Lịch sử Nga: 500 năm gió mây biến ảo, vinh quang cuối cùng của Đế quốc Nga đang tiêu tan (P-2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau 500 năm gió mây biến ảo, điều duy nhất mà Nga có thể phô trương là lực lượng quân sự được tích lũy trong thời đại đế chế. Cuộc chiến Nga-Ukraine có thể làm mất đi dấu tích vinh quang cuối cùng của đế quốc Nga. 

Xem lại Phần 1

Sự trỗi dậy của Đế chế Nga: Chính thống giáo phương Đông + Đế chế Mông Cổ 2.0

So với các nước Tây Âu thành lập thuộc địa trên thế giới để phát triển văn minh công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, thì nước Nga ở Đông Âu lại đi vào một con đường phát triển và mở rộng khác hẳn. Sau sự sụp đổ của Đế chế Byzantine, Nga, dưới ngọn cờ kế thừa nền văn minh Đông La Mã, đã sao chép mô hình xâm lược và bành trướng của người Mông Cổ, biến giấc mơ đế quốc chưa thành hiện thực trước đây của Đế chế Mông Cổ thành hiện thực, trở thành tổng hòa của văn hóa Chính thống giáo phương Đông + Đế chế Mông Cổ 2.0.

Trong khi Đế chế Byzantine sụp đổ vào giữa thế kỷ 15, thì Đế chế Nga cũng đang trên đà phát triển. Năm 1472, 19 năm sau khi Đế chế Byzantine sụp đổ, Đại công tước Ivan III của Công quốc Moscow (Mátxcơva) kết hôn với Công chúa Sophia, cháu gái của Hoàng đế Byzantine cuối cùng là Constantine XI, người kế vị Đế chế Byzantine Đông La Mã. Năm 1480, Công quốc Moscow ngừng cống nạp cho mẫu quốc Hãn quốc Kim Trướng, chấm dứt khoảng hai thế kỷ rưỡi cai trị của người Mông Cổ đối với nước Nga.

Năm 1502, Đại công quốc Moscow thống nhất với Hãn quốc Krym và tiêu diệt hoàn toàn Hãn quốc Kim Trướng. Năm 1547, Ivan IV, cháu trai của Ivan III, tự phong cho mình là "Sa hoàng" (Caesar trong tiếng Nga, nghĩa là quyền lực quân chủ cao nhất), và đổi tên quốc gia từ "Công quốc Moscow" thành “Nga Sa Hoàng quốc”, đồng thời tiến hành những cải cách lớn về hệ thống quản lý quốc gia. Điều này làm suy yếu quyền lực của giới quý tộc, củng cố vương quyền, và biến Công quốc Moscow từ chế độ quý tộc phong kiến, trở thành một đế quốc tập trung quyền lực trung ương, cũng có nghĩa là sự ra đời chính thức của Đế chế Nga.

Chế độ quân chủ tập trung là một phương thức quản lý đất nước hiệu quả hơn so với chế độ quý tộc phong kiến. Nó được đặc trưng bởi sự suy yếu quyền lực của giới quý tộc, và việc tăng cường quyền lực quản lý địa phương của quân chủ. Chế độ này có hiệu quả hơn đối với việc quản lý các vùng lãnh thổ rộng lớn. Nó có thể tập trung tốt hơn các nguồn lực quốc gia để đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Vì vậy, khi lịch sử nhân loại bước vào giai đoạn xảy ra nhiều chiến tranh và xung đột, để duy trì sức mạnh dân tộc và duy trì sự kế thừa một nền văn minh, nhiều quốc gia đã thực hiện chế độ tập quyền trung ương ở một giai đoạn lịch sử nhất định, tức là thiết lập một hệ thống đế quốc.

Sự chuyển đổi của La Mã cổ đại, từ một nước cộng hòa quý tộc sang Đế chế La Mã, là ví dụ nổi tiếng nhất về việc thiết lập một hệ thống tập quyền trung ương trong lịch sử phương Tây.

Vào thời kỳ cuối của Cộng hòa La Mã, lãnh thổ của La Mã vốn đã rất rộng, người đứng đầu giáo đoàn La Mã ở nước ngoài trở thành thống đốc của tỉnh địa phương, nắm quyền lực quân sự và chính trị. Là cơ quan quyền lực cao nhất, Nguyên lão viện La Mã đã ngày càng không thể kiểm soát được các thủ lĩnh quân sự và chính trị địa phương, mâu thuẫn giữa hai bên ngày càng gay gắt, và Cộng hòa La Mã đứng trước nguy cơ tan rã.

Cùng lúc đó, Caesar đang tập trung quyền lực quân sự, chính trị và hiến tế, năm 49 trước Công nguyên, Caesar vi phạm lệnh của Nguyên lão viện, và dẫn quân vượt sông Rubicon, gây ra cuộc nội chiến La Mã, cuối cùng trở thành một nhà độc tài suốt đời, đặt nền móng đưa La Mã từ thời kỳ Cộng hòa bước vào thời đại Đế chế. Người kế vị Caesar, Octavian, cuối cùng trở thành vị vua sáng lập của Đế chế La Mã, kéo dài hơn một nghìn năm.


Hoàng đế La Mã Caesar. (Phạm vi công cộng)

Rõ ràng, nếu không có sự hậu thuẫn của một Đế chế La Mã hùng mạnh, liệu Cơ đốc giáo (Kitô giáo) có thể trở thành cấu trúc chính của nền văn minh Châu Âu hay không, thì vẫn là một dấu hỏi, và hình thức văn minh phương Tây ngày nay có thể sẽ không tồn tại.

Trong lịch sử Trung Quốc, thời Xuân Thu và Chiến Quốc là thời kỳ điển hình của chế độ quý tộc phong kiến. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu vương quốc, ông đã xóa bỏ giai cấp quý tộc phong kiến ​​của nhà Chu, thiết lập một hệ thống cai trị tập quyền trung ương, và tự xưng là Thủy Hoàng Đế. Trung Quốc từ đó bước vào kỷ nguyên của Đế quốc Trung Hoa.

Mô hình cai trị triều đình do Tần Thủy Hoàng tiên phong đã được nhà Hán kế thừa và tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một loạt thành tựu cải cách của Tần Thủy Hoàng như thống nhất chữ viết, tiền tệ, trọng lượng và thước đo, cũng được bảo tồn do sự tiếp nối của thể chế đế quốc. Nền văn minh Nho - Đạo từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế, sau khi trải qua thời kỳ biến động của thời Xuân Thu và Chiến Quốc, tiếp tục được kế thừa và phát triển mạnh mẽ hơn 2.000 năm, cho đến thời đại Trung Hoa Dân Quốc. Dân tộc Hoa Hạ có thể trở thành quốc gia lớn nhất thế giới với số người nói tiếng Hoa đông nhất thế giới như hiện nay, thì Tần Thủy Hoàng có thể nói là người có công lao vĩ đại nhất tạo ra Đế chế Trung Hoa.

Đế chế Mông Cổ từng thống trị một vùng lãnh thổ rộng lớn trong lịch sử, đã không thiết lập được một hệ thống tập quyền trung ương hiệu quả, và đế chế này cuối cùng tan rã, văn hóa Mông Cổ không trở thành một nền văn hóa chính thống.

Năm 1206, Thành Cát Tư Hãn thống nhất các bộ lạc du mục trên cao nguyên Mông Cổ, thành lập Đại Mông Cổ, và bắt đầu mở rộng ra các vùng lân cận. Ông liên tiếp chinh phục Siberia, đồng bằng Đông Âu, Trung Á, Tây Á và Đông Á, đã tạo lập ra quốc gia lớn nhất trong lịch sử loài người. Mông Cổ thực hiện chế độ quý tộc phong kiến ​​thời Thành Cát Tư Hãn. Sau thời Thành Cát Tư Hãn, Mông Cổ thực hiện mô hình quản trị hỗn hợp chế độ cộng hòa quý tộc + chế độ quý tộc phong kiến, Đại hãn được bầu thông qua "Đại hội Hốt lý lặc đài". Nhưng kiểu cộng hòa quý tộc này không đáng tin cậy, và nhanh chóng bị tan rã do mâu thuẫn nội bộ, nước Mông Cổ sau đó bị chia thành nhà Nguyên và 4 Đại Hãn quốc.

Bốn Đại Hãn quốc đều thực hành chế độ quý tộc phong kiến, chỉ có nhà Nguyên thành lập ở Trung Quốc theo hệ thống nhà Hán, và thiết lập một hệ thống tập quyền trung ương hiệu quả (thể chế đế quốc). Nguyên nhân là khi Hốt Tất Liệt thành lập nhà Nguyên năm 1271, hệ thống quân chủ của Trung Quốc là kiểu mẫu, đã hoạt động khoảng 1500 năm, và cho dù nhà Nguyên có lạc hậu đến đâu thì cũng không thể không biết copy bài của nhà Tống.

Vào năm 1303, sau một loạt các cuộc chiến tranh và thỏa hiệp, 4 Đại Hãn quốc cuối cùng đã công nhận Nhà Nguyên là nhà nước thống trị, và công nhận Hoàng đế của Nhà Nguyên là người thừa kế hợp pháp ngai vàng của Thành Cát Tư Hãn. Nhưng Hoàng đế của Nhà Nguyên chỉ có quyền thống trị trên danh nghĩa đối với 4 Đại Hãn quốc, không có quyền thống trị trên thực tế. Vào thời điểm này, Nhà Nguyên và 4 Đại Hãn quốc kết hợp với nhau thành một Đế chế Mông Cổ mong manh và không hoàn chỉnh. Với sự sụp đổ của Nhà Nguyên vào năm 1368, Đế chế Mông Cổ không hoàn chỉnh này không còn tồn tại. Khi nhà Nguyên sụp đổ, 4 Đại Hãn quốc về cơ bản chỉ còn lại Hãn quốc Kim Trướng cai trị các vùng đồng bằng Đông Âu và Trung Á.

Tại sao Đế chế Mông Cổ rộng lớn lại không có được sự thịnh vượng quốc gia lâu dài như Đế chế La Mã và Đế chế Trung Hoa, và không có ảnh hưởng lâu dài đến lịch sử thế giới như một nền văn minh huy hoàng?

Nguyên nhân nằm ở hai khía cạnh: Thứ nhất, Mông Cổ là một quốc gia du mục và không có hệ thống văn hóa cốt lõi tiên tiến. Trong nội bộ Mông Cổ, một số bộ lạc tin vào Phật giáo Tây Tạng, một số bộ lạc theo đạo Shaman, một số bộ lạc tin theo Hồi giáo. Các bộ lạc Mông Cổ trong lịch sử đều tiếp nhận các nền văn hóa nước ngoài, và các nền văn hóa tiên tiến đó không được tạo ra bởi chính người Mông Cổ.

Thứ hai, sau cuộc chinh phục quân sự thành công, Đế chế Mông Cổ đã không thiết lập một hệ thống tập quyền trung ương hiệu quả, và người Mông Cổ thực hiện một chế độ quý tộc phong kiến ​​+ thể chế quản lý quân sự hóa kết hợp quân sự và dân sự. Hệ thống quản lý quân sự trong lịch sử chỉ có tác dụng ngắn hạn đối với một quốc gia, và nó rất dễ bị đổ vỡ theo thời gian. Sự thiếu gắn kết về văn hóa và thiếu hệ thống kiểm soát hành chính mạnh mẽ về chính trị là hai khiếm khuyết lớn của Đế chế Mông Cổ.

Trong vùng đất bị người Mông Cổ chinh phục, khu vực mà các quý tộc Mông Cổ đã duy trì quyền thống trị lâu nhất là Hãn quốc Kim Trướng ở Trung Á ngày nay, tức miền tây nước Nga và Ukraine. Năm 1240, Bạt Đô (Batu), cháu trai của Thành Cát Tư Hãn, dẫn đầu đại quân Tây chinh đánh chiếm Kiev và phá hủy đất nước mẹ của Nga lúc bấy giờ là Công quốc Rus (sau này được gọi là Công quốc Kievan Rus). Năm 1242, Bạt Đô thành lập Hãn quốc Kim Trướng (Kipchak Khan).

Lịch sử của Hãn quốc Kim Trướng kéo dài khoảng 260 năm, và cai trị đất nước Nga trong 240 năm. Sau khoảng hai thế kỷ rưỡi dưới sự cai trị của người Mông Cổ, thể chế Mông Cổ đã có ảnh hưởng sâu rộng đến nước Nga, và đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tính cách và mô hình phát triển của dân tộc Nga, và đã ăn sâu vào tâm lý dân tộc của Nga.

Batuhan.JPG
Tượng Bạt Đô ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Wikipedia/ CC BY SA 3.0)

Quay trở lại phần đầu của mục này, vào năm 1502, "Công quốc Moscow" đã tiêu diệt Hãn quốc Kim Trướng. Năm 1547, Ivan IV đổi tên "Công quốc Moscow" thành "Nga Sa Hoàng quốc", và thiết lập một hệ thống tập quyền trung ương khiến cho nước Nga hướng tới kỷ nguyên Đế chế. Sau đó, Ivan IV mở rộng lãnh thổ của mình về phía đông và liên tiếp thôn tính một loạt các hãn quốc tách ra từ Hãn quốc Kim Trướng ban đầu, chẳng hạn như Hãn quốc Kazan, Hãn quốc Astrakhan và Hãn quốc Siberia.

Sau Ivan IV, các Sa Hoàng của Nga tiếp tục mở rộng lãnh thổ bằng vũ lực. Đến cuối thế kỷ 19, lãnh thổ của Nga mở rộng đến bờ biển Thái Bình Dương ở phía đông, giáp với Đế quốc Thanh ở phía nam, và mở rộng đến Trung Âu, giáp với Đức ở phía tây. Nó mở rộng đến bờ biển Baltic ở phía tây bắc, chiếm Crimea ở phía tây nam, tiếp cận với Biển Đen và chiếm lãnh thổ của năm quốc gia Trung Á ngày nay trong vành đai Trung Á, tiến sát thuộc địa Anh là Ấn Độ và Afghanistan, diện tích lãnh thổ hơn 20 triệu km vuông, chỉ đứng sau Đế chế Mông Cổ trước đây.

Nếu không tính lãnh thổ của Trung Quốc, hầu hết các khu vực từng do người Mông Cổ cai trị đều bị Đế chế Nga sau này chiếm đóng, đặc biệt lãnh thổ của Hãn quốc Kim Trướng hầu như đều thuộc về Nga. Về mặt địa lý, Nga là nước kế thừa của Đế chế Mông Cổ. Về mặt chính trị, từ thời Ivan IV đến Peter Đại đế và Alexander I, Nga đã từng bước thiết lập một hệ thống tập quyền trung ương hoàn hảo, đạt được sự kiểm soát hài hòa và hiệu quả đối với các lãnh thổ đế quốc dưới sự cai trị của nó. Về mặt văn hóa, người Nga đã sớm thành lập Nhà thờ Chính thống giáo làm quốc giáo ngay trên đất tổ của họ, tức Công quốc Rus, và đã có hệ thống văn hóa cốt lõi của riêng mình.

Nói cách khác, hai khiếm khuyết lớn bẩm sinh của Đế quốc Mông Cổ đã được khắc phục ở Đế quốc Nga, trong khi gene chiến đấu về bản lĩnh, thiện chiến, hiếu chiến và bành trướng của quân Mông Cổ đã được Nga kế thừa hoàn toàn. Ngoài ra, giới quý tộc Nga và giới quý tộc Mông Cổ đã kết hôn với nhau, và nhiều quý tộc Nga mang dòng máu Mông Cổ. Theo quan điểm này, Đế chế Nga về bản chất là một Đế chế Mông Cổ 2.0 được phát triển với Nhà thờ Chính thống giáo là nền văn hóa cốt lõi của nó.

Nhà triết học Á-Âu Nikolai Trubetzkoy, người hoạt động tích cực vào đầu thế kỷ 20, đã chỉ ra trong cuốn sách kinh điển của mình "Bàn về thành phần Turan trong văn hóa Nga" rằng, về bản chất, Nga là một quốc gia Mông Cổ Chính thống. Cuộc sống hàng ngày của người Nga chịu ảnh hưởng sâu sắc của Mông Cổ, có rất nhiều ký tự vay mượn của người Mông Cổ, dịch vụ bưu chính, thuế khóa, trang phục, cũng chịu ảnh hưởng của người Mông Cổ. Hệ thống luật quân sự cũng được học từ người Mông Cổ.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Huệ Hổ Vũ)

(Xem Phần 3)

Nguyệt Hà
Theo Huệ Hổ Vũ - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Lịch sử Nga: 500 năm gió mây biến ảo, vinh quang cuối cùng của Đế quốc Nga đang tiêu tan (P-2)