Nếu hành xử được như câu nói này thì gia hòa vạn sự hưng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ai mà hành xử được như câu nói: “Nghèo không trách cha mẹ, hiếu không tị anh em, khổ không mắng vợ, giận con” thì gia đình hạnh phúc tròn đầy.

Có lẽ cái “khó” của nhiều người là đối xử hòa ái, nhẹ nhàng với người thân của mình. Vì sao lại nói như vậy? Bạn hãy nhìn lại xem bản thân đang đối xử với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em,... của mình như thế nào nhé. Bởi họ đều là những người thân thiết trong cuộc sống của mỗi người, là những người có nhân duyên sâu xa. Xin kết thiện duyên và hóa giải ác duyên.

Bồi đắp một gia đình hạnh phúc, nuôi dưỡng tình thân tốt đẹp đó là điều ai cũng mong muốn và hướng đến. Để có một gia đình như ý cần có sự tu dưỡng, vun vén từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống mà không phải ai cũng biết.

Nhiều người, phải trải qua hơn nửa cuộc đời mới nhận ra rằng “Nghèo không trách cha mẹ, hiếu thảo không so bì tị anh em, khổ đau không mắng vợ, nóng giận không đổ lên đầu con cái” là nghệ thuật ứng xử trong gia đình - chìa khóa của hạnh phúc và bình yên.

Đạo làm con cần biết: “Nghèo không trách cha mẹ khó”

Người xưa có câu: “Con không chê cha khó, chó không chê chủ nghèo”, đại ý rằng sinh ra trong gia đình nghèo khó thì không được trách cha mẹ, bởi đó không phải lỗi của đấng sinh thành. Con chó cũng không chê chủ của mình, dù nghèo khó đến đâu, nó vẫn trung thành bên cạnh.

Sự thật là con người có số phận, sinh ra trong hoàn cảnh nào, điều kiện tốt xấu đều do phúc phận, đức và nghiệp của bản thân quyết định. Nếu cha mẹ chẳng cho bạn được cuộc sống đủ đầy thì cũng không nên oán trách, coi thường họ. Cha mẹ là người đã sinh thành, dưỡng dục, ban cho ta cơ thể này để ta có được cuộc sống, hiện hữu trên thế gian. Làm cha mẹ ai cũng mong và dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái, thậm chí hy sinh tất cả những gì mình có.

Vậy nên, bạn muốn thứ gì, vật chất hay tiền tài,... thì hãy tự bản thân nỗ lực, đừng đòi hỏi rồi oán trách cha mẹ không tạo cho mình một nền tảng tốt, một xuất phát điểm đầy đủ như ai đó.

Cha mẹ có thể nuôi ta khôn lớn, trưởng thành, tuy nhiên không thể ở bên cạnh ta cả đời, vậy nên thay vì oán trách cha mẹ, oán trách số phận, hãy nỗ lực tự thân để thay đổi cuộc đời mình. Làm người là khổ, cha mẹ bạn cũng rất vất vả với cuộc sống mưu sinh. Hãy yêu thương, báo hiếu để họ được an ủi, động viên.

Không oán trách, kêu than cũng thể hiện sự tu dưỡng và đạo của người làm con.

Hiếu thuận không tị nạnh, so bì với anh em

Người xưa có đạo lý sống chuẩn mực trong mối quan hệ anh em chính là sự không so sánh, tị nạnh. Ngay cả việc hiếu thảo với bố mẹ cũng cần đặt lên hàng đầu. Có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”, ý là trăm điều thiện Hiếu đứng đầu. Hiếu thuận với cha mẹ chính là cái gốc làm người, điều mà bất kỳ ai cũng cần phải làm trọn vẹn. Điều trân quý của Hiếu là từ tâm chân thành, không phải làm hình thức, qua loa cho xong chuyện.

Phận làm con, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ là điều đương nhiên. Anh chị em trong nhà đối với cha mẹ như thế nào tuỳ vào tâm ý và điều kiện kinh tế của họ, đừng thấy họ không Hiếu mà bất bình, khó chịu. Mình cứ làm hết tâm của mình, đừng lấy sự hiếu thuận ra so sánh thiệt hơn, hãy đối xử tốt với cha mẹ khi còn có thể, để sau này không phải hối tiếc điều gì.

Khi thực hiện chữ Hiếu cần làm cho trọn, nếu mang tâm so sánh, bì tị với các anh chị em thì hiếu thuận cũng trở lên vô nghĩa, cha mẹ cũng không vui vẻ gì khi nhận thấy thái độ không thật từ các con. Như vậy cũng chưa đạt được chữ Hiếu.

Khổ không đổ cho vợ - Đạo làm chồng mẫu mực

Trong cuộc sống không thể tránh khỏi những chuyện không như ý. Những người phụ nữ có thể nguyện ý cùng bạn đồng cam cộng khổ chính là người chân thành và hết lòng vì bạn, vì thế nên trân quý họ. Khi gặp những sóng gió đừng trút mọi nỗi vất vả, khổ cực, xấu hổ, thất vọng của cuộc đời mình lên người phụ nữ.

Thật ra cuộc sống có như ý hay không, gặp những gì đều do cách bạn hiểu nó và đối diện với nó. Khi gặp bất hạnh, thái độ phàn nàn, bất mãn sẽ chỉ sinh ra oán hận, tranh chấp làm cho cuộc sống càng trở nên khó khăn và đi vào bế tắc; còn sự lạc quan, bao dung, tiếp thu bài học chính diện sẽ khiến bạn sẽ thấy được những điều tốt đẹp.

Chồng vợ trong cuộc sống gia đình cần biết cách nâng đỡ nhau, cùng nhau trải qua những ngày tháng khó khăn, đắng cay, ngọt bùi. Người chồng là trụ cột của gia đình, gánh vác, lo toan cuộc sống, những khó khăn gặp phải trong cuộc sống là để rèn luyện bản thân trưởng thành hơn, cần bình tĩnh đối mặt, chứ không phải khổ một chút là về trách móc, đổ tại vợ và kêu than đời mình khổ.

Giận không mắng con - Làm cha mẫu mực

Nhiều người khi tức giận lại trút lên con cái. Cha mẹ mắng thì con cái phải chịu nghe nhưng sự xa cách sẽ dần dần lớn lên bên trong đứa trẻ, gặp chuyện gì chúng cũng sẽ không chia sẻ, không muốn nói với cha mẹ.

Cha mẹ thường “giận cá chém thớt”, tuỳ tiện tức giận với con cái, tuy nhiên đây là thể hiện sự kém cỏi và bất lực của bản thân. Một gia đình mà các thanh viên không kiềm chế được cảm xúc của mình dẫn đến mất hòa khí trong gia đình, lâu dần hình thành tính cách, thói quen xấu ảnh hưởng đến cuộc đời con trẻ.

Kiềm chế tính nóng, tu dưỡng tâm tính, gia đình sẽ hưng vượng, vận may sẽ theo đó mà đến, hạnh phúc sẽ từ đó mà phát triển bền vững.

Nếu bạn thực hiện được những điều trên thì sẽ đạt được “gia hoà vạn sự hưng”, bởi gia đình là món quà của Thượng đế và là định mệnh, tình cảm gia đình là nguồn gốc của mọi hơi ấm và động lực sống của mỗi chúng ta. Một gia đình ấm áp sẽ tạo nên những cá thể lành mạnh, hạnh phúc. Hãy bồi đắp và tạo một tổ ấm cho mình và người thân bạn nhé!

Tố Như



BÀI CHỌN LỌC

Nếu hành xử được như câu nói này thì gia hòa vạn sự hưng