Nhãn quan thiên tài của Lorenzo phát hiện ra thiên tài Michelangelo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 1469, khi người đứng đầu gia tộc Medici là Piero Medici qua đời, người con cả Lorenzo Medici vừa tròn 20 tuổi. Lorenzo bản chất là một người ham vui, hài hước, lạc quan vui vẻ, không chỉ bạn bè thích ở bên ông mà ngay cả kẻ thù cũng phải công nhận rằng ông là một người rất lôi cuốn! Tất nhiên, ông cũng nổi tiếng trong bạn bè vì quan tâm chu đáo, sống có lễ nghĩa và hào phóng! Ông là một người tốt bụng, trung thực, hài hước và hơi lạnh lùng!

Lorenzo được ủng hộ và Medici trở nên nổi tiếng

Khi ông vừa mới kế thừa gia nghiệp, nền kinh tế của Cộng hòa Florence đang bùng nổ, tất cả các ngành nghề đều phát đạt, tạo ra một khung cảnh phồn vinh. Cha của ông là Piero có biệt danh Piero “Bệnh gút", sức khỏe không được tốt và thường xuyên phải nằm liệt giường vì bệnh gút. Trong những năm Piero “Bệnh gút” phụ trách, công việc kinh doanh của gia tộc được quản lý một cách ngăn nắp trật tự, nhưng địa vị thống trị ở Florence có chút bấp bênh. Tính cách của Piero hơi nhu nhược và sức khỏe không tốt, vì vậy các gia tộc lớn khác đã hợp lực để từng bước xói mòn phạm vi ảnh hưởng của gia tộc Medici.

Sau khi Lorenzo lên nắm quyền, sóng ngầm ở Florence bắt đầu nổi, các thế lực thù địch do gia tộc Pazzi đứng đầu đều không ngừng quan sát. Dù mới 20 tuổi nhưng Lorenzo đã ngay lập tức cho thấy sức hút của một ông chủ. Ông biết rất rõ, muốn củng cố sự thống trị của gia tộc, thì lòng dân là vô cùng quan trọng. Vậy làm thế nào để thu phục lòng dân? Hãy để người dân thực sự cảm nhận được sự thịnh vượng của nền kinh tế; hãy để người dân thực sự nhận được lợi ích từ sự phát triển kinh tế; hãy để người dân thực sự tự hào về nước cộng hòa của chính họ, và tự hào là người Florence!

Vì thế, dựa vào thực lực tài chính hùng hậu của gia tộc Medici, Lorenzo đã đứng ra tổ chức hàng loạt hoạt động giải trí đại chúng. Các buổi biểu diễn ngoài trời, vũ hội hóa trang, diễu hành bằng xe hoa, các loại lễ hội âm nhạc, carnival, giải thi đấu cho đến các dịp lễ kỷ niệm. Ngoài ra, định kỳ phân phát miễn phí thực phẩm và vật dụng thường ngày cho thị dân.

Không chỉ vậy, Lorenzo còn thuê một số lượng lớn kiến ​​trúc sư, nhà thiết kế, nhà điêu khắc và đội thi công, để xây dựng một số lượng lớn các công trình công cộng cho Florence, chẳng hạn như tu viện, nhà tế bần, nhà phúc lợi cho trẻ em, thư viện công cộng, quảng trường dân sự, đài phun nước, vườn hoa, hàng cây, đường v.v... Toàn bộ thành phố trông xinh đẹp vô cùng!

Chẳng mấy lúc, danh tiếng của Medici lan xa, người dân Florence hết sức ủng hộ quyền cai trị của gia tộc họ, bản thân Lorenzo cũng có danh tiếng và uy tín rất cao trong dân chúng!

không xác định
Một bức chân dung Lorenzo của Giorgio Vasari (thế kỷ 16). (Miền công cộng)

Lorenzo củng cố quyền lực, mở ra thời đại hoàng kim của Florence

Không nghi ngờ gì, nước Ý trong thời kỳ Phục hưng chắc chắn là trung tâm của văn hóa nghệ thuật của châu Âu. Vương công quý tộc sống một cuộc sống xa hoa phóng túng, nhưng họ cũng vô cùng phong nhã. Các học giả thời bấy giờ cho rằng: Các quân chủ Ý tin rằng, tài năng của một quốc quân nằm ở khả năng đánh giá cao những lời cay độc, viết những bức thư bay bướm, thể hiện sự sắc sảo và hóm hỉnh trong cuộc trò chuyện, tô điểm cơ thể bằng vàng bạc châu báu, ăn uống sang trọng, có đủ mọi thú vui giải trí.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa đây là một thời đại thái bình âu ca. Song song với nền văn hóa và nghệ thuật rực rỡ, có vô số liên minh, kình địch và chiến tranh giữa các thành bang; vô số âm mưu, lưu đày và bạo động; cũng có gây gổ đấu đá, đền ơn báo oán liên miên không dứt.

Chính trong bầu không khí này, Lorenzo đã từng bước củng cố quyền lực của mình và mở ra thời đại hoàng kim của Florence! So với các vị quân chủ khác ở châu Âu đương thời, trình độ văn hóa nghệ thuật của Lorenzo chắc chắn là trội hơn. Bản thân ông là một nhà thơ và nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng. Người ta nói rằng, những bài thơ của Lorenzo cũng được đưa vào sách giáo khoa các trường tiểu học và trung học ở Ý ngày nay để giảng dạy.

Ông bắt chước Học viện Athens do nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato mở ra, đồng thời cũng mở Trường Nhân văn Medici. Học viện tập hợp quanh năm các học giả, nhà văn và nghệ sĩ giỏi nhất ở châu Âu vào thời điểm đó. Và ngôi sao sáng nhất được ươm mầm ở đây chính là Michelangelo, người xuất chúng nghìn năm có một trong lịch sử nghệ thuật phương Tây. Tiếp theo đây sẽ là câu chuyện về Lorenzo và Michelangelo.

Lorenzo có nhãn quan thiên tài, Michelangelo gặp được tri kỷ

Một buổi sáng, chiếc xe ngựa đón các sinh viên từ xưởng Ghirlandaio dừng lại trước Cung điện Medici, cậu bé 14 tuổi Michelangelo bước ra khỏi xe ngựa. Quản gia để cậu thay quần áo sạch sẽ chỉnh tề, sau đó đưa đến phòng ăn. Lúc này, trong phòng ăn đã có vài cậu bé trạc tuổi cậu.

Sau bữa ăn, quản gia dẫn họ ra sau vườn. Từ xa, Michelangelo đã nhìn thấy một người đang ngồi trong chòi nghỉ chân trong vườn, người này mặc một chiếc áo choàng sang trọng, với mái tóc đen dài được chải gọn gàng, mỉm cười nhìn họ. Trái tim nhỏ bé của Michelangelo như thót lại: đó là ngài Lorenzo. Cậu đã nhìn thấy Lorenzo từ xa khi cha cậu đưa hai anh em đến một cuộc diễu hành khi còn nhỏ, và cậu nhận ra ông ngay lập tức.

Sau khi những đứa trẻ khác chào Lorenzo, chúng đi theo người quản gia. Nhưng Michelangelo đã được Lorenzo giữ lại. Lorenzo nhìn cậu với một nụ cười và nói: “Tên con là Michelangelo phải không?” Michelangelo gật đầu, mím môi và tò mò nhìn người quyền lực nhất Florence.

Lorenzo nói: “Thầy Ghirlandaio đã nói với ta về con và thầy ấy nghĩ con rất tài năng. Nhưng, ta nghe nói con không thích lớp học tiếng Latinh và lớp văn học lắm phải không?”

Michelangelo bối rối gãi đầu và nhỏ giọng chống chế: “Con thích vẽ và điêu khắc. Vẽ và điêu khắc không cần dùng tiếng Latinh!”

Lorenzo cười, bước tới và nhẹ nhàng xoa vào mái đầu nhỏ của cậu, rồi nói với vẻ mặt nghiêm túc: “Nếu con chỉ muốn trở thành một thợ thủ công, giống như những người thợ đá mà con đã thấy, thì con không cần phải đến lớp học tập của ta, học với thầy Ghirlandaio là đủ rồi. Nhưng theo quan điểm của ta, con sẽ trở thành một người tài giỏi hơn nữa, phải không? Thế thì, con phải nhớ rằng, không thể mang lại sức sống cho tác phẩm của mình nếu không học tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp và những tác phẩm văn học vĩ đại nhất. Không có một cái đầu đầy văn hóa và cảm hứng, đôi tay của con chỉ là tay của một người thợ thủ công. Và điều ta muốn thấy là một đôi tay có thể tạo nên những kỳ tích vĩ đại! Con hiểu không?”

Lần đầu tiên Michelangelo cảm thấy một thứ chấn động khiến tâm hồn cậu bừng sáng! Chưa ai từng nói với cậu nghệ thuật là gì, chưa ai từng nói với cậu một đạo lý sâu sắc như vậy. Nhưng mà, cậu biết rõ, lời nói đến từ người trước mặt này nhất định sẽ vô cùng có lợi cho cậu! Cậu nhìn chăm chú vào Lorenzo, ánh mắt dần trở nên kiên định hơn!

Bằng cách này, Michelangelo bắt đầu sự nghiệp học tập của mình tại Học viện Nhân văn Medici.

Bức bích họa “Sự phán xét cuối cùng” (The Last Judgment) của Michelangelo, 1536-1541, trên trần Nhà nguyện Sistine, Thành Vatican. (Phạm vi công cộng).
Bức bích họa “Sự phán xét cuối cùng” (The Last Judgment) của Michelangelo, 1536-1541, trên trần Nhà nguyện Sistine, Thành Vatican. (Phạm vi công cộng).

Trong vườn có rất nhiều đá cẩm thạch chất lượng cao, mỗi lần Michelangelo đi ngang qua, cậu không khỏi suy nghĩ, khi nào mình mới có thể dùng những tảng đá này cho đỡ nghiền đây! Cuối cùng, vào một buổi trưa, trong lúc mọi người đang nghỉ trưa, cậu lẻn ra vườn, lấy một khối đá cẩm thạch mà cậu đã để mắt từ lâu, dời đến một nơi yên tĩnh khác, lấy dụng cụ đã chuẩn bị sẵn ra và bắt đầu công việc của mình. Đây là tác phẩm đầu tiên trong đời của Michelangelo, cậu tạc tượng đầu Thần Faun - vị Thần trong Thần thoại Hy Lạp!

Khi gần xong, cậu lặng lẽ mang tác phẩm ra vườn. Cậu muốn đặt nó trong vườn để xem liệu các giáo viên và bạn học có phát hiện ra không. Khi cậu đang cúi đầu tập trung hoàn thành tác phẩm, sau lưng đột nhiên có tiếng đằng hắng, khiến cậu sợ hãi!

Quay lại, cậu thấy ngài Lorenzo đang đứng đằng sau mỉm cười.

“Cho ta xem với” - Lorenzo nói với một nụ cười.

Michelangelo do dự một lúc, sau đó đưa ra cái đầu bằng đá cẩm thạch của Thần Faun.

Lorenzo cầm nó trong tay và xem xét nó một cách thích thú. Khi lần đầu tiên nhìn thấy tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch non nớt này, ông đã rất kinh ngạc: Tác phẩm rất truyền cảm và rất tài năng. Kỹ năng có thể được mài giũa theo thời gian, nhưng sự truyền cảm thì không thể rèn luyện được! Đây hoàn toàn là một loại thiên phú! Tác phẩm của cậu bé 14 tuổi trước mặt thậm chí còn tốt hơn nhiều tác phẩm điêu khắc của nhiều nghệ nhân nổi tiếng mà ông từng thấy, chính xác hơn, tinh tế hơn và sống động hơn! Đặc biệt là nhìn cái miệng há to và đầy răng của Faun, Lorenzo không thể nhịn được cười!

Michelangelo nhìn ông một cách khó hiểu và tự nhủ với mình: “Điêu khắc tồi thì chỉ cần nói là được, sao lại phải cười người khác chứ! Thật là..!”

Lorenzo cười và hỏi cậu: “Con không biết rằng một ông già không thể có một cái miệng đầy răng sao? Ít ra cũng phải rụng vài cái!”

“À, hóa ra như vậy?! Vâng, phải rồi!” - Michelangelo chợt nhận ra, và cũng cười toe toét.

Sau khi Lorenzo rời đi, Michelangelo nhìn Faun trên tay, nhặt một chiếc búa nhỏ và đánh gãy một chiếc răng của ông ta! Sau đó, cậu còn đục nhẹ một cái hõm nông ở nướu của chiếc răng bị mẻ, và ở đó thực sự trông giống như một chiếc răng bị mất!

Khi Lorenzo nhìn lại tác phẩm điêu khắc đã được sửa, ông đã bị ấn tượng sâu sắc bởi kỹ năng và tư chất thiên phú cũng như tính cách thuần phác của Michelangelo.

Rất nhanh, Lorenzo quyết định để Michelangelo chuyển đến sống cùng gia đình mình, ông muốn tập trung vào việc nuôi dưỡng thiên tài kiệt xuất này. Ông đã cho người mời cha đẻ của Michelangelo đến, và hỏi ông có muốn để Michelangelo ở lại để học tập toàn diện hơn không? Tất nhiên là không người cha nào lại từ chối điều tốt đẹp như vậy cho con mình cả!

Bằng cách này, Michelangelo đã có một căn phòng lớn của riêng mình trong Cung điện Medici sang trọng, sinh hoạt, ăn mặc giống hệt như những đứa con của Lorenzo, và cùng chúng tiếp thụ nền giáo dưỡng quý tộc.

Lorenzo đối xử với Michelangelo hệt như con ruột, cậu có thể ăn cùng bàn với bất kỳ vị khách quý nào, và người nhà Lorenzo rất tôn trọng cậu. Hơn nữa, để Michelangelo giúp cha nuôi gia đình, Lorenzo còn phụ cấp cho cậu 5 florin vàng mỗi tháng! Florin là đồng tiền vàng do chính Florence phát hành, được lưu hành khắp châu Âu và rất có giá trị. 5 florin là một khoản không nhỏ! Theo các tài liệu ghi chép, vào thời điểm đó, một gia đình bình thường gồm 4 người ở Ý chỉ tiêu 2 hoặc 3 florin mỗi tháng.

Trên thực tế, không chỉ Michelangelo mà tất cả nam sinh đang theo học tại Học viện Nhân văn Medici đều có thể nhận được mức lương hậu hĩnh. Lorenzo Hào hoa đã không ngừng hỗ trợ những đứa trẻ tài năng này trong suốt cuộc đời của mình!

Bốn năm ở Nhà Medici là bốn năm rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của Michelangelo, đồng thời đặt nền móng cực kỳ quan trọng cho sự thăng tiến về sau của một thế hệ bậc thầy.

Michelangelo. (Miền công cộng)

Lorenzo giúp người cuồng vọng, Florence gặp họa

Vào đầu mùa hè năm 1490, ở tuổi 41, Lorenzo lại phải rời Florence vì bệnh gút nặng, và đến một ngôi nhà ở nông thôn để hồi phục sức khỏe. Vào đầu mùa thu, Lorenzo đã hồi phục sức khỏe, trở lại Cung điện Medici với tinh thần phấn chấn.

Ngay khi quay lại, ông đã nghe thấy một chuyện. Có một tu sỹ dòng Đa Minh từ Bologna đến, người này có những bài giảng trong tu viện Hội Thánh Đa Minh rất được thị dân yêu thích. Tu sỹ Girolamo Savonarola đã trở thành một ngôi sao trong giới tôn giáo địa phương.

Thế là, vì tò mò, Lorenzo mặc thường phục đến tu viện và nghe Savonarola thuyết pháp.

Lorenzo bị thu hút bởi những bài thuyết giáo đầy nhiệt huyết của ông! Sau bài giảng, ông chủ động mời tu sỹ đến giảng tại Nhà thờ lớn Florence.

Savonarola là một người cuồng nhiệt tôn giáo đầy tham vọng! Từ một góc độ nào đó mà nói, ông ta là loại người có chút dị năng, thực sự có thể dự đoán trước một số chuyện phát sinh.

Ông ta đã dự đoán chính xác cái chết của Lorenzo vào năm 1492. Ngoài ra ông ta cũng tiên đoán rằng vào năm 1494, Florence sẽ hứng chịu một thảm họa. Năm đó, vua Charles VIII của Pháp đã xâm lược Florence!

Thế là, dựa vào một số lời tiên tri thành công khiến ông ta trở nên vô cùng nổi tiếng. Cùng với tài hùng biện biến hóa, những bài diễn giảng giàu sức kích động và sự cuồng nhiệt tôn giáo, ông ta đã trở thành người cai trị thực sự của thành phố sau cái chết của Lorenzo! Lợi dụng uy quyền được thiết lập nhờ dựa vào niềm tin tôn giáo, Savonarola đã khoác lên mình chiếc áo của một tu sĩ tôn giáo, nhưng bắt đầu thực hiện một chế độ cai trị chuyên quyền, độc tài và vô cùng tàn khốc!

Ông ta đe dọa rằng, mọi người sẽ bị Chúa trừng phạt vì ham mê lạc thú! Cuộc sống xa hoa và phung phí của Medici và những gia đình giàu có khác, cùng sự xa hoa và lạc thú mà họ mang đến cho Florence, chính là nguyên nhân khiến mọi người bị trừng phạt. Vì vậy, ông ta kêu gọi mọi người không theo đuổi sự thịnh vượng của nghệ thuật, không theo đuổi cuộc sống giàu sang, và yêu cầu mọi người quay trở lại cuộc sống khổ hạnh và thuần khiết ở thời Trung cổ, để xoa dịu cơn thịnh nộ của Chúa! Đồng thời, theo lời kêu gọi của ông, mọi người bắt đầu đốt các tác phẩm nghệ thuật quý giá, đồ dùng bằng vàng bạc, quần áo và đồ trang sức sang trọng, phong trào ngu xuẩn và điên cuồng này được gọi là: Đốt cháy sự phù phiếm!

Một số lượng lớn các di tích văn hóa quý giá đã bị đốt cháy, các tác phẩm chạm khắc tinh xảo bị đập vỡ, và sự cuồng nhiệt tôn giáo khiến mọi người mất trí. Ngay cả Botticelli cũng phải chủ động hoặc bị động đốt cháy nhiều bức tranh của chính mình! Ngoài ra còn có rất nhiều tác phẩm cực kỳ xuất sắc của các bậc thầy đã bị đốt cháy trong thời kỳ này! Vô cùng đáng tiếc!

Sự cai trị của Savonarola đã khiến Florence mất đi ánh hào quang trước đây, nền kinh tế và sinh kế của người dân cũng lao dốc, phồn vinh thịnh vượng một thời đã vĩnh viễn ra đi! Mọi người dần dần bắt đầu phẫn nộ, và sự bất mãn đột nhiên tăng vọt. Ngoài ra, Giáo hoàng Alexander VI rất ghét kẻ điên cuồng luôn chống lại mình này, nên không ngừng ủng hộ các lực lượng chống lại sự cai trị của Savonarola. Cuối cùng, vào năm 1498, theo lệnh của Giáo hoàng, Savonarola bị bắt, và sau một số màn tra tấn dã man, ông ta bị treo cổ! Sau đó, ở Quảng trường Lãnh chúa, nơi đã từng diễn ra hoạt động đốt cháy phù phiếm, mồi lửa lại thắp lên một lần nữa, nhưng lần này là xác của Savonarola.

Lorenzo qua đời, Florence hỗn loạn, gia tộc Medici từng bị trục xuất

Vào tháng 4 năm 1492, khi Savonarola mới bắt đầu nắm quyền, Lorenzo, 43 tuổi, lại phải nằm liệt giường vì bệnh gút và bệnh dạ dày. Lần này, ông biết rằng thời khắc của mình đã điểm! Đặc biệt vào một đêm nọ, sét đánh vào hốc đèn lồng trên mái vòm của Nhà thờ Đức Bà, và một quả cầu bằng đá cẩm thạch từ trên đỉnh nhà thờ rơi xuống quảng trường. Lorenzo hỏi quả cầu đá rơi từ phía nào của nhà thờ? Những người khác trả lời rằng đó là quả cầu đá ở phía gần Cung điện Medici. Sau khi nghe điều này, Lorenzo thở dài và nói: Chà, đây là Chúa cảnh báo ta, có vẻ như ta sắp chết!

Ba ngày sau, Lorenzo rơi vào trạng thái hôn mê, tỉnh táo trong một thời gian ngắn và chết sau khi hôn cây thánh giá!

Sau cái chết của Lorenzo, Florence nhanh chóng rơi vào hỗn loạn. Hai năm sau, gia tộc Medici bị trục xuất. Mãi cho đến khi con trai của ông là Giovanni được bầu thành công làm Giáo hoàng Leo X, họ mới có thể quay trở lại Florence. Gia tộc này đã tiếp tục truyền thống tài trợ cho văn hóa và nghệ thuật. Học viện Mỹ thuật Florence, nổi tiếng trong giới nghệ thuật, được thành lập bởi cháu trai của Lorenzo, Cosimo Medici. Sau đó, ông được tôn làm Đại công tước đầu tiên của Tuscany, được biết đến với cái tên Cosimo I trong lịch sử.

Lorenzo Hào hoa là một chính khách, nhà ngoại giao vĩ đại, người bảo trợ nghệ thuật, nhà nhân văn và nhà thơ lỗi lạc, cũng là hiện thân của vị quân vương lý tưởng của thời kỳ Phục hưng. Vào tháng 10 trong năm ông qua đời, một người Ý tên là Columbus đã đến Châu Mỹ, sau đó sẽ diễn ra một loạt biến cố kinh thiên động địa ở Châu Âu!

Đến đây, câu chuyện về Lorenzo Hào hoa, "Bố già của thời Phục hưng", đã kết thúc! Nhưng câu chuyện về gia tộc Medici thì vẫn còn.

Theo Lý Hạo - Epochtimes

Hữu Đức biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Nhãn quan thiên tài của Lorenzo phát hiện ra thiên tài Michelangelo