Thăm bệnh Ngao Bái, thấy trong chăn giấu một con dao, Khang Hy xử trí quả không hổ danh 'Thiên cổ nhất đế'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm Thuận Trị thứ 18, Hoàng đế Thuận Trị mới 24 tuổi đã qua đời, để lại vạn dặm giang sơn cho Hoàng đế Khang Hy mới 8 tuổi.

Do Khang Hy còn nhỏ tuổi, và Hoàng đế Thuận Trị khi còn nhỏ tuổi cũng bị đại thần trong Hoàng tộc là Đa Nhĩ Cổn áp bức, để con trai không đi vào con đường cũ của mình, Hoàng đế Thuận Trị đã sắp xếp 4 đại thần ngoại tộc là Sách Nê, Tô Khắc Tát Cáp, Át Tất Long và Ngao Bái làm phụ chính đại thần, phụ tá Hoàng đế Khang Hy.

Khách quan mà nói, sự sắp xếp này của Hoàng đế Thuận Trị là rất trí tuệ, 4 bị phụ chính đại thần này chế ước lẫn nhau, đảm bảo sự ổn định vững bền của giang sơn cho Hoàng đế Khang Hy.

Nhưng cùng với thời gian qua đi, Sách Nê đức cao vọng trọng tuổi cao nhiều bệnh, sợ việc tránh họa, nên rất nhiều việc, ông không muốn hỏi đến.

Tô Khắc Tát Cáp mặc dù là phụ chính đại thần, nhưng lại là do bán đứng Đa Nhĩ Cổn mà nổi lên, cho nên về uy vọng và về tài năng, đều kém xa 3 vị phụ chính đại thần kia. Tô Khắc Tát Cáp xưa nay bị Ngao Bái xem thường, và rất nhanh chóng bị Ngao Bái đánh đổ.

Át Tất Long tuy danh nghĩa đứng đầu các phụ chính đại thần, đứng trước Ngao Bái, nhưng lại là người hiển quý nhờ cha ông đời trước, bản thân không có chủ kiến, thường thuận theo và phụ họa Ngao Bái. Thế là dần dần, toàn bộ triều chính đều do Ngao Bái kiểm soát, trong suốt một thời gian, Ngao Bái quyền uy khuynh loát trong và ngoài triều.

Năm Khang Hy thứ 6, Sách Nê qua đời, Ngao Bái đánh đổ Tô Khắc Tát Cáp, quyền lực của Ngao Bái lên đến đỉnh cao. Do Át Tất Long luôn né tránh lép vế, nên toàn bộ việc triều chính đã rơi vào tay Ngao Bái, trực tiếp uy hiếp đến quyền lực của Hoàng đế.

Khi đó, Hoàng đế Khang Hy đã 14 tuổi rồi, ông tài năng anh minh, do đó dư luận đều muốn các phụ chính đại thần trao trả quyền nhiếp chính cho Hoàng đế. Dưới áp lực của dư luận, Ngao Bái không muốn trao trả quyền lực trong tay, nên thác bệnh không vào triều.

Trong một thời gian, triều đình không có phụ chính đại thần quyết định, nên đã không thể vận hành bình thường được. Hoàng đế Khang Hy thấy thế thì trong lòng lo lắng lắm, bèn nghĩ cách để Ngao Bái mau chóng trở lại triều đình xử lý triều chính. Thế là Hoàng đế Khang Hy đích thân đến thăm Ngao Bái.

Khang Hy đi thẳng vào phủ Ngao Bái, không có bất kỳ thông báo nào, đi thẳng đến trước mặt Ngao Bái hỏi thăm, hàn huyên.

Lúc đó Ngao Bái cũng bày tỏ tạ ơn. Vua tôi đang nói chuyện say sưa thì bỗng nhiên trong chăn của Ngao Bái lộ ra một lưỡi dao sắc.

Thì ra Ngao Bái bình thường ngang ngược nhưng lại sợ người ta ám sát, do đó thường xuyên dao không dời thân. Hoàng đế Khang Hy đến đột ngột, Ngao Bái không kịp cất bảo đao đi, bèn giấu ở trong chăn, không ngờ bị Khang Hy phát hiện ra.

Những thị vệ nhìn thấy đều bất giác toát mồ hôi lo lắng cho Hoàng đế, với cự ly gần như thế này, nếu Ngao Bái muốn hại Khang Hy thì quả là dễ như trở bàn tay.

Lúc này, Ngao Bái không có ý sát hại Khang Hy, nhưng tình hình trước mắt vô cùng khó xử. Khang Hy nhìn Ngao Bái, sau đó nắm tay ông ta và nói: “Dũng sĩ Mãn tộc, thân không dời dao, đây là bản sắc, Thiếu Bảo không quên nguồn gốc”.

Ngao Bái nghe được những lời này thì trong lòng vui mừng lắm, liền tạ ơn lần nữa, biểu lộ tình cảm cảm kích, hoàn toàn không có vẻ bối rối khó xử như trước.

Trở về Hoàng cung, Khang Hy bất giác toát mồ hôi vì tính hình vừa xảy ra. Con dao sắc nhọn này của Ngao Bái lúc nào cũng lởn vởn trong đầu Hoàng đế.

Trong mắt Hoàng đế, đây không chỉ là sự hiểu lầm, mà điều quan trọng hơn là sự kháng cự, tranh đấu của Ngao Bái khi không nguyện ý trao lại quyền nhiếp chính.

Nghĩ đến đây, Khang Hy liền bắt đầu gấp rút chuẩn bị kế hoạch bắt Ngao Bái. Cuối cùng, vào năm Khang Hy thứ 8, Hoàng đế đã bắt được và cầm tù Ngao Bái. Từ đó Khang Hy đã thu hồi tất cả các quyền lực vào trong tay, và bắt đầu quản lý triều chính, cai quản thiên hạ.

Dương Minh - Epoch Times, chuyển tài từ SOH
Trung Hòa biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thăm bệnh Ngao Bái, thấy trong chăn giấu một con dao, Khang Hy xử trí quả không hổ danh 'Thiên cổ nhất đế'