Huyền thoại về tàng thư của Ivan Bạo chúa (1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi công chúa Sophia của Đế quốc Byzantine được gả cho Đại công tước Moscow, người sau này trở thành Ivan Bạo chúa, công chúa mang theo rất nhiều báu vật, trong đó, quý báu nhất chính là bộ sưu tập sách cá nhân của nàng. Số phận tàng thư này như thế nào?

Vào ngày 12 tháng 11 năm 1472, Sophia Palaiologos, cháu gái của Constantine XI (vị vua cuối cùng của Byzantine) đến Moscow. Vài ngày sau, tại Nhà thờ Đức Mẹ Thăng Thiên, vị công chúa xa xứ này đã kết hôn với Đại công tước Moscow góa bụa - Ivan III.

Đương thời khi Sophia gả cho nước Nga, Giáo hoàng Sixtus IV mới nhậm chức, và đã tặng cho cô rất nhiều của cải, trong đó có 6.000 đồng tiền vàng. Tuy nhiên, số vàng bạc châu báu này không phải là thứ khiến thế hệ mai sau mơ tưởng, mà chính số thư tịch cá nhân do Sophia mang đến mới gây lên làn sóng săn tìm cổ vật.

Những thư tịch này ban đầu thuộc bộ sưu tập hoàng gia của Constantine XI của Đế quốc Byzantine, bao gồm thư tịch cổ và bản viết tay bằng tiếng Hy Lạp cổ đại, tiếng Latinh, tiếng Do Thái, tiếng Ả Rập và các ngôn ngữ khác, là văn vật quan trọng để nghiên cứu về biên niên sử, luật pháp, điều ước quốc tế. Cũng chính truyền thuyết về kho tàng bản thảo này đã hình thành nên một huyền thoại, và không ngừng được khám phá và nghiên cứu ở Nga trong nhiều thế kỷ.

Tại sao kho tàng của các hoàng đế Byzantine lại di chuyển ra nước ngoài? Điều này phải bắt đầu với sự sụp đổ của Constantinople. Năm 1453, Mehmet II của Đế quốc Ottoman chiếm được thủ đô Constantinople và tiêu diệt Đế quốc Byzantine. Các nhà nghiên cứu tin rằng, em trai út của Hoàng đế Constantine XI, Thomas Palaiologos (vị quân chủ cai trị Morea), đã cứu được thư viện hoàng gia trong cuộc vây hãm Constantinople của quân Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng người em trai khác của ông là Demetrios lại giao hảo với kẻ thù Ottoman, Thomas đã liên minh với Cộng hòa Genoa và Giáo hoàng để chống lại Demetrius. Sau khi cuộc thảo phạt thất bại, Thomas trốn sang Ý vào năm 1460. Với tư cách là người thừa kế hợp pháp của Đế quốc Byzantine, Thomas đã được các quốc gia Kitô giáo ở châu Âu công nhận, và được Giáo hoàng chào đón. Ngay cả sau khi ông qua đời, các con của ông vẫn được Tòa thánh chăm sóc chu đáo, và Giáo hoàng Paul II trở thành người giám hộ cho con cái hoàng gia.

Kho tàng hoàng gia huyền thoại cũng vậy, cùng với sự sụp đổ của Đế quốc Byzantine, nó đã bị phân tán ra nước ngoài. Thomas trốn sang Ý và mang theo một số lượng lớn thư tịch quý hiếm. Cũng chính những thư tịch này, thông qua cuộc hôn nhân của con gái ông, Sophia Palaiologos, đã trở thành cơ sở cho thư tàng của quốc vương Nga Ivan Bạo chúa. Trong tiếng Latinh, “liber” có nghĩa là "thư tịch", đây cũng là nguồn gốc tên riêng “Liberia” cho thư tàng của Ivan Bạo chúa.

Ivan IV by anonim (18th c., GIM).jpg
Ivan Bạo chúa. (Miền công cộng)

Đế quốc Byzantine đã trải qua 12 triều đại và để lại một di sản văn hóa rực rỡ. Các vị vua của các triều đại đã thu thập các tác phẩm của các bậc thầy nổi tiếng thời cổ đại và trung đại, bao gồm nhiều bản sao hiếm và độc đáo, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngay tại thế kỷ 15 chúng đã có giá trị sưu tập cao.

Sophia là công chúa Byzantine, nhờ quyền lợi trời ban mà có được bộ sưu tập sách quý nhất thế giới vào thời điểm đó. Sophia là một người yêu sách trong hoàng tộc, cả đời yêu thích đọc sách với nhiều chủ đề. Một số cuốn sách từng thuộc về các vị vua của Đế quốc Byzantine đã được Sophia mang đến Nga. Những cuốn sách này bao gồm tiểu sử của các vị vua, các tác phẩm thần học, cho đến văn học nghệ thuật, thuật giả kim, y dược v.v..., thậm chí không thiếu những cuốn sách về ma thuật và phù thủy. Theo các nhà nghiên cứu, kiến ​​thức về thuật phù thủy của Công chúa Sophia là đến từ tàng thư của Đế quốc Byzantine.

Ở Moscow thời trung cổ, nhiều kiến trúc được làm bằng gỗ và rất dễ bị đốt cháy bởi chiến tranh. Sophia, người rất quý sách, lo lắng về điều này. Để giải quyết triệt để vấn đề, bà đã đặc biệt mời kiến ​​trúc sư người Ý Aristotele Fioravanti xây dựng một hầm đá trắng ba tầng dưới điện Kremlin để bảo vệ kho tàng.

Sau cái chết của Sophia, thư khố hoàng gia Liberia được thừa kế bởi con trai bà là Vasili III, và sau đó là cháu trai của bà là Ivan IV (tức Ivan Bạo chúa). Chỉ có Đại công tước, Quân chủ và các cận thần đáng tin cậy nhất mới biết cách vào các hầm ngầm.

Cháu trai của Sophia, Ivan Bạo chúa được biết đến với sự uyên bác. Khi lên ngôi vào năm 1547, ông đã ra lệnh kiểm kê tất cả thư tịch mà ông được thừa kế và phục hồi bộ sưu tập sách quý hiếm đã bị hư hỏng. Ngoài ra, ông còn ra lệnh biên soạn một danh mục, bao gồm những thư tịch mới được thêm vào. Theo một danh sách được viết cách đây 200 năm, thư khố chứa hàng trăm tác phẩm của những người La Mã cổ đại nổi tiếng như Julius Caesar, Tacitus, Aristophanes, Virgil, Cicero, Bafmas, v.v... Ngoài ra, thư viện còn chứa các chuyên luận nổi tiếng của Constantine Porphyrogenitus, tiểu sử của các vị vua Byzantine, nhưng quan trọng nhất là tác phẩm "Tòa thành của Chúa" được cho là của nhà thần học Kito giáo Augustine thành Hippo.

Một linh mục đến từ Dorpat tên là Vetterman đã để lại một bằng chứng đặc biệt có giá trị, như được ghi trong “Biên niên sử của Franz Nienstedt”. Theo lời kể lại, vào năm 1565, Mục sư Vetterman theo những người Dorpat bị bắt đến các thành phố xa xôi của Nga là Vladimir, Nizhny Novgorod , Kostroma và Uglich. Vị mục sư là người đa ngôn ngữ, và Ivan Bạo chúa muốn giao cho ông dịch một số bản thảo trong thư khố sang tiếng Nga. Vetterman đã rất kinh ngạc trước số lượng lớn các bản thảo. Bởi vì nó bao gồm tuyển tập thơ của nhà thơ La Mã cổ đại Virgil, những bài thơ và oratorio của Calvus, những ghi chép của Caesar về các cuộc chiến tranh xứ Gaul, các pháp điển như Codex Theodosianus và Codex Justinianus, "Lịch sử" của Suetonius, “Luận về quốc gia” và “Luận về pháp luật” của Cicero v.v... Trong lời kể của mục sư cũng đề cập đến các tác phẩm của Aristophanes và Tacitus. Những thư tịch cổ này thuộc sở hữu của Ivan Bạo chúa với dạng bản thảo chép tay hoặc bản sao.

Việc dịch những thư tịch này mất rất nhiều thời gian. Vetterman lo lắng rằng sau khi dịch những cuốn sách này, vị vua quyền lực có thể giam giữ ông ở đâu đó trong hầm mộ, không bao giờ còn được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Theo lời kể, ông sẵn sàng "cho con mình làm con tin" để đổi lấy việc có thể mang theo một số cuốn sách cổ. Ông muốn đưa những cuốn sách quý giá này cho các nhà khoa học của các trường đại học châu Âu xem. Nhưng việc này không nhận được sự đồng ý của Ivan Bạo chúa. Những tường thuật của mục sư Vetterman cung cấp bằng chứng xác thực về sự tồn tại của thư khố của Ivan Bạo chúa.

Trong những năm đầu tiên triều đại của Ivan Bạo chúa, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kho tàng được thừa hưởng từ bà của mình, chuyên tâm nghiên cứu tri thức thần thánh. Ông cũng bận rộn tìm kiếm thuật giả kim, cũng như phương pháp dân giàu nước mạnh, làm cho dị tộc vĩnh viễn thần phục.

Vua thích đọc, thần dân cũng sẽ thích. Một số sứ thần, hoặc thương nhân giàu có thường sưu tập những cuốn sách hiếm và dâng lên nhà vua. Sau khi quân đội Nga chinh phục Hãn quốc Astrakhan và Kazan, nhiều cuốn sách bằng tiếng Ả Rập đã được gửi đến Moscow. Kết quả là tàng thư của Ivan Bạo chúa tiếp tục được mở rộng.

Ivan Bạo chúa quý trọng tàng thư của mình và biết giá trị cũng như ý nghĩa của những kiệt tác cổ xưa. Ông dùng một số tác phẩm vào mục đích công ích, lấy danh nghĩa nhà vua để tặng cho tu viện hoặc ban thưởng cho đại thần. Những thư tịch được tặng này vẫn được lưu giữ trong các thư viện của Nga. Ngoài ra, Ivan Bạo chúa cũng ý thức được một vấn đề, một số cổ thư bên trong chứa phép thuật, thần chú cùng thuật phù thủy ít người biết, một khi có người nắm được sẽ gây nên hỗn loạn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, Ivan Bạo chúa rất có thể đã nhận được một số sức mạnh thần bí từ trong thư tịch cổ giúp ông cai trị đất nước và đưa Nga trở thành một cường quốc châu Âu trong một thời gian ngắn.

Theo dân gian, Ivan Bạo chúa đã nhiều năm chinh chiến để thống nhất các công quốc Nga và giết rất nhiều người. Trước khi chết, ông đến thăm một tu sỹ đức cao vọng trọng, sám hối tội giết người và thỉnh cầu tu sỹ dùng pháp lực và thần chú để phong ấn hoàn toàn thư khố: "Phong ấn thư khố trong 8 thế kỷ, và không cho ai có thể tìm thấy nó."

Rất khó để kiểm chứng tính xác thực của truyền thuyết dân gian, nhưng có một sự thật là kho tàng ngầm dưới lòng đất này chưa bao giờ được tìm thấy kể từ sau cái chết của Ivan Bạo chúa. Chính vì vậy, hầm ngầm đá trắng 3 tầng dùng để bảo vệ kho tàng kia vẫn còn nhiều bí ẩn. Sự tồn tại của nó đã thay đổi từ lịch sử sang truyền thuyết, và từ truyền thuyết đến huyền thoại của các thế hệ sau. Trong nhiều thế kỷ, nó đã thu hút rất nhiều cuộc thám hiểm của cả cơ quan chức năng lẫn dân sự.

(Còn tiếp)

Theo Chương Các - Epochtimes

Hữu Đức biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Huyền thoại về tàng thư của Ivan Bạo chúa (1)