Lầu Năm Góc: Lính Mỹ đang bị Triều Tiên giam giữ đã 'cố tình' vượt biên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 18/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xác nhận rằng một binh sĩ Hoa Kỳ đã 'cố tình' vượt biên sang Triều Tiên từ Hàn Quốc.

Trước đó cùng ngày, Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, cơ quan giám sát Khu phi quân sự (DMZ) do Mỹ điều hành, thừa nhận rằng một công dân Mỹ đã có chuyến tham quan làng đình chiến Panmunjom ở biên giới Triều Tiên trước khi băng qua Triều Tiên mà không có sự cho phép chính thức. Cơ quan này không cho biết liệu người đàn ông này có thực sự là lính Mỹ hay không vì Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra phản hồi công khai về vụ việc

"Chúng tôi nắm được tình hình sớm, đương nhiên có rất nhiều điều chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm hiểu, nhưng những gì chúng tôi biết là một trong những binh sĩ của chúng tôi đã cố tình và không được phép vượt qua đường biên giới quân sự", ông Austin nói.

Ông Austin cho biết các nhà chức trách Hoa Kỳ đang "theo dõi chặt chẽ và điều tra tình hình, cũng như nỗ lực để thông báo cho thân nhân của người lính và tham gia giải quyết vụ việc này", trong khi đó người lính được cho là đang bị giam giữ ở Triều Tiên.

"Mối quan tâm hàng đầu và quan trọng nhất của tôi là sự bình an cho quân nhân của mình. Do đó, chúng tôi sẽ vẫn tập trung vào việc này”, ông Austin nói.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói giới chức Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Liên Hiệp Quốc đều đang cố gắng tìm hiểu tình hình: "Đó là một công dân Mỹ, đó là điều quan trọng đáng lưu ý, đúng không? Chúng tôi cũng đã nói quan ngại chủ yếu của mình trong lúc này là đảm bảo bình an cho anh ta và tìm hiểu cặn kẽ chuyện gì đã xảy ra".

Theo các quan chức quân sự, nhân vật này được xác định là Binh nhì Travis King, 23 tuổi, một trinh sát kỵ binh của Sư đoàn Thiết giáp số 1. Anh này đã ngồi tù gần hai tháng ở Hàn Quốc vì tội hành hung. Các quan chức cho biết King nói rằng anh ta không muốn trở lại Hoa Kỳ sau khi mãn hạn tù.

Theo đó, Binh nhì Travis King đã vượt tuyến từ Hàn Quốc sang Triều Tiên sau khi tham gia một tour tham quan Khu Phi Quân Sự.

“Một công dân Hoa Kỳ trong chuyến tham quan định hướng của JSA đã băng qua Đường phân giới quân sự mà không được phép để vào Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên). Chúng tôi tin rằng anh ta hiện đang bị Triều Tiên giam giữ và Mỹ đang phối hợp với các đối tác của chúng tôi để giải quyết vụ việc này", Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc cho biết trong một bài đăng trên Twitter xác nhận vụ việc vào ngày 18/7.

Trường hợp người Mỹ hoặc người Hàn Quốc đào thoát sang Triều Tiên là rất hiếm, mặc dù hơn 30.000 người Triều Tiên đã trốn sang Hàn Quốc để tránh áp bức chính trị và khó khăn kinh tế kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Panmunjom, nằm bên trong Khu phi quân sự dài 248 km (154 dặm), đã được Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc và Triều Tiên cùng giám sát kể từ khi được thành lập vào cuối Chiến tranh Triều Tiên. Nơi này đôi khi chứng kiến những vụ việc đổ máu, nhưng đây cũng là một địa điểm cho hoạt động ngoại giao và du lịch.

Được biết đến với những túp lều màu xanh nép mình giữa các tấm bê tông tạo thành đường phân định, Panmunjom thu hút du khách từ cả hai phía mong muốn nhìn thấy biên giới cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. Không có dân thường sinh sống tại Panmunjom. Trong quá khứ, các binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên từng đụng độ nhau và chỉ cách nhau vài mét.

Các tour du lịch đến phía nam của ngôi làng được cho là đã thu hút khoảng 100.000 du khách mỗi năm trước đại dịch Covid-19, khi Hàn Quốc hạn chế các cuộc tụ họp để làm chậm sự lây lan của COVID-19. Các tour du lịch được nối lại hoàn toàn vào năm ngoái.

Trong một thời gian ngắn giao tranh giữa hai miền Triều Tiên vào năm 2018, Panmunjom là một trong những địa điểm biên giới đã trải qua các hoạt động rà phá bom mìn của các kỹ sư quân đội Triều Tiên và Hàn Quốc, khi hai miền Triều Tiên tuyên bố sẽ biến ngôi làng này thành một “khu vực hòa bình”, nơi du khách từ cả hai phía có thể di chuyển tự do hơn.

Một số ít lính Mỹ đã đến Triều Tiên trong Chiến tranh Lạnh, bao gồm cả ông Charles Jenkins, người đã đào ngũ tại Hàn Quốc vào năm 1965 và chạy trốn qua DMZ. Ông xuất hiện trong các bộ phim tuyên truyền của Triều Tiên và kết hôn với một y tá Nhật Bản. Sau đó ông đã bị đặc vụ Triều Tiên bắt cóc. Ông qua đời tại Nhật Bản vào năm 2017.

Trong những năm gần đây, một số thường dân Mỹ đã bị bắt ở Triều Tiên vì cáo buộc hoạt động gián điệp, lật đổ và các hành vi chống nhà nước, nhưng đã được thả sau khi Mỹ cử các phái bộ cấp cao đến để đảm bảo tự do cho họ.

Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các nước khác đã cáo buộc Triều Tiên sử dụng tù nhân nước ngoài để đạt được những nhượng bộ ngoại giao. Sau khi được trả tự do, một số người nước ngoài cho biết họ đã bị ép buộc nhận tội khi bị giam cầm ở Triều Tiên.

Ông Sean Timmons, Giám đốc điều hành của Tully Rinckey, một công ty luật chuyên về các vấn đề quân sự, cho biết nếu King cố gắng thể hiện mình là một người đào tẩu hợp pháp đang chạy trốn khỏi áp bức hoặc đàn áp chính trị, thì may ra giới lãnh đạo Triều Tiên mới quyết định xem ông có thể ở lại nước này hay không.

Theo ông Sean Timmons, nhiều khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ quyết định số phận của Travis King.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Lầu Năm Góc: Lính Mỹ đang bị Triều Tiên giam giữ đã 'cố tình' vượt biên