiên tri không thoát khỏi số phận