Luật nhập cư Đức có thay đổi gì mới để thu hút lao động nước ngoài?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quốc hội Đức sẽ thông qua luật cải cách nhập cư, cho phép lao động nước ngoài dễ dàng sang Đức làm việc. Vậy luật nhập cư mới của nước Đức có gì đặc biệt?

Vì sao Đức thay đổi luật nhập cư?

Chính phủ Đức đang lo ngại thiếu lao động hiện nay sẽ đe dọa dọa tăng trưởng trong tương lai trong bối cảnh dân số ngày càng suy giảm.

Trả lời báo Financial Times hôm 2/5, Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil cho biết Đức sẽ xây dựng một trong những hệ thống nhập cư hiện đại nhất châu Âu. Mục đích là để thu hút tài năng trên toàn cầu, giải quyết vấn đề thiếu nhân lực có kỹ năng, vốn đang là mối lo ngại hàng đầu của nước này.

Ông ghi nhận nhiều ngành công nghiệp của Đức đang chật vật tìm kiếm nhân sự và tình hình sẽ tồi tệ hơn khi thế hệ Baby-Boomer (những người sinh trong giai đoạn bùng nổ trẻ sơ sinh 1946-1964) đến tuổi về hưu.

“Đức sẽ thiếu 7 triệu lao động vào năm 2035 nếu chúng tôi không hành động. Điều đó rốt cục có thể trở thành một cú phanh thực sự đối với tăng trưởng kinh tế của chúng tôi”, Bộ trưởng Hubertus Heil nói.

Theo cuộc khảo sát hàng quí mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC), vấn đề thiếu lao động đang hạn chế sản lượng tại 42% công ty dịch vụ, 34% công ty sản xuất công nghiệp và 30% công ty xây dựng của Đức.

Vấn đề này có thể ngày càng tồi tệ hơn. Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức cho thấy số lượng vị trí tuyển dụng còn trống ở lên mức kỷ lục 630.000 vào năm 2022, tăng 280.000 so với năm 2021.

Viện Nghiên cứu lao động (IAB) của Đức cho biết Đức cần 400.000 lao động nhập cư hàng năm vào năm 2060 để duy trì nguồn cung nhân lực ổn định.

Luật cải cách nhập cư, dự kiến được quốc hội Đức thông qua trong vài tuần tới, sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người lao động nước ngoài đến làm việc ở Đức.

Luật nhập cư của Đức có gì mới?

Theo truyền thông Đức, luật mới sẽ giới thiệu chương trình “thẻ cơ hội” cho những người nước ngoài không thuộc Liên minh châu Âu (EU) muốn đến Đức làm việc dài hạn.

Cơ chế tính điểm theo 5 tiêu chí

Một cơ chế tính điểm dành cho những người chưa đặt chân vào Đức, dựa trên 5 tiêu chí:

  1. Bằng cấp, trình độ
  2. Biết tiếng Đức
  3. Đã có kinh nghiệm nghề nghiệp ít nhất 3 năm
  4. Có liên hệ với nước Đức hoặc với người đang sống ở Đức
  5. Tuổi dưới 35

Những người thỏa mãn các tiêu chí trên sẽ được phép tạm cư tại Đức, kể cả khi chưa có hợp đồng lao động với doanh nghiệp nào tại Đức.

Hàng năm, chính phủ Đức sẽ đưa ra hạn ngạch cấp thị thực cho lao động nhập cư dựa trên nhu cầu nhân công của từng lĩnh vực trong nước. Những người nước ngoài đạt một số điểm nhất định của thẻ cơ hội sẽ được ưu tiên cấp thị thực.

Tối đa 1 năm, làm việc 20 giờ/tuần

Những người sở hữu bằng cấp học thuật hoặc chứng chỉ nghề có thể ở lại Đức tối đa 1 năm trong khi tìm kiếm việc làm. Họ sẽ được phép làm việc tới 20 giờ mỗi tuần trong khi tìm kiếm việc làm lâu dài.

Ngoài ra, người lao động nước ngoài có hơn 2 năm kinh nghiệm nghề nghiệp sẽ được tạo điều kiện định cư tại Đức. Đặc biệt, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì không cần phải chứng minh là có biết tiếng Đức và không cần có bằng Đại học.

Đăng ký quốc tịch sau 3 - 5 năm cư trú

Dự thảo luật còn cho phép người nước ngoài đăng ký quốc tịch sau 5 năm cư trú tại Đức thay vì 8 năm như hiện tại. Những người có nỗ lực đặc biệt để hòa nhập xã hội, chẳng hạn như thông thạo tiếng Đức, sẽ đủ điều kiện nộp đơn sau 3 năm.

Cho phép mang 2 quốc tịch

Bên cạnh đó, dự thảo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm mang hai quốc tịch đối với những người đến từ các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU), nghĩa là những người nhập cư sẽ không còn phải từ bỏ quốc tịch gốc.

Dương Minh

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Luật nhập cư Đức có thay đổi gì mới để thu hút lao động nước ngoài?