Thần Thổ Địa là ai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cả người Việt và người Hoa đều thờ Thần Tài cùng với Thần Thổ Địa, nhưng người Đài Loan còn có ngày lễ hội văn hóa thờ cúng Thần Thổ Địa, và coi Thần Thổ Địa là Thần Tài. Vậy Thần Thổ Địa là ai?

Người Việt thường cúng Thần Thổ Địa (thường gọi là Ông Địa) vào ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng, còn người Hoa lại thờ Thần Thổ Địa vào ngày mồng 2 và 16 âm lịch hàng tháng. Tuy nhiên, người Đài Loan lưu giữ văn hóa Thần Thổ Địa phong thú nhất, họ còn lưu giữ truyền thuyết về Thần Thổ Địa và còn có ngày riêng để cúng Thần Thổ Địa.

Theo phong tục truyền thống của người Hoa, trong lễ cúng “vĩ nha” vào ngày 16 tháng 12 Âm lịch, người dân sẽ cúng bái Thần Thổ Địa. Đồng thời, sau khi chủ công ty hay cửa hàng cúng Thần Thổ Địa, sẽ đãi tiệc để cảm ơn nhân viên của mình sau một năm làm việc chăm chỉ. Vì sao phải cúng Thần Thổ Địa vào dịp cuối năm?

Từ tên gọi Thần Thổ Địa, có nghĩa là Thần của đất đai. Có một truyền thuyết liên quan đến Thần Thổ Địa, có thể giải thích nguồn gốc của phong tục cúng Thần Thổ Địa vào dịp cuối năm.

Thần Thổ Địa ở chùa Ngọc Hoàng, Quận 1 - Sài Gòn. (Wikipedia/ CC BY SA 3.0)

Sự tích về Thần Thổ Địa, vị quan tốt Trương Phúc Đức được lưu danh

Người Đài Loan vẫn còn lưu truyền truyền thuyết về Thần Thổ Địa. Truyền thuyết kể rằng đời trước của Thần Thổ Địa là một vị quan tốt được mọi người kính trọng. Thời Chu Thành Vương có một vị Tổng thuế quan tên là Trương Phúc Đức. Ông sinh vào ngày 2 tháng 2 năm thứ hai thời Chu Vũ Vương (năm 1134 trước Công nguyên). Ngày sinh của ông, chính là ngày sinh của Thần Thổ Địa mà mọi người vẫn lưu truyền đến ngày nay.

Người ta kể lại rằng, khi còn nhỏ, Trương Phúc Đức thông minh, hiếu thảo. Năm ba mươi sáu tuổi, ông được giữ chức Tổng thuế quan trong triều đình nhà Chu. Trương Phúc Đức rất xứng đáng với vinh quang này. Ông là một vị quan thanh liêm, luôn siêng năng chăm chỉ làm việc và có một tấm lòng lương thiện. Khi gặp những người không thể nộp thuế, ông sẽ rộng lượng kéo dài cho họ một khoảng thời gian. Nếu đến cuối cùng vẫn không thể nộp thuế được, ông cũng không làm khó người ấy, đồng thời lấy tiền của mình để nộp thay cho họ. Ngày thường, khi gặp người khó khăn, hoạn nạn, ông sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ họ vượt qua.

Trương Phúc Đức là một vị Tổng thuế quan đức cao vọng trọng, ông thương dân như con, và ông cũng sống rất thọ. Ông mất năm Chu Mục Vương thứ 3, hưởng thọ 102 tuổi. Ba ngày sau khi mất, dung mạo của ông vẫn không đổi, giống hệt như người vẫn còn sống. Những người yêu mến, kính trọng đến chiêm bái ông đều cảm thấy rất kỳ lạ.

Sau khi Trương Phúc Đức qua đời, người kế nhiệm chức Tổng thuế quan là Ngụy Siêu. Trái ngược với sự thanh liêm, nhân từ của Trương Phúc Đức, tính tình của Ngụy Siêu gian ác, thất thường, xem trọng tiền tài như tính mạng, dựa vào quyền thế trong tay để tư lợi, hoành hành bá đạo, ức hiếp dân chúng. Người dân nhớ đến sự liêm chính của Trương Phúc Đức khi còn sống, càng so sánh càng thấy cảm tạ ân đức của ông.

Có một gia đình nghèo dùng bốn tảng đá lớn dựng thành một căn nhà đá để thờ tượng của Trương Phúc Đức. Không lâu sau đó, gia đình này từ nghèo khổ đã trở nên giàu có. Những người hàng xóm biết chuyện đều tin rằng, chính là do Trương Phúc Đức hiển linh, bảo hộ gia đình kia. Thế rồi họ góp tiền để xây miếu, dựng tượng kim thân của Trương Phúc Đức để cúng bái, kính trọng gọi là "Phúc Đức Chính Thần".

Cũng bởi vì gia đình kia từ nghèo khổ trở thành giàu có, mọi người đều tin rằng Trương Phúc Đức là Thần Tài, tin rằng ông có thể ban cho con người phúc khí, tài phú, những người buôn bán tôn kính xem ông là Thần Tài nên thường cúng bái ông để cầu mong được làm ăn phát đạt. Tương truyền rằng Chu Mục Vương ban cho Trương Phúc Đức hiệu là "Thần Thổ Địa", rồi sau đó tế bái Thần Thổ Địa -Tập tục thờ Phúc Đức Chính Thần cứ thế lưu truyền đến nay. Ở Đài Loan thường thấy "Miếu Thần Thổ Địa"; Truyền thuyết Thần Thổ Địa chính "Thần Tài" được lưu truyền rộng rãi nhất trong dân gian ở Đài Loan.

Thần Thổ Địa Phúc Đức Chính Thần ở Đài Trung, Đài Loan. (Miền công cộng)

Ngày mồng 2 và ngày 16 Âm lịch thờ cúng Thần Thổ Địa

Người Đài Loan cúng bái Thần Thổ Địa không chỉ vào ngày sinh của ông. Mỗi năm từ ngày mồng 2 tháng 2 (ngày sinh của Thần Thổ Địa) sẽ bắt đầu lễ cúng Thổ Địa Công, gọi là “đầu nha". Chữ "nha", vốn là có nghĩa là "nghênh đón" tài phúc. Những thương nhân làm ăn buôn bán vào ngày 2 âm lịch, ngày 16 âm lịch (đối với người Hoa), và ngày mồng 1 và rằm (đối với người Việt), đều cúng bái Thần Thổ Địa. Đến ngày 16 tháng 12 Âm lịch, chính là chính là lần cúng bái Thần Thổ Địa cuối cùng trong năm, gọi là "vĩ nha", cũng là ngày cúng bái lớn nhất, sau đó kết hợp với tập tục đón Tết truyền thống, vừa lễ tạ Thần linh, vừa cảm ơn nhân viên sau một năm dài vất vả.

Hiện tại ở Đài Loan vẫn còn lưu truyền một câu đối để ca tụng Thổ Địa Công, mang từ "Phúc Đức Chính Thần" đặt vào trong câu đối:

Phúc nhi hữu Đức thiên gia kính
Chính tắc vi Thần vạn thế tôn

Tạm dịch là:

Phúc lại có Đức ngàn nhà kính
Chính được làm Thần muôn đời tôn

Ngoài ra, còn có một câu đối khác:

An nhân tự an trạch
Hữu thổ tắc hữu Thần

Tạm dịch là:

Giữ lòng nhân nhà cửa tự yên ổn
Có đất đai ắt có Thổ Địa Thần

Cặp câu đối này nói lên rằng Thần Thổ Địa sẽ bảo hộ cho chỗ ở của con người được yên ổn, đồng thời khuyến khích con người thế gian phải luôn giữ nhân đức trong tâm, như vậy sẽ có được sự bảo hộ của Thần.

Đức Nhân
Theo Gia Dĩ Huy - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Thần Thổ Địa là ai