Luận đàm về giáo dục: Giáo dục đúng nghĩa bắt đầu từ triết lý giáo dục đúng đắn (Kỳ 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người không cho rằng giáo dục đạo đức đáng được ưu tiên, họ cho rằng cần thiết hơn cả là giáo dục tri thức, kích phát trí tuệ, tạo nên những sản phẩm giáo dục siêu trí nhớ, siêu tính toán, IQ cao, có sức cạnh tranh mạnh mẽ trông thấy. 

Kỳ 1: Giáo dục trước hết và trên hết phải là đức dục

Giáo dục đúng nghĩa bắt đầu từ triết lý giáo dục đúng đắn

Ít ai cảm thấy cần bàn cãi về tầm quan trọng của giáo dục, vốn đã được khẳng định mạnh mẽ trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Giáo dục không cho kết quả ngay lập tức nhưng lại có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài nhất, vì nó định hình nên tinh thần của xã hội, tức là quyết định tình trạng hưng thịnh hay suy tàn của xã hội ấy, rộng hơn là cả nền văn minh nhân loại.

Những vấn đề của bất cứ xã hội đương đại nào, đều tìm được câu trả lời trong trạng thái giáo dục nhiều năm về trước. Chẳng hạn Cách mạng Văn hóa chỉ có thể bắt đầu từ những năm 1966 với Hồng Vệ Binh - lứa thanh niên đầu tiên được sinh ra và lớn lên trong lối giáo dục phản truyền thống, phản tín ngưỡng Thần Phật của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Các đền chùa của Phật giáo, Đạo giáo, các bức tượng Phật, các danh thắng cổ tích, các bức thư pháp, các tác phẩm mỹ thuật hội họa và đồ cổ đã trở thành những mục tiêu phá hoại chính của Hồng Vệ binh
Các đền chùa của Phật giáo, Đạo giáo, các bức tượng Phật, các danh thắng cổ tích, các bức thư pháp, các tác phẩm mỹ thuật hội họa và đồ cổ đã trở thành những mục tiêu phá hoại chính của Hồng Vệ binh. (Epoch Times)

Người ta bàn đến giáo dục đã nhiều, song đa phần là nói đến phương pháp, kỹ năng, kiến thức hay cơ sở vật chất, giáo cụ… Nhưng quan trọng hơn hết và trước hết là triết lý giáo dục thì lại ít được bàn tới.

Người viết cho rằng, nếu coi giáo dục là nền tảng của xã hội, thì triết lý giáo dục là nền tảng của giáo dục. Có xác lập được rõ ràng và đúng đắn triết lý giáo dục, thì sau đó mới nên bàn tới những phương diện khác. Theo một khía cạnh được đơn giản hóa, nó tương tự như việc trước khi xây nhà, người ta phải hình dung được ngôi nhà lúc hoàn thiện, rồi trên cơ sở đó bắt tay vào việc tạo móng phù hợp. Do hiểu biết của người viết có hạn, loạt bài viết này chỉ có mong muốn gợi mở một hướng suy nghĩ khác, rất mong nhận được sự góp ý của những người tâm huyết.

Và bởi vì ta bàn về vấn đề gốc rễ là triết lý giáo dục, trước tiên hãy tìm về nguồn gốc của giáo dục.

Giáo dục cổ xưa và những bậc thầy vĩ đại

Không phải tình cờ mà các dân tộc trên thế giới đều có câu chuyện về những vị Thần sáng tạo của họ. Thần tạo ra vạn vật và con người. Và chính các Thần cũng giáo dục con người lúc khởi đầu của thời kỳ văn minh. Chẳng hạn sách Sử Ký của Tư Mã Thiên còn ghi chép lại chuyện Hiên Viên Hoàng đế từ 5000 năm trước chính là người đã giáo hóa dân chúng trước khi đắc Đạo về Trời cùng với quần thần của mình. Đây được coi như là người thầy đầu tiên mà nhân loại xác nhận được trong thư tịch cổ.

Sau Hoàng Đế, những Thánh Vương giáo hóa vạn dân cũng là những người tu Đạo thành Thần, như Nghiêu, Thuấn, Vũ… một mạch cho đến những Thánh giả đời sau như đức Lão Tử, đức Khổng tử… đều là những nhà giáo dục vĩ đại giúp sinh mệnh thăng hoa cảnh giới. Đức Khổng Tử được hậu thế tôn là "Vạn thế sư biểu - người thầy của muôn đời". Còn đức Lão Tử lại được đức Khổng Tử coi như thầy.

Vào thời điểm đó đức Phật Thích Ca Mâu Ni là vị thầy vĩ đại nhất của xứ Ấn cổ đại - Ngài có một danh xưng là "Thiên nhân chi sư - thầy của con người và người Trời", trong khi đó phương Tây có Thánh nhân Socrates đặt định văn hóa, là người thầy của nhân dân Athen. Trước Socrates có Thales, Pythagoras v.v. không chỉ là những triết gia hay nhà khoa học cổ đại theo quan niệm phổ biến, mà họ đều là những con người đang đi trên con đường tu luyện thành Thần. Khoảng 500 năm sau thời đại của Socrates, phương Tây lại xuất hiện một nhà giáo dục vĩ đại khác - Chúa Jesus - cũng là một vị Thần. Trong Kinh Phúc Âm, đức Jesus cũng xưng là thầy.

Những Giác giả, Thánh nhân này được coi là những nhà giáo dục vĩ đại, truyền Đạo lập Đức, đặt định văn hóa, giúp khai mở trí huệ cho con người. (Tranh Loc Minh Duong)

Vậy là, những bậc thầy đầu tiên và vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại chính là các vị Thần, những Thánh nhân đắc Đạo và những vị Á Thánh (nửa Thần Thánh).

Triết lý giáo dục nguyên thủy: giáo dục trước hết là giáo dục đạo đức (đức dục)

Những Thánh nhân, các vị Thần trong thân người xuất hiện khi đạo đức thế gian suy hoại, nền văn minh có nguy cơ sụp đổ. Sứ mệnh của các Ngài là đặt định văn hóa, độ nhân thành Thần, kéo dài nền văn minh. Bởi vậy điều các Ngài dạy bảo cho con người là đạo đức, trước hết là trọng Đức hành Thiện, Đức nâng lên rồi mới nói đến Đạo, chẳng hạn, đức Lão Tử viết cuốn Đạo Đức Kinh trong đó có nói về việc tu Đức rồi mới đắc Đạo.

Người ta vẫn cho rằng, giáo dục đạo đức là một đặc thù của văn hóa truyền thống phương Đông. Thực ra, Thánh nhân phương Tây là Socrates đối với Đức cũng có sự coi trọng tương tự. Ngài nói:

“Đạo đức - tất cả mọi đạo đức - là kiến thức”.
“Đạo đức là đủ cho hạnh phúc”.
"Hạnh phúc có được khi nó dung hòa với đạo đức."
"Đạo đức là khoa học là lối sống."
v.v.

Tuy vậy, vì văn hóa phương Tây có đặc thù khác biệt, sau này nó đi theo một con đường khác tương ứng với an bài riêng của nó, nên tư tưởng này của Socrates không có người tiếp nối. Chủ đề này chúng ta không bàn sâu thêm ở đây.

Giáo dục ngày nay vẫn bao gồm: trí dục - giáo dục trí tuệ; thể dục - giáo dục thể chất; đức dục - giáo dục đạo đức, nhưng dường như đức dục ít được coi trọng, vì nội hàm của đức đã mất đi rồi.

Nhiều người không cho rằng giáo dục đạo đức đáng được ưu tiên, họ cho rằng cần thiết hơn cả là giáo dục tri thức, kích phát trí tuệ, tạo nên những sản phẩm giáo dục siêu trí nhớ, siêu tính toán, IQ cao, có sức cạnh tranh mạnh mẽ trông thấy.

Hoặc chí ít cũng phải xây dựng được thể chất khỏe mạnh, cao lớn, đẹp đẽ.

Thay cho đạo đức, người ta giáo dục kỹ năng sống - giống như một sự ứng phó trong môi trường sống phức tạp hiện nay, có người gọi đó là trí tuệ cảm xúc EQ.

Thiển nghĩ, mong muốn có trí tuệ và sức khỏe là chính đáng, chỉ là thứ tự gốc ngọn bị đảo ngược.

Nếu không có đạo đức, sẽ không có trí tuệ thực sự, cũng không có thể chất tốt, ta có thể kết luận trước, chứng minh sau. Nhưng trước hết cần làm rõ “Đức” là gì?

Đức - một khái niệm rộng lớn hơn quan niệm phổ biến

Đức dục không phải là dạy làm người tốt một cách chung chung, nặng về lý thuyết, ít tính giáo hóa (cảm hóa bằng giáo dục)... hoặc thậm chí nhồi nhét những khái niệm khô cứng, giáo điều hay là tuyên truyền đúng đắn chính trị. Một người có đạo đức không chỉ là người hiền lành, không làm mất lòng ai. Thực ra, phạm vi bao trùm của Đức rất rộng, nội hàm của Đức rất sâu, muốn hiểu được phải tìm về gốc rễ trong truyền thống Đông phương.

Trong tuyệt tác Đạo Đức Kinh, đức Lão Tử viết rằng: “Mất Đạo rồi mới có Đức… “. Theo văn hóa truyền thống phương Đông, Đức là tất thảy những phẩm chất tinh thần tốt đẹp ở các tầng cấp khác nhau. Chẳng hạn như Nho gia dạy người ta về Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Trung, Thứ, Hiếu, Đễ, Cung, Thuận, Trinh, Tiết, Khiêm, Kiệm v.v. chúng đều là Đức ở các tầng cấp khác nhau. Khi người ta đắc Đạo thì không cần biết đến Đức này nữa, vì nó là điều đương nhiên ở trong Đạo. Ấy là người viết ngộ được trong câu: “Mất Đạo rồi mới có Đức…”

Lão Tử viết: "Mất Đạo rồi mới có Đức" (Nguồn: wikipedia)

Người thầy có vai trò giáo dục học trò để thực hành thuần thục những phẩm chất Đức này, khi thuần thục tự nhiên hết thảy thì người ta đã đắc Đạo. Đó là quá trình tu luyện với vai trò giáo dục của người thầy thời xưa.

Như vậy, giáo dục cổ xưa chính là rèn Đức học Đạo, tức là dạy cách tu dưỡng, tu luyện, với mục đích cao nhất là đắc Đạo, với Nho gia là thành Thánh nhân, với Đạo gia là thành Chân nhân, với Phật gia là thành Phật, và với Cơ Đốc giáo là thành Thần.

Có người nói rằng mục tiêu này cao quá, khó đạt được. Vậy hãy nói tới mục tiêu gần hơn: làm người tốt có trí tuệ và có sức khỏe để vui hưởng hạnh phúc đời người, thì Đức có vai trò gì?

Có Đức rồi mới có trí tuệ thực sự

Người ta hay nói rằng, người này có đức tính này hay đức tính kia. Theo từ điển, “đức tính” là tính tốt, phù hợp với đạo lý làm người. Ví dụ: đức tính chân thật; đức tính dũng cảm; đức tính kiên nhẫn, rộng lượng, bao dung; đức tính lương thiện; đức tính hiếu thảo v.v. như vậy, “Đức” ít nhất là một trạng thái tinh thần, thuộc về “tâm”. Tâm bao gồm “tâm tốt” hay là “đức tính”; và cả “tâm xấu”, trái ngược với đức tính.

Đức tính vừa có yếu tố bẩm sinh, vừa là rèn luyện, chủ yếu đạt được qua quá trình giáo dục và tự giáo dục. Rõ ràng, muốn đạt được trí tuệ, phải rèn luyện đức tính trước.

Ví như trong học tập, người ta cần đức tính kiên nhẫn, chịu được khó nhọc. Cần cả đức tính chân thật, vì nếu xem trọng gian dối, thì sự giáo dục là vô ích và bị phủ nhận. Cũng cần cả đức tính dũng cảm, dám bảo vệ lẽ phải hay cái thiện. Lại cần đức tính cầu thị, mới có thể liên tục thăng hoa về trí tuệ, tư tưởng.

Chẳng hạn, nếu xem trọng bằng cấp hư danh, xem nhẹ đức chân thật và kiến thức chân chính, ắt có tâm gian dối, thì sẽ nảy ra người có nhu cầu mua bằng và có người cung cấp bằng giả. Nếu không có đức tính can đảm để loại bỏ tiêu cực này, thì nó sẽ lây lan thành hiện tượng phổ biến, lúc đó nền giáo dục như cơ thể hoại tử, rất khó phục hồi, có thể phải đại phẫu từ gốc rễ rất đau đớn.

Một cá nhân muốn có trí tuệ sáng suốt thì anh ta trước hết phải rèn đức, loại bỏ những tâm xấu, như tâm nóng giận, tâm tự ái, tâm lười biếng, tâm đố kỵ, tâm hiếu thắng, tâm tranh đấu, tâm sợ hãi v.v. Tất cả những tâm xấu này đều làm mờ đục trí phán đoán sáng suốt của anh ta. Càng loại bỏ được nhiều tâm xấu, nhận thức của anh ta càng rộng mở, khả năng tiếp thu càng nhanh, độ tập trung ngày càng cao, sức hiểu càng ngày càng mạnh. Cổ nhân có câu “tâm tĩnh thì huệ sinh”, tâm càng tĩnh thì trí huệ càng nảy nở, khả năng học tập càng hiệu quả, có thể học một biết mười. Đều là nhờ chú trọng rèn đức mà có được.

Trong sách Luận Ngữ, đức Khổng Tử viết: “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân; hành hữu dư lực tắc dĩ học văn.” Tạm dịch là: “Con em (thanh niên) ở trong nhà thì hiếu, thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc huynh trưởng, thận trọng lời nói mà thành thực, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức; làm được thế vậy rồi mà còn dư sức thì sẽ học văn (tức học Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch…).” (1)

Tức là rèn đức trước, rồi sau mới học kiến thức - “tiên học Lễ, hậu học văn”.

Tâm trí như một mảnh vườn, mà tâm xấu như cỏ dại lúc nào cũng cần được dọn dẹp trước tiên, mới có thể cho bội thu hoa lợi là tri thức, thậm chí nảy nở những tri thức siêu xuất cảnh giới thông thường. Ngược lại, nếu vội vã gieo trồng tri thức, kết quả sẽ rất hạn chế.

Trang web uy tín Minh Huệ Net có rất nhiều câu chuyện minh chứng khả năng học tập vượt trội của các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Những người này sau khi bước vào tu luyện thì khả năng học tập có sự đột phá. Chẳng hạn, một học viên tên là Dương Thanh khi còn nhỏ có sức học trung bình, anh học để không bị cha mắng. Lên trung học, anh học để đua tranh, cặm cụi rất cực khổ, thành tích có khá hơn nhưng không nổi bật, lại phải trả giá bằng sức khỏe. Lên đại học, tình cờ anh biết đến Pháp Luân Đại Pháp. Sau một thời gian tu luyện tinh tấn, về học tập anh cũng đứng đầu toàn khóa, xếp trên gần 200 sinh viên xuất sắc mà việc học lại nhẹ nhàng hơn nhiều so với thời kỳ trung học.

Pháp Luân Công nâng cao đạo đức dựa trên nền tảng tu tâm tính theo nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn. (Ảnh: The Epochtimes).
Pháp Luân Công nâng cao đạo đức dựa trên nền tảng tu tâm tính theo nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn. (Ảnh: The Epochtimes).

Dương Thanh viết rằng: “Thì ra trong quá trình tôi không ngừng học Pháp tu luyện, tâm của tôi đã tĩnh lại rất nhiều, không còn mệt mỏi vì danh lợi nữa, học tập cũng nhẹ nhàng thoải mái, thầy giáo giảng điều gì thì tôi đều rất nhanh chóng lĩnh hội được, không bỏ công sức nhiều mà rất nhẹ nhàng đạt được thứ nhất. Đó là Pháp Luân Đại Pháp đã làm trong sạch cái tâm tôi, khai mở trí huệ của tôi. Từ việc học tập vì sợ cha, đến khổ công học tập vì danh lợi, cho đến học vì hiểu rõ đạo lý sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, Pháp Luân Đại Pháp đã triển hiện uy lực thần kỳ trên thân tôi.” (Theo Minh Huệ Net)

Một phương diện chủ yếu của tu luyện là sự rèn Đức, luyện tâm. Ở đây bài viết này không có ý đề xuất mọi người đều tham gia tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, vì cơ duyên của mỗi cá nhân một khác. Nhưng nếu có thể rèn Đức luyện tâm, giống như Dương Thanh chia sẻ, thì việc học sẽ đạt đến “sự bán công bội”, tức là hiệu quả học tập vượt trội. Khoa học cũng đã chứng minh điều này.

Trong hội nghị thường niên lần thứ 65 của Hiệp hội các Nhà tâm lý học Quốc tế được tổ chức tại San Diego, Nam California, Hoa Kỳ từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 8 năm 2007, các nhà khoa học đến từ Hoa Kỳ đã trình bày báo cáo khoa học tiêu đề “Nghiên cứu Khoa học về Sinh lý học tế bào, Tâm lý học và Y học Năng lượng đối với Tác dụng Sức khỏe Thể chất và Tinh thần của Pháp Luân Đại Pháp“. Theo báo cáo này, việc tu tâm rèn Đức của các học viên Pháp Luân Công được chứng minh là có thể khai phát tiềm năng trí tuệ.

Trí tuệ được khai phát, việc học tập dễ dàng hơn rất nhiều rồi. Nhưng còn sức khỏe thì sao?

Có Đức mới có sức khỏe từ trong ra ngoài, cả tinh thần và thể chất

Báo cáo của Hội nghị khoa học trên cũng chứng minh rằng Pháp Luân Công có hiệu quả rõ rệt trên nhiều phương diện như giảm căng thẳng tâm lý, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, chữa nhiều bệnh về thể chất và tinh thần của người hiện đại, nâng cao tố chất tâm lý và tiêu chuẩn đạo đức… Đồng thời, các nhà khoa học từ quan điểm của các ngành khoa học hiện đại khác nhau, đã cung cấp các phân tích và chứng minh chặt chẽ từ đơn giản đến phức tạp. Báo cáo đã gây ra tiếng vang lớn tại Hội nghị Tâm lý học Quốc tế.

Một nhà khoa học nổi tiếng khác có tên David R.Hawkins (1927 - 2012) - tiến sĩ, bác sĩ tâm thần, nhà nghiên cứu nhận thức và giảng viên tâm linh nổi tiếng người Mỹ - trong cuốn sách “Power vs Force” của mình đã chứng minh được mối liên hệ mật thiết giữa bệnh tật và những suy giảm năng lượng trong cơ thể con người, là hậu quả của những tư tưởng tiêu cực.

Suy nghĩ của chúng ta tạo nên cảm xúc và mỗi cảm xúc có một mức năng lượng nhất định.
Suy nghĩ của chúng ta tạo nên cảm xúc và mỗi cảm xúc có một mức năng lượng nhất định. (Ảnh: Ethics in the Hearing Aid Industry)

Cụ thể, ông cho rằng tùy theo cảnh giới tư tưởng của mỗi người, có một tần số rung động hay mức năng lượng khác nhau và nằm trong khoảng từ 1 đến 1000 (3). Ví dụ như:

Vui vẻ, thanh tĩnh: 540
Lý tính, thấu hiểu: 400
Khoan dung độ lượng: 350
Hy vọng, lạc quan: 310
Tự cao, khinh thường: 175
Căm ghét, thù hận: 150
Dục vọng, khao khát: 125
Sợ hãi, lo lắng: 100
Đau buồn, tiếc nuối: 75
Thờ ơ, tuyệt vọng: 50
Nhục nhã, hổ thẹn: 20

Cảnh giới tư tưởng nào thì cho tần số rung động và mức năng lượng ấy, tần số rung động càng cao, năng lượng càng lớn, con người càng khỏe mạnh minh mẫn, và ngược lại. Mà cảnh giới tư tưởng hoặc trạng thái cảm xúc này rõ ràng là kết quả của “Đức dục”, nghĩa là quá trình giáo dục rèn Đức, luyện tâm ở các mức độ khác nhau.

Trung Y, với cách tiếp cận đặc thù, đã xác nhận điều này từ xưa. Chẳng hạn theo Trung Y, vì có liên quan mật thiết với “ngũ tạng”, nên các trạng thái của tinh thần con người, tức là “ngũ thần”, sẽ ảnh hưởng đến “ngũ tạng”.

Trung Y có câu: “Hỷ thương tâm, nộ thương can, tư thương tỳ, bi thương phế, khủng thương thận.”

Có nghĩa là vui mừng, hạnh phúc, hoan hỷ thái quá sẽ làm thương tổn đến tim. Nóng nảy, giận dữ sẽ thương tổn đến gan. Suy nghĩ nhiều thì hại lá lách. Buồn đau sẽ hại phổi. Sợ hãi thì hại thận.

Bởi vậy, Trung Y tin rằng mục đích chân chính của việc giữ gìn sức khỏe là giữ cho tâm lý và thể chất được cân bằng vào mọi lúc. Một tâm trạng thoải mái vừa đủ sẽ cân bằng khí huyết. Cảm xúc thái quá sẽ tác động tới nội tạng, gây hỗn loạn khí trong nội tạng và dẫn đến mắc bệnh. Rốt cuộc vẫn là kết quả của việc rèn Đức luyện tâm.

....

Vậy là, chúng ta đã chứng minh được rằng: “Nếu không có đạo đức, sẽ không có trí tuệ thực sự, cũng không có thể chất tốt”. Và khẳng định triết lý giáo dục đầu tiên đó là: Giáo dục trước hết và trên hết phải là giáo dục đạo đức (đức dục).

Khi đã coi đức dục là nền tảng, chúng ta mới bàn đến những triết lý giáo dục khác. Chẳng hạn: Động lực của việc học là gì?; Hoặc là phải làm sao để việc dạy và học có thể thích ứng được với khối lượng kiến thức ngày càng tăng tiến?

Xin đón xem trong những kỳ tới.

Kỳ 2: Tìm lại những vàng son của tinh thần giáo hóa

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Phong

Chú thích:

(1): Theo cuốn “Luận ngữ và Khổng tử” của tác giả Nguyễn Hiến Lê

(2): Theo Ming Huệ Net

(3): Power vs Force - an Anatomy of Consciousness (David R. Hawkins, M.D., Ph.D.)



BÀI CHỌN LỌC

Luận đàm về giáo dục: Giáo dục đúng nghĩa bắt đầu từ triết lý giáo dục đúng đắn (Kỳ 1)