Mỹ điều máy bay chiến đấu tàng hình F-35 tới Hàn Quốc để tham gia cuộc tập trận chung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ đã triển khai 6 máy bay chiến đấu tàng hình F-35A tới Hàn Quốc để tập trận chung nhằm thể hiện khả năng răn đe Mỹ-Hàn trong bối cảnh Triều Tiên đang gia tăng mối đe dọa hạt nhân, quân đội Hàn Quốc và Mỹ thông báo ngày 5/7.

Sáu máy bay chiến đấu F-35A của Mỹ đã tới Hàn Quốc để tiến hành các cuộc tập trận đồng minh. Đây là lần triển khai công khai đầu tiên các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ tại Hàn Quốc kể từ cuối năm 2017.

Việc triển khai máy bay từ Căn cứ không quân Eielson ở Alaska (Mỹ) diễn ra trong bối cảnh Seoul và Washington đang tăng cường hợp tác an ninh vào thời điểm có nhiều quan ngại về khả năng Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân.

Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cho biết, máy bay quân sự Mỹ sẽ cùng máy bay chiến đấu Hàn Quốc, trong đó có các F-35A, thực hiện "các chuyến bay huấn luyện làm quen và thường xuyên" để củng cố khả năng tương tác của hai lực lượng Không quân. Các cuộc tập trận sẽ kéo dài tới ngày 14/7.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định: "Việc triển khai vào thời điểm này nhằm thể hiện năng lực răn đe mạnh mẽ và thế trận phòng thủ chung của liên minh Hàn-Mỹ, cũng như nhằm cải thiện khả năng phối hợp giữa hai lực lượng Không quân".

“Máy bay có kế hoạch hoạt động trên lãnh thổ Hàn Quốc và các vùng biển xung quanh ngoài khơi trong nhiệm vụ huấn luyện theo lịch trình kéo dài 10 ngày", USFK cho biết trong một tuyên bố, đề cập đến tên chính thức của Hàn Quốc.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết mục đích là để thể hiện “khả năng răn đe mạnh mẽ và thế trận phòng thủ kết hợp” của hai đồng minh, cũng như “cải thiện khả năng tương tác giữa lực lượng không quân hai nước”, tờ Yonhap đưa tin.

Động thái trên diễn ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đạt được thỏa thuận về triển khai khí tài chiến lược của Mỹ vào tháng 5 vừa qua. Hoạt động triển khai công khai gần đây nhất các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ tới Hàn Quốc diễn ra vào tháng 12/2017, thời điểm hai đồng minh này tiến hành cuộc huấn luyện thường kỳ mang tên Vigilant Ace.

Trong cuộc gặp của họ, Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết răn đe mở rộng của Hoa Kỳ đối với Hàn Quốc “sử dụng toàn bộ khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ, bao gồm khả năng phòng thủ hạt nhân, thông thường và tên lửa”.

Hai nhà lãnh đạo lên án việc Triều Tiên nối lại các vụ thử hạt nhân là một "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với thế giới trong khi vẫn mở cửa đối thoại với Bình Nhưỡng.

Liên minh ba bên

Các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên đã thúc đẩy Hàn Quốc tăng cường hợp tác với cả Mỹ và Nhật Bản.

Ngày 29/6, lãnh đạo ba nước đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO và thảo luận về sự cần thiết phải tăng cường “hợp tác ba bên” chống lại Bình Nhưỡng.

Hãng tin chính thức của Bình Nhưỡng đưa tin, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã lên án liên minh ba bên như một phương tiện để hiện thực hóa kế hoạch của Mỹ thành lập một liên minh quân sự tương tự như NATO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương .

“Thực tế cho thấy rõ ràng mục đích thực sự của việc Mỹ tung tin đồn về 'mối đe dọa từ Triều Tiên' chỉ nhằm tạo một cái cớ để đạt được ưu thế quân sự đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Bán đảo Triều Tiên và hơn nữa là phần còn lại của thế giới", Bộ này tuyên bố.

Bộ này cho biết thêm: “Tình hình hiện nay đòi hỏi phải xây dựng các lực lượng phòng thủ của đất nước để chủ động đối phó với sự trầm trọng của môi trường an ninh ở Bán đảo Triều Tiên và phần còn lại của thế giới”.

Bình Nhưỡng đã tiến hành 18 vụ phóng tên lửa liên quan đến 33 tên lửa đạn đạo kể từ đầu năm và Washington dự đoán rằng, nước này có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ bảy vào “bất kỳ lúc nào”.

Hoa Kỳ đã thúc giục Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã phớt lờ đề nghị trên, vì họ coi đây là chính sách thù địch của Hoa Kỳ và các đồng minh.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ điều máy bay chiến đấu tàng hình F-35 tới Hàn Quốc để tham gia cuộc tập trận chung