Ông Biden để lộ thông tin Mỹ ‘đã hết đạn’ - Washington sẽ ra sao nếu nổ ra chiến tranh với Bắc Kinh?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 07/07, khi được hỏi về lý do cung cấp bom chùm cho Ukraine, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã trả lời các phóng viên rằng: “Chúng ta đã hết đạn". Các chuyên gia cảnh báo, với tốc độ tiêu thụ vũ khí và đạn dược như hiện tại của Kyiv, Washington sẽ khó chiến đấu nếu nổ ra chiến tranh với Bắc Kinh.

Trong một cuộc phỏng vấn sâu hơn với người dẫn chương trình Fareed Zakaria của đài CNN vào cùng ngày, ông Biden nói rằng sau nhiều tháng nhận được yêu cầu từ Kyiv, chính quyền của ông đã đưa ra “quyết định rất khó khăn” là gửi bom chùm tới Ukraine, mặc dù trước đây ông từng từ chối yêu cầu này.

Về lý do của việc thay đổi quyết định, tổng thống Mỹ nói: “Đây là cuộc chiến liên quan đến vũ khí quân sự. Và họ [Ukraine] sắp hết đạn, còn chúng ta thì dần cạn kiệt", ông Biden nói, đề cập đến đạn pháo 155 mm.

Tổng thống Mỹ nói rằng những quả bom chùm chỉ là giải pháp tạm thời và chúng sẽ được gửi đến Ukraine trong "thời kỳ chuyển tiếp" cho đến khi Hoa Kỳ và các nhà sản xuất khác có thể cung cấp cho Ukraine nhiều đạn 155 mm hơn.

Bom chùm là một phần trong gói hỗ trợ an ninh mới của Mỹ dành cho Ukraine. Với gói tài trợ này, Washington cung cấp cho Kyiv vũ khí và thiết bị quân sự trị giá 800 triệu USD, lấy từ kho dự trữ của Bộ Quốc phòng Mỹ theo khuyến nghị của Lầu Năm Góc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết vào hôm 07/07.

Các phản ứng về việc chính quyền Biden gửi bom chùm là rất đa dạng. Trong đó, một số chuyên gia có khuynh hướng bảo thủ đã bày tỏ sự lo ngại và thất vọng về việc tổng thống Hoa Kỳ lại thông báo với toàn thế giới, bao gồm với cả các đối thủ của Washington, rằng kho dự trữ pháo và đạn dược của nước này đang ở mức thấp.

Diễn giả bảo thủ Steve Guest viết trên Twitter như sau: “[Tổng thống Mỹ] Joe Biden đang loan báo tới toàn thế giới rằng Hoa Kỳ đang thiếu đạn pháo 155mm. Có phải ông Biden không quan tâm đến việc các đối thủ của chúng ta ở Trung Quốc đang lắng nghe?”.

“Thật khó để hiểu được lợi ích của việc chia sẻ thông tin này với thế giới", học giả Matt Whitlock của đảng Cộng hòa chia sẻ.

Nhà bình luận chính trị Ian Miles Cheong viết trên Twitter: “Joe Biden lẽ ra không nên nói to phần đáng lẽ phải giữ im lặng: 'Chúng ta đã hết đạn'. Nhưng bây giờ thì sự thật đã được tiết lộ; chúng ta phải đặt câu hỏi liệu việc tiếp tục hỗ trợ quân đội Ukraine có khả thi hay không khi mà xung đột vẫn đang tiếp diễn tàn bạo".

Yêu cầu từ Ukraine

Tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2, Kyiv đã một lần nữa đề xuất với Mỹ rằng họ muốn thả bom chùm chống thiết giáp từ máy bay không người lái xuống lực lượng Nga, để giúp ngăn chặn các cuộc tấn công mà Nga đã tiến hành trong nhiều tháng nhằm giành lấy thành phố Bakhmut, Dân biểu Jason Crow (Dân chủ - Colorado) và Adam Smith (Dân chủ - Washington) cho biết vào tháng 3.

Tại thời điểm đó, ông Biden đã quyết định không cung cấp loại bom này, với lý do chúng sẽ làm hại dân thường nếu nổ chậm.

Những quả bom này, được gọi là Bom Thông thường Lưỡng dụng Cải tiến (DPICM), sẽ phát nổ để giải phóng rất nhiều quả bom nhỏ hơn, có khả năng giết chết nhiều người trên một khu vực rộng lớn. Tuy nhiên, nhiều quả bom nhỏ sẽ không phát nổ ngay lúc đó, mà phát nổ lâu sau khi cuộc xung đột kết thúc.

Việc sản xuất, dự trữ, sử dụng và vận chuyển các loại bom chùm như vậy bị cấm bởi 123 quốc gia đã ký hiệp ước quốc tế năm 2008 có tên “Công ước về bom, đạn chùm” (CCM).

Mặc dù Trung Quốc, Nga, Ukraine và Hoa Kỳ không phải là các bên đặt bút ký, nhưng một đạo luật năm 2009 của Hoa Kỳ đã cấm Washinton chuyển giao DPICM nếu tỷ lệ bom nhỏ không nổ vượt quá 1%. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ có quyền bỏ quy định này.

Các bên ký kết công ước như Canada, Đức, Tây Ban Nha, New Zealand và Vương quốc Anh đã bày tỏ sự phản đối của họ về quyết định cấp bom, đạn chùm của ông Biden. Nhật Bản cho biết họ không phản đối động thái này.

Loại bom gửi đến Ukraine từ kho dự trữ của Hoa Kỳ được báo cáo là có tỷ lệ không nổ lên tới 2,35%.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói với giới truyền thông vào ngày 06/07 rằng điều quan trọng là nước này phải nhận được vũ khí và đạn dược cần thiết một cách kịp thời để phản công thành công và tiếp tục giải phóng các vùng lãnh thổ của họ. Ông tin rằng việc chuyển giao vũ khí lần này là vì lợi ích của các quốc gia khác, bởi vì nó sẽ giúp quân đội Ukraine ngăn chặn sự hung hăng của Nga trước khi Moscow tiến sâu hơn vào châu Âu.

Ông Biden để lộ thông tin Mỹ ‘đã hết đạn’ - Washington sẽ ra sao nếu nổ ra chiến tranh với Bắc Kinh?
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đi cạnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy khi ông Biden đến thăm Kyiv, Ukraine, ngày 20/02/2023. (Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP/Getty Images)

Kyiv hứa sẽ không sử dụng bom chùm ở Nga

Quyết định gửi bom chùm của chính quyền Biden không phải là không đi kèm điều kiện.

“Đó không phải là một quyết định dễ dàng", ông Biden nói vào hôm thứ 6. “Tôi đã mất một thời gian mới bị thuyết phục để làm điều đó. Vấn đề chính là, hoặc họ [Ukraine] có vũ khí để ngăn chặn người Nga ngay bây giờ… hoặc họ không có”.

Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói với các phóng viên vào ngày 09/07 rằng Ukraine đã nêu rõ bằng văn bản rằng Kyiv sẽ không sử dụng bom chùm ở Nga hoặc ở các khu vực đông dân cư, để hạn chế thương vong dân sự do bom chưa nổ.

Ukraine vốn đã phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn trong việc xử lý bom chưa nổ từ các cuộc chiến tranh trong quá khứ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, gần ⅓ lãnh thổ Ukraine (khoảng 168.350 km2) rải rác bom mìn chưa nổ và các tàn dư chất nổ chiến tranh khác.

Các lực lượng Nga đã sử dụng rất nhiều bom chùm ở Ukraine kể từ tháng 02/2022. Bom chùm của họ có tỷ lệ không nổ cao hơn đáng kể so với bom của Mỹ; ông Sullivan cho biết tỷ lệ này lên tới 30-40%.

“Trong tình huống như vậy, Ukraine đã yêu cầu có được bom, đạn chùm để bảo vệ lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình", ông Sullivan nói vào ngày 07/07. “Chúng ta [Mỹ] sẽ không để Ukraine không có khả năng tự vệ tại bất kỳ thời điểm nào trong cuộc xung đột này, trong giai đoạn này".

“Ukraine cam kết thực hiện các nỗ lực rà phá bom mìn sau xung đột để giảm thiểu bất kỳ tác hại tiềm ẩn nào đối với dân thường. Và điều này là cần thiết, bất kể Hoa Kỳ có cung cấp các loại đạn này hay không, vì Nga đang sử dụng rộng rãi các loại bom, đạn chùm”, ông nói thêm.

“Chúng ta sẽ phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong các nỗ lực rà phá bom mìn bằng mọi giá, do Nga vốn đang sử dụng các loại bom, đạn chùm với số lượng lớn”.

Ông Sullivan nói: “Chúng ta biết rằng bom, đạn chùm có nguy cơ gây hại đến dân thường bởi có những quả bom nhỏ chưa nổ. Đây là lý do tại sao chúng ta đã trì hoãn quyết định này càng lâu càng tốt. Nhưng nếu quân đội và xe tăng Nga tràn qua các vị trí [quân sự] của Ukraine, chiếm thêm lãnh thổ Ukraine và nô dịch nhiều công dân Ukraine hơn - vì Ukraine không có đủ pháo, thì điều đó cũng là nguy cơ gây hại đến dân thường".

Kho vũ khí của châu Âu ở mức thấp

Không chỉ Hoa Kỳ đang cạn kiệt đạn 155 mm; các đồng minh châu Âu của Ukraine, những nước đã và đang hỗ trợ các nỗ lực phòng thủ của Kyiv, cũng đang cạn kiệt kho dự trữ của họ.

Theo AFP, một quan chức Mỹ hồi tháng 11/2022 từng tiết lộ rằng các lực lượng Nga bắn khoảng 20.000 viên đạn mỗi ngày, trong khi Ukraine bắn khoảng 4.000-7.000 viên mỗi ngày — bằng toàn bộ sản lượng hàng năm của Mỹ vào năm 2021 và nhanh hơn khả năng cung cấp của các nhà sản xuất ở các nước đồng minh phương Tây.

Ngày 07/07, các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu đã đồng ý đưa ra gói hỗ trợ trị giá 500 triệu euro (544 triệu USD) cho ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu để cung cấp pháo và tên lửa cho Ukraine, cũng như để bổ sung nguồn cung của chính họ.

Mỹ sẽ ra sao nếu nổ ra chiến tranh với Trung Quốc?

Cũng trong ngày 07/07, Lục quân Mỹ công bố rằng họ đã ký kết một hợp đồng trị giá 993,7 triệu USD nhằm tăng sản lượng đạn pháo 155 mm. Mục tiêu là sản xuất thêm từ 12.000 đến 20.000 viên đạn mỗi tháng.

Theo ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao về An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, Hoa Kỳ đã viện trợ hơn 1 triệu viên đạn pháo cho Kyiv.

Ông Cancian từng cảnh báo hồi tháng 1 rằng với tốc độ tiêu thụ hiện tại, việc hỗ trợ Ukraine là không bền vững, và Hoa Kỳ khó có thể tái lấy đầy kho đạn 155 mm trong vài năm tới, kể cả khi chính phủ tăng nguồn lực để đẩy mạnh năng lực sản xuất thêm 240.000 viên mỗi năm. Con số này chưa kể đến khoảng 93.000 viên đạn 155mm mà quân đội Mỹ sử dụng mỗi năm cho mục đích huấn luyện.

Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo rằng họ đang nỗ lực tăng công suất để đạt sản lượng lên tới 480.000 viên mỗi năm (40.000 viên mỗi tháng) vào năm 2025.

Ông Cancian lưu ý thêm, tốc độ sản xuất tên lửa chống tăng di động chính xác tầm xa Javelin và tên lửa Stinger của Mỹ cũng không theo kịp nhu cầu sử dụng của Ukraine.

Khi kho dự trữ đạn dược đang ở mức thấp, việc Mỹ can dự cuộc chiến tranh khu vực tại châu Âu đang được giới chuyên gia đánh giá và phân tích sát sao, bởi vì Hoa Kỳ ngày càng bị đe dọa bởi Trung Quốc - một đồng minh của Điện Kremlin.

“Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Tổng thống Biden không nói rõ lắm nhưng dường như đang nói rằng Mỹ đang gửi bom chùm tới Ukraine vì chúng ta sắp hết đạn pháo 155mm", ông Byron York - phóng viên chính trị của tờ Washington Examiner - viết trên Twitter. “Có vẻ như điều này đang ảnh hưởng đến năng lực sẵn sàng tự vệ của Hoa Kỳ".

Một báo cáo công bố hồi tháng 1 của CSIS đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ nhanh chóng cạn kiệt vũ khí quan trọng nếu nổ ra chiến tranh với Trung Quốc vì tương lai của Đài Loan, lý do là “cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ thiếu năng lực tăng cường đủ tốt cho một cuộc chiến tranh lớn”.

Washington cũng có thể cạn kiệt các tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) quan trọng trong vòng chưa đầy một tuần sau khi chiến tranh nổ ra, theo báo cáo.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông Biden để lộ thông tin Mỹ ‘đã hết đạn’ - Washington sẽ ra sao nếu nổ ra chiến tranh với Bắc Kinh?