Phật Pháp hồng truyền: Câu chuyện về Đường Thái Tông và Đường Huyền Trang

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645) đời Đường, Pháp sư Huyền Trang mang theo điển tịch Phật giáo từ Ấn Độ trở về Trường An gây chấn động cả Đại Đường. Năm 2010, vở kịch múa "Phật Pháp hồng truyền" của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun đã sử dụng vũ kịch để tái hiện cảnh vua quan và dân chúng năm đó nghênh đón Huyền Trang.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Thầy trò Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, trải qua những gian khổ, trên đường thu phục yêu ma, quỷ quái. Sự thực lịch sử và Thần thoại đã thành tựu nên cuốn sách kinh điển “Tây Du Ký”. Trong cuộc sống thực tế, câu chuyện Pháp sư Huyền Trang đến Ấn Độ nổi tiếng cả trên thế giới. Đường Thái Tông từ sự tôn trọng đối với Pháp sư Huyền Trang, đã viết nên một giai thoại Phật Pháp ở Trung Nguyên.

Vào năm Trinh Quán thứ 3 (năm 629) đời Đường, Pháp sư Huyền Trang khởi hành từ Trường An, trải qua hành trình ba năm gian khổ, vượt quãng đường dài 50.000 dặm, đến Thiên Trúc (Ấn Độ ngày nay), ông dốc lòng học Phật tầm Đạo. Ngày 24 tháng Giêng năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645), Pháp sư Huyền Trang trở về Trường An, mang theo 657 bộ điển tịch Phật học, làm Đại Đường chấn động.

Đường Thái Tông hết sức ấn tượng với kỳ tích của Huyền Trang, và gọi đó là ‘thắng triều thịnh sự’ (sự kiện vĩ đại của triều đình ưu việt), ông ra sắc lệnh thành lập một trường dịch thuật tại chùa Hoằng Phúc ở Trường An, chuyên môn phiên dịch kinh tiếng Phạn, và yêu cầu Pháp sư Huyền Trang ghi chép lại những trải nghiệm của chuyến Tây hành.

Năm 646, với sự trợ giúp của đệ tử Biện Cơ, Huyền Trang đã hoàn thành cuốn sách nổi tiếng ‘Đại Đường Tây vực ký’. Trong vòng 19 năm sau khi trở về nước, Huyền Trang đã dịch 1.335 cuốn kinh luận, tổng cộng hơn hơn 1,3 triệu chữ, góp phần đáng kể vào việc truyền bá Phật giáo ở Đông thổ.

Năm 2010, Đoàn Nghệ thuật Shen Yun đã sản xuất vở kịch múa ‘Phật Pháp hồng truyền dựa trên tài liệu mà Huyền Trang đã dịch, diễn dịch trên hình thức nghệ thuật hóa.

Dưới bầu trời mỹ lệ rực rỡ, Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, và Sa hòa thượng, cuối cùng cũng trở về đến bên ngoài thành Trường An. Trong thành, đông đảo các vị quan viên và dân chúng bách tính đã đánh trống, múa lân trên các đường phố, tràn đầy thành kính cung nghênh Phật Pháp. Thái Tông Lý Thế Dân bước ra khỏi cổng hoàng cung đích thân nghênh đón Huyền Trang, không ngớt lời khen ngợi, động viên an ủi. Các đệ tử của Đường Tăng phân phát các cuốn kinh Phật cho đám đông quan lại và dân chúng. Cả Thiên tử và lê dân trên tay cùng cầm các quyển kinh Phật, sự trang nghiêm, hân hoan, vui sướng tràn ngập kinh thành.

Phật Pháp hồng truyền: Câu chuyện về Đường Thái Tông và Đường Huyền Trang. (Ảnh: Shen Yun qua Aboluowang)

Tiết mục này đã làm nổi bật không khí kính Phật trong xã hội nhà Đường. Đại Đường như biển lớn dung nạp trăm sông, thể hiện sự cởi mở, bao dung hiếm có trong lịch sử Trung Quốc, thời kỳ Tam giáo Phật, Nho, Đạo đều ở đỉnh cao của sự thịnh vượng. Sự truyền bá chính giáo đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đạo đức, thúc đẩy sự thịnh vượng, an định của đất nước.

Trong quá trình phiên dịch kinh Phật, Pháp sư Huyền Trang đã từng dâng biểu, thỉnh cầu Hoàng đế viết lời mở đầu cho bản kinh được dịch. Đường Thái Tông sẵn sàng đồng ý và viết ‘Đại Đường Tam Tạng Thánh giáo tự’ để biểu dương. Huyền Trang lấy đó làm vinh dự, lại dâng biểu tạ ân. Về sau này, cao tăng Hoài Nhân của chùa Hoằng Phúc đã thu thập các chữ trong thư pháp của Vương Hi Chi, khắc các ký tự này thành một văn bia, hiện vẫn đang còn trong Rừng bia đá ở Tây An.

Toàn văn ‘Đại Đường Tam Tạng Thánh giáo tự’ (‘Thánh giáo tự’) có tổng cộng 1.904 chữ, bao gồm lời tựa của Đường Thái Tông, một bài viết của Cao tông Lý Trị, và một bản kinh do chính Huyền Trang dịch.

Thái Tông có trình độ văn học tinh thâm, tác phẩm "Thánh giáo tự" của ông cô đọng và súc tích, ngôn ngữ giàu chất thơ, biểu đạt sự tham ngộ, lòng kính trọng đối với Phật Pháp, và sự khen ngợi đối với Huyền Trang. Văn chương bay bổng, ý vị thâm sâu.

Lời tựa mô tả về cuộc phiêu lưu của Huyền Trang: “Mạo hiểm ngàn trùng, chiếc bóng xông pha”. “Muôn dặm non sông, vén mây mù hiện quang cảnh; muôn trùng nóng lạnh, đạp sương tuyết tiến bước chân”.

Cách Thái Tông lý giải về Phật lý càng thể hiện hơn nữa sự cao diệu: Nếu nói về lớn, Đạo Phật trải rộng khắp cả vũ trụ. Nếu nói về nhỏ, nó thể hiện ở mỗi sợi lông mỗi sợi tơ. Đạo Phật chủ trương bất sinh bất diệt, trải qua hàng nghìn kiếp vẫn không mất đi. Lúc ẩn lúc hiện, truyền tải vô số hạnh phúc vẫn kéo dài cho đến ngày nay. Phật lý huyền diệu cao thâm, tuân theo mà không biết được biên giới. Phật Pháp rất thâm sâu và bí ẩn, gột sạch phiền não, muốn khám phá cũng không có cách nào truy về cội nguồn được. (Nguyên văn: " Đại chi tắc di ư vũ trụ, tế chi tắc nhiếp ư hào hi. Vô diệt vô sinh, lịch thiên kiếp nhi bất cổ, nhược ẩn nhược hiển, vận bách phúc nhi trường kim. Diệu đạo ngưng huyền, tuân chi mạc tri kỳ tế; pháp lưu đam tịch, ấp chi mạc trắc kì nguyên.”)

Thái Tông ví Phật lý như đám mây nhân từ (‘từ vân’), và ca ngợi là cơn mưa Phật Pháp (‘pháp vũ’) tưới mát nuôi dưỡng, khiến cho “tội của thương sinh được hoàn trả thành phúc”. Thái Tông còn viết: ‘Biết rằng, ác nhân đọa nghiệp, thiện khiến duyên thăng, thăng lên hay đọa xuống là do mỗi người’. Có ý nghĩa là: Vì vậy, biết rằng làm điều ác sẽ theo theo nghiệp báo mà rơi vào biển khổ, làm điều thiện sẽ dựa vào Phật duyên mà tiến vào Thiên đường. Sở dĩ có sự thăng trầm là dựa vào từng việc làm của cá nhân mỗi người.

Sự xuất hiện của Pháp sư Huyền Trang đã làm cho Hoa Hạ tăng thêm sự thần kỳ, nhưng sự cởi mở của Đường Thái Tông đối với niềm tin tôn giáo, và sự hiểu biết sâu rộng về Phật lý của ông thật đáng để chúng ta ngưỡng mộ, thán phục. Ông có nhận thức sâu sắc về vòng luân hồi nhân quả, khuyến khích quan dân tích thiện tránh ác, ông là ‘Thiên cổ nhất đế’, đã khai sáng ra Đại Đường thịnh thế, là mẫu mực, quy phạm cho các đời sau. Một chương lịch sử huy hoàng xán lạn như vậy được tái hiện sinh động trên sân khấu, điều này thật đáng để ngợi khen.

Sự xuất hiện của Pháp sư Huyền Trang đã làm cho Hoa Hạ tăng thêm sự thần kỳ. (Ảnh: từ video Shen Yun)

Đoàn Nghệ thuật Shen Yun mỗi năm cho ra mắt chương trình hoàn toàn mới, diễn giải nền văn hóa 5.000 năm Trung Hoa từ nhiều bối cảnh và các khía cạnh khác nhau, bao gồm âm nhạc, vũ đạo, bài hát, màu sắc, trang phục, phong cảnh…. giúp cho người xem mở rộng tầm mắt. Các tác phẩm của Shen Yun dựa trên lịch sử, đằng sau các chương trình mặc dù ngắn nhưng ẩn chứa nội dung văn hóa phong phú, ý chí cao xa, làm gia tăng nhiều kiến thức.

Hiện tại, trên trang web của Shen Yun Creations, bạn có thể xem hơn 60 tác phẩm thời kỳ đầu của Shen Yun, nhiều tác phẩm tiêu biểu cho truyền thống tu luyện cổ xưa, thể hiện vẻ đẹp mỹ diệu của thế giới Thần Phật về phương diện tinh thần, tín ngưỡng, khiến người xem phải suy ngẫm. Ngoài ‘Phật Pháp hồng truyền’ dựa trên "Tây Du Ký", còn có các câu chuyện khác như ‘Kim hầu thu phục Trư Bát Giới’, ‘Thu phục Sa Hòa thượng’… mỗi vở kịch đều rất thú vị và được đón nhận nồng nhiệt.

Theo Điền Vân - Epochtimes

Đức Nhã biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phật Pháp hồng truyền: Câu chuyện về Đường Thái Tông và Đường Huyền Trang