Kiếp nạn của xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni và linh cốt của Lục Tổ Huệ Năng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những lần Pháp nạn của Phật giáo thì Cách mạng văn hóa Trung Quốc là lần thảm khốc nhất. Không chỉ rất nhiều đền chùa bị phá hủy, rất nhiều tượng Phật bị đập nát, mà còn có rất nhiều người xuất gia bị ép phải hoàn tục, hoặc phải đi lao động cải tạo, hoặc bị bắn chết.

Ví dụ như, những sinh viên của Đại học Sơn Tây, đến núi Ngũ Đài Sơn ở Sơn đây để quét sạch "Tứ cựu". Ngoài việc đập phá chùa chiền, còn đưa rất nhiều hòa thượng và ni cô ra đấu tố. Sau khi những sinh viên này đi, Đảng ở địa phương này đã ra lệnh trục xuất 289 hòa thượng, ni cô, lạt ma ra khỏi Phật môn, cưỡng chế đưa những người này trở về quê cũ của họ.

Có một nhóm Hồng vệ binh đến ngôi chùa Cực Lạc nổi tiếng ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, không chỉ đập phá đền miếu, chúng còn bắt những hòa thường ở đây đeo một bảng lớn viết "Kinh Phật toàn nói láo", rồi đưa đi thị chúng trước cổng chùa. Sau đó những Hồng vệ binh này còn đốt hết kinh sách, đập nát tượng Phật. Những hành động như vậy xảy ra trên khắp đất nước Trung Quốc.

Bài viết này sẽ bàn về kiếp nạn của xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni và linh cốt của Lục tổ Huệ Năng trong Đại Cách mạng Văn hóa Trung Quốc.

Chùa Pháp Môn- "Thủy tổ của các ngôi chùa trong khu vực Quan Trung"

Tọa lạc tại thị trấn Phù Phong, thành phố Bảo Kê tỉnh Thiểm Tây, chùa Pháp Môn cách thị trấn Pháp Môn 10km về phía bắc, được xây dựng vào những năm Hằng Linh cuối thời Đông Hán. Đến nay, chùa đã có lịch sử khoảng 1700 năm, được gọi có "Quan Trung tháp miếu thủy tổ" (Thủy tổ của các ngôi chùa trong khu vực Quan Trung). Hiện nay, trong chùa vẫn còn tấm bia Thiên Phật từ thời Bắc Ngụy, được dựng lên không lâu sau xây chùa. Lúc đó chùa được gọi là “A Dục Vương tự” (hay Vô Ưu Vương tự).

Vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, sau khi A Dục Vương thống nhất Ấn Độ, vì để hồng dương Phật Pháp, ông đã chia xá lợi của Phật thành 84.000 phần, sai các đoàn sứ giả mang đi khắp nơi, chia cho các quốc gia trên thế giới để xây tháp cung phụng. Ở Trung Quốc có 19 chùa được thờ xá lợi Phật, trong đó Pháp Môn tự là chùa thứ 5. Năm 558, Thác Bạt Ngọc, hậu duệ của hoàng thất nhà Bắc Ngụy cho mở rộng chùa Pháp Môn, đồng thời vào năm Nguyên Ngụy thứ 2 (năm 494) lần đầu tiên mở tháp để chiêm bái xá lợi Phật.

Vào năm Khai Hoàng thứ ba (năm 593) thời Tùy Văn Đế, chùa được được đổi tên thành "Thành Thực Đạo tràng". Vào năm Nhân Thọ thứ hai (năm 602), hữu nội sử Lý Mẫn mở tháp mở tháp để chiêm bái xá lợi lần thứ hai.

Thời nhà Đường là thời kỳ hoàng kim của chùa Pháp Môn. Khi đó, chùa có vị trí quan trọng trong các chùa của hoàng gia. Trong thời kỳ này đã có tổng cộng 7 lần mở tháp để chiêm bái xá lợi xương Phật. Việc này đã có những tác động sâu sắc đến việc truyền bá Phật giáo ở Trung Nguyên. Vào đầu thời nhà Đường, Đường Cao Tổ Lý Uyên đổi tên chùa thành "Chùa Pháp Môn".

Vào năm Võ Đức thứ hai (năm 619), Tần Vương Lý Thế Dân đã cho phép 80 nhà sư xuống tóc và tu hành ở chùa Pháp Môn, đồng thời phong cho Huệ Nghiệp, một nhà sư tại chùa Bảo Xương trở thành trụ trì đầu tiên của chùa Pháp Môn. Trong thời kỳ Trinh Quán của nhà Đường, tháp A Dục Vương được xây dựng lại thành một tháp gỗ bốn tầng. Năm Đại Lịch thứ 3 (năm 786) thời Đường Đại Tông, tháp được đổi tên thành "Hộ Quốc Chân Thân Bảo Tháp".

Kể từ thời Trinh Quán trở đi, nhà Đường đã dành rất nhiều nhân lực, vật lực và tiền của để tu bổ và mở rộng chùa Pháp Môn. Các công trình đền đài trong chùa ngày càng nhiều, bảo tháp trong chùa cũng được xây dựng ngày một lớn hơn. Diện tích của chùa được mở rộng, hình thành quần thể 24 cung viện lớn. Số lượng tăng ni trong chùa đã tăng từ hơn 500 người vào thời Chu và Ngụy lên đến hơn 5.000 người. Chùa Pháp Môn trở thành ngôi chùa có quy mô lớn nhất ở Tam Phụ - 3 khu vực phụ cận kinh thành.

Chùa Pháp Môn vào thời nhà Tống tiếp tục kế thừa sự hùng vĩ của ngôi chùa hoàng gia thời nhà Đường và được mở rộng đến quy mô lớn nhất. Vào thời điểm đó, “Dục Thất viện” là một trong 24 cung viện trong chùa, mỗi ngày có thể có đến hàng nghìn người đến tắm.

Sau thời nhà Minh và nhà Thanh, chùa Pháp Môn dần dần suy tàn. Đặc biệt là vào cuối thời nhà Thanh, đầu thời Trung Hoa Dân Quốc, do chiến tranh và nhiều lý do khác, số tăng ni trong chùa giảm dần. Quang cảnh của chùa cũng ngày càng cũ nát. Năm 1953, pháp sư Lương Khanh đến đây làm trụ trì, sau nhiều lần thỉnh cầu và tìm kiếm sự giúp đỡ ở các nơi, cuối cùng Phật đường, tường bao quanh và tháp trống đã được tu sửa, đồng thời hương khói trong chùa cũng được bắt đầu lại.

Pháp sư Lương Khanh tự thiêu để xua đuổi Hồng vệ binh và bảo vệ chùa

Tuy nhiên, trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa, chùa Pháp Môn đã gần như bị phá hủy. Khi Đại Cách mạng Văn hóa nổ ra vào năm 1966, làn sóng "phá tứ cựu" đã diễn ra trên khắp Trung Quốc. Lực lượng Hồng vệ binh từ Tây An hùng hổ xông vào chùa Pháp Môn. Khi nhóm Hồng vệ binh xông vào, đại sư Lương Khanh, lúc đó đã 80 tuổi, đang ngồi trên một tấm bồ đoàn trong sảnh của Đại Hùng bảo điện, hai mắt nhắm khẽ, tập trung niệm kinh.

Một nữ Hồng vệ binh đến chỗ của pháp sư Lương Khanh và bắt đầu đọc thuộc lòng câu nói của Mao Trạch Đông: "Ai đứng về phía cách mạng nhân dân, thì người đó là người cách mạng. Ai đứng về phía đế quốc, phong kiến ​​và chủ nghĩa tư bản quan liêu, thì người đó là kẻ phản cách mạng." ... “. Khi nữ Hồng vệ binh này còn chưa đọc xong thì những Hồng vệ binh khác đã bắt đầu hành động "đập tan thế giới cũ".

Tượng Phật trong Phật đường, và “Thất âm bia” ở hiên chùa đều đã bị đập nát nhưng Hồng vệ binh vẫn không thấy thỏa mãn. Họ lại kéo nhau đến dưới Chân thân bảo tháp. Họ muốn đến chỗ yên nghỉ của Phật Tổ, đào đi tàn tích của phong kiến.

Khi từng viên gạch xanh bị đào lên, và khi từng xẻng đất được xúc đi, pháp sư Lương Khanh mới nhận ra tình hình còn nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì ông tưởng tượng. Bởi vì một khi bảo tháp bị đập đi, kho tàng quý giá ngàn năm tuổi của chùa sẽ bị phá hủy. Vì thế pháp sư Lương Khanh cố gắng xông vào, cố gắng ngăn cản đoàn Hồng vệ Binh, thế nhưng ông lại bị đánh đập rất thậm tệ.

Không ai biết lúc đó pháp sư Lương Khanh nghĩ gì, chỉ biết rằng ông trở lại thiền phòng, mặc lên mình chiếc áo cà sa ngũ sắc tượng trưng cho vị trụ trì của chùa. Sau đó pháp sư Lương Khanh đổ dầu hỏa lên khắp người, đến trước “Chân thân bảo tháp”, và tự thiêu một cách dũng cảm. Ngay lập tức ngọn lửa bao trùm toàn thân của pháp sư, mùi dầu cháy khép tràn ngập khắp cả chùa. Nhìn thấy cảnh tượng bi thảm này, Hồng vệ binh ai nấy cũng đều trợn mắt há mồm, vứt bỏ dụng cụ rồi chạy tán loạn. Nhờ vậy mà xá lợi ngón tay Phật dưới bảo tháp vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.

Sau khi pháp sư Lương Khánh tự thiêu và qua đời, hài cốt của ông được gửi đến chùa Thiên Trì trên núi Chung Nam ở Trường An để chôn cất.

Toà bảo tháp tại chùa Pháp Môn (Ảnh: ET)
Toà bảo tháp tại chùa Pháp Môn (Ảnh: ET)

Xá lợi của Phật Thích Ca hiển linh quang

Địa cung dưới bảo tháp mà pháp sư Lương Khanh đã hy sinh bản thân để bảo vệ, sau hơn 1.000 nằm yên dưới lòng đất đã được tìm thấy vào năm 1987. Hơn 2.000 bảo vật thời nhà Đường, được xếp quanh xá lợi ngón tay của Phật Thích Ca Mâu Ni, đã trở lại thế gian.

Ngày 9 tháng 11 năm 1988, chùa Pháp Môn chỉnh thức tổ chức lễ chiêm bái xá lợi ngón tay Phật. Hơn 10 vạn tăng chúng từ các nơi trên thế giới tập hợp trước cổng chùa, tham gia buổi lễ long trọng này. Buổi tối cùng ngày, hai hàng tăng ni trong Chân thân bảo tháp, tổ chức một buổi tụng kinh lễ Phật long trọng. Đột nhiên, mảnh xương Phật thứ ba đột nhiên tỏa ánh hào quang. Ở vị trí trên lọ thủy tinh đựng xá lợi Phật đột nhiên liên tục tỏa ra ánh hào quang trong vài giây, có một nhiếp ảnh gia đã chụp được cảnh tượng kỳ lạ này. Những người đời sau may mắn thấy được cảnh tượng thần kỳ này lại càng cảm phục tấm lòng xả thân hộ pháp của pháp sư Lương Khanh!

Chân thân của Lục tổ Huệ Năng bị phanh ngực mổ bụng

Có một ngôi chùa tên là Nam Hoa ở Thiều Quan, Quảng Đông, là nơi Lục tổ Huệ Năng từng giảng Pháp. Năm 713, Lục tổ viên tịch và để lại nhục thân của Ngài. Sau đó, nhục thân của Lục Tổ được đặt ngồi tọa trong chánh điện của chùa Nam Hoa.

Theo một bài báo đăng trên tờ Phượng Hoàng Bác Báo vào năm 2013, ngay sau khi Lục Tổ viên tịch, người ta kể lại rằng có người từ Tân La muốn cướp đi phần đầu của chân thân Lục Tổ, nên cho người lẻn vào chùa vào ban đêm. Nhưng lúc đó, vì phần cổ của Lục Tổ được bảo vệ bằng một tấm sắt, nên tên trộm không thể thành công. Bởi vì không có tài liệu chính xác ghi lại, câu chuyện này vẫn chỉ là một truyền thuyết, nhưng đây được xem là lần đầu tiên chân thân của Lục Tổ gặp nạn.

Trong thời kỳ Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, chân thân của Lục tổ gặp phải kiếp nạn lần thứ hai. Một ngày nọ, có một vài người lính Nhật Bản đến chùa Nam Hoa, đi cùng với các bác sĩ. Họ nghi ngờ rằng chân thân của Ngài là giả, và muốn mổ ra để tìm hiểu. Người Nhật đã dùng dao mổ một lỗ nhỏ trên lưng của Lục Tổ. Nhìn qua lỗ nhỏ, họ thấy được bộ xương và nội tạng khô được bảo quản một cách hoàn hảo, nhưng môi trường xung quanh lại không có biện pháp bảo vệ nào. Người Nhật vô cùng kinh ngạc, sau đó họ tin rằng đây đúng là chân thân của Bồ Tát, những người này vội vàng bái lạy rồi lui ra.

Nhục thân của thiền sư Huệ Năng đặt tại chùa Hoa Nam huyện Thiều Quang, tỉnh Quảng Đông Trung Quốc (ở đây cũng lưu giữ nhục thân của sư Hám Sơn và Đan Điền). (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 3.0)
Nhục thân của thiền sư Huệ Năng đặt tại chùa Hoa Nam huyện Thiều Quang, tỉnh Quảng Đông Trung Quốc (ở đây cũng lưu giữ nhục thân của sư Hám Sơn và Đan Điền). (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

So với hai kiếp nạn trước, kiếp nạn lần thứ ba của chân thân Lục Tổ trong Đại Cách mạng Văn hóa lại vô cùng bi thảm. Câu chuyện được chép lại trong "Pháp Nguyên lão hòa thượng pháp hối":

"Một ngày nọ, chân thân của Lục tổ bị Hồng vệ binh dùng một chiếc xe đẩy đi diễu hành ở Thiều Quan. Họ nói rằng Lục Tổ là một kẻ xấu xa, giả mạo và giả dối, và định đốt đi chân thân của Ngài. Hồng vệ binh dùng gậy khoét một lỗ to bằng cái bát trên lưng và ngực của chân thân, nội tạng trong bụng bị moi ra và ném vào Đại Phật đường. Xương sườn và xương sống của chân thân cũng bị moi ra ngoài, ném khắp nơi trên mặt đất. Hồng vệ binh cho rằng đó là xương lợn, xương chó, là đồ giả. Sau đó họ đội một cái bát sắt lên đầu của chân thân, trên mặt viết lên hai chữ: "kẻ xấu", rồi bỏ vào Đại Phật đường.

Họ không cho chúng tôi xem nhưng chúng tôi vẫn lén lút đến xem. Chúng tôi đau lòng đến rơi lệ, lén lút gói linh cốt Lục Tổ lại. Nhưng vì không có chỗ giấu, phần thì sợ người khác biết; phần thì sợ không biết khi nào bản thân sẽ bị đánh chết. Linh cốt của Lục Tổ không thể cứ mất đi như vậy được! Vì vậy tôi dùng chiếc hộp bằng sành che kín lại, chôn dưới một gốc đại thụ ở ngọn núi phía sau Cửu Long Tỉnh, sau đó đánh dấu lại. Tôi gửi thư cho Thánh Nhất pháp sư ở Hồng Kông, nói rằng khi đến đây nhờ pháp sư Thánh Nhất chụp ảnh lại, đợi đến lúc thái bình thì đào lên. Linh cốt của tổ sư Đan Điền cũng bị làm hại. Tôi cũng đã thu lại và phân ra để cất giữ".

Từng lời trong thư của đại sư Phật Nguyên đều tràn đầy nỗi đau không nói thành lời. Đại sư Phật Nguyên, người đã viết bức thư này, là đệ tử của Hư Vân hòa thượng. Ông bị coi là "cánh hữu" và bị bỏ tù vào năm 1958. Ông trở lại Chùa Nam Hoa vào năm 1961 nhưng vẫn bị quản chế. Vì bị bức hại, ông mắc rất nhiều loại bệnh và chỉ có thể ăn thức ăn lỏng trong nhiều năm. Vì kiên quyết không chịu hoàn tục nên ông đã bị đánh đập dã man vô số lần.

Sau Cách mạng Văn hóa, với sự hỗ trợ của Tập Trọng Huân - cha của Tập Cận Bình, chân thân của Lục tổ Huệ Năng đã được tìm lại, nhưng chân thân đã bị tổn hại rất nghiêm trọng. Trong hồi ký của pháp sư Phật Nguyên có chép: “Khi xương cốt của Lục Tổ được lấy ra, do chôn trong đất hơn 10 năm và ở phương Nam ẩm thấp nên xương sườn đã bị nấm mốc nhưng vẫn còn giữ được nguyên hình dạng. Xương cột sống bị ẩm nặng, và không còn tốt như khi lúc được chôn cất".

Ông nói rằng: "Nếu không gặp phải đại kiếp nạn của thời Đại cách mạng văn hóa, chân thân của Lục tổ Huệ Năng sẽ không bị tổn hại như vậy".

Quả đúng như vậy, chính ĐCSTQ đã hủy hoại linh cốt của Lục Tổ và Pháp Môn Tự, nơi lưu giữ xá lợi xương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni!

Theo Lâm Huy - Epochtimes

Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kiếp nạn của xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni và linh cốt của Lục Tổ Huệ Năng