Robert Edward Lee - vị bại tướng được tôn kính của người Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Tôi nghĩ tất cả điều chúng ta có thể hoàn thành là bảo vệ những ngôi mộ và ghi dấu những địa điểm an nghỉ của những người đã ngã xuống” - (Robert E. Lee - 1866)

Không phải chiến thắng mà trở nên vĩ đại

Trong lịch sử lập quốc của Mỹ, có một vị tướng quân dù đại bại nhưng lại trở thành danh nhân được ngưỡng mộ vì thái độ của ông đối với sự thắng bại và lòng bao dung, biết suy nghĩ cho người khác. Hành trạng đời ông đã góp phần hàn gắn nước Mỹ vốn chia rẽ nặng nề sau cuộc nội chiến Nam Bắc. Đó là tướng quân Robert Edward Lee, vị tướng quân bại trận được người Mỹ yêu mến.

Dòng dõi danh tướng, tài năng quân sự tốt nghiệp từ Westpoint

Robert Edward Lee (19 tháng 1 năm 1807 – 12 tháng 10 năm 1870) là Đại tướng thống lãnh quân đội Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865).

Robert E.Lee được công nhận như một trong những tướng quân tài năng nhất của nước Mỹ, có lẽ vì ông được sinh ra trong một gia đình dòng dõi danh tướng thực thụ và có truyền thống về quân sự.

Cha ông là cựu Thống đốc bang Virginia, Thiếu tướng Henry Lee đệ Tam (1756–1818), biệt hiệu khinh kỵ Harry, là một trong những danh tướng hàng đầu của nước Mỹ thời lập quốc. Lữ đoàn Lee khinh kỵ binh do chính cha ông thành lập và chỉ huy là một binh đoàn xuất sắc với nhiều chiến công. Cha ông đã chiến đấu trong rất nhiều trận đánh từ người Anh, Pháp cho đến bình định các cuộc tạo phản và sau này trở thành thống đốc bang Virginia.

Là con của danh tướng, đương nhiên Robert Lee đã gia nhập con đường binh nghiệp từ trẻ, Ông là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của Trường Võ bị West Point và tốt nghiệp Á khoa vào năm 1829 với không một môn nào bị điểm xấu. Lee sau đó đã bắt đầu sự nghiệp quân sự của mình ngay sau khi rời Westpoint, tham gia vào chiến tranh Mỹ-Mexico và sau đó trở thành hiệu trưởng trường Westpoint năm 1852.

Dòng dõi danh tướng, tài năng quân sự tốt nghiệp từ Westpoint
Chân dung Robert Edward Lee. (Ảnh: Wikipedia)

Nội chiến Nam Bắc, Đại tướng Liên quân Miền Nam

Nội chiến Hoa Kỳ, hay còn gọi là cuộc Chiến tranh Giữa các Tiểu bang (War between the States) tuy chỉ kéo dài 4 năm (1861 – 1865) là một cuộc chiến lớn nhất từng xảy ra trên lục địa Bắc Mỹ và cũng là cuộc chiến thương vong nhiều nhất sau ngày lập quốc. Chỉ trong vòng 4 năm ấy, đã có hơn 600,000 binh lính tử trận, chưa kể tới thường dân, một con số khủng khiếp cho một thời đại mà chưa có súng máy và bom ra đời.

Có điều thú vị là tướng Lee vốn không phải được phe miền Nam chọn làm Đại tướng thống lĩnh ngay từ đầu, mà chính Tổng thống Lincoln là người đã mời Lee làm chủ tướng cho miền Bắc. Đầu năm 1861, Lee phản đối Virginia ly khai chính phủ, nhưng đồng thời từ khước lời mời của tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln thống lãnh quân đội Liên bang miền Bắc. Sau đó, Lee quyết định theo ủng hộ quân nhà, ban đầu chỉ làm cố vấn quân sự cho tổng thống miền Nam Jefferson Davis. Tháng 6 năm 1862, Lee nhận chỉ huy các đội quân Liên minh miền Nam tại Mặt trận miền Đông và kết hợp các đơn vị, và trực tiếp chỉ huy Binh đoàn Bắc Virginia tinh nhuệ.

Chiến công liên tiếp, tung hoành chiến trường miền Bắc

Chuỗi trận bảy ngày, bảo vệ thủ đô miền Nam

Đây là chuỗi trận đánh gồm một loạt 6 trận đánh kịch liệt diễn ra trong 7 ngày từ 25 tháng 6 đến 1 tháng 7 năm 1862 ở gần Richmond, Virginia trong Nội chiến Hoa Kỳ.

Tướng Robert E. Lee chỉ huy 92.000 binh sĩ quân miền Nam tiến ra chặn đánh binh đoàn Potomac danh tiếng gồm 104.000 quân của tướng miền Bắc George B. McClellan đang tiến chiếm thủ phủ Liên minh miền Nam. Sau 6 trận đánh trong 7 ngày, tướng Lee chiến thắng. Quân miền Bắc bị đánh bật ra khỏi vùng Richmond và phải rút khỏi bán đảo Virginia.

Sau bảy ngày chiến đấu, tướng McClellan kéo quân miền Bắc chạy thoát an toàn về sông James, tổn thất gần 16.000 binh sĩ. Bên kia, tướng Lee phá được chiến dịch tấn công của McClellan nhưng mất hơn 20.000 quân. Ông tin rằng McClellan sẽ không thể đe dọa Richmond được nữa, nên đã quyết định kéo quân đánh lên miền Bắc trong hai chiến dịch Bắc Virginia (Bull Run thứ hai)và Maryland.

Chiến công liên tiếp, tung hoành chiến trường miền Bắc
Tướng Robert E. Lee cưỡi "chiến mã" nổi tiếng của ông. (Ảnh: Wikipedia)

Chiến dịch Bull Run thứ hai, lừng danh binh đoàn Bắc Virginia

Binh đoàn Bắc Virginia có thể coi là tập đoàn quân quan trọng nhất của của Liên quân miền Nam thời nội chiến Nam Bắc Mỹ.

Robert Edward Lee là người chỉ huy cuối cùng của binh đoàn này, ông đã đưa binh đoàn thực hiện thành công chiến dịch Bull Run thứ hai (chiến dịch Bắc Virginia), có thể coi là chiến thắng vinh quang nhất của Lee cũng như của binh đoàn Bắc Virginia.

Trận đánh nổi tiếng nhất trong chiến dịch Bắc Virginia là Trận Bull Run thứ hai, diễn ra từ 28–30 tháng 8 năm 1862. Tướng Robert E. Lee dẫn 50 nghìn quân của Binh đoàn Bắc Virginia của Liên minh miền Nam tấn công Binh đoàn Virginia đông hơn 62 nghìn quân của Liên bang miền Bắc do tướng John Pope chỉ huy tại Bull Run. Quân Liên minh trong trận này đã làm nên một trong những chiến thắng lớn nhất của cuộc nội chiến, bảo vệ được nền độc lập của Liên minh miền Nam.

Ngay sau khi đợt tấn công đầu tiên của quân đoàn V do tướng Fitz John Porter chỉ huy bị pháo binh miền Nam dập tắt, năm sư đoàn bộ binh gồm 25.000 quân do tướng Longstreet chỉ huy đánh tràn sang đội ngũ quân miền Bắc. Đây là cuộc tấn công biển người lớn nhất của Nội chiến Hoa Kỳ. Sườn trái của quân miền Bắc bị đánh tan tác, cả binh đoàn phải bỏ chạy về sông Bull Run. Tướng Pope vẫn phải khó nhọc lắm mới kéo quân rút được về đến Centreville.

Chiến thắng tuyệt vời này đã đưa Lee trở thành một danh tướng với chiến thuật xuất sắc. Với tài cầm quân của ông, phe Liên bang lại cảm thấy nghi ngờ về khả năng của các tướng lĩnh của mình cũng như khả năng tận diệt Liên minh.

Kiêu binh tất bại, hào quang chiến thắng tàn phai

Đại bại Antietam

Thừa thế của cuộc đại thắng Bull Run lần hai, Lee mang quân Bắc tiến nhưng lại phải hứng chịu thất bại lớn đầu tiên của ông trong trận Antietam. Chiến bại này là bước ngoặt chiến tranh và cùng một số chiến bại lớn khác đã dẫn đến sự đầu hàng của miền Nam sau này.

Trận Antietam hay còn gọi là Antietam Creek là một trận đánh quan trọng trong Chiến dịch Maryland vào ngày 17 tháng 9 năm 1862 tại con rạch Antietam gần Sharpsburg, Maryland.
Đây là trận đánh lớn đầu tiên diễn ra trong lãnh thổ thuộc Liên bang miền Bắc Hoa Kỳ và mức độ khốc liệt của nó cũng rất nổi tiếng vì chỉ trong một ngày mà gần 23.000 binh sĩ (trong đó có hơn 1 vạn người ở mỗi bên) đã bị thiệt mạng hay tàn phế. Mặc dù trận đánh này xếp thứ tư trong danh sách 10 trận chiến khốc liệt nhất trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, nhưng mức độ kinh hoàng của nó lại vượt hơn tất cả. Ngày 17 tháng 9 năm 1862 là ngày đẫm máu nhất trong cuộc Nội chiến và cũng đẫm máu nhất trong toàn lịch sử quân sự Hoa Kỳ và cả Bắc Mỹ cho đến tận ngày nay ( thậm chí còn kinh hoàng hơn cả trận đổ bộ Normandie vào năm 1944 trong Chiến tranh thế giới thứ hai).

Đại bại Gettysburg
Trận đánh tại Gettysburg là trận chiến nhiều thương vong nhất trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. (Ảnh: Wikipedia)

Đại bại Gettysburg

1 tháng 7 - Meade đem quân ngăn chặn quân của tướng Lee từ miền Nam lên. Hai bên dàn trận tại Gettysburg.

3 tháng 7, ngày thứ ba của trận đánh, trong khi kỵ binh hai bên đánh xáp lá cà tại một số nơi ở phía đông và nam, tướng Lee quyết định xua 12.500 quân bộ binh miền Nam mở cuộc tấn công của Pickett vào trung tâm của đội hình quân miền Bắc. Nhưng cả đoàn quân bị miền Bắc đem súng và đại bác ra bắn tan tành. Lee phải rút quân chạy về Virginia.

Trận đánh tại Gettysburg là trận chiến nhiều thương vong nhất trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Tổng cộng thương vong của hai bên lên đến khoảng 45-50 ngàn binh lính.

Hòa ước của những người quân tử

Trong năm 1864, bằng tài năng chiến lược của mình và sự trợ giúp đắc lực của một số danh tướng dưới quyền, tướng Lee đã giành được một số chiến thắng nhất định như trận Cold Harbor, chuỗi trận tấn công lên miền Bắc đến tận Washington DC của tướng Jubal Early nhưng vẫn không thể đảo chiều cuộc chiến với liên minh miền Bắc vốn hùng mạnh hơn cả về quân sự và kinh tế.

Đầu năm 1865, tướng Ulysses S. Grant dần dần đánh bại lực lượng miền Nam qua chiến dịch Richmond-Petersburg (hay còn gọi là Cuộc vây hãm Petersburg). Đội quân của Lee bị áp đảo và kiệt quệ bởi cuộc chiến tranh chiến hào kéo dài suốt mùa đông trên một mặt trận dài 48km, với nhiều trận đánh, bệnh tật và nạn đào ngũ. Quân miền Nam lúc này chỉ còn hai nơi: binh đoàn Bắc Virginia của tướng Lee đang bị vây tại Petersburg và binh đoàn Tennessee dưới quyền tướng Joseph E. Johnston tại Bắc Carolina. Mấy chục nghìn quân miền Nam phải đối mặt với lực lượng quân miền Bắc lên đến 280.000 lính.

Hòa ước của những người quân tử 3
Quân Liên bang miền Bắc xung phong. (Ảnh: Wikipedia)

Ngày 2 tháng 4, thủ đô miền Nam là Richmond đã thất thủ, đội quân của tướng Lee bị kỵ binh của miền Bắc cùng với 3 quân đoàn bộ binh dần siết chặt vòng vây tại tiểu bang Virginia. Bộ tham mưu quân đoàn đề nghị phân tán để giữ gìn lực lượng, chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh du kích lâu dài, nhưng Lee đã quyết định đầu hàng. Vị danh tướng miền Nam đứng trước danh dự bản thân và binh sĩ của mình, ông đã chọn điều thứ hai. Ông nói ngắn gọn với bộ tham mưu của mình:

“Tôi sẽ đến gặp tướng Grant, cho dù điều đó quá nhục nhã đối với tôi”.

(Nguyên văn: I will go and see General Grant and I would rather die a thousand deaths).

Ngay lập tức ông đích thân soạn một lá thư gởi tướng Grant để yêu cầu sắp xếp một buổi gặp mặt càng sớm càng tốt vì ông không muốn hy sinh thêm bất cứ một sinh mạng nào nữa.

Tướng Grant vô cùng vui mừng khi nhận thư. Dù đối phương đang yếu thế, nhưng với tài năng của tướng Lee, bản thân vị tư lệnh miền Bắc này dù binh hùng tướng mạnh cũng không nắm chắc được chiến thắng sau cùng mà không phải trả một giá xương máu vô cùng đắt. Với tất cả lòng tôn trọng, ông ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với vị tướng tư lệnh miền Nam bại trận.

Chân dung tướng Ulysses S. Grant . (Ảnh: Wikipedia)

Trưa 9 tháng 4-1865, tướng Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến điểm hẹn trước. Ông vận một bộ quân phục mới màu xám nhạt, hông mang trường kiếm, chòm râu quai nón bạc trắng nhưng kết hợp với ánh mắt oai nghiêm của vị tướng thân trải trăm trận càng thể hiện đầy đủ khí phách của một người anh hùng dù bại trận. Khi hai người đi qua, đoàn quân nhạc của lính miền Bắc lập tức đứng “Nghiêm” và thổi kèn chào đón. Khoảng nửa giờ sau, tướng Grant đại diện cho quân đội Miền Bắc mới tới. Ông mặc một bộ quân phục như thường ngày và không đeo kiếm. Hai người chào nhau, tướng Grant tiếp tướng Lee thân mật như hai người bạn, chứ không phải giữa một người chiến thắng với kẻ chiến bại.

Sau khi đọc xong văn kiện đầu hàng do tướng Grant trao, thần sắc tướng Lee nhẹ nhõm hẳn khi biết rằng binh sĩ dưới quyền ông được trở về nguyên quán sinh sống như một người dân bình thường, không phải chịu bất cứ một hình thức trả thù nào.
Ông nói: “Điều này thật tốt đối với mọi người, đặc biệt là với người của chúng tôi.” Tuy nhiên ông có thêm 2 yêu cầu:

  1. Cho phép binh sĩ của ông được mang ngựa, lừa và súng tay về quê quán để sử dụng trong nông trại, vì không giống như quân đội miền Bắc, đây là tài sản của riêng họ mang theo khi gia nhập quân đội.
  2. Một ngàn tù binh quân đội miền Bắc ông đang giữ và binh sĩ ông đều đang đói và hết lương thực.

Cả hai yêu cầu này của tướng Lee đều được tướng Grant đồng ý. Ông ra lệnh cung cấp ngay cho các tù binh và binh sĩ miền Nam 25.000 khẩu phần ăn.

Họp xong, tướng Lee đứng dậy bắt tay tướng Grant, chào mọi người rồi bước ra khỏi phòng họp. Bên ngoài hội trường các sĩ quan và binh sĩ miền Bắc đang có mặt đều đứng nghiêm chào vị tướng bại trận. Sau này khi viết về sự kiện đầu hàng trên, lịch sử Hoa Kỳ đã gọi đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement) vì thái độ của cả hai bên đều cư xử với nhau trong một tinh thần nghĩa hiệp và bình đẳng, không áp bức người bại trận.

Trên đường trở về doanh trại, các binh sĩ miền Nam đã dàn hàng nghiêm trang chào vị danh tướng của lòng họ, người mà họ sẵn sàng hy sinh mạng sống để chiến đấu dưới cờ ông. Dù rằng ông vừa ký văn kiện đầu hàng, nhưng ai cũng hiểu đó là điều tốt nhất mà đại tướng đã làm cho mình. Trước mặt nhiều sĩ quan và binh sĩ đang chờ đợi tại quân doanh, tướng Lee nói:

"Sau 4 năm chiến đấu khó khăn, với sự can đảm và ngoan cường chưa từng thấy, Binh đoàn Bắc Virginia bị bắt buộc phải nhượng bộ một lực lượng và hậu thuẫn quá to lớn".

Không có kẻ thù, chỉ có những chiến binh anh em đáng được tôn trọng

Tin đầu hàng của tướng Lee lan ra nhanh chóng, tiếng súng của binh sĩ Miền Bắc vang lên khắp nơi để reo mừng chiến thắng. Ngay lập tức tướng Grant ra lệnh phải chấm dứt hành động đó ngay lập tức:

“Quân đội miền Nam đã đầu hàng. Chiến tranh đã chấm dứt. Giờ họ là đồng bào của chúng ta, chúng ta không được reo mừng trên nỗi đau của họ.”

Ngày 12 tháng 4 là ngày quân đội Miền Nam nộp súng ống và cờ xí cho quân đội Miền Bắc. Tướng Grant giao việc này cho Đại tá Joshua Chamberlain phụ trách. Còn phía Miền Nam thì tướng Gordon nhận trách nhiệm.

Điều vô cùng đặc biệt ngày hôm đó đã xảy ra khi các binh sĩ Miền Nam đi theo đội ngũ tới địa điểm để giao súng ống và cờ xí. Đại tá Chamberlain của quân miền Bắc đã ra lệnh cho binh sĩ của mình “bồng súng” và đứng nghiêm chào với một nghi lễ cao nhất cho các binh sĩ miền Nam đi ngang để bày tỏ lòng kính trọng.

Trong hồi ký được viết bốn mươi năm sau sự kiện, Chamberlain đã mô tả những gì xảy ra tiếp theo: “Trong giây phút đó, không hề có một tiếng kèn hay tiếng trống, không một tiếng reo mừng, không một lời nói, không cả một tiếng thì thầm, không một cử động, nhưng là một sự tĩnh lặng khủng khiếp, mọi nhịp thở như ngừng lại và như thể họ đang nhìn những hồn tử sĩ đi qua”.

Tướng Gordon của quân miền Nam vốn chưa bao giờ nhắc về việc này, nhưng 40 năm sau khi đọc hồi ký của Chamberlain, ông đã gọi Chamberlain là “người sĩ quan hào hiệp nhất của quân đội Miền Bắc.”

Với sự đầu hàng của Tướng Lee trong trận Appomattox ngày 9 tháng 4 năm 1865. Tuy quân miền Nam vẫn còn một số lực lượng rải rác khắp nơi, tin tướng Lee và binh đoàn Bắc Virginia đầu hàng là một tổn thất tinh thần khủng khiếp cho Liên minh miền Nam. Hai tháng sau, toàn thể lực lượng miền Nam phải buông súng và quân miền Bắc chiến thắng, kết thúc cuộc Nội chiến Hoa Kỳ.

Hòa ước của những người quân tử
Tướng Lee và các sĩ quan Liên minh miền Nam của ông trong cuộc họp đầu tiên của họ kể từ Appomattox, tháng 8 năm 1869. (Ảnh: Wikipedia)

Không dựng tượng đài, tất cả vì sự hàn gắn nước Mỹ sau chiến tranh

Sau khi đầu hàng để bảo toàn tính mạng cho binh lính và đạt được thỏa thuận với tướng Grant về việc cho các binh sĩ về quê và không truy cứu chuyện cũ, tướng Lee còn được biết đến vì những hành động đóng góp rất lớn cho sự hàn gắn hai miền sau chiến tranh. Một trong những việc đó là phản đối việc dựng tượng đài cho các tướng sĩ miền Nam.

Sau khi Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc và tướng Lee trở thành hiệu trưởng của Washington College (Lexington, Virginia) năm 1865, ông nhiều lần được đề nghị dựng tượng nhưng luôn từ chối.Trong lá thư 1866, ông viết: “Cho dù điều ấy có mang lại cảm giác tri ân cho miền Nam như thế nào thì tôi tin chắc rằng nỗ lực này trong điều kiện hiện tại của đất nước cũng chỉ mang lại ảnh hưởng trì trệ thay vì thúc đẩy thành quả và sự tiếp nối, nếu không thêm vào, sự khó khăn mà bên dưới là người lao động miền Nam”. (Nguyên văn: ““my conviction is, that however grateful it would be to the feelings of the South, the attempt in the present condition of the Country, would have the effect of retarding, instead of accelerating its accomplishment; [and] of continuing, if not adding to, the difficulties under which the Southern people labour.”)

Tháng 6-1866, tướng Lee cũng bác bỏ đề xuất dựng tượng Stonewall Jackson, vị tướng mà tài năng và sự nổi tiếng chỉ đứng sau mình. Ông nói rằng sẽ là không công bằng khi yêu cầu gia đình các cựu binh Liên minh (Confederate, phe miền Nam) quyên tiền để dựng tượng trong khi họ đang vất vả mưu sinh sau chiến tranh.

Lee tin rằng thay vì bỏ tiền của lẫn thời gian để tưởng niệm các vị tướng Liên minh thì việc sau đáng được làm hơn: “tôi nghĩ tất cả điều chúng ta có thể hoàn thành là bảo vệ những ngôi mộ và ghi dấu những địa điểm an nghỉ của những người đã ngã xuống” – tướng Lee viết năm 1866.(nguyên văn: “All I think that can now be done is … to protect the graves [and] mark the last resting places of those who have fallen…”)

Tất cả những điều trên, theo giáo sư sử học James Cobb của đại học Georgia là do: “Ông ấy bảo ông ấy không hứng thú với bất kỳ tượng đài nào cho mình hay cho phe Liên Minh. Tôi cũng không nghĩ rằng ông sẽ cảm thấy vui khi những đồng đội chiến đấu cho Liên Minh bị quên lãng, nhưng ông không muốn một sự sùng bái cho cá tính của miền Nam” (“He said he was not interested in any monuments to him or to the Confederacy. I don’t think that means he would have felt good about the people who fought for the Confederacy being completely forgotten. But he didn’t want a cult of personality for the South.”)

Trong những năm cuối đời, tướng Lee không viết bất kỳ hồi ký nào kể lại các chiến tích “Bắc chinh”. Thay vào đó, ông viết một quyển tiểu sử ngắn về bố mình, Henry “Light-Horse Harry” Lee, một người hùng của cuộc chiến giành độc lập nước Mỹ. Có lẽ nguyên nhân giống như sử gia Horn nói: “Ông ấy có lẽ chỉ muốn trốn tránh lịch sử, để tiếp tục sống, hơn là đối mặt với những vấn đề đó.” (“He might just want to hide the history, to move on, rather than face these issues.”Horn)

Vậy những vấn đề đó có thể là gì? Đó là nguy cơ rạn nứt sự đoàn kết dân tộc, chia rẽ và xung đột vùng miền, ảnh hưởng đến sự thống nhất của nước Mỹ. Theo thiển ý của người viết thì chỉ nên dựng tượng đài cho các cuộc chiến chống ngoại xâm, còn các cuộc nội chiến thì nên để nó bị lãng quên càng sớm càng tốt. Sự vững mạnh hòa hợp của một đất nước sau chiến tranh phải được coi trọng hơn tâm lý tự thỏa mãn cái tôi vùng miền.

Ông ấy bảo ông ấy không hứng thú với bất kỳ tượng đài nào cho mình hay cho phe Liên Minh. (Ảnh: Wikipedia)

Thời gian cuối đời, một biểu tượng tôn kính cho cả hai miền Bắc Nam

Ngày 12 tháng 10 năm 1870, Tướng Robert Edward Lee, đại tướng chỉ huy của Quân đội Liên Minh miền Nam Hoa Kỳ, đã qua đời một cách yên bình tại nhà riêng ở Lexington, Virginia. Ông hưởng thọ 63 tuổi.

Lee sinh ra trong gia đình ông bà Henry Lee và Ann Carter Lee tại Stratford Hall, Virginia, năm 1807. Cha ông là danh tướng kỵ binh nổi tiếng phục vụ trong cuộc Cách mạng Mỹ dưới thời George Washington và sau đó là thống đốc bang Virginia.

Khi Nội chiến nổ ra vào năm 1861, ông đảm nhiệm chức vụ chỉ huy Quân đội Liên Minh khi Joseph Johnston bị thương trong trận chiến vào tháng 05 năm 1862. Trong ba năm tiếp theo, Lee trở nên nổi tiếng với những chiến công tuyệt vời chống lại các đạo quân đông và mạnh hơn trong nhiều tình thế khó khăn. Tuy nhiên, các cuộc tấn công của ông vào miền Bắc, tại Antietam, Maryland và Gettysburg, Pennsylvania, đã kết thúc trong thất bại buộc ông phải đầu hàng và giao nộp đội quân của mình tại Appomattox Court House, Virginia.

Năm 1865, ông trở về Richmond, Virginia và nhận lời mời từ phía hội đồng quản trị một trường đại học đang mong muốn nỗ lực trẻ hóa đội ngũ trường sau chiến tranh. Ông trở thành chủ tịch trường Đại học Washington (Washington College) ở Lexington, Virginia.
Dưới sự lãnh đạo của ông, số lượng sinh viên nhập học của ngôi trường chật vật này đã tăng từ vài chục lên hơn 300 người. Ông đã góp phần vào sự ổn định của đội ngũ giảng viên, cải tiến chương trình giảng dạy và điều kiện vật chất của nhà trường.

Thời gian cuối đời, ông cũng trở thành một biểu tượng của miền Nam bị đánh bại, một hình tượng trang nghiêm và khắc kỷ được tôn trọng bởi cả hai miền Bắc và Nam với những hành động và suy nghĩ luôn ủng hộ cho việc hàn gắn hai miền, không khơi lại vết thương chiến tranh. Ông bị đột quỵ vào ngày 28 tháng 09 năm 1870, và sống thêm hai tuần nữa trước khi qua đời. Sau khi ông mất và được chôn ngay trong khuôn viên trường, ngôi trường đã đổi tên từ Đại học Washington thành Đại học Lee (Lee College) ngay sau đó.

Minh Bảo



BÀI CHỌN LỌC

Robert Edward Lee - vị bại tướng được tôn kính của người Mỹ