“Lưng giắt vạn quan” thì nặng bao nhiêu? Là giàu có thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đồng tiền thời cổ ngoài tròn trong vuông, dùng sợi dây xâu lại, một nghìn tiền xâu lại thành một quan tiền. Vậy ‘lưng giắt vạn quan’ nặng bao nhiêu? Là giàu có thế nào?

Điển tích “Lưng giắt vạn quan” có nguồn gốc từ tác phẩm “Tiểu thuyết - Ngô Thục nhân” của Ân Vân. Sách có chép rằng, có mấy vị chí hướng khác nhau, có vị muốn làm quan, muốn làm Thứ sử Dương Châu hưởng vinh hoa phú quý, có vị muốn làm phú ông, lưng giắt vạn quan tiền, có vị muốn thành Tiên cưỡi hạc về Trời. Trong đó có một vị đầu óc linh hoạt, muốn “Yêu triền thập vạn quán, kỵ hạc thượng Dương Châu” (Lưng giắt mười vạn quan tiền, bước lên lưng hạc bay về Dương Châu). Người này muốn được tất cả cùng lúc, có thể như vậy chăng?

Trong “Hồng lâu mộng”, bà lão họ Lưu lần đầu tiên đến phủ nhà họ Giả, gặp lúc họ mua cua làm yến tiệc. Bà cụ thốt lên: “Chỗ cua này, giá năm nay là 5 hào một cân, 10 cân hết 5 tiền… lại còn thêm đồ ăn, rượu, tổng cộng hết hơn hai mươi lạng bạc! A Di Đà Phật! Chỗ bạc này đủ cho nhà chúng con sống trong cả năm đó!”.

Hai mươi lạng bạc đủ cho một gia đình sống ở nông thôn thời Minh Thanh trong một năm. Vậy người ‘lưng giắt vạn quan’ là giàu có cỡ nào?

Nguồn gốc từ ‘quan’ (quan tiền)

Chúng ta ngày nay dùng trong lưu thông chủ yếu là tiền giấy, tiền kim loại chỉ là phụ trợ. Nhưng trong một khoảng thời gian dài lâu của lịch sử, rất nhiều triều đại dùng tiền kim loại để lưu hành, sau Hán Đường đến tận đời Thanh đều thông hành. Từ ‘quan’ trong câu ‘Lưng giắt vạn quan’ là đơn vị tính toán tiền tệ sinh ra.

Thời cổ đại có cách gọi tiền tệ là ‘Khổng phương huynh’, là do giữa đồng tiền có lỗ hình vuông, cổ nhân dùng dây xâu qua lỗ, một nghìn đồng xâu lại thành một quan. Một đồng tiền đúc bằng đồng đó gọi là một văn tiền, một quan là một nghìn văn tiền. ‘Lưng giắt vạn quan’ là chỉ trên thân mang theo vạn quan tiền, tức nghìn vạn văn tiền, ý nói tài phú cực nhiều. (Nguồn “Tiểu thuyết - Quyển lục - Ngô Thục nhân” của Ân Vân thời nhà Lương - Nam Triều)

Vậy ‘lưng giắt vạn quan’ nặng bao nhiêu?

Tất nhiên một phú ông giàu có không thể mang nổi đống tiền của này giắt lưng được, bởi vì một nghìn vạn đồng tiền đúc bằng đồng đó không thể cho vừa một túi nhỏ, thêm nữa trọng lượng cũng rất nặng. Thời cổ đúc tiền đều có tiêu chuẩn về hình dạng cùng trọng lượng. Hãy tính xem vạn quan tiền cân nặng bao nhiêu?

Thời nhà Đường đúc tiền tệ ‘Thông bảo’, là tiêu chuẩn cho việc đúc tiền tệ về sau, kéo dài gần 1300 năm. Trước thời nhà Tống, tiền tệ cùng vải lụa, lương thực thay cho tiền cùng được thông hành, tiến nhập thời bắc Tống, tiền đồng trở thành đơn vị tài chính chủ yếu. Đồng tiền có thể biểu thị giá cả, dùng để thanh toán, lưu thông, tích trữ.

“Cựu Đường thư - Thực hóa chí thượng” có ghi: Đường Cao Tông năm Vũ Đức thứ 4 (năm 622) tháng 7, bỏ ‘ngũ thù tiền’ (một ‘thù’ bằng 1/24 lạng), cho lưu hành ‘ngũ nguyên thông bảo tiền’. Đồng tiền vẫn giống như tiền thời nhà Tần trong vuông ngoài tròn, quy định trọng lượng mười văn là một lạng (trọng lượng một văn là một tiền), một nghìn văn là bằng một trăm lạng ( 16 lạng là 1 cân), tức 6 cân 4 lạng là trọng lượng một quan tiền, gấp lên một vạn lần tức là gần 7 vạn cân (tức 35 tấn). Các vị xem ‘Vạn quan’ tiền nặng đến thế nào?

‘Lưng giắt vạn quan’ là giàu như thế nào?

Tất nhiên là 7 vạn cân tiền (35 tấn) thì không thể quấn quanh lưng được. Vào thời mạt Thanh, câu ‘lưng giắt vạn quan’ vẫn là để chỉ người có tiền tài cực lớn. Trong sách “Nho lâm ngoại sử” thời Thanh, có viết: “Ngài không thấy lão gia ở Trương phủ trong thành, tài sản vạn quan, là người mặt vuông tai lớn đó”.

Tuy nhiên, về phương diện mua bán, người có vạn quan tiền tệ thì giàu có thế nào?

Bởi tiêu chuẩn vật giá của các triều đại là khác nhau, “vạn quan” là một danh mục giá trị, có thể mua được bao nhiêu vật phẩm sinh hoạt thì mới là giá trị thực chất của nó. Triều chính có ổn định không, xã hội an bình hay động loạn, đều là nhân tố làm giá trị tiền tệ biến động.

Chúng ta cùng xem một vài ví dụ để làm tiêu chuẩn so sánh tương đối.

Theo “Tân Đường thư - Thực hóa chí” có ghi chép: “Năm Trinh Quán thứ nhất (năm 627), số hộ trên toàn quốc chưa đầy ba triệu hộ, một súc lụa đổi một đấu gạo. Đến năm Trinh Quán thứ 4, mỗi đấu gạo chỉ 4~5 tiền”.

Chính trị thời Trinh Quán được xem là thời trong sáng nhất, là thời kỳ dân sinh phồn vinh cực thịnh, vật giá ổn định, đồ tốt giá rẻ. Một đấu gạo chỉ có 4~5 tiền, một quan (một nghìn tiền) có thể mua được 200 đến 250 đấu gạo. Vạn quan tiền sẽ mua được 200~250 vạn đấu gạo, lấy giá gạo ngày nay mà tính, thì vượt quá 230 triệu nhân dân tệ (trên 30 triệu USD). Vào thời Đường mà “lưng giắt vạn tiền” thì là cực giàu rồi đó.

ào thời Đường mà “lưng giắt vạn tiền” tương đương 30 triệu USD, thì là cực giàu rồi đó. (Tranh Chí Cường - Epohc Times)

Lấy số thuế thu được sau thời Đường Huyền Tông mà làm phép so sánh. Theo “Thông điển - Phú thuế hạ” có ghi chép, những năm Thiên Bảo đời Đường Huyền Tông, hộ khẩu Trung Quốc khoảng hơn 8,9 triệu hộ, tiền thuế thu được trong một năm khoảng hơn hai trăm vạn quan. Vậy một người ‘lưng giắt vạn quan’ là có tài sản bằng 1/200 thuế quốc gia thu trong một năm. Thời Đường còn lưu thông cả vải lụa, lương thực là hàng hóa trao đổi tương đương như tiền tệ.

Năm Hàm Bình thứ 3 đời Tống Chân Tông (năm 1000), Trung Quốc bước vào thời kỳ kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu biểu hiện ở chỗ thống nhất dùng tiền đồng và khối lượng đúc. “Tống sử” có ghi, tiền tệ lưu thông từ thời Tống Sơ tới năm Hàm Bình thứ 3, các nước phía bắc đều thích sử dụng tiền đồng, các nước phía nam thì sử dụng tiền chì, tiền sắt, và tiền sắt chuyên dụng của Tứ Xuyên.

Năm Hi Ninh thứ 6 đời Tống Thần Tông (năm 1073) là năm đỉnh điểm Bắc Tống đúc tiền đồng, đúc khoảng 600 vạn quan. Lấy đó mà so, thì một người ‘eo giắt vạn tiền’ là có tài sản bằng 1/600 tiền tệ lưu thông của cả một quốc gia lớn trong một năm, quả là một con số rất lớn.

Sức mua của vạn quan tiền

Vậy sức mua thực tế của vạn quan tiền vào thời Tống là như thế nào? Đầu tiên hãy lấy lương thực và thực phẩm để so sánh.

“Tống sử - Thực hóa chí” có ghi chép: “Những năm Hi Ninh, Nguyên Phong (1068~1085) về trước, một thạch gạo không quá sáu, bảy trăm tiền” (một thạch bằng 120 cân).

Vào thời Tống Thần Tông, Tống Triết Tông nhà Bắc Tống, một thạch ước khoảng sáu, bảy trăm tiền, một thạch là mười đấu, nên một đấu gạo có giá 60~70 văn tiền. Lấy trung bình là 65 văn tiền, một quan tiền mua được 15 đấu gạo, vạn quan tiền mua được 15 vạn đấu. Nếu lấy giá gạo ngày nay thì tương đương với 16 triệu nhân dân tệ (2.3 triệu USD).

Đến năm Tuyên Hòa thứ hai đời Tống Huy Tông (năm 1120), một thạch gạo tăng giá lên tới 2500~3000 văn tiền, một đấu gạo có giá 250 ~300 văn tiền, so với năm Hi Ninh, Nguyên Phong, thì vật giá đã tăng gấp 4~5 lần, nên giá trị tiền cũng mất giá 4~5 lần.

Cùng xem vật phẩm thường ngày, thời nhà Tống được gọi là thời dân chúng phồn hoa giàu có, xem ghi chép thực tế trong Bắc Tống Dân Tục Chí “Đông Kinh Mộng Hoa Lục”, vào quán hàng sang trọng dùng cơm, mỗi bát chỉ 10 văn tiền. Mùa đông cá tươi từ sông Hoàng Hà, mỗi cân chỉ khoảng trăm tiền. Kinh đô có rất nhiều món ngon mà lại rẻ, giá chỉ khoảng 15 tiền một suất như: Vịt quay, gà rán….các loại điểm tâm. Vậy một quan tiền mua được 66 suất ăn.

Một quan tiền bằng một lạng bạc. Bà lão họ Lưu nói phủ họ Giả bày tiệc ăn cua một lần tiêu hết hơn hai mươi lạng bạc, bằng chi dùng cho một gia đình vùng quê trong một năm! Chúng ta lấy mỗi tháng dùng hai lạng, thì ở thời Bắc Tống 2~3 lạng bạc cũng đủ cho một người trong thành dùng trong một tháng.

Nếu so với ngày nay, thì ‘lưng giắt vạn quan’ có giá trị thế nào?

Bên trên đã nói qua về các loại điểm tâm thời Tống, có giống với các món ngày nay không? người viết cảm thấy rất giống. Thời Tống một quan tiền mua được 66 suất điểm tâm, vậy nay trong khách sạn mà mua 66 suất điểm tâm thì hết bao nhiêu tiền?

Dùng giá trung bình là 15 đô la Hong Kong mà tính, thì 66 suất là gần 1000 đô la Hồng Kông (khoảng 120 USD). Đó là giá trị của một quan tiền, vạn quan tiền thì hãy gấp lên vạn lần, khoảng 1,2 triệu USD.

Ngày nay tiền đồng không còn, nhưng giao dịch bằng bạc trắng vẫn còn. Chúng ta dùng bạc để đổi ra, vạn quan tiền đổi ra bao nhiêu bạc?

Thời cổ đại, bạc trắng là kim loại quý dùng trong tiền tệ, trước thời nhà Minh, bên trong nội địa Trung Quốc bạc có ít giá thành cao, sau thời nhà Minh, hải ngoại mang bạc trắng đến Trung Quốc để trao đổi hàng hóa, vàng bạc nhiều lên, bạc bị mất giá.

Cổ đại một quan tiền có giá trị tương đương một lạng bạc (1 lạng bạc= 37.5 gram). Giá ngày nay, 01 gram bạc giá 5 nhân dân tệ, tương đương 0.7 USD. Một quan tiền thì bằng 26.79 USD, vạn quan tiền bằng 267.857 USD.

Lấy tiêu chuẩn ngày nay mà so, thì phú hộ có vạn quan khi ấy không thể so được với các triệu phú tỷ phú đô la ngày nay.

Lưng giắt vạn quan tiền là rất nặng đó, là mang trên thân 35 tấn tiền. Vậy mười vạn quan tiền là 350 tấn trọng lượng, ôi ‘Yêu triền thập vạn quan, kị hạc thượng Dương Châu’ (Lưng giắt mười vạn quan tiền, bước lên lưng hạc bay về Dương Châu), thì đi sao nổi nói gì đến bay!

Thực ra, bản chất của tu Đạo là sự xả bỏ toàn bộ dục vọng cùng chấp trước, mang danh lợi vứt bỏ sạch không, xả tận tất cả thì mới có thể hy vọng thấy ngày đắc Đạo.

Tác giả: Dung Nãi Gia - Epochtimes

Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

“Lưng giắt vạn quan” thì nặng bao nhiêu? Là giàu có thế nào?