Mang theo ký ức tiền kiếp, trở thành vị quan nhất phẩm tuổi trẻ nhất trong lịch sử nhà Thanh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những năm đầu của triều đại nhà Thanh có một vị đại quan không chỉ nhớ được ký ức tiền kiếp mà còn nhận được sự tán dương của hai vị hoàng đế Thuận Trị và Khang Hy.

Vị quan này tên là Lý Úy, tự là Cảnh Duật, hiệu là Thản Viên, là người huyện Cao Dương, tỉnh Trực Lệ. Ông sinh ra vào năm Thiên Khải thứ 5 đời vua Minh Hy Tông (năm 1625) và mất vào năm Thanh Thánh Tổ Khang Hi thứ 23 (năm 1684).

Năm Lý Úy 7 tuổi, cha ông qua đời, từ đó về sau Lý Úy gánh trên vai trách nhiệm cai quản gia đình. Năm 21 tuổi, Lý Úy đỗ tiến sĩ. Đến năm 28 tuổi, ông được chọn làm người thân cận bên cạnh Hoàng đế Thuận Trị, phụ trách việc tiếp đãi và xét duyệt tấu chương. Năm 30 tuổi, Lý Úy được đề bạt làm Mật thư viện Học sĩ, phụ trách việc giảng giải kinh điển cho Hoàng đế. Năm 33 tuổi, Lý Úy bắt đầu nhận những chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Thanh: đầu tiên ông nhậm chức Mật thư viện Đại học sĩ, sau đó nhận chức Đông các Đại học sĩ kiêm Công bộ Thượng thư, và gia phong chức Thái tử Thái bảo, trở thành vị quan nhất phẩm trẻ tuổi nhất trong lịch sử nhà Thanh. Lý Úy được sử sách mô tả là một người "lão luyện trang trọng, phong độ tao nhã, nói năng thận trọng, trong ngoài hòa thuận".

Nhưng ít người biết rằng, việc Lý Úy có thể trở nên "lão luyện trang trọng" lại có quan hệ rất lớn đến khả năng nhớ được tiền kiếp của ông.

Trong cuốn sách cổ "Tam cương thức lược" chép rằng, Lý Úy là người có khả năng nhớ được kiếp trước. Lý Úy kể lại rằng, đời trước ông từng là một Nho sinh, thông hiểu kinh sử nhưng đáng tiếc là nhiều lần tham gia khoa cử nhưng không đỗ đạt. Một ngày nọ ở kiếp trước, ông phát bệnh. Trong lúc đang đau đớn, đột nhiên Lý Úy cảm thấy thân thể nhẹ hơn, bệnh tật trên người đều biến mất, có thể bước đi một cách nhẹ nhàng. Thế rồi ông liền đứng dậy, bất giác đi đến nhà họ Lý. Khi ông đi vào nhà họ Lý cũng không có ai ngăn cản, vào đến một căn phòng, thấy có nhóm phụ nữ đang chăm sóc một người phụ nữ sắp sinh. Lúc này, đột nhiên cảm thấy có người đẩy mình về phía trước, Lý Úy ngã vào bụng người phụ nữ kia. Trong chốc lát, đầu óc ông mê man, đến khi tỉnh lại đã thấy bản thân đã biến thành một đứa trẻ đang nằm trên chiếc giường nhỏ.

Khi đó, ngoài trời đang có tuyết lớn, người mẹ vừa sinh xong, muốn hỏi tình hình bên ngoài. Lý Úy lúc này vừa mới sinh ra, đã mở miệng nói: "Có tuyết". Người trong nhà vô cùng kinh ngạc. Có người không hiểu còn cho rằng ông là yêu quái, muốn mang đi dìm chết. May mắn là cha của ông kiên quyết không đồng ý, nhờ vậy đứa trẻ Lý Úy mới có thể tiếp tục sống sót. Sau khi trải qua chuyện này, Lý Úy không dám mở miệng nói, thế nên mọi người lại cho rằng ông là một người câm điếc.

Năm Lý Úy 7 tuổi, một người thân thích nói rằng: đứa trẻ này là một đứa câm điếc, nuôi lớn cũng không có tác dụng gì. Lúc này Lý Úy lại đột nhiên mở miệng nói chuyện, mọi người đều cảm thấy rất kinh ngạc. Sau đó khi Lý Úy đi học, bởi vì ông nhớ được những kiến thức từng học ở kiếp trước, nên được xem là Thần đồng. Đến khi làm quan, Lý Úy mới tự mình kể lại những việc ông từng trải qua trong kiếp trước.

Sau khi Khang Hy lên ngôi, Lý Úy tiếp tục được trọng dụng. Ông nhận chức Hoằng Văn viện Đại học sĩ, sau đó nhậm chức Bảo Hòa điện Đại học sĩ kiêm Hộ bộ Thượng thư. Bởi vì Lý Úy nhớ được tất cả những điều từng học trong kiếp trước, ở đời này ông cũng vô cùng hiếu học, nên kiến thức của Lý Úy vô cùng uyên bác, trình độ học vấn cao siêu, thường được Hoàng đế tán dương.

Khi đó, trình độ học vấn của Lý Úy không chỉ vượt xa những quan lại cấp cao của dân tộc Mãn, mà ngay cả trong quan lại người Hán cũng có rất ít người có thể theo kịp tài năng của ông. Hoàng đế Khang Hy đã giao cho Lý Úy biên soạn rất nhiều tài liệu quan trọng của quốc gia, chẳng hạn như hiệu đính luật lệ Đại Thanh, chỉnh sửa cuốn "Thái tông thực lục". Sau đó, Lý Úy được giao trách nhiệm chính trong việc biên soạn cuốn "Thế tổ thực lục". Khi những thư tịch này được hoàn thành, Hoàng đế Khang Hy vô cùng hài lòng, không chỉ ban thưởng vàng bạc, yên ngựa cho Lý Úy mà còn hai lần tấn phong ông làm Thái tử Thái phó và Thái tử Thái sư. Về sau, những chiếu chỉ cơ mật về việc điều binh khiển tướng của Khang Hy, đều do ông soạn thảo. Hơn nữa, mỗi khi có một quyết định quan trọng hay những việc quân cơ, sách lược, chỉ dụ, Hoàng đế Khang Hy đều thảo luận với Lý Úy. Ông thường đưa ra được những ý kiến nhìn xa trông rộng. "Phàm là đại lễ của triều đình, đều giao cho ông phụ trách. Hoàng đế ra ngoài cung thì ông đi theo tùy tùng, Hoàng đế vào cung thì ông thị tùng giảng thuyết".

Hoàng đế Khang Hi. (Miền công cộng)

Lý Úy mang theo ký ức tiền kiếp nên rất tin vào những chuyện luân hồi chuyển thế. Vì vậy ông vô cùng chính trực, chín chắn, giữ mình trong sạch, chưa bao giờ lợi dụng sự thân thiết của mình với Hoàng đế để mưu đồ tư lợi. Khi bất đồng ý kiến với những vị quan khác, Lý Úy sẽ tĩnh tâm nghe người khác nói, sau đó tự mình suy nghĩ kỹ càng, chưa từng xảy ra cãi vã. Khi người khác nói xong, Lý Úy mới đưa ra ý kiến của mình. Lý Úy không nói thì thôi nhưng khi đã nói thì có thể "chỉ bằng một vài lời mà định được đúng sai" khiến mọi người tâm phục khẩu phục.

Bởi vì Lý Úy tham gia vào việc soạn thảo rất nhiều chiếu chỉ cơ mật, nên ông có thể biết nhiều bí mật quan trọng. Từng có một số quan lại muốn biết những bí mật này thông qua Lý Úy. Không ít người nịnh bợ, lấy lòng, giả vờ bắt quàng làm họ với Lý Úy vì mục đích này. Thế nhưng Lý Úy thường vô cùng thanh tĩnh, những điều không nên nói thì ông sẽ tuyệt đối không nói với người khác, "làm đúng chức vụ, bên ngoài chưa từng nói với người khác, hết sức cẩn thận, xưa nay chưa từng lơi lỏng, nếu có người hỏi, cũng lặng im không trả lời".

Với những cống hiến to lớn này của Lý Úy, Hoàng đế Khang Hy rất yêu mến và "quan tâm ưu ái" ông. Khi Lý Úy qua đời, Hoàng đế Khang Hy vô cùng thương tiếc, lệnh cho Đại học sĩ Minh Châu mang theo một số người đến thăm viếng, đồng thời ban cho ông một tang lễ quy mô lớn, đầy đủ nghi thức. Sau đó Hoàng đế lại ban cho ba người con của Lý Úy làm tri huyện và viên ngoại lang, còn đề bạt cháu của Lý Úy là Lý Mẫn Khải làm Thái thường tự Thiếu khanh để thể hiện sự ưu ái của mình. Hoàng đế Khang Hy cho phép Lý Úy chính thức được thờ ở Hương hiền tự, ban cho thụy hiệu "Văn Cần". Trong thụy hiệu vừa có "Văn" vừa có "Cần" đã hoàn toàn thể hiện được cả nhân cách và tài năng của vị quan đại thần Lý Úy này.

Cảm Ân - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Mang theo ký ức tiền kiếp, trở thành vị quan nhất phẩm tuổi trẻ nhất trong lịch sử nhà Thanh