Nga cân nhắc rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc do phương Tây 'gian lận'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (13/6), Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga đang cân nhắc rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen vì phương Tây đã 'lừa dối' Moscow khi không thực hiện bất kỳ cam kết nào nhằm đưa hàng nông sản của Nga ra thị trường toàn cầu.

Vào tháng 7/2022, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc đã làm trung gian cho một thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc mang tính đột phá với Nga và Ukraine. Thỏa thuận này cho phép Ukraine tiếp tục vận chuyển ngũ cốc bằng đường biển, đồng thời nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mà Liên Hợp Quốc cho rằng đã trở nên tồi tệ hơn bởi cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.

Sáng kiến ​​Ngũ cốc Biển Đen đã giúp vận chuyển hơn 30 triệu tấn ngũ cốc từ Ukraine, hơn một nửa trong số đó đến các nước đang phát triển. Trung Quốc, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước hưởng lợi chính. Nga nói rằng điều này cho thấy thực phẩm sẽ không đến được với các nước nghèo hơn như trong thỏa thuận.

Để thuyết phục Moscow chấp thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, một thỏa thuận 3 năm đã được ký kết cùng lúc với việc các quan chức Liên Hợp Quốc hứa hỗ trợ Nga xuất khẩu lương thực và phân bón.Tuy nhiên, ông Putin nói rằng những lời hứa đó đã không được thực hiện do sự phản bội của phương Tây.

"Chúng tôi đang cân nhắc rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc này ngay bây giờ", ông Putin nói trong một cuộc họp với các phóng viên chiến trường Nga và các blogger quân sự.

"Thật không may, chúng tôi lại một lần nữa bị lừa - không có gì được thực hiện để tự do hóa việc cung cấp ngũ cốc của chúng tôi cho thị trường nước ngoài. Có rất nhiều điều kiện mà người phương Tây phải thực hiện dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc".

"Tuy nhiên, vẫn chưa có gì được thực hiện", ông Putin nói thêm.

Các cường quốc phương Tây đã áp đặt cái mà họ coi là lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với Nga để đáp trả cuộc chiến toàn diện ở Ukraine, bắt đầu vào ngày 24/2/2022.

Theo Moscow và các nhà xuất khẩu ngũ cốc và phân bón lớn của Nga, mặc dù xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga không bị trừng phạt, nhưng những hạn chế của phương Tây đối với việc thanh toán, hậu cần và bảo hiểm, đã đặt ra các rào cản đối với các chuyến hàng.

Nga và Ukraine là hai trong số các nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, với thị phần đáng kể về lúa mì, lúa mạch, ngô, hạt cải dầu, dầu hạt cải, hạt hướng dương và dầu hướng dương. Nga cũng chiếm ưu thế trên thị trường phân bón.

Hồi kết của thỏa thuận ngũ cốc?

Hôm thứ Hai (12/6), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc vào ngày 17/7.

Phát biểu trước báo giới, ông Guterres cho hay: "Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo rằng chúng tôi có thể duy trì Sáng kiến Biển Đen đồng thời chúng tôi có thể tiếp tục công việc của mình để tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Nga".

Tuy nhiên, Tổng thống Putin tuyên bố dứt khoát rằng Nga đang xem xét rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết ông sẽ thảo luận về tương lai của thỏa thuận với một số nhà lãnh đạo châu Phi, những người dự kiến ​​sẽ sớm thăm Nga. Bên cạnh đó, ông chủ Điện Kremlin cũng cho biết thêm Moscow sẵn sàng cung cấp lương thực miễn phí cho các quốc gia nghèo nhất thế giới.

"Hầu như các nước châu Phi không có gì", ông Putin nói về tình hình hiện tại, đồng thời cho biết thêm rằng Moscow đã nhiều lần đồng ý gia hạn thỏa thuận nhưng làm như vậy chẳng mang lại lợi ích gì.

Thỏa thuận hiện tại sẽ hết hạn vào ngày 17/7 trừ khi Nga đồng ý gia hạn.

Việc mở rộng Sáng kiến ​​Ngũ cốc Biển Đen là một chiến thắng đối với các quốc gia ở Châu Phi, Trung Đông và một phần Châu Á phụ thuộc vào lúa mì, lúa mạch, dầu thực vật và các mặt hàng thực phẩm giá cao và hợp túi tiền khác từ Ukraine, đặc biệt là khi hạn hán đang hoành hành và gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong năm qua, thỏa thuận này đã giúp hạ giá các mặt hàng thực phẩm như lúa mì.

Các yêu cầu cụ thể của Nga khi gia hạn thỏa thuận ngũ cốc là: Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) được liên kết với hệ thống thanh toán SWIFT, tái khởi động việc cung cấp máy móc và linh kiện nông nghiệp cho Nga, đồng thời dỡ bỏ các hạn chế đối với bảo hiểm và tái bảo hiểm.

Các yêu cầu khác bao gồm nối lại đường ống dẫn khí amoniac Togliatti-Odesa, cho phép Nga vận chuyển hóa chất tới cảng Biển Đen lớn nhất của Ukraine, đồng thời dỡ bỏ cấm vận các doanh nghiệp Nga tham gia xuất khẩu thực phẩm và phân bón.

Bà Caitlin Welsh, Giám đốc Chương trình An ninh Lương thực Toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết theo các ước tính, Nga sẽ xuất khẩu lúa mì nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong một năm, ở mức 44 triệu tấn.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nga cân nhắc rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc do phương Tây 'gian lận'