Một thôn nữ cứu cả quốc gia, một hành động đẩy lùi đại quân địch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, hai nước Tề và Lỗ tiếp giáp nhau. Nước Tề mạnh hơn nên thường xuyên xâm lược nước Lỗ. Một lần nọ, đội quân hùng mạnh của nước Tề tiến đánh nước Lỗ. Trên cánh đồng ngoại ô nước Lỗ, tướng quân nước Tề nhìn thấy một người phụ nữ đang ôm chặt đứa trẻ, tay còn lại dắt theo một đứa trẻ khác, lảo đảo chạy trốn về phía núi.

Quân Tề ngày càng tiến đến gần. Khi nhìn thấy quân Tề, người mẹ đột nhiên đặt đứa bé đang ôm trên tay xuống, quay sang bế đứa bé còn lại, tiếp tục chạy trốn. Đứa bé bị bỏ lại vừa gào góc, vừa chạy đuổi theo mẹ.

Vị tướng quân Tề lại gần đứa bé, hỏi rằng: "Người đang chạy trốn kia là mẹ con phải không".

Đứa bé nước mặt giàn giụa gật đầu, trả lời rằng: "Vâng ạ".

Vị tướng quân hỏi tiếp: "Vậy đứa trẻ mẹ con đang bế theo là ai?"

Đứa bé đáp: "Con không biết ạ".

Thế nên vị tướng quân đuổi theo người phụ nữ. Các binh sĩ nước Tề lập tức lắp tên và giương cung, hét lớn: "Đứng lại! Nếu không dừng, chúng tôi sẽ bắn!".

Người phụ nữ kia đột ngột dừng và xoay người nhìn lại. Vị tướng quân đến hỏi: "Đứa trẻ cô đang ôm là ai? Còn đứa bé cô để lại là ai?"

Người phụ nữ trả lời: "Đứa trẻ tôi đang ôm là con của anh trai tôi, đứa trẻ bị bỏ lại là con của tôi. Bởi vì thấy các ngài sắp tới, tôi không thể bảo vệ cả hai đứa trẻ cùng lúc nên đành phải để lại đứa con của mình".

Vị tướng quân nước Tề cảm thấy nghi hoặc: "Con trẻ chính là cốt nhục của cô, tình cảm mẹ con sâu nặng, đau đớn như xuyên vào tim. Vì sao cô bỏ lại đứa con của mình, lại ôm con của anh trai bỏ chạy?”

Người phụ nữ trả lời: "Bảo vệ con mình là tình thương riêng, bảo vệ con của anh trai là nghĩa. Bỏ nghĩa vì tình riêng, vì giữ con mình mà vứt bỏ con anh trai, nếu may mắn sống được thì vua nước Lỗ cũng không thu nhận tôi, các quan đại phu không chăm sóc tôi, dân thường cũng không đến gần tôi. Như vậy, co vai lại cũng không có chỗ dung thân, đứng bằng hai chân cũng không có chỗ đặt chân. Mất con tuy đau xót, nhưng không thể không theo nghĩa! Cho nên tôi nhẫn nhục bỏ lại con của mình, bảo vệ con của anh trai theo đạo nhân nghĩa; không có nghĩa thì làm sao tôi có thể lập thân ở nước Lỗ?".

Các tướng lĩnh nước Tề nghe xong lời của người phụ nữ đều cảm động sâu sắc. Họ không ngờ rằng, trong lúc chinh chiến nơi biên ải, lại gặp được một thôn nữ nơi núi rừng hoang vu hiểu rõ "đại nghĩa" như vậy. Là những quý tộc, làm sao chúng ta có thể không hiểu rõ "đại nghĩa"?

Vị tướng lĩnh lập tức ra lệnh ngừng tấn công, đồng thời nhanh chóng cử người quay về báo cáo với vua nước Tề rằng: "Chúng ta không nên tấn công nước Lỗ. Bởi vì người thôn nữ chúng ta gặp được ở vùng rừng núi nước Lỗ biết giữ gìn tiết tháo, tuân theo chính nghĩa, không vì lợi ích cá nhân mà làm hại đến “đại nghĩa”. Vậy thì các triều thần và sĩ phu nước Lỗ sao có thể không bằng như vậy? Vì vậy, thần xin được rút quân!".

Vua nước Tề nghe được chuyện này cũng vô cùng cảm động và đồng ý rút quân. Có thể dễ dàng thấy rằng, nếu người phụ nữ bình thường ở nước Lỗ cũng có thể lấy "nghĩa" làm đầu, thì vua tôi nước Lỗ cai trị đất nước chắc hẳn cũng sẽ như vậy. Khí tiết "nghĩ đến người khác trước mình, đặt lợi ích công trước lợi ích riêng" của người dân nước Lỗ là điều mà quân đội nước Tề không thể chiến thắng.

Quân đội nước Tề áp sát biên giới khiến lòng dân nước Lỗ hoang mang, nhưng không ai ngờ rằng, một người phụ nữ bình thường ở nơi núi rừng hoang vu, chỉ bằng sự kiên trì giữ gìn đạo "nghĩa", đã khiến quân địch phải lùi bước.

Vua nước Lỗ đang chuẩn bị quân lính để nghênh chiến, bỗng dưng phát hiện quân Tề im lặng rút lui, trong lòng vô cùng kinh ngạc. Sau khi biết được câu chuyện người phụ nữ anh dũng hy sinh con mình để cứu cháu, cảm hóa quân Tề, vua Lỗ đã ban cho người phụ nữ một trăm tấm lụa và tôn vinh là "Nghĩa cô tỷ". Một người ngay thẳng và trung thực có thể hành động vì đại nghĩa một cách quả quyết.

Câu chuyện này được trích từ phần "Lỗ nghĩa cô tỷ" trong "Liệt nữ truyện - Tiết nghĩa truyện" của Lưu Hướng đời Tây Hán. Phần cuối bài viết có nói rằng, câu chuyện này cũng minh chứng cho câu nói trong Kinh Thi: “Hữu giác đức hạnh, tứ quốc thuận chi” (Hễ có đức sáng soi thẳng thắn, nước bốn phương đều hẳn thuận theo). Nghĩa là, để khiến bốn phương quy phục và hòa bình, cần phải có đạo đức và lòng nhân ái và người phụ nữ nhỏ bé này đã thực sự tạo nên một kỳ tích về "đại nghĩa".

Trình Thư Ngữ - Sound of Hope
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Một thôn nữ cứu cả quốc gia, một hành động đẩy lùi đại quân địch