Không thích làm quan, yêu Đạo thuật, thi nhân triều Đường đông du gặp kỳ nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thi nhân Lưu Thương đời Đường, hiện còn lưu lại nhiều bài thơ của ông trong "Toàn Đường thi", còn là một họa sĩ tài hoa, và là quan chức cao cấp triều Đường. Thấy nhân sinh vô thường, đời người ngắn ngủi, tiền của, danh vọng, vinh hoa phú quý thoáng chốc thành hư vô, nên ông từ quan đi về phía đông ngao du, bất ngờ gặp kỳ nhân.

Thời đại nhà Đường, nhà thơ Lưu Thương nổi tiếng với thể thơ Nhạc Phủ, viết bài "Hồ Giả Thập Bát Phách" được ưa chuộng, phổ biến trong mọi lứa tuổi, trẻ em và phụ nữ đều có thể thuộc lòng và đọc trôi chảy. Hoàng đế Khang Hy đã chủ trì biên soạn tập thơ Đường - "Toàn Đường Thi", trong đó có nhiều bài thơ của Lưu Thương.

Lưu Thương không chỉ là nhà thơ mà còn là họa sĩ, ban đầu theo học họa sĩ Trương Tảo. Trương Tảo giỏi vẽ tranh sơn thủy cây đá, tranh vẽ cây tùng của ông càng "nổi bật qua các thời đại", được mọi người ca ngợi là "Thần phẩm". Cụm từ "song quản tề hạ" (hai bút vẽ cùng lúc) bắt nguồn từ Trương Tảo, ý nói ông cầm hai cây bút trong một tay, vẽ cùng lúc, một cây vẽ cành cây xanh tươi, cây kia vẽ cành khô cằn, hoàn thành một lúc, tác phẩm sống động chân thực.

Với sự chỉ dẫn của thầy giỏi, sau này Lưu Thương cũng chuyên tâm học vẽ cảnh sơn thủy cây đá. Họa sĩ Tất Hoằng thời bấy giờ cũng giỏi vẽ cảnh tùng đá, vì thế mọi người chỉ cần có được một tác phẩm thông đá của Lưu Thương và Tất Hoằng đều coi là vô cùng quý giá. Thời đó người ta mô tả rằng: "Thông của Lưu Lang trung độc đáo, thông căn của Tất Thứ tử tuyệt mỹ".

Lưu Thương, người không rõ năm sinh mất, đỗ tiến sĩ trong triều Đại Lịch (766-779). Ông có tính cách cao khiết, phóng khoáng, sinh ra trong gia đình quan lại, cha là Lưu Đức Uy, quan Thượng thư Bộ Hình; ông nội Lưu Tử Tương làm Thứ sử Tề Hòa châu, Thông thủ Bỉ Lăng quận thời nhà Tùy; cụ tằng tổ Lưu Chân là Đại phu Gián nghị triều Bắc Tề.

Lưu Thương giỏi văn chương và hội họa, cũng như cha và tổ tiên, theo con đường quan trường. Thời Đức Tông triều Chân Nguyên (785-805), ông lên chức Viên ngoại lang Tỷ bộ tư, sau đó chuyển sang làm Viên ngoại lang Ngu bộ tư. Vài năm sau, ông chuyển chức Lang trung Kiểm hiệu Binh bộ. Sau đó ông làm Quan sát Phán quan Biện Châu.

Tuy nhiên, Lưu Thương - người tràn đầy tài hoa, không màng chức quan, chỉ say mê Đạo thuật, mỗi khi gặp Đạo sĩ, ông đều bái làm thầy, và trợ giúp tiền tài. Ông hàng ngày cũng siêng năng luyện đan, tu luyện.

Dần dần, Lưu Thương nhận ra mình già đi, cảm thấy cuộc đời vô thường, nhất là sau khi chứng kiến họa sĩ Trương Tảo - người thầy mà ông coi trọng, bị liên lụy bởi cuộc loạn An Sử, bị giáng chức và buộc phải rời kinh đô. Lưu Thương đã viết một bài thơ bày tỏ nỗi buồn của mình về sự việc này:

Rêu đá xanh xanh bên dòng suối, gió suối hiu hiu lay cành tùng.
Trên đời chỉ có Trương Thông biết, chảy về Hành Dương ai biết đâu.

Lưu Thương cảm thán thời gian quá ngắn ngủi, cuộc sống vất vả, theo đuổi vinh quang hão huyền và chức quan trần gian có ích lợi gì? Ông nghĩ, người xưa từ bỏ quan trường để theo đuổi Đạo thuật, hầu hết đều có thể thoát khỏi trần thế và trở thành Tiên. Con cái ông đã kết hôn, ông tự nhủ không nên bị cuộc đời trói buộc nữa.

Vì thế, ông viện cớ bệnh tật, từ chức Quan sát phán quan Biện Châu.

Sau khi cởi bỏ quan phục, Lưu Thương mặc Đạo phục, rời nhà đi du ngoạn về phía đông.

Một ngày, Lưu Thương đến Quảng Lăng (nay là Dương Châu, Giang Tô), bước vào chợ trong thành, ông thấy một Đạo sĩ đang bán thuốc, xung quanh đông đảo người dân, mọi người khen thuốc của Đạo sĩ rất hiệu nghiệm. Lưu Thương cũng đến xem. Lúc này, Đạo sĩ nhìn thấy Lưu Thương trong đám đông, bất ngờ bỏ thuốc xuống, im lặng, không còn hô bán nữa. Sau đó, Đạo sĩ tiến đến chỗ Lưu Thương, nắm tay ông, dẫn đến một quán rượu. Hóa ra Đạo sĩ nhận ra Lưu Thương là người không phải tầm thường.

Lưu Thương theo Đạo sĩ vào quán rượu, Đạo sĩ gọi một bàn đầy rượu thức ăn. Hai người ngồi xuống, Đạo sĩ liên tục mời Lưu Thương uống rượu, rồi bàn luận về các triều đại từ thời Tần Hán đến nay. Đạo sĩ nói chuyện như thể chứng kiến tận mắt. Lưu Thương lắng nghe, cảm thấy kinh ngạc, biết rằng Đạo sĩ trước mặt cũng là người phi thường, vì thế đối xử với Đạo sĩ rất kính trọng, như với một vị thầy. Sau đó, Lưu Thương có ý nói với Đạo sĩ: "Đạo thuật của Tiên nhân thật khó mà học được".

Tối đó, Lưu Thương về nhà trọ nghỉ ngơi, Đạo sĩ cũng xuống lầu chuẩn bị đi, Lưu Thương nhìn thấy Đạo sĩ biến mất tức thì, càng thêm kinh ngạc.

Ngày hôm sau, Lưu Thương lại đến chợ tìm Đạo sĩ. Đạo sĩ lúc này vẫn đang bán thuốc, thấy Lưu Thương liền mừng rỡ, lại kéo ông đến quán rượu uống rượu. Trong lúc vui vẻ nói chuyện, Đạo sĩ lấy ra một túi thuốc nhỏ tặng Lưu Thương và đọc lên một bài thơ:

"Không việc đến Dương Châu, cùng nhau lên tửu lâu. Túi thuốc tặng tiễn biệt, ngàn năm vẫn mong cầu?"

Lưu Thương ghi nhớ bài thơ này. Hai người uống rượu, trò chuyện đến tối muộn mới chia tay.

Ngày hôm sau, Lưu Thương lại đến chợ tìm Đạo sĩ nhưng không thấy bóng dáng. Sau đó, ông tiếp tục tìm kiếm nhiều lần nữa nhưng Đạo sĩ không xuất hiện nữa.

Một ngày, Lưu Thương mở túi thuốc mà Đạo sĩ tặng, bên trong có chín hạt thuốc nhỏ như hạt vừng. Ông uống thuốc theo khẩu quyết chỉ dẫn của Đạo sĩ, và ngay lập tức cảm thấy tinh thần sảng khoái, không còn cảm giác đói, cơ thể nhẹ nhàng phiêu diêu.

Sau đó, Lưu Thương đi đến Động Trương Công ở Nghi Hưng, yêu thích cảnh đẹp của suối Táo Họa, và dựng một ngôi nhà tranh tại Hồ Phụ Chử (nay là Trương Chử, Nghi Hưng, Giang Tô), ẩn cư giữa núi non.

Có người chặt củi trên núi từng gặp Lưu Thương, ông tự xưng là "Lưu Lang Trung". Tuy nhiên, không ai biết ông ở đâu. Theo truyền thuyết, ông đã tu thành Tiên.

Nguồn tư liệu: “Thái Bình quảng ký”, “Đường tài tử truyện”.

Thường Sơn Tử - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Không thích làm quan, yêu Đạo thuật, thi nhân triều Đường đông du gặp kỳ nhân