Thần tướng Nhạc Phi: Trận chiến hồ Động Đình, tám ngày diệt Dương Yêu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoài đuổi quân Kim, trong dẹp giặc cướp, vị đại anh hùng Nam Tống Nhạc Phi với lòng trung nghĩa báo quốc, nam chinh bắc chiến, lập lên nhiều chiến công hiển hách. Năm Thiệu Hưng thứ 5 (năm 1135), Nhạc gia quân bình định Dương Yêu trong trận chiến Động Đình Hồ, có thể nói đây là một kiệt tác quân sự trong cuộc đời chinh chiến của ông.

Khi đó, Hữu tướng Trương Tuấn (張浚) đảm nhiệm đốc quân trong quân đội Nhạc Phi. Trước khi ra trận, Trương Tuấn lo lắng nói với Nhạc Phi: ‘Hay là tạm thời ngừng chiến, sang năm tính kế lâu dài.’

Thời Nam Tống có một viên tướng tên gọi tương tự như Trương Tuấn (張俊), là tướng lĩnh kháng Kim, cũng là đại thần của triều đình, người ta rất dễ lẫn lộn hai vị này. Kỳ thực, Trương Tuấn (張浚) này do có công giúp vua trong biến cố Miêu Lưu, được Cao Tông trọng dụng thăng chức Tể tướng kiêm Khu mật sứ, thống lĩnh quân đội toàn quốc; còn Trương Tuấn (張俊) kia là một trong ‘Trung Hưng tứ tướng’, từng làm quan trên của Nhạc Phi, sau này do đố kỵ với tài năng của Nhạc Phi mà theo phe Tần Cối, tham gia bịa tạo án oan, là kẻ có tội trong mưu hại Nhạc Phi.

Trước sự do dự của Đô đốc, Nhạc Phi lòng đầy kiên tín trả lời: ‘Xin ngài hãy đợi xem, không quá tám ngày, phá tan giặc!’

Quân phản loạn này như thế nào mà khiến Tể tướng Nam Tống phải lo lắng? Nhạc Phi có kỳ mưu gì mà có thể nhanh chóng tiêu diệt cường địch?

Giặc mạnh ở Động Đình, mối lo của triều Tống

Dương Yêu từng theo cha con giặc cướp Chung Tương khởi sự, bọn họ thực ra là một lũ mưu đồ phản loạn. Chung Tương là một thầy mo vào cuối thời Bắc Tống, lấy cờ hiệu ‘Đẳng quý tiện, quân phú bần’ (bình đẳng sang hèn, quân bình giàu nghèo) để mê hoặc bách tính, thu gom tài phú. Khi Cao Tông nhậm chức Đại Nguyên soái Hà Bắc, Chung Tương cũng mang theo ba trăm dân binh ‘Cần vương’ (giúp vua), lúc Cao Tông lên ngôi thì đội ngũ này trở thành lực lượng riêng của Chung Tương.

Nhạc gia quân đến từ Tây Bắc, chỉ giỏi lục chiến, làm sao khắc chế thủy quân của Dương Yêu, đây là một thách thức lớn. (Nguồn tư liệu Epoch Times).

Tháng ba năm Kiến Viêm thứ tư (năm 1130), kẻ tự xưng vương Chung Tương binh bại thân vong. Dương Yêu tụ tập các thủ lĩnh, kiến lập hơn ba mươi thủy trại, quân số hàng vạn người, tiếp tục đối kháng với Tống triều. Đám phản loạn này cực kỳ tham tàn, không chỉ cướp đất, mà còn lấy danh nghĩa ‘Hành pháp’ mặc sức cướp giết dân lành. Nghiêm trọng nhất là Dương Yêu có dã tâm bán nước.

Tống Sử có ghi, kẻ theo ngụy Tề là Lý Thành nhiều lần hợp mưu mờ ám với Dương Yêu, chuẩn bị hợp quân. Trong lúc các chí sĩ trung nghĩa đang một lòng kháng Kim cứu nước, thì Dương Yêu đi ngược với đại nghĩa dân tộc, trở thành quân của nhà Kim, thành họa hoạn lớn thứ ba sau ngụy Tề. Cao Tông cùng quần thần nhận định ‘là họa hại trước mắt, nếu không trừ trước đi thì sẽ không thể lập quốc được.’

Cho nên nhiều lần tiến đánh hoặc vây hãm, hoặc chiêu hàng, nhưng kết quả đều thất bại. Sau đó bốn năm, quân Tống lâm vào cảnh lúng túng, không có cách gì khắc chế.

Sở dĩ Dương Yêu trụ được nhiều năm là do nhờ địa thế của hồ Động Đình. Ông ta chọn sách lược ‘Lục canh thủy chiến’ (trên đất thì canh tác trồng trọt, dưới nước thì đánh trận). Mùa xuân, hạ nước hồ dâng cao, quan quân không thể tiến đánh, thì canh tác đất đai, nghỉ ngơi dưỡng sức. Khi thu đông nước xuống, cho quân thu hoạch lương thực, giao chiến với quan quân trên mặt nước. Ngoài ra, trong thủy trại của Dương Yêu còn có 30 chiến thuyền lớn có thể chở ngàn quân, cùng vài trăm thuyền nhẹ, tác chiến trên mặt nước xuất quỷ nhập thần, như một đội quân bất khả chiến bại.

Trong tình thế như vậy, Cao Tông đem nhiệm vụ gian nan - bình định Dương Yêu, trịnh trọng giao phó cho Nhạc gia quân. Tháng tư năm Thiệu Hưng thứ năm, Nhạc Phi xuất binh Đàm Châu (nay là Trường Sa Hồ Nam), bắt đầu triển khai ý đồ tác chiến.

Binh sĩ Nhạc gia quân đến từ vùng Tây Bắc, chỉ giỏi đánh trên cạn, làm thế nào để khắc chế thủy quân trở thành một khảo nghiệm lớn. Nhạc Phi không chút lo lắng nói: ‘Dụng binh không có cách thức cố định, chỉ cần biết cách dùng thế nào là được!’. Hơn nữa, quốc nạn ngay trước mặt, là đại tướng thân mang trọng nhiệm, Nhạc Phi sao có thể khinh suất buông lời lùi bước?

Tranh vẽ Nhạc Phi (Lý Thiên Minh/ Epoch Times).

Kỳ hạn tám ngày, diệu kế vô song

Căn cứ đặc điểm tác chiến của Dương Yêu, Nhạc Phi đầu tiên cho làm ngược lại, thay đổi việc đánh trận thu đông theo thông lệ trước đây. Nhạc gia quân tác chiến vào kỳ xuân hạ, phá tan kế hoạch canh tác của phản quân, triệt tiêu từ gốc rễ việc cung ứng lương thảo. Tiếp đó, Nhạc Phi điều quân chặn cứng vài điểm trọng yếu, cắt đường tiếp lương, làm loạn quân tâm cường tặc.

Thứ hai, để giảm bớt thương vong, ông dùng chiến thuật kết hợp vừa tấn công vừa chiêu hàng. Dương Yêu vô đạo, ít người ủng hộ, Nhạc Phi cầm đội quân chính nghĩa, khiến nhiều đầu lĩnh cam nguyện quy phục. Như vậy đã làm tiêu hao binh lực của Dương Yêu, còn có thể dùng thủy quân giao chiến, khả năng chiến thắng ngày càng cao.

Khi tin tức chiêu hàng truyền tới thủy trại của phản quân, nhiều đầu lĩnh ở đó đã quay về chính nghĩa. Có một tướng giặc tên Hoàng Tá, lập tức nói với thuộc hạ: ‘Ta nghe nói Nhạc Nguyên soái hiệu lệnh như sơn, không thể xem thường. Nếu đối địch với ông, chúng ta sẽ không còn đường sống, chi bằng hãy nhanh chóng ra hàng. Nhạc Nguyên Soái đối nhân chân thành, nhất định sẽ thiện đãi chúng ta.’

Nói xong, Hoàng Tá lập tức dẫn quân tới Đàm Châu xin hàng.

Quả nhiên, Nhạc Phi hết sức trân trọng Hoàng Tá, hứa sẽ dâng tấu bổ nhiệm chức quan thất phẩm, đồng thời vỗ về thuộc hạ, thịnh tình khoản đãi. Trong bữa tiệc, Nhạc Phi vỗ vỗ lưng, ân cần giao phó trận đầu bình định Dương Yêu cho Hoàng Tá: ‘Ông là người hiểu sự lý, biết thuận nghịch, nếu có thể sát địch lập công thì lo gì không được phong hầu? Ta dự định phái ông đánh Động Đình Hồ, nếu có thế chế phục thì bắt giam lại, nếu có thể khuyên bảo thì chiêu hàng, ông thấy thế nào?’

Hoàng Tá là thủ lĩnh phản quân, có cơ hội lập công chuộc tội, liền cảm kích phát thệ quyết tử báo đền, xin làm quân tiên phong. Trong hai tháng đầu, Nhạc Phi hầu như không động binh, chỉ ban thưởng binh sĩ, thả tù binh, để họ tự do sinh hoạt, mượn cách này để làm tan sĩ khí của phản quân. Có một vị quan viên vùng ấy nhầm tưởng là Nhạc Phi buông lơi chức phận, chuẩn bị tấu lên triều đình. Trương Tuấn tuy không hiểu dụng ý của Nhạc Phi, nhưng kiên tín phẩm hạnh của ông, nên ngăn lại: ‘Nhạc Phi là người trung hiếu, dụng binh suy xét thâm sâu, sao có thể tùy ý nghị luận như vậy được?

Nhưng Trương Tuấn vẫn rất sốt ruột, muốn đợi sang năm lại bàn kế hoạch xuất binh. Nhưng Nhạc Phi vẫn kiên trì nói không cần đợi đến sang năm, đồng thời đảm bảo chỉ cần tám ngày phá địch. Trương Tuấn nào dám tin, vội hỏi xem diệu kế là gì. Lúc này Nhạc Phi mới bộc lộ chi tiết kế sách ‘Dĩ thủy khấu công thủy khấu’ (dùng chính thủy binh của giặc để đánh giặc).

Nhạc Phi giải thích: ‘Tác chiến dưới nước là sở trường của địch, sở đoản của ta, lấy đoản công trường, đương nhiên rất khó. Nếu dùng địch tướng dẫn địch quân đi đánh, sẽ làm ly gián lòng quân của chúng, từ đó cô lập Dương Yêu. Tới lúc đó mới phái quan quân tiến đánh, tất sẽ bắt được các thủ lĩnh địch quân trong vòng tám ngày.

Tranh chân dung Nhạc Phi, lấy từ “Lịch đại quân thần đồ giám” (bản in rập thời nhà Thanh), Hiệu sách Cáp Phật, Yên Kinh tàng. (Miền công cộng)

Diệu kế lấy địch đánh địch

Nghe xong mưu lược của Nhạc Phi, Trương Tuấn mới an tâm đốc chiến. Hoàng Tá cũng không phụ sứ mệnh, đã thuyết phục viên mãnh tướng của Dương Yêu là Dương Khâm đến hàng. Nhạc Phi tự thân bước ra ngoài doanh đón tiếp, ông không những tiến cử Dương Khâm chức quan, mở tiệc khoản đãi, mà còn đem đai vàng, chiến bào mà Cao Tông ban cho ông, chuyển tặng cho Dương Khâm. Dương Khâm cảm động trước sự chân thành hậu đãi của Nhạc Phi, chỉ tiếc đầu hàng hơi muộn, sau này ông trở thành trợ thủ đắc lực của Nhạc Phi.

Dương Khâm quay lại Động Đình, khuyên hàng được một lượng lớn đầu lĩnh của phản quân. Dương Yêu dần dần trở thành cô độc. Sau đó, Dương Khâm hiến lên hai kế sách quan trọng. Một là ‘Tiết thủy nhập giang’ (tháo bớt nước vào sông), pháp bảo của phản quân là thuyền lớn, cần nước sâu để vận hành, nên phải xây dựng đê ngăn để trữ nước, mà Dương Khâm lại là nhân vật chủ chốt trông coi đê điều.

Hai là ‘Thủy thảo trở lộ’ (Cỏ rong cản lối). Thuyền lớn di chuyển nhờ quay guồng bánh xe, chỉ cần đáy hồ mọc đầy cỏ rong, cuốn vào guồng quay là thuyền không đi được. Chiến thuyền mà bị dừng thì có khác chi trên cạn, điểm bất lợi này lại trở thành lợi thế cho Nhạc gia quân.

Trách nào khi nghe tin Dương Khâm tới đầu quân, Nhạc Phi vui mừng thốt lên: ‘Dương Khâm tới đầu hàng, nội bộ tặc khấu đã tan rã rồi!’. Kiến nghị của Dương Khâm đã điểm trúng vào yếu huyệt của Dương Yêu.

Đại chiến hôm ấy, Nhạc Phi lệnh cho tướng sĩ đẩy bè lớn chặn hết các cửa luồng lạch, lại phái quân cưỡi thuyền nhẹ tới chỗ nước nông ra sức chửi mắng khiêu chiến, cố ý chọc giận Dương Yêu. Dương Yêu quả nhiên trúng kế, khinh suất thúc quân tác chiến, do nước nông nên thuyền lớn bị rong rêu quấn chặt không đi nổi, mất hết uy lực. Nhạc gia quân phát động tấn công mãnh liệt. Dương yêu chuẩn bị phá vây, ai ngờ các kênh rạch đều bị bè lớn chặn ở đó rồi, không còn đường thoát.

Dương Yêu trông thấy một đoàn chiến thuyền cắm cờ hiệu ‘Tinh trung Nhạc Phi’ nhằm thẳng tiến đến, cuống cuồng nhảy xuống nước bơi trốn, nhưng bị quân Nhạc gia bắt sống, trói tay mang tới trước Nhạc Phi chịu tội. Trận chiến hồ Động Đình cũng đi vào hồi kết, lũ phản quân sao có thể địch được lực lượng chính nghĩa, binh bại như núi đổ, nhanh chóng tan vỡ.

Từ lúc khởi sự tới khi kết thúc chiến dịch, Nhạc Phi chỉ dùng thời gian hai tháng là bình định xong một phương thế lực cát cứ. Toàn bộ quá trình, Trương Tuấn là người kiến chứng, ông kinh ngạc thốt lời khen: ‘Nhạc Phi Thần toán dã!’ (Nhạc Phi tính toán như Thần!)

Liễu Địch - Epoch Times
Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thần tướng Nhạc Phi: Trận chiến hồ Động Đình, tám ngày diệt Dương Yêu