Quân tử kết tâm giao, đối nghịch nhưng không thù hận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời Bắc Tống, phái Tân Pháp và phái Cựu Pháp xung đột nhau, có khi rất gay gắt. Tuy nhiên, đại diện của hai phái ấy, công tư phân minh, đối với nhau không nuôi thù hận cá nhân. Vậy làm sao họ làm được như vậy?

Vương An Thạch và Tư Mã Quang là những nhà văn và nhà chính trị nổi tiếng thời Bắc Tống. Vương An Thạch sinh năm 1021 là một nhà văn nổi tiếng thời nhà Bắc Tống và cũng là nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc, ông đỗ Tiến sĩ năm 21 tuổi.

Tư Mã Quang sinh năm 1019 và trở thành Tiến sĩ khi mới 19 tuổi. Có thể nói, Vương An Thạch và Tư Mã Quang có mối quan hệ rất thân thiết, đều được Âu Dương Tu dạy dỗ và tiến cử, đồng thời họ cũng kết thân với Mai Nghiêu Thần, một nhà thơ lớn thời Bắc Tống. Thời trẻ, cả hai cùng làm phán quan trong Đồng Mục Ti, đồng thời làm Thị giả văn học của Hoàng đế, tuần tự làm chức thừa tướng, nên cả hai là "đồng liêu".

Vương An Thạch theo đường lối tư tưởng Tân pháp, hay còn gọi là biến pháp là những chủ trương cải cách thông qua các đạo luật. Tư tưởng của ông gặp phải sự chống đối của các tầng lớp quan lại. Họ cho là trái với chế độ và phong tục cũ từ thời Tam Hoàng - Ngũ Đế, nhất là các quan lại theo cựu đảng như Tư Mã Quang, Tô Thức, Âu Dương Tu. Biến pháp Vương An Thạch được tiến hành một thời gian, và bị các thành phần khác chống lại, nên ông đã bị bãi chức lần thứ nhất.

Ông còn cho sửa đổi lại hệ thống thi cử quốc gia, làm cho nó ít lệ thuộc vào Tứ Thư, Ngũ Kinh mà dựa trên cơ sở những kiến thức có giá trị thực tiễn. Điều này cũng làm cho tầng lớp quý tộc và quan lại theo trường phái Khổng Tử khó chịu.

Năm 1074, thấy không làm được gì, ông xin từ chức, nhưng đến năm 1075, Vương An Thạch lại được vua Tống triệu về chấp chính. Lần này, thì cũng có làn sóng chống sửa đổi luật của ông. Hàng nghìn người kéo đến trước cửa nhà ông náo động.

Giai đoạn từ năm 1073 đến năm 1077, ông cho tiến hành luật Thị dịch. Phái chống đối ngày càng hành động quyết liệt hơn. Ông bị chỉ trích với 7 tội lớn. Ông còn bị đâm bị thương. Thực tế, trong hai năm thi hành luật Thị dịch, cuộc sống ở kinh thành ổn định hơn. Vào năm 1076, Vương An Thạch lại được vua vời ra làm Tể tướng. Tháng 10 năm đó, vua lại phế chức ông, đồng thời ông cũng xin từ chức do vua không nghe theo các cải cách khác của ông.

Trong khi đó, Tư Mã Quang lại là người thuộc phe Cựu Pháp, ông luôn giữ tư tưởng truyền thống bảo thủ, vì vậy ông trở thành nhân vật trung tâm của phe bảo thủ chống lại những biến pháp cách tân của Vương An Thạch.

Ông không đồng tình với cách dùng người của Vương An Thạch. An Thạch phế bỏ hết các lão thần, trọng thần trong triều mà thăng chức, bổ nhiệm những người mà Tư Mã Quang cho là "tiểu nhân gian tà"; pháp luật không đủ vững chắc, chỉ trong vòng 2 năm mà Vương An Thạch ban bố hàng loạt điều luật mới khiến nhân dân không theo kịp; những cải cách về nông nghiệp và thương mại ở nông thôn, Tư Mã Quang cho rằng làm gánh nặng với nông dân.

Mặc dù hai tư tưởng trái ngược nhau, thậm chí bài xích nhau gay gắt, nhưng hai người luôn ngưỡng mộ và tôn trọng lẫn nhau, Tư Mã Quang ngưỡng mộ tài năng văn chương vô song của Vương An Thạch, còn Vương An Thạch kính trọng tính cách khiêm tốn của Tư Mã Quang.

Trong số các bằng hữu của họ, tình bạn của họ gần như là một hình mẫu. Nói về mối quan hệ 10 năm có thừa với Vương An Thạch, Tư Mã Quang nhận rằng hai người là bạn tốt. Trong "Thư gửi Vương Giới Phủ", ông viết: "Khổng Tử nói, có 3 kiểu bạn tốt, 3 kiểu bạn xấu. Quang bất tài, chẳng dám mạo xưng là bạn của Giới Phủ, nhưng mà đi lại với nhau đã hơn 10 năm, là đồng liêu, không thể nói rằng chỉ là xã giao qua quýt."

Còn Vương An Thạch trong "Thư gửi Gián nghị Tư Mã" thì biểu thị: "Cùng Quân Thực giao du đã lâu ngày, …không có cơ hội gặp mặt, vẫn hằng nhớ nhung hâm mộ."

Khi về già, Vương An Thạch đã từng nói với cháu trai của mình rằng, trước đây ông đã kết giao với nhiều người, ông đều đắc tội với họ, và ân hận đã không bỏ được cái tôi quá lớn, đôi khi bị nó chi phối mà trở nên bướng bỉnh, ngoan cố. Còn Tư Mã Quang thực sự là một lão nhân khiêm tốn, thường khen ngợi Vương An Thạch, khen ông viết hay, có tư cách đạo đức cao, công nhiều hơn lỗi. Dù đã từng ‘ăn miếng trả miếng’ với nhau trong khi thực hiện chức trách, nhưng cuộc đấu tranh giữa hai người là để thay đổi hiện trạng yếu kém của triều đại Bắc Tống, và thực hiện lý tưởng và hoài bão vĩ đại trị quốc, nước giàu, quân mạnh, nhân dân an cư lạc nghiệp, công tư phân minh, không tư lợi.

Hai chính trị gia nổi tiếng trong triều đại Bắc Tống này đã liên tiếp phục vụ triều đại Bắc Tống như những người bổ khuyết cho nhau, một người tích cực thúc đẩy cải cách, và người kia là bảo thủ vào quan điểm truyền thống mạnh mẽ. Nhưng giữa hai người vẫn dành cho nhau những sự tôn trọng và ngưỡng mộ, đối địch nhưng không thù hận, đây là cái lẽ quân tử kết giao quân tử, tài năng tôn trọng tài năng của người xưa, không nhất thiết phải cùng tư tưởng. Sở dĩ Vương An Thạch và Tư Mã Quang làm được như vậy bởi lẽ đơn giản hai ông đã giữ được giá trị đạo đức là cốt lõi để làm người.

Lý Ngọc biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Quân tử kết tâm giao, đối nghịch nhưng không thù hận