“Tây Du mạn chú”: Cao thấp tìm đường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hầu Vương vì để tìm Tiên Đạo mà đã bôn ba tứ xứ, chớp mắt đã mười năm trôi qua. Thời gian đằng đẵng, Tiên Đạo vẫn chỉ là giấc mộng xa vời. Thế nhưng Hầu Vương vẫn kiên định tín tâm, hoàn toàn không có ý nghĩ chán nản quay đầu.

Một vị vương chủ vốn quen hưởng phúc phận chốn sơn lâm lại đột nhiên buông bỏ phú quý vinh hoa để lăn lội giữa hồng trần, “người ra đi đầu không ngoảnh lại”, trong tâm chỉ khao khát tìm cầu con đường tu luyện. Bạn nghĩ xem, đến lúc này sẽ là tâm tình gì đây? Ròng rã mười năm ấy, Hầu Vương vẫn lang thang lưu lạc, không nhà không cửa, cũng không một xu dính túi. Hơn nữa, đây không phải là non xanh phúc địa mà là cõi nhân gian thế tục, nơi đây toàn những kẻ vì danh lợi mà tranh đoạt mãi không ngừng: “Chỉ thấy toàn là hạng đua tranh danh lợi, không có một người lo lắng mệnh thân”.

Đối diện với vô vàn cám dỗ thế tục, một người bình thường có lẽ đã sớm thành gia lập thất, mua sắm tài sản, tích trữ tiền bạc, hưng vượng phát đạt và sau đó an hưởng tuổi già. Quê nhà của Hầu Vương quanh năm đều có hoa thơm trái ngọt, có của ngon vật lạ hiếm thấy trên đời. Người có tầm nhìn xa hẳn sẽ tiến hành giao thương hàng hải, khi ấy muốn phát tài thành danh chẳng phải chỉ là chuyện nhỏ thôi sao? Nhưng với Hầu Vương thì mọi vinh hoa phú quý nơi thế tục chỉ là bóng ảnh phù vân, hoàn toàn không đáng để mắt tới.

Mười năm tìm kiếm, mười năm lang bạt, mười năm chịu khổ, trong mắt Thần Tiên hẳn sẽ cho rằng như vậy đã đủ chứng minh nghị lực và quyết tâm của Thạch Hầu. Đúng vậy, sau khi Hầu Vương rời khỏi Nam Thiệm Bộ Châu - nơi đầy rẫy những ân oán khổ lạc ấy, Thượng Thiên liền đưa anh ta đến Tây Ngưu Hạ Châu, an bài cho anh ta đến nơi cần đến. Đó là một ngọn núi có cái tên kỳ lạ: Linh Đài Phương Thốn sơn.

Hầu Vương trèo lên đỉnh núi, ngắm cảnh non nước xinh đẹp, thanh nhã u nhàn, thật chẳng khác nào thắng cảnh Hoa Quả Sơn. Sau đó Hầu Vương phát hiện những ngọn núi nhấp nhô này là một dãy long mạch, nhất định có vị thế ngoại cao nhân mà mình vẫn hằng tìm kiếm.

Trong truyện viết:

“Hầu vương lên bờ tìm hỏi, chợt nhìn thấy một tòa núi cao xinh đẹp, rừng rậm âm u và chẳng sợ lang sói, hùm beo, trèo lên tận đỉnh núi quan sát. Quả là một ngọn núi tuyệt đẹp:

Nghìn ngọn như giáo dựng.
Muôn tầng tựa bình phong (...)
Tầng tầng hang hốc chi lan quấn.
Chốn chốn vách non rêu phủ xanh.
Nhấp nhô thế núi đẹp như tranh.
Hẳn phải có cao nhân ở ẩn.”

Một tiểu đồng khác liền giương chiếc tai ra, Quân Trụ ngó vào bên trong để nhìn, quả nhiên ở đó có trời đất núi non, hoa mọc rực rỡ khắp chốn, những ngôi nhà được dựng thành hàng ngay ngắn...
(Ảnh: Phạm vi công cộng)

Nói đến phong thủy, xem phong thủy cũng giống như xem bát tự, xem tướng tay hay tướng mặt vậy. Tuy nhiên mỗi người xem phong thủy lại đưa ra một kết luận khác nhau. Các thầy tướng số có trình độ cao thấp không đồng đều, chênh lệch rất lớn. Vốn dĩ đã có chút ly kỳ, họ lại thêm vào đó các thuyết pháp của riêng mình, nói loạn bát nháo điều gì cũng có, điều này khiến rất nhiều người cảm thấy phong thủy chỉ là chuyện hoang đường.

Thạch Hầu mấy trăm năm chạy nhảy nô đùa ở Hoa Quả Sơn, sao đột nhiên lại hiểu được những bí mật phong thủy mà không hề có minh sư chỉ dạy? Là như vậy, những người đã khai mở một cách tự nhiên sẽ hiểu được rất nhiều điều mà người khác cần phải nỗ lực cả đời, gian khổ học tập cả đời mới có thể biết được. Đây chính là vấn đề khai khiếu và không khai khiếu. Khai khiếu không phải là cách nói hình dung, mà là khai mở những vị trí tiếp nối đối ứng với các đường kinh mạch của thân thể, hay nói cách khác chính là khai mở huyệt vị.

Người đã khai khiếu thì tư tưởng và thân thể có thể câu thông với rất nhiều sinh mệnh trong không gian khác. Thuở xưa, người đọc sách Thánh hiền có thể khai khiếu, người luyện võ có thể khai khiếu, người có chính khí và thường hay hành thiện tích đức cũng có thể khai khiếu. Trong quá khứ, khai khiếu là chuyện rất bình thường, nhưng người hiện đại lại coi đó là điều huyễn hoặc, viển vông.

Người hiện đại sở dĩ phân chia ra nhiều ngành học, mọi lĩnh vực ngày càng chuyên môn hóa chính là vì các khiếu trên thân thể họ đã bị tắc nghẽn, bị phong cứng cả rồi, chứ không phải vì xã hội đã tiến bộ hay khoa học đang phát triển.

Trở lại với câu chuyện của chúng ta. Hầu Vương đang ở trên đỉnh núi thì đột nhiên nghe thấy có tiếng hát. Bài hát với ca từ ưu mỹ, ý cảnh u nhàn, nội dung kể về cuộc sống thong dong tự tại của tiều phu, lời ca miêu tả tâm cảnh của một người sống trong gian khổ nhưng vẫn trở về với chân ngã của mình. Hầu Vương nghe xong vui mừng như mở cờ trong bụng. Trong truyện viết:

“Người kiếm củi nói: “Tôi có nói lời Thần Tiên nào đâu?”

Hầu vương nói: “Khi tôi vừa đến mé rừng, đã nghe thấy ngài nói: ‘Gặp nhau: Phật Đạo phép mầu, bình tâm tĩnh tọa giảng câu Hoàng đình’. Hoàng đình là châm ngôn đạo đức, vậy chẳng phải Thần Tiên là gì!”

Người kiếm củi cười, nói: “Chẳng giấu gì bác, bài hát đó tên là ‘Mãn đình phương’ của một vị Thần Tiên dạy cho tôi. Vị ấy là hàng xóm của tôi. Ngài thấy tôi công việc vất vả, lại hay buồn phiền, bèn dạy cho tôi, và dặn rằng: ‘Khi nào buồn phiền thì hát bài ấy, một là giải trí, hai là hết khổ’. Hôm nay tôi có điều lo lắng, lòng dạ buồn phiền nên mới hát bài ấy, không ngờ bác lại nghe được".

Hầu vương nói: “Nhà ông ở cạnh Thần Tiên, sao ông không chịu theo họ tu hành, để học lấy phép trẻ mãi không già, chẳng tốt lắm ư?”

Người kiếm củi nói: “Tôi cả đời khổ cực, từ nhỏ, nhờ ơn cha mẹ nuôi nấng, đến năm tám, chín tuổi mới hơi biết việc đời. Chẳng may bố chết, mẹ ở góa, lại không có anh em, chỉ có một mình tôi, tôi chẳng biết làm gì, chỉ biết sớm tối trông nom mẹ. Giờ đây mẹ tôi già rồi, tôi chẳng dám đi đâu. Ruộng vườn bỏ hoang, ăn mặc chẳng đủ, hàng ngày chỉ biết kiếm củi đem ra chợ bán lấy mấy đồng, đong vài đấu gạo, mang về thổi cơm nấu nước phụng dưỡng mẹ già. Vì thế, tôi không tu hành được”.

Người tiều phu chỉ dẫn Hầu Vương tìm đường đến nơi ở của Thần Tiên. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp từ phim Tây Du Ký 1986|Tập 1)

Hầu Vương cho rằng người có thể hát được lời ca mang ý cảnh thoát tục như thế thì nhất định là bậc chân Tiên. Nhưng tiều phu chỉ khiêm tốn phủ nhận, ông kể với Hầu Vương rằng bài hát này do một vị Thần Tiên dạy cho ông để giúp ông hóa giải phiền não, điều chỉnh “tâm nhạc” của mình. Vị tiều phu cũng có căn cơ tu Đạo, nhưng ngặt vì phải phụng dưỡng mẹ già nên không thể thực hiện ý nguyện của mình. Ông là con trai duy nhất, phụng dưỡng mẫu thân và chí hướng tu Đạo đã trở thành hai lựa chọn khó khăn trong cuộc đời ông. Nhìn sang trái thấy mẹ già không nơi nương tựa, nhìn sang phải thấy con đường tu hành sao quá gian nan mịt mùng, do đó ông đành lòng từ bỏ chí hướng tu Đạo.

Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa tiều phu và Hầu Vương. Hầu Vương vì để tìm Tiên học Đạo mà đã buông bỏ hết thảy, những gì cần buông bỏ đều là điều mà người khác dẫu có dùng phúc phận cả đời, thậm chí nhiều đời cũng không có được.

Nhưng có phải tu Đạo rồi là phải buông bỏ gia đình, chối bỏ thân nhân hay không? Hầu hết những người trong chúng ta đều nhìn nhận như vậy. Đây chính là chướng ngại, là chỗ mê rất lớn của nhân gian. Đúng vậy, tu Đạo là chí hướng cao quý, vì để trở nên cao quý mà phải nhẫn tâm cắt bỏ tình thân? Tu Đạo là buông bỏ lợi ích và sinh tử của bản thân, sao lại chối bỏ thân nhân cho được?

Tu Đạo thực sự khó khăn, khó ở chỗ phải lựa chọn và từ bỏ. Có lúc những thứ cần từ bỏ khiến ta đau đớn như xẻo thịt khoan xương. Nhưng hết thảy đều là quan ải đầu tiên để nhập môn tu Đạo. Đáp án của câu hỏi này không nằm ở nơi trần thế, giống như những câu đố trí tuệ mà trẻ nhỏ yêu thích, đáp án luôn khiến người ta phải bất ngờ: Một, tu luyện không cần đoạn tuyệt tình thân, mà ngược lại còn có lợi cho thân nhân bằng hữu. Hai, khi bạn thực sự bước trên con đường tu luyện, hết thảy đều sẽ theo đó mà cải biến, khốn cảnh cũng rất nhanh sẽ được hóa giải. Ba, tu Đạo là cần thiện đãi với người khác chứ không phải buông bỏ hay lãnh đạm thờ ơ. Người tu Đạo vẫn có thể hồi báo thân nhân, thiện đãi thân quyến gia thuộc – Đó là từ bi, là điều cao thượng siêu xuất khỏi cái tình nơi nhân thế.

Tiều phu có căn cơ, duyên phận và cơ hội tu Đạo, thậm chí được Thần Tiên bảo hộ, nhưng vẫn không thể bước vào cửa tu hành. Còn Hầu Vương thì ngay cả một niệm cũng không dao động, chí hướng luôn nhằm thẳng Đại Đạo mà đi.

Sau đó Hầu Vương tìm đến trước cửa động Tà Nguyệt Tam Tinh. Khi ấy Bồ Đề Tổ Sư đang ở trong căn phòng kín nhưng lại cảm ứng được, thậm chí còn biết rõ mục đích của Hầu Vương, cảm ứng được tư tưởng và tâm thái của Hầu Vương.

Kinh mạch và huyệt vị của người tu Đạo khai mở càng nhiều thì phạm vi cảm ứng của anh ta càng lớn. Hết thảy những gì trong phạm vi của mình, anh ta đều có thể cảm ứng được. Chưa cần nói người tu luyện đã viên mãn trong Đại Đạo, mà người luyện võ khi đạt đến một cảnh giới nhất định cũng có thể có được năng lực này, nhưng so với người tu Đạo thì vẫn còn kém xa.

Vậy là một Hầu Vương chân chính tu Đạo sắp hiển lộ chân dung rồi…

(Còn nữa)

Theo Na Uy Long Vương - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch

(Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp từ phim Tây Du Ký 1986 - Tập 1)



BÀI CHỌN LỌC

“Tây Du mạn chú”: Cao thấp tìm đường