Nữ hiệp Kiếm Tiên Trương Thanh Nô trừ ác giúp người yếu thế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phùng Sinh tính tình cương trực, có khí khái hào hiệp, gặp người dân bị nạn, anh liền bán gia sản cứu giúp nạn dân, được Tiên nhân tương trợ.

Thời triều Thanh, vùng Cối Kê (Thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang ngày nay) có một người tên là Phùng Sinh, tên chữ là Thiếu Văn, tính tình cương trực, có khí khái hào hiệp. Một lần anh có việc lên kinh thành, ngẫu nhiên đi qua thành phố, thấy trong đám đông có một bà lão dẫn theo một thiếu nữ, hai người khóc vô cùng bi ai. Bên cạnh là một thanh niên, mặt mày hung dữ, đang thúc giục cô thiếu nữ đó lên xe. Những người đứng xem đều nói: “Đáng thương quá”.

Phùng Thiếu Văn bước tới hỏi thăm, mới biết phụ thân cô thiếu nữ này vốn là một viên quan huyện lệnh, vì quản lý không tốt để quốc khố hao hụt, nên bị cách chức điều tra. Quan trên đã tịch thu toàn bộ gia sản của họ, nhưng vẫn chưa đủ, vẫn ra lệnh phải bồi thường. Phụ thân của thiếu nữ cũng không có dư tiền tài, nên trong lòng lo lắng u sầu, không lâu sau thì qua đời. Giờ đây, mẫu thân cô phải đem bán con gái để lấy tiền an táng cho chồng. Mẹ con chia lìa, nên đau buồn khóc thống thiết.

Phùng Thiếu Văn thấy thế thì vô cùng cảm thông cảnh ngộ của họ, lập tức lấy ra 100 lượng bạc tăng cho bà lão, để bà hoàn trả lại tiền đã bán con gái cho người thanh niên hung dữ kia. Nào ngờ, người thanh niên kia lại xua tay, nói: “Đã có giấy bán rồi, không thể thay đổi được nữa”.

Phùng Thiếu Văn nhẹ nhàng khuyên anh ta rằng: “Bà ấy bán cô con gái yêu, thực sự là do không còn cách nào nữa, chỉ vì chồng bà ấy chết, không có tiền lo việc tang. Giờ đây bà ấy đã hoàn trả lại tiền cho anh, anh cũng nên thương xót bà ấy một chút mới đúng chứ”.

Người thanh niên đó chưa nghe những lời này thì còn tạm yên, vừa nghe những lời khuyên này, anh ta liền nghiêm giọng nói: “Anh là ai, dám chõ mũi vào việc người khác sao? Nếu nhất định muốn kết thúc việc này, thì hãy trả ta 1000 lượng bạc, không thiếu một xu”.

Phùng Thiếu Văn thấy anh ta ngang ngược bất chấp đạo lý, thì tức giận, bước tới túm lấy tóc của anh ta. Người thanh niên đó cũng tức giận đùng đùng. Hai người túm lấy nhau ẩu đả.

Người thanh niên đó có sức mạnh hơn người, Phùng Thiếu Văn xem chừng đã có chút không chống đỡ nổi nữa rồi. Lúc này, người vây quanh xem càng nhiều hơn. Bỗng nhiên từ trong đám đông có một cậu bé xông ra. Cậu bé mặt đẹp như ngọc, buộc 2 búi tóc vểnh 2 bên. Cậu bé tóm cổ người thanh niên, quát lớn: “Thế giới thanh bình, càn khôn sáng tỏ, lại dám cậy mạnh ức hiếp yếu, khăng khăng mua con gái nhà lành. Lẽ nào anh không sợ vương pháp sao?”

Người thanh niên đó đau quá không chịu nổi, thế là anh ta tình nguyện giao tờ khế ước ra, không mua thiếu nữ đó nữa. Hơn chục đồng bọn của người thanh niên đó thấy cậu bé nhỏ tuổi, nên đồng loạt xông lên. Cậu bé đó nhẹ nhàng dùng tay đỡ, giống như bẻ cành mục vậy, hơn chục người tới tấp ngã nhào trên mặt đất. Họ không phải là đối thủ của cậu bé, đã thất bại nhanh chóng.

Cậu bé bảo người thanh niên đó nhận lấy bạc, trả lại tờ khế ước, hai bên giao ước rõ ràng. Nhóm người đồng bọn cùng với người thanh niên đó lủi thủi chuồn đi.

Ban đầu, những người vây quanh xem đều mở to mắt há miệng cứng lưỡi, không ai dám lên tiếng. Sau khi nhóm người thanh niên kia bỏ đi, thì có người nói rằng, người thanh niên đó là con trai của một vị tướng, bị mất mặt như thế này, nhất định sẽ báo thù.

Sau khi bà lão và thiếu nữ đi rồi, cậu bé nói với Phùng Thiếu Văn rằng: “Ngài quả thật hào hiệp trượng nghĩa, thực sự là ngàn năm ít có. Nhưng nếu tiếp tục lưu lại nơi này thì e rằng khó tránh khỏi tai họa. Chi bằng ngài hãy sớm đi đi”.

Phùng Thiếu Văn nghe lời cậu bé, ngay trong đêm thu dọn hành lý, chuẩn bị trở về Cối Kê.

Chập tối ngày hôm sau, khi Phùng Thiếu Văn sắp đến Tam Gia Bảo - nơi cách kinh thành hơn 100 dặm, thì có mấy tên cướp trông thấy hành lý của Phùng Thiếu Văn rất nặng, liền dự tính tụ tập ở Tam Gia Bảo, đợi anh đi qua thì ra tay cướp đoạt. Phùng Thiếu Văn thấy mấy người có vẻ gian tà, lúc đi trước, lúc lại lùi sau, theo sát anh như hình với bóng, thì kinh sợ lắm, đánh ngựa đi nhanh, muốn cắt đuôi họ. Nào ngờ ngựa bỗng nhiên bị trượt chân, làm cho anh ngã văng ra đất.

Đến khi anh leo trở lại lên mình ngựa, đang giơ roi thúc ngựa đi thì mấy tên cướp đã đuổi kịp. Phùng Thiếu Văn càng kinh hoàng. Đúng lúc anh không biết làm gì thì bỗng nhiên một mỹ nữ cưỡi một con thú một sừng, phi như bay đến. Bọn cướp coi thường mỹ nữ nhỏ tuổi, hoàn toàn không hề sợ hãi, trái lại, chúng còn bao vây cô gái.

Lúc này chỉ thấy từ mũi mỹ nữ phun ra một luồng ánh sáng trắng, giống như một dải lụa trắng quét ngang, nhanh như bay chém tên đầu lĩnh của bọn cướp. Những tên cướp khác thấy vậy, đều sợ hãi bỏ chạy. Luồng ánh sáng trắng đó theo sát sau, một lúc sau mới quay lại. Chỉ nghe thấy mỹ nữ đó lẩm bẩm một mình rằng: “Mấy tên cướp nhãi nhép, tuy sẽ không chết ngay, nhưng tứ chi sẽ không thể sử dụng được nữa”.

Phùng Thiếu Văn chấn tĩnh lại, bước tới chắp tay hành lễ và hỏi thăm. Mỹ nữ nói: “Ngài không nhận ra tôi sao?”

Phùng Thiếu Văn nhìn kỹ, thì ra chính là cậu bé mặt đẹp như ngọc, buộc hai búi tóc vểnh lên hai bên ngày hôm qua. Phùng Thiếu Văn không ngớt kêu kỳ lạ, và hỏi cô gái rằng: “Tại sao cô lại đến đây cứu tôi, hơn nữa lại có kiếm thuật thần kỳ như thế này?”

Mỹ nữ nói: “Nói thật với ngài vậy, tôi là Kiếm Tiên Trương Thanh Nô, vốn ban đầu theo Diệu Thủ Không Không Nhi học kiếm thuật, sau này vì thấy Ngọc Diện Lang Quân tướng mạo rất đẹp, ngẫu nhiên động lòng ái mộ. Sư phụ tức giận trách phạt tôi đến trần thế lập 30 vạn công đức. Đến nay, số lượng cũng đã sắp đủ rồi. Hôm qua thấy ngài vô cùng nghĩa khí, do đó mới đến cứu ngài. Tôi đi đây”.

Lời vừa nói dứt, nháy mắt đã không thấy tông tích của mỹ nữ, xung quanh vắng lặng tĩnh mịch. Phùng Thiếu Văn kinh ngạc há mồm mở to mắt, một lúc sau mới nghĩ đến việc phải tìm đường trở về quê.

Sau khi trở về Cối Kê, đúng lúc hạn hán mùa thu, ngoài cánh đồng lúa khô héo không có thu hoạch, trong thành trong thôn làng, đến đâu cũng thấy nạn đói. Phùng Thiếu Văn bàn bạc với các phú hộ mở kho cứu tế nạn dân.

Trong thành có một thổ hào có ảnh hưởng lớn, nhà ông ta vô cùng giàu có, nhưng lại là người vô cùng keo kiệt, chỉ một đấu gạo cũng không muốn bỏ ra. Sau khi biết tin, Phùng Thiếu Văn vô cùng tức giận nói: “Tên nô lệ của đồng tiền. Chi ra thì chi ra, lẽ nào ngươi không chi ra thì sẽ phá hỏng việc lớn của ta ư”.

Thế là Phùng Thiếu Văn đem bán hết tài sản, đem toàn bộ tiền của quyên góp cứu giúp nạn dân. Anh dốc toàn bộ sức lực, số tiền quyên góp huy động được không đầy một nửa. Thế là anh lại bán tài sản mà tổ tông lưu lại, cũng chỉ mới được một nửa số tiền cần dùng để cứu tế, vẫn còn có rất nhiều nạn dân đang chịu đói chờ có đồ ăn.

Phùng Thiếu Văn đem bán hết tài sản, đem toàn bộ tiền của quyên góp cứu giúp nạn dân. (Tranh: Chí Cường - Epoch Times)

Phùng Thiếu Văn tính toán rằng, chỉ cần huy động được thêm 5000 lượng bạc nữa thì những nạn dân sẽ qua được nạn đói. Lúc này, anh bỗng nhiên nghĩ đến Kiếm Tiên Trương Thanh Nô. Thế là anh hướng về phía Tây Bắc, kêu lớn liền 3 tiếng “Thanh Nô”.

Vừa dứt lời, chỉ thấy một luồng ánh sáng đỏ lóe lên, Trương Thanh Nô đã xuất hiện với dải gấm buộc trên đầu, trang phục diễm lệ gọn gàng, từ ngoài sân phi thân vào trong nhà.

Phùng Thiếu Văn trông thấy Kiếm Tiên Trương Thanh Nô thì vô cùng vui mừng, không nén nổi quỳ xuống đất, nói những điều khó khăn của mình cho Kiếm Tiên, cầu xin cô giúp đỡ. Thanh Nô nói: “Tại sao không tìm những nhà phú hộ đó để quyên góp?”

Phùng Thiếu Văn nói: “Những nhà phú hộ thông thường đều đã quyên góp hết rồi. Chỉ còn trong thành có một thổ hào keo kiệt, không chịu quyên một xu. Thế là rất nhiều phú hộ trong thành đều làm theo ông ta, do đó vẫn còn thiếu 5000 lượng bạc nữa”.

Thanh Nô nghe vậy thì tức giận nói: “Kẻ đáng ghét như hắn ta thế này, tôi sẽ lấy về cho ngài”.

Thế là Kiếm Tiên tung người, vút một cái không thấy đâu nữa.

Một lúc sau, Phùng Thiếu Văn nghe thấy mấy tiếng những bao bạc rơi bịch bịch bịch, tiếng rơi rất lớn. Anh thắp đuốc soi, Thanh Nô đã trở lại rồi. Thấy Phùng Thiếu Văn từ trong nhà bước ra, Kiếm Tiên cười và nói: “May không phụ sứ mệnh, đã lấy được 5, 6 nghìn lượng, đủ cho ngài cứu tế rồi. Thổ hào ban đầu không muốn bỏ tiền ra, tôi dùng phi kiếm cạo sạch tóc trên đầu ông ta, và nói với ông ta rằng: ‘Nếu ông có chút keo kiệt nào thì ta lập tức khiến ông biến thành tướng quân không đầu’. Lúc này ông ta mới sợ hãi, mới để tôi tùy ý lấy”.

Phùng Thiếu Văn nói: “Sao cô không dùng kế để lấy lén, để việc này truyền ra ngoài ư?”.

Thanh Nô nói: “Anh hùng hành xử trên đời, sao có thể làm việc việc ám muội không minh bạch đường hoàng? Để ông ta biết, chính là trừng phạt một người, khiến trăm người kinh sợ”.

Phùng Thiếu Văn nghe vậy thì trong lòng thán phục, vội vàng quỳ xuống cảm tạ. Khi anh ngẩng đầu lên thì không thấy Thanh Nô đâu nữa.

Nguồn: “Kiêu sầu tập” của Trâu Thao đời Thanh

Thái Nguyên - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nữ hiệp Kiếm Tiên Trương Thanh Nô trừ ác giúp người yếu thế