Tào Tháo mà bạn chưa từng biết: Tín nghĩa đãi nhân, thiên hạ tín phục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời Tam Quốc, Ngụy Vũ Đế Tào Tháo thống nhất miền Bắc, ông là người ‘Dĩ tín đãi nhân’ - thành tín đối đãi với người, anh hùng trong thiên hạ do vậy mà quy phục ông.

Trong “Thuyết văn giải tự” nói: “Tín, thành dã, tòng nhân, tòng ngôn”, nghĩa là: Tín (信) có nghĩa là chân thành, gồm chữ Nhân (人) và chữ Ngôn (言). Cũng có nghĩa là: “Nhân ngôn thành tín” - Lời nói của con người là Tín.

Để làm được “Tín”, nhất định lời nói phải thành thực, mở lời là phải thực. Đối với sự thành tín, cổ nhân đã lưu lại rất nhiều danh ngôn chí lý, như:

“Khinh nặc tất quả tín” - dễ hứa tất khó giữ được chữ tín;

“Dữ bằng hữu giao, ngôn nhi hữu tín” - kết giao với bằng hữu, nói phải giữ chữ tín;

“Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã” - người mà không có chữ tín, không thể làm việc gì;

“Hữu sở hứa nặc, tiêm hào tất thường, hữu sở kỳ ước, thời khắc bất dịch” - Đã hứa, một tí cũng trả, đã hẹn, không sai dịch thời gian;

“Thành tắc thị nhân, ngụy tắc thị cầm thú” - thành tín thì là người, giả tạo thì là cầm thú.

... v.v.

Thời Tam Quốc, Ngụy Vũ Đế Tào Tháo thống nhất miền Bắc, ông là người ‘Dĩ tín đãi nhân’ - thành tín đối đãi với người, anh hùng trong thiên hạ do vậy mà quy phục ông.

Thực hiện “Kiều Công ước” sau ba mươi năm

Theo sử sách ghi chép, Tào Tháo thời niên thiếu, tuy nhanh nhẹn hơn người, nhưng hành sự quái dị, suốt ngày rong chơi phi ưng tẩu mã, thân thích đều cho là cậu sẽ không làm nên trò trống gì, thậm chí sẽ thành kẻ phá gia chi tử, nhưng Tào Tháo lại không cho là như vậy, mà nhận định rằng, mình nhất định sẽ thành tựu lên sự nghiệp.

Một hôm, Tào Tháo đi gặp một nhân vật có tên tuổi ở địa phương, tên người ấy là Kiều Huyền, xuất thân từ chức Hiếu Liêm, có kiến thức siêu phàm, giỏi quan sát và đánh giá người. Kiều Huyền sau khi đàm luận cùng Tào Tháo thì rất đỗi tán thưởng, nói: “Thiên hạ sẽ đại loạn, không phải là kẻ có tài kinh bang tế thế thì không thể an định thiên hạ, tôi đã gặp nhiều danh sĩ trong thiên hạ, nhưng chưa có ai so được với cậu. Sau này người có khả năng định quốc an bang, sơ qua thì chính là cậu đó!

Tào Tháo nghe xong thấy rất cao hứng cùng cảm kích, cho nên xem Kiều Huyền như bạn tri kỷ. Suy xét đến việc Tào Tháo khi ấy vẫn chưa có chút danh tiếng gì, nên Kiều Huyền bảo ông đi tìm một vị chuyên bình phẩm nhân vật tên gọi Hứa Thiệu. Lúc chia tay Tào Tháo, Kiều Huyền nửa đùa nửa thật bảo: “Tôi hơn cậu 29 tuổi, ngày gặp nhau không còn nhiều. Sau này khi đi qua mộ tôi, đừng quên tế lễ rượu gà. Nếu không thì bị đau bụng cũng đừng trách tôi nhé!” Tào Tháo sảng khoái nhận lời.

Thấm thoắt ba mươi năm trôi qua, Tào Tháo đánh bại Viên thiệu trong trận đại chiến Quan Độ, bước đầu thống nhất phương bắc. Lúc ấy danh vọng của Tào Tháo đã khác xa trời vực so với khi xưa. Năm 202, Tào Tháo đóng quân ở huyện Tiều, đã cho người mang lễ vật đến trước mộ Kiều Huyền ở vùng lân cận Tuấn Nghi (nay là Khai Phong Hà Nam) làm lễ tế, dùng lợn, bò, dê làm đại lễ tế, đồng thời đích thân viết văn tế “Tự cố thái úy Kiều Huyền văn” (văn tế thái úy Kiều Huyền).

Trong chương văn tế chứa đựng tấm chân tình tha thiết, Tào Tháo tán dương Kiều Huyền cao độ ‘Ý đức cao quỹ’ (đức hạnh, phép tắc cao thượng), gọi ông là sư biểu (thầy dạy), hạ mình xưng là đệ tử truyền đời, biểu thị ‘sĩ tử tri kỷ, hoài thử vô vong’ (kẻ sĩ chết vì người tri kỷ, khắc ghi mãi không quên). Người đời sau thường dùng câu ‘Kiều Công ngữ’, ‘Kiều Công ước’ để nói về tình bạn cũ vong niên, dùng cụm từ ‘đấu tửu chích kê’ (chén rượu con gà) để chỉ vật hiến tế hoặc những tế phẩm nhỏ mọn.

Từ nhỏ Tháo đã hết sức tinh quái, rất giỏi ly gián.
Tào Tháo - kỳ nhân Tam Quốc

Phụng dưỡng mẹ già của kẻ phản nghịch

“Tam Quốc chí” ghi chép, Trần Cung là mưu sĩ nổi danh thời Tam Quốc, lúc Tào Tháo làm Đông Quận Thái Thú, Trần Cung thành thuộc hạ của ông. Khi Tào Tháo thảo phạt Thanh Châu Hoàng Cân, Trần Cung có đóng góp mưu lược nhiều, giúp Tào Tháo chiếm được Duyện Châu. Sau đó, Tào Tháo tiếp nhận hàng binh Thanh Châu, Trần Cung cũng vạch nhiều mưu kế, sách lược. Có thể nói, quan hệ hai người lúc ấy hết sức mật thiết, Trần Cung cũng hy vọng cùng Tào Tháo thành tựu bá nghiệp.

Sau này, do nghi ngờ, Trần Cung nhân cơ hội Tào Tháo đông chinh, phản bội Tào Tháo, đầu quân cho Lã Bố. Năm 198, sau khi Lã Bố bị đại quân Tào Tháo vây khốn trong mấy tháng, Lã Bố đầu hàng. Khi ấy, Lưu Bị nhắc Tào Tháo chớ tha cho Lã Bố, bởi vì Lã Bố ‘là đồ phản phúc vô thường, nay không giết đi, sau sinh tai họa’. Thế là Tào Tháo quyết ý trừ Lã Bố.

Còn đối với Trần Cung đã bị bắt làm tù binh, Tào Tháo hỏi ông ta xem phải làm sao, Trần Cung đáp: “Tôi làm bề tôi mà bất trung, làm con mà bất hiếu, thật đáng mang ra pháp trường.”

Tào Tháo tiếc thương: “Ông chết rồi thì mẹ ông sẽ ra sao?”

Trần Cung buồn rầu thở dài: “Tôi nghe nói, người muốn dùng hiếu để trị lý thiên hạ thì sẽ không hại chết cha mẹ người ta, sống chết của mẹ tôi, là do ông quyết định, chứ không phải do tôi định được!”

Tào Tháo lại hỏi: “Thế còn vợ con ông thì sao?”

Trần Cung đáp: “Tôi nghe nói người định dùng nhân nghĩa trị chính, sẽ không gia hại vợ con người ta, tuyệt diệt hậu thế của người khác. Vợ con tôi sống chết thế nào, đều do ông quyết định cả.”

Tào Tháo nghe xong, lặng im không nói.

Một lúc sau, Trần Cung yêu cầu: “Mời ngài mang tôi ra xử tử, để làm nghiêm quân pháp!”

Trần Cung nói xong bước ra ngoài, sĩ tốt hai bên không cản được. Tào Tháo không còn cách nào khác, đành vòng tay ôm quyền nói: “Ông yên tâm, mẹ của ông cũng như mẹ của tôi, tôi nhất định sẽ thay ông chăm sóc đến cuối đời!”

Tào Tháo lệ nhòe khóe mắt sau đưa tiễn, Trần Cung thẳng bước chẳng ngoảnh đầu.

Sau khi Trần Cung mất, Tào Tháo không quên lời hứa của mình, đặc biệt cử người đón mẹ Trần Cung về phụng dưỡng, đến tận lúc bà tạ thế. Con gái Trần Cung lớn lên, cũng được ông thu xếp gả chồng, tổ chức hôn sự chu đáo.

Thành tâm đối đãi Quan Vũ

“Tam Quốc diễn nghĩa” kể rằng, Quan Vũ vì để bảo vệ hai chị dâu (vợ của Lưu Bị), mà bất đắc dĩ phải đầu hàng Tào Tháo, nhưng có ước định với Tào Tháo, khi có tin tức của Lưu Bị thì lập tức ra đi. Tào Tháo ái mộ nhân tài Quan Vũ, nên đáp ứng yêu cầu. Sau khi Quan Vũ quy hàng, Tào Tháo là người có đức tiết kiệm, nhưng để thu phục Quan Vũ, ông đã tặng Quan Vũ mỹ nữ Giang Nam, rượu ngon cùng sơn hào hải vị, rồi châu báu lụa là, còn ban cho vật báu là ngựa Xích Thố, nguyên là của Lã Bố trước, đồng thời thỉnh cầu Hán Hiến Đế phong cho Quan Vũ làm Hán Thọ Đình Hầu.

Còn trong “Tam Quốc chí” có ghi: “Tào công cầm vũ dĩ quy, bái vi thiên tướng quân, lễ chi thậm hậu” (Tào Tháo bắt giữ Quan Vũ quy hàng, phong cho làm tướng quân, lễ đãi rất hậu)

Hậu thế đoán rằng, Quan Vũ hàng Tào là bởi ông cho là Lưu Bị đã chết trong đám loạn quân, nhưng khi được tin Lưu Bị đang ở bên Viên Thiệu, liền lập tức vì nghĩa mà đi ngay không ngoái lại - ‘Nghĩa vô phản cố’, ly khai Tào Tháo.

“Tam Quốc chí - Quan Vũ truyện” ghi lại: Tào Tháo rất muốn có Quan Vũ, nhưng thấy ông không có ý lưu lại đây lâu, bèn bảo Trương Liêu: “Khanh thử lấy tình cảm thuyết phục xem thế nào

Trương Liêu ướm hỏi, Quan Vũ cảm thán: “Tôi biết Tào Công tiếp đãi rất hậu, nhưng tôi đã chịu ân sâu của Lưu tướng quân, đã thề cùng chết, quyết không quay lưng. Tôi sẽ không ở lại lâu, nên muốn lập chút công báo đáp Tào Công rồi mới đi.”

Trương Liêu mang lời của Quan Vũ nói lại cho Tào Tháo, Tào Tháo thấy rằng Quan Vũ thật trung nghĩa đáng nể, sau khi Quan Vũ chém đại tướng của Viên Thiệu là Nghiêm Nhan để báo ân Tào Tháo, Tào Tháo biết là ông sẽ ra đi, nên càng tăng ban thưởng để lưu giữ. Không lâu sau, Quan Vũ mang tất cả đồ được ban thưởng bọc lại, rồi viết thư cáo biệt. Thuộc hạ Tào Tháo muốn truy đuổi Quan Vũ, nhưng Tào Tháo không đồng ý, ông cho là “Bỉ các vi kỳ chủ, vật truy dã” (Ai cũng có chủ riêng của mình, đừng đuổi nữa.)

Bùi Tùng Chi viết chú thích cho “Tam Quốc chí”, tới đoạn này bất giác phải thốt lên: “Tào công biết Quan Vũ không ở lại mà vẫn khen chí hướng, đi rồi không truy đuổi để thành tựu nghĩa nhân, không phải là người có khí độ của bậc bá vương, sao có thể làm được như vậy? Đây thực là chỗ cao thượng của Tào công.

Thật rõ ràng, Tào Tháo hậu đãi một vị tướng trung nghĩa như Quan Vũ, giữ lời hứa đối với ông, người trong thiên hạ đều thấy rõ, nên anh hùng hào kiệt nườm nượp theo về.

Quan Công cầm đầu Hoa Hùng ném xuống đất, chén rượu của Tào Tháo đưa hãy còn nóng. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Cắt tóc tự phạt

Tào Tháo trị quân nghiêm khắc, thưởng phạt phân minh. Có lần trong lúc hành quân, đi gần một ruộng lúa mạch, Tào Tháo hạ lệnh: “Người nào giẫm đạp lên lúa mạch, thì vô luận là người đó là ai, lập tức chém đầu thị chúng.”

Tướng sĩ ai nấy đều cẩn thận lưu tâm, không một ai dám giẫm vào lúa mạch. Dân chúng hết sức ngợi khen.

Bỗng nhiên, có một con chim bay ra từ đám ruộng, làm con ngựa đang cưỡi của Tào Tháo giật mình, phóng luôn vào ruộng lúa, đạp nát một vạt lúa. Tào Tháo lập tức cho gọi quan viên tùy tùng đến trị tội để ngựa dẫm lúa của mình. Quan viên nói: “Sao có thể trị tội thừa tướng được cơ chứ?”

Tào Tháo nói: “Lệnh ta tự ban ra, nếu chính ta không tuân thủ, thì còn ai can tâm tình nguyện tuân theo nữa?”

Ông liền rút kiếm muốn tự sát, văn thần võ tướng hai bên phát hoảng.

Mưu sĩ Quách Gia can: “Trong kinh “Xuân Thu” của Thánh nhân Khổng Tử có câu ‘Pháp bất gia ư bạc’ (Pháp lệnh không nên dùng vào những việc nhỏ nhặt), nay chúa công đang thống soái đại quân, vai gánh trọng trách, sao có thể tự sát được?”

Thế là Tào Tháo tự tay cắt tóc, truyền lệnh ba quân. Chúng ta cần biết, cổ nhân cho rằng “Thân thể phát phu thụ chi phụ mẫu” (thân thể tóc da đều là của cha mẹ ban cho), cắt tóc là việc đại sự nghiêm trọng, do vậy, cử chỉ cắt tóc của Tào Tháo cũng là hết sức nghiêm khắc tự trừng phạt. Tào Tháo tự cắt tóc cũng là giữ tín đối với tướng sĩ, cũng được lòng dân. Chủ tướng nghiêm túc như vậy, tướng sĩ cũng không dám vi phạm pháp lệnh, quân lệnh.

Tào Tháo tự cắt tóc cũng là giữ tín đối với tướng sĩ, cũng được lòng dân. (Tranh zhengjian)

Dùng người không nghi ngờ

Tào Tháo ngoài việc có lòng thành tín đối đãi với người, ông cũng rất tín nhiệm, khoan dung, đối với các tướng lĩnh, mưu thần, ông dùng người không nghi ngờ. Như tại trận chiến Quan Độ, Tào Tháo lấy yếu thắng mạnh, sau khi đánh bại Viên Thiệu, lúc xem lại thư tín của Viên Thiệu, phát hiện thấy có một số mưu sĩ trong quân có thư từ với Viên Thiệu trước trận chiến. Ông nói: “Những người này họ không tự tin thủ thắng, nên mới tính đường thoát về sau, chút tình này có thể tha thứ được”.

Nói rồi, trước mặt thuộc hạ, ông cho đốt hết thư đi, làm những mưu thần kia trong tâm vô cùng cảm kích. Đây cũng thể hiện tấm lòng khoan dung quảng đại của Tào Tháo.

Tào Tháo dĩ tín đãi nhân, đối đãi khoan hậu, thiên hạ đều tin theo, cũng vì điều này mà quanh ông tập hợp rất nhiều anh tài trong thiên hạ, phò tá ông hoàn thành bá nghiệp. Sau này, khi tin ông tạ thế được công bố trên triều, quần thần không ngăn được dòng lệ chảy, khóc òa thương tiếc, không giữ được hàng lối tề chỉnh trang nghiêm. Tấm chân tình thực cảm bộc lộ ấy, chẳng phải chính là lời ngợi khen cho đức độ thành tín đãi nhân của bậc hùng tài đại lược Tào Tháo đó sao?

Tác giả: Lưu Hiểu - Epochtimes

Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Tào Tháo mà bạn chưa từng biết: Tín nghĩa đãi nhân, thiên hạ tín phục