Huyền Trang tây du ký (2): Vang danh năm nước Thiên Trúc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Suốt 18 ngày, chỉ có một mình ngài Huyền Trang giảng giải, tán dương giáo lý Đại Thừa, không ai có thể bắt bẻ "Chế ác kiến luận" mà Huyền Trang đưa ra, không ai dám đăng đàn để biện luận cùng ngài Huyền Trang.

Ngoài thành Vương Xá nước Ma Kiệt Đà của Ấn Độ có một ngôi chùa rất nổi tiếng tên là Na Lan Đà. Na Lan Đà là phiên âm tiếng Phạn, có nghĩa là “Thí Xả Vô Yếm”. Pháp sư Huyền Trang từng học ở đây trong 5 năm (từ năm 631 đến năm 635).

Ngài Huyền Trang nhận lời mời của vua Câu Ma La, đi từ nước Ma Kiệt Đà đến nước Già Ma Lũ Ba. Đúng lúc này, vua Giới Nhật đang đi tuần tra nước Kiệt Chu Ôn Kỳ La. Khi vua Giới Nhật nghe tin có pháp sư Huyền Trang đến, liền lệnh cho vua Câu Ma La hộ tống ngài Huyền Trang đến tham gia pháp hội ở thành Khúc Nữ. Khi đó là năm Trinh Quán thứ 16 (năm 642).

File:Nalanda University India ruins.jpg
Di tích chùa Na Lan Đà - một trong những trường đại học cổ xưa nhất trên thế giới. Khoảng 1300 năm trước, pháp sư Đường Huyền Trang đi Tây Vực thỉnh kinh, đã từng học ở chùa Na Lan Đà trong 5 năm. Đến năm 1193, chùa bị quân Đột Quyết phá hủy (Wikipedia/ Prince Roy - SA-2.0).

Trong ngày gặp mặt, vua Giới Nhật biết pháp sư Huyền Trang đến từ Đại Đường, liền hỏi rằng: "Trẫm nghe nói ở nước Ma Ha Chi Na có vị Tần Vương. Từ nhỏ đã vô cùng thông minh dĩnh ngộ, sau khi thành niên thì dũng mãnh uy vũ. Triều đình trước bại hoại, bốn phương đất đai tan hoang, chiến tranh, tai họa liên miên khiến người dân trong thiên hạ đau khổ. Tần Vương đã mang theo chí lớn, có lòng từ bi to lớn, cứu vớt muôn dân. Ngài ấy dùng võ công để bình định thiên hạ, dùng đức để giáo hóa người dân, danh tiếng lan xa đến Tây Vực. Nhân đức của ngài ấy che phủ khắp nơi, nên các nước ngoại bang cũng ngưỡng mộ mà tự nguyện thần phục. Người dân nhờ công lao của ngài ấy mà vui vẻ ca múa "Tần Vương phá trận nhạc". Trẫm nghe nhiều người khen ngợi ngài ấy đã lâu. Đức hạnh của ngài ấy luôn được mọi người tán dương. Những việc này có phải thật không? Nước Đại Đường có phải thật như vậy không?”

(Chú thích: "Ma Ha Chi Na" là phiên âm tiếng Phạn, chỉ Trung Quốc, đây là cách gọi Trung Quốc của người Ấn Độ cổ).

Ngài Huyền Trang nói: "Quả đúng là như vậy. Chi Na là quốc hiệu của triều đại trước. Đại Đường là tên nước hiện nay. Khi chưa lên ngôi, ngài ấy được phong là Tần Vương; Hôm nay đã lên ngôi vua, trở thành Thiên tử. Vận nước của triều đại trước đã hết, đất nước không có người làm chủ nên chiến tranh nổ ra, tàn hại sinh linh. Tần Vương có tấm lòng rộng rãi, lòng mang chí lớn. Ngài ấy khoan dung từ bi, uy phong chấn động thiên hạ, tiêu diệt bọn hung ác phản nghịch, bình định thiên hạ tám phương, hơn vạn nước ngưỡng mộ đến triều cống. Hoàng đế nước bần tăng trải lòng thương đến muôn loài và sùng kính Tam Bảo, giảm bớt thuế má và lao động cưỡng bức, giảm bớt hình phạt, vì thế quốc khố đầy đủ sung túc, không có mấy người phạm pháp. Những ví dụ về phong tục đạo đức rất nhiều, khó có thể kể hết”.

Vua Giới Nhật cảm thán nói rằng: "Đúng là hưng thịnh! Người dân ở đó phải cảm tạ hạnh phúc do vị Thánh chủ ấy mang đến". (Đại Đường Tây Vực ký - quyển 5)

Bức tranh tường "Tần Vương phá trận nhạc" ở động số 217 thuộc hang Mạc Cao, Đôn Hoàng. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Vua Giới Nhật tổ chức đại hội "Vô Già" ở thành Khúc Nữ, mời hơn mười nghìn người gồm có vua, quan đại thần, các cao tăng, và Bà La Môn ngoại đạo từ năm nước Thiên Trúc đến tham gia. Trong đó có đến mấy nghìn người giỏi biện luận. Pháp Sư Huyền Trang đảm nhận vai trò luận chủ, đưa ra chủ đề biện luận. Suốt 18 ngày, chỉ có một mình ngài Huyền Trang giảng giải, tán dương giáo lý Đại Thừa, không ai có thể bắt bẻ "Chế ác kiến luận" mà Huyền Trang đưa ra, không ai dám đăng đàn để biện luận cùng ngài Huyền Trang. Vì thế, cuối cùng vua Giới Nhật tuyên bố rằng "Pháp sư Chi Na chiến thắng".

Vua Giới Nhật cho người trang trí tỉ mỉ một con voi lớn, rồi mời ngài Huyền Trang ngồi lên. Các quý tộc và quan cận thần sẽ đi theo voi lớn đến khắp nơi trong thành để nhận sự chúc mừng của nhân dân. Sau khi Pháp hội kết thúc, ngài Huyền Trang được các phái ở năm nước Thiên Trúc tôn kính, các học giả Ấn Độ ngưỡng mộ trình độ Phật học và đức hạnh của ngài Huyền Trang, gọi ngài là "Tủ sách chứa đầy kinh Phật", hoặc là "Đại tướng trong lĩnh vực Phật Pháp". Các tín đồ của Phật giáo Tiểu Thừa tôn kính gọi ngài là "Mộc Xoa Đề Bà" (Giải Thoát Thiên) còn các tín đồ của Phật giáo Đại Thừa gọi ngày là "Ma Kha Da Na Đề Bà" (Đại Thừa Thiên).

Sau hành trình 17 năm ở Tây Vực, trình độ lý giải Phật Pháp tiếng Phạn của ngài Huyền Trang đã đến trình độ rất cao. Vì thế ngài quyết định trở về Đại Đường. Vua Giới Nhật, vua Câu Ma La và mười tám vị vua nghe được tin ngày thì rơi lệ âu sầu từ biệt ngài. Những vị vua này cúng dường mấy vạn tiền vàng, bạc và bảo vật, nhưng ngài kiên quyết không nhận.

Vua Giới Nhật sai người hộ tống ngày Huyền Trang đến biên giới, lệnh cho các nước chư hầu rằng, những nơi ngài Huyền Trang đến phải cung dưỡng, tặng voi và bảo vật cho ngài..

File:Harsha2007a.jpg
Lãnh thổ nước Giới Nhật (Sumchung/ Wikipedia/ SA-3.0)

Trong cuốn "Tục cao tăng truyện" có chép lại rằng, từ khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt đến nay, vua các nước Thiên Trúc tuy rằng rất tôn sùng kính trọng tăng nhân, đem các thứ bố thí cúng dường, nhưng từ trước đến nay chưa bao giờ nghe nói tặng voi cho tăng lữ. Hôm nay, vua Giới Nhật khuyên các nước tặng voi cho ngài Huyền Trang, có thể cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối của vua với ngài Huyền Trang.

Khi ngài Huyền Trang đi về phía đông, đến nước Vu Điền (thuộc Tân Cương ngày nay), do voi chết nên 150 viên xá lợi Phật và 7 pho tượng Phật bằng vàng, bạc và gỗ, và 657 bộ kinh Phật không thể vận chuyển tiếp. Ngài Huyền Trang dâng tấu với Hoàng đế Đường Thái Tông, xin giúp hộ tống tượng Phật và kinh Phật.

Đường Thái Tông nhận được sớ, liền hạ lệnh rằng: "Nghe nói pháp sư vì để cầu kinh Phật đã đi xa đến Tây Vực, hôm nay đã trở về, trong lòng trẫm vô cùng vui mừng, phải nhanh chóng trở về, để gặp trẫm. Những người biết tiếng Phạn và hiểu kinh Phật có thể cùng đến. Trẫm lệnh cho Vu Điền và các nước khác sắp xếp nhân lực, vật lực để hộ tống pháp sư, lệnh cho quan viên ở Đôn Hoàng đến Lưu Sa để nghênh đón, lệnh vua nước Thiện Thiện (các nước Tây Vực cổ, thuộc Tân Cương ngày nay) nghênh đón ở Thư Mạc” (Toàn Đường Văn - quyển 0007).

Vào ngày 24 tháng giêng năm Trinh Quán thứ 19, được các quan hộ tống, ngài Huyền Trang trở về đến kinh thành Trường An của Đại Đường. Hơn 100 nghìn người nghe thấy tin này đã cùng nhau ra ngoài thành nghênh để đón ngài Huyền Trang trở về. Trên đoạn đường dài hơn 20 km, từ phía tây nam thành Trường An đến Đô Đình Dịch ở phố Chu Tước, tăng ni và dân chúng chen nhau, nghênh đón Pháp sư Huyền Trang. Để chúc mừng Pháp sư Huyền Trang trở về, các ngành nghề trong thành đều ngừng kinh doanh năm ngày. Khi ngài Huyền Trang trở về, giữa trời phía bắc xuất hiện những đám mây lành xoay tròn như cái lọng. Các mầu sắc hồng trắng soi chiếu lẫn nhau giống như vầng hào quang của tượng Phật. (Tục cao tăng truyện - trăng 40-41).

Huyền Trang trở về Trường An, bên trong thành, văn võ bá quan ra đầy đường nghênh đón, vạn người reo vui,  chúc mừng, cảnh tượng hoành tráng chưa từng có.
Huyền Trang trở về Trường An, bên trong thành, văn võ bá quan ra đầy đường nghênh đón, vạn người reo vui, chúc mừng, cảnh tượng hoành tráng chưa từng có. (Ảnh: Epoch Times)

Để cầu phúc cho Mục Thái hậu, vào năm Trinh Quán thứ 8 (năm 634), Hoàng đế Đường Thái Tông đã cho xây chùa Hoằng Phúc. Đây là một ngôi chùa vô cùng trang nghiêm thanh tịnh. Để ngài Huyền Trang có thể an tâm phiên dịch kinh Phật, đem lại ích lợi cho chúng sinh, Thái Tông đã cho Pháp sư Huyền Trang làm trụ trì chùa Hoằng Phúc. Nhằm tránh người dân quấy rầy và tò mò việc Pháp sư dịch kinh Phật, Thái Tông đã hạ chỉ cho quan viên, lính gác bảo vệ ngài Huyền Trang. (Phật Tổ lịch đại thông tải).

Vào mùa xuân năm Trinh Quán thứ 19, Hoàng đế Đường Thái Tông ban chiếu, lệnh cho Pháp sư Huyền Trang làm trụ trì chùa Hoằng Phúc, phiên dịch kinh Phật, tập hợp những người thông thái, cùng nhau hoàn thành sự nghiệp to lớn này, để ánh sáng Phật Pháp chiếu khắp thiên hạ, khiến trí huệ Phật Pháp nở rộ khắp nơi, truyền bá giáo hóa từ núi Linh Thứu Ấn Độ đến Đại Đường Trung Thổ, diễn giảng Phật Pháp Ấn Độ ở mảnh đất Xích huyện Thần Châu. Phật giáo đã đạt đến đỉnh cao vào thời kỳ Trinh Quán. (Đại Đường Tây Vực ký).

(Chú thích: Xích huyệt là tên gọi khác của Trung Quốc thời cổ đại).

“Kim Luân Thánh Đế Thái Tông Hoàng Đế kế thừa ngôi báu, vua hướng tới người khắp thiên hạ, có phong cách đẹp khiêm hạ lễ hiền đãi sĩ. Ngài triệu kiến Pháp sư Huyền Trang vào triều đình. Thái Tông nói những ra Thánh ý, viết lời tựa “Tam tạng Thánh giáo tự”, mở ra những yếu lĩnh ý chỉ huyền diệu của Phật Pháp, nói ra những Thánh ý tán dương, truyền rộng Phật Pháp”.

(Còn tiếp)

Hoàng Phủ Dung - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Huyền Trang tây du ký (2): Vang danh năm nước Thiên Trúc