Tai bay vạ gió (3): Chọn sống hay chọn chết, cái nào dễ dàng hơn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngũ Thượng bảo: Thôi, thế này đi, anh sẽ trở về kinh đô và chết cùng cha như một cách để báo hiếu. Nếu cả hai cha con chết, em hãy lấy báo thù để tận hiếu với cha anh. Hai anh em chắp tay vái nhau bốn vái, cũng là lễ vĩnh biệt bi tráng giữa đất trời.

Khi Sở Bình Vương nói với Ngũ Xa, ông biết ngay là nhà vua muốn giết cả ba cha con. Ngũ Xa thưa: Hạ thần là một đại thần trung thành, nên sẽ tuân theo mệnh lệnh của nhà vua, hạ thần cũng có thể viết thư, nhưng hạ thần có thể nói với bệ hạ rằng, con trai lớn của thần sẽ đến, nhưng con trai thứ hai sẽ không bao giờ đến. Sở Bình Vương nói: Việc chúng có đến hay không là việc của chúng, nhưng ngươi phải viết thư. Vậy là Ngũ Xa đã viết một bức thư và gửi tới Thành Phụ.

Sau khi Ngũ Thượng và Ngũ Tử Tư đọc thư, Ngũ Thượng nói: Bình Vương yêu cầu chúng ta quay trở lại. Nếu một khi chúng ta quay trở lại, thì cha chúng ta có thể được tha, thế nên chúng ta cần trở về.

Ngũ Tử Tư nói: Không thể, không thể quay về, sở dĩ Bình Vương không dám giết cha mình là vì ông ấy lo lắng anh em ta đang ở đây. Nếu quay lại sẽ khiến cha chết nhanh hơn mà thôi. Vì thế chúng ta tuyệt đối không thể quay về. Nếu vua Sở dám giết cha, chúng ta sẽ báo thù cho cha.

Ngũ Thượng nói: Nếu cha gọi chúng ta, không trở về sẽ là bất hiếu. Nếu cha chết, chúng ta không có khả năng báo thù, đây là cấp độ bất hiếu thứ hai. Về phần anh, xét thấy năng lực kém xa em.

Ngũ Thượng bảo: Thôi, thế này đi, anh sẽ trở về kinh đô và chết cùng cha như một cách để báo hiếu. Nếu cả hai cha con chết, em hãy lấy báo thù để tận hiếu với cha anh. Hai anh em chắp tay vái nhau bốn vái, cũng là lễ vĩnh biệt bi tráng giữa đất trời.

Nhiều khi, sống thực ra còn khó hơn chết, đến nơi đó mà bị giết thì dù sao cũng đã làm tròn đạo hiếu, đầu rơi máu đổ là xong, đơn giản như vậy. Nhưng phải sống để tìm cách báo thù, thì quả thực gian nan.

Chúng ta cũng thấy điều tương tự với cô nhi họ Triệu. Khi giải cứu cô nhi nhà họ Triệu, hai môn khách của Triệu Thuẫn là Trình Anh và Công Tôn Chử cùng thương lượng: Một là chết một cách đường hoàng ung dung nhận cái chết, đó là một cách. Hai là, phải sống để bảo vệ cô nhi, nuôi dưỡng thành người để cuối cùng báo thù. Cái nào dễ hơn?

Trình Anh nói: Đương nhiên chết sẽ dễ hơn.

Chử Cữu nói: Vậy thì ta chết, huynh phải sống, cuối cùng phò tá cô nhi họ Triệu báo thù.

Vì vậy, Trình Anh đã chịu đựng khổ nhục suốt 15 năm, nuôi dạy cô nhi thành người, trải qua muôn vàn gian nan khổ cực. Đó là một việc vô cùng khó khăn.

Đối với Ngũ Thượng, anh đi để cùng chết với cha, nhưng đối với Ngũ Tử Tư, một vấn đề cực lớn đang bày ra trước mắt.

Chú thích: Vào năm 522 TCN, năm năm sau khi Phí Vô Kỵ xúi bẩy Sở Bình Vương phạm tội loạn luân, ông ta nghĩ rằng thời cơ để loại bỏ Thái tử Kiến, Thái phó Ngũ Xa và hai con trai của Ngũ Xa đã chín muồi. Tuy nhiên, Thái tử Kiến đã được vị tướng trung thành Tư mã Phấn Dương giúp trốn, Ngũ Xa bị cầm tù, con trai cả của Ngũ Xa là Ngũ Thượng đã sẵn sàng chết cùng cha cho tròn đạo hiếu. Con trai thứ hai của Ngũ Xa là Ngũ Tử Tư muốn tiếp tục sống để trả thù cho cha và anh trai.

Vậy là, Ngũ Thượng theo sứ thần trở về kinh đô. Ngũ Tử Tư thay quần áo, chuẩn bị trốn đi . Vị đại thần được cử đi lúc đó tên là Vũ Thành Hắc. Khi nghe tin Ngũ Tử Tư rời đi, đã phái binh xa đuổi theo. Ngũ Tử Tư đứng sừng sững bên đường, tay cầm cung tên, kéo căng nhắm thẳng vào xe của sứ giả. Khi đó, Vũ Thành Hắc sợ hãi rụt đầu như con chuột lủi mất. Tại sao vậy? Bởi vì Ngũ Tử Tư dũng cảm phi thường. Nếu bạn xem mô tả về Ngũ Tử Tư trong "Đông Chu liệt quốc", nói rằng Ngũ Tử Tư là người Giám Lợi - tên gọi một địa danh, thân cao một trượng.

Một trượng cao bao nhiêu? Một trượng bằng 10 xích. Xích thời nhà Chu có hai số đo khác nhau, một là dài 19,91 cm và một là gần 23 cm. Chúng ta nói về số nhỏ, thì một trượng là 1,99 mét. Thấy Ngũ Tử Tư thân thể cao to, cao gần hai mét. Ngũ Tử Tư "Thân cao nhất trượng, mi quảng nhất xích". Ông có lông mày rất dài, “Mục quang như điện”- mắt sáng như tia chớp. “Mang dũng khí bạt sơn cử đỉnh, tài văn võ dọc ngang đất trời.” Ông là người văn võ toàn tài. Cho nên bạn hình dung xem, khi Ngũ Tử Tư đứng sừng sững uy nghi như một người khổng lồ chĩa cung tên về phía sứ thần, sứ thần đã sợ hãi bỏ chạy.

Sau khi Ngũ Thượng theo sứ giả trở về kinh đô, hai cha con bị chặt đầu ở chợ. Trước khi bị chém đầu, Ngũ Xa nói: ‘Than ôi, ta biết con trai thứ hai của ta sẽ không đến, từ nay trở đi, vua quan nước Sở không thể ăn ngon ngủ yên được nữa rồi!’

Chân dung “Thánh quân hiền thần - Ngũ Tử Tư”, hiện đang nằm ở Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc. (Phạm vi công cộng)

Ngũ Tử Tư từ đây bước vào đường trốn chạy. Vấn đề đầu tiên là trốn đi đâu, tất nhiên câu hỏi này dễ trả lời hơn, vì Thái tử đã trốn sang nước Tống. Thế là Ngũ Tử Tư chuẩn bị sang Tống để gặp Thái tử. Ngay lúc bắt đầu bỏ chạy, khi còn ở lãnh thổ nước Sở, ông nhìn thấy một đội quân từ xa đang tiến đến. Ngũ Tử Tư lúc đó rất lo lắng, trốn ở ven đường. Khi quân đội đến gần, ông phát hiện ra rằng thủ lĩnh là một người bạn rất thân của ông tên là Thân Bao Tư. Ngũ Tử Tư bước ra khỏi nơi ẩn náu và đứng bên đường. Thân Bao Tư rất ngạc nhiên khi nhìn thấy Ngũ Tử Tư. Thân Bao Tư nói: Tại sao huynh lại ở đây?

Ngũ Tử Tư khóc kể lại sự tình. Thân Bao Tư nói: Bây giờ huynh tính sao?

Ngũ Tử Tư nói: Tôi phải đi đâu đó mượn quân và quay lại giết Sở Bình Vương.

Thân Bao Tư khuyên: Bắt đầu từ thời ông nội của huynh, đều hưởng bổng lộc nhà Sở trong nhiều thế hệ. Mặc dù quốc vương đã có lỗi với nhà huynh, nhưng nếu giết vua, đó chẳng phải là một hành động bất trung sao?

Tất nhiên, Thân Bao Tư đã khuyên Ngũ Tử Tư từ góc độ của một vị trung thần.

Ngũ Tử Tư trả lời như thế nào? Ông nói rằng vua Sở đã làm bốn điều bất nghĩa: là lấy vợ của con, bỏ người thừa kế hợp pháp, tin lời siểm nịnh, sát hại lương thần.

‘Nạp tử phụ’ là lấy vợ của chính con mình, đó là việc loạn luân. Thứ hai là ‘Khí đích tự’ - muốn giết chết Thái tử, con ruột của mình. Thứ ba là ‘Tín sàm nịnh’ - tin theo lời sàm tấu của kẻ tiểu nhân nịnh thần Phí Vô Kỵ. Thứ tư, làm hại trung thần lương tướng, giết cha và anh trai của Ngũ Tử Tư.

Ngũ Tử Tư nói rằng nếu bây giờ tôi dẫn quân vào Dĩnh (kinh đô nước Sở), để quét sạch sự bẩn thỉu của nước Sở, đó thực sự là vì lợi ích của giang sơn xã tắc. Làm sao có thể để một kẻ đạo đức bại hoại như vậy làm vua nước Sở? Vì vậy, suy nghĩ của Ngũ Tử Tư là từ phương diện vì đại nghĩa mà xả thân, chứ không phải để làm loạn thần tặc tử.

Lúc đó Thân Bao Tư cũng cân nhắc, rồi nói: Nếu tôi đồng ý để huynh báo thù là bất trung với nhà vua, nhưng nếu không để huynh báo thù thì đó là đẩy huynh vào chỗ bất hiếu, bởi vì huynh sẽ không thể tận hiếu với cha.

Thân Bao Tự nói tiếp: Đây thực là tiến thoái lưỡng nan, nhưng tôi muốn ước định với huynh. Vì tình bằng hữu, tôi sẽ không tiết lộ tung tích của huynh, cũng sẽ không bắt giữ huynh. Huynh có thể dẫn quân tiêu diệt nước Sở, nhưng sau khi huynh diệt nước Sở, tôi nhất định phải khôi phục nước Sở. (‘Tử năng nguy sở, ngã năng an sở’ - Ngũ Tử Tư có thể khiến Sở quốc nguy hiểm, ta có thể khiến Sở quốc an định).

Anh có thể tận hiếu, nhưng cuối cùng tôi vẫn phải tận trung. Bằng cách này, Thân Bao Tư đã nói lời tạm biệt với Ngũ Tử Tư, còn Ngũ Tử Tư rời khỏi nước Sở đến nước Tống.

Ngũ Tử Tư bây giờ muốn trả thù cho cha và anh trai, nhưng phải đối mặt với ba vấn đề lớn. Vấn đề đầu tiên là thoát khỏi nước Sở, bảo toàn mạng sống. Thứ hai là phải nắm được quyền lực của một quốc gia và có thể điều động quân đội. Thứ ba là khi huy động quân đội đánh nước Sở phải có thể đánh thắng. Ba việc này, việc sau khó hơn việc trước.

Nước Sở là một nước rất rộng lớn. Thời Xuân Thu có 5 vị lần lượt làm bá chủ: Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công và Sở Trang Vương, được gọi là Xuân Thu Ngũ Bá. Thời kỳ Xuân Thu, cả Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công đều từng chiến đấu với nước Sở, tuy là bá chủ thời Xuân Thu, nhưng họ đã phải liên kết nhiều lực lượng liên minh để chống lại nước Sở, nhưng chỉ có thể chiến đấu với nước Sở một trận, rồi mau chóng rút lui. Bởi vì đúng là không có quốc gia nào ở Trung Nguyên có đủ thực lực để tiêu diệt nước Sở. Nước Sở mạnh như vậy đó.

Về phần Ngũ Tử Tư, nếu muốn trả thù cho anh trai và cha mình, phải tiêu diệt nước Sở. Bạn nghĩ việc này khó đến mức nào? Hơn nữa, làm sao bạn có thể đảm bảo rằng khi bạn đến một nước nào đó, vua nước đó sẽ xuất binh giúp bạn? Có thể nói, sự việc ‘Giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha!’ chỉ có những người như Lý Quỳ hay Lỗ Trí Thâm mới ra tay như vậy, chứ vua của một nước sẽ không bao giờ làm điều đó.

Hơn nữa, ngày xưa có câu nói rằng: “Vạn thặng chi chủ, bất vị thất phu hưng sư” (Vua của đất nước có vạn cỗ xe, không xuất binh vì một kẻ thất phu).

Vạn cỗ xe là nước lớn thế nào? Thời xưa, vào thời Xuân Thu, Chiến Quốc, khi chiến đấu, đánh trận bằng xe ngựa. Vào thời đó, người ta không cưỡi ngựa mà ngồi trên xe ngựa kéo trong các trận chiến. Một cỗ xe được gọi là một thặng, mỗi xe có ba binh sĩ, người ở giữa là người đánh xe - “Ngự” là một trong sáu nghề của Nho gia. Võ quan chiến đấu ở bên phải, còn chủ tướng ở bên trái, khi hai xe đối mặt nhau, võ tướng chiến đấu bằng giáo. Tất nhiên có một số vũ khí tầm xa, cụ thể là cung tên, và một số vũ khí phòng thủ như áo giáp, khiên, v.v., tất cả đều được làm bằng da thú. Vì vậy, việc chế tạo một chiếc xe quân sự rất tốn kém, vào thời điểm đó, một chiếc xe quân sự có 3 người và 72 bộ binh đi theo. Tức là ngoài ba chiến binh trên xe còn có 72 lính bộ binh đi sau, thành 75 người, lại còn thêm 25 nhân viên hậu cần phục vụ. Vì vậy, một cỗ xe tương đương với 100 người lính. Một đất nước ngàn xe - ‘thiên thặng chi quốc’, như nước Lỗ có quân số tương đương 10 vạn quân chiến đấu. Một đất nước vạn cỗ xe - ‘vạn thặng chi quốc’ tương đương với lực lượng chiến đấu lên tới 1 triệu người.

Một quốc gia có sức mạnh to lớn không thể sử dụng nhiều tài nguyên như vậy chỉ để trả thù một người bình thường. Cho nên đối với Ngũ Tử Tư mà nói, hiện tại đang gặp phải 3 vấn đề rất khó. Tất nhiên, cần phải trốn thoát khỏi Sở trước đã. Ngũ Tử Tư đã khổ tâm lao lực suốt 16 năm ròng để thực hiện những vấn đề này, giải quyết từng vấn đề một, cuối cùng hoàn thành việc báo thù.

Nhưng làm thế nào để thoát khỏi nước Sở? Mời các bạn đón xem tập tiếp theo ‘Trùng trùng ma nạn’.

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ:

Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 2 - Tai bay vạ gió (3)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Tai bay vạ gió (3): Chọn sống hay chọn chết, cái nào dễ dàng hơn?