Thánh nữ Jeanne d'Arc của nước Pháp và Thần tích bị chế nhạo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Jeanne d'Arc (1412 – 1431) là một nữ anh hùng đã góp công giải phóng nước Pháp khỏi sự thống trị của quân Anh trong giai đoạn cuối cuộc Chiến tranh Trăm năm. Cuối cùng, cô bị kết tội là 'phù thủy' và bị thiêu sống khi mới 19 tuổi. 25 năm sau cô được tuyên bố vô tội và được phong Thánh vào năm 1920. Vào ngày cô ở trên giàn thiêu, đã xảy ra một Thần tích.

Những tòa tháp cao vút u ám, những bức tường đá xù xì, những cánh cửa gỗ cũ kỹ, những thanh sắt và đinh tán hoen gỉ, tuy bị dây leo phủ kín nhưng đã tồn tại hàng trăm năm. Không khí nơi đây khiến người ta sởn tóc gáy, bởi vì bạn có thể nghe thấy tiếng la hét thảm thiết và tiếng roi da vút xuống trong không trung. Nhưng đây chưa phải là điều đáng sợ nhất, vào ban đêm, khi xung quanh tĩnh lặng và chỉ có mình bạn, sàn nhà đá xanh lạnh lẽo rỉ ra những giọt nước đỏ, ánh trăng rơi xuống lấp ló qua khung cửa sổ sắt, có tiếng leo cầu thang kẽo kẹt, âm thanh ngày càng gần bạn, rồi bỗng im bặt.

Những phiên tòa xét xử tôn giáo ở Châu Âu thời Trung cổ đầy bí ẩn và kỳ dị, kết cục của ‘phù thủy’ luôn là bị thiêu chết, có đám đông vui vẻ và ngọn lửa tưng bừng, giống như một hội chợ thôn quê, bình thường nhưng náo nhiệt. Sau mỗi một lần kinh hãi, con người sẽ nhanh chóng quên đi, và lại mong chờ niềm vui được thiêu đốt ‘phù thủy’ lần sau.

Nhưng vào năm 1431, một phiên tòa ở Burgundy nước Pháp đã khiến cả thế giới không thể nào quên. Vì họ đã thiêu sống một nữ anh hùng, một vị cứu tinh, một thiếu nữ mới 19 tuổi – Jeanne d'Arc (Jeanne xứ Arc), sau này còn được gọi là Thánh nữ Trinh Đức.

Sự việc bắt đầu từ cái chết của Vua Charles IV nước Pháp. Vua Charles IV không có con trai ruột, vậy ai sẽ kế thừa vương quyền? Theo lệ thì người có huyết thống gần nhất là cháu trai của vua sẽ thừa kế. Nhưng vấn đề là người cháu trai này lại là Quốc vương nước Anh Edward III. Giới quý tộc Pháp đương nhiên không đồng ý, bởi nếu vậy chẳng phải nước Pháp bị nước Anh nuốt trọn sao?

Do đó, họ đã bắt tay với Giáo hội để thay đổi các quy tắc và đổi người kế vị. Họ cũng yêu cầu nước Anh trả lại vùng đất vốn thuộc về Pháp. Điều này khiến nước Anh tức giận, chẳng màng đến thân thích, hai nước bắt đầu đánh nhau, mở đầu cho cuộc chiến 100 năm giữa Anh và Pháp.

Được bề trên ban cho thanh kiếm, đưa nước Pháp thoát khỏi bóng đêm

Đến năm 1428, với sự hỗ trợ của Công tước xứ Burgundy nước Pháp, người Anh đã chiếm được một nửa lãnh thổ của Pháp. Khi Vương quốc Pháp đang trong thời điểm nguy cấp nhất, một thiếu nữ chăn cừu bình thường đã dùng thanh gươm được vị Thánh ban tặng trong giấc mơ để phá tan bóng tối, mang đến hy vọng cho nước Pháp, đó chính là Jeanne d'Arc. Sự cho phép và an bài của Thượng Đế luôn là điều mà người thường không thể hiểu nổi, tại sao một cô gái nhỏ bé như vậy lại phải gánh vác trọng trách cứu nước?

Ngay từ khi còn nhỏ, Jeanne d'Arc đã yêu thích việc cầu nguyện và xưng tội trong nhà thờ. Một lần vị linh mục nói với cô: “Hôm nay con đã đến đây mấy lần rồi, con có điều gì muốn xưng tội không?”.

Jeanne nói rằng thực ra cô không có gì phải xưng tội, cô thích đến nhà thờ là vì mỗi lần cô nghĩ đến nhà thờ thì liền trông thấy “Ngài”.

“Ngài?”, vị linh mục vội hỏi, “Ngài trông như thế nào?”.

“Quần áo Ngài màu trắng, trên đầu có một vầng hào quang màu trắng” – Jeanne đáp.

Linh mục hiểu ra, bản thân đã làm linh mục cả đời mà chưa từng thấy “Ngài”, nhưng Jeanne đã nhìn thấy.

“Ngài có nói gì với con không?”, vị linh mục muốn biết.

"Ngài đang chỉ dẫn con, và mỗi khi nhìn thấy Ngài, con cảm thấy một sự ấm áp to lớn".

Mọi người trong làng đều biết rằng cô gái trẻ Jeanne d'Arc có thể nghe và nhìn thấy sự chỉ dẫn của vị Thánh. Tới một hôm, người Anh đánh đến, họ đốt cháy ngôi làng của Jeanne và hãm hiếp chị gái của Jeanne. Jeanne vô cùng sợ hãi và ngất đi. Khi tỉnh dậy, cô có một thanh trường kiếm bên cạnh. Kể từ đó, cô khoác lên mình bộ áo giáp sắt của nam giới và bắt đầu chiến đấu. Cô mỏng manh yếu đuối, nhưng sức mạnh của sự thánh thiện đã khiến ngày càng nhiều người đi theo cô.

Năm 1429, với sự trợ giúp của Jeanne d'Arc, vua Charles VII đã tổ chức một buổi lễ đăng quang hoành tráng. Sau khi Jeanne d'Arc giành lại phần lãnh thổ của quý tộc Pháp bị người Anh chiếm đóng, nông dân thành lập các làng tự trị ở đây, vì vậy nông dân và binh lính rất yêu mến Jeanne d'Arc.

Bị kết tội là phù thủy và dị giáo

Mặc dù Jeanne d'Arc đã giúp quốc vương giành lại quyền lực hoàng gia, nhưng cô lại để người dân giành quyền tự trị và tước bỏ quyền lực độc tài của nhà vua. Vua Charles VII muốn trao cho Jeanne danh hiệu Bá tước để đổi lấy quyền bính từ cô. Nhưng Jeanne trả lời: “Tôi không cần gì khác ngoài một nước Pháp tự do!”.

Câu trả lời này khiến vua Charles VII cảm thấy rằng sức mạnh của người dân đang đe dọa đến vương quyền của ông. Vào thời điểm quan trọng khi Jeanne d'Arc chỉ huy cuộc vây hãm Paris, vua Charles VII đã triệu hồi phần lớn quân đội và bán đứng Jeanne d'Arc. Sau đó, cô bị người Anh bắt làm tù binh.

Vào ngày 21 tháng 2 năm 1431, giám mục với tư cách là thẩm phán, cùng với các nhà thần học của Đại học Paris, và tất cả các lực lượng tôn giáo và chính trị thế tục do người Anh kiểm soát, đã thành lập một tòa án để xét xử Jeanne d'Arc với tội danh dị giáo và dùng thuật phù thủy.

Người đầu tiên công kích Jeanne d'Arc là linh mục, ông đặt câu hỏi về sự chỉ dẫn mà Jeanne d'Arc đã nghe được từ vị Thánh: "Ta hỏi cô, Jeanne d'Arc, rốt cuộc có phải là các vị Thánh Michael, Thánh Margaret và Thánh Catherine muốn cô giao chiến với nước Anh không?".

Đối với Giáo hội, điểm mấu chốt là liệu lời nói kia của Thiên sứ là thật hay giả. Họ đã nhận định rằng những chỉ dụ từ Thần mà Jeanne d'Arc tuân theo là chỉ thị của ác quỷ.

Giám mục Winchester thẩm vấn Jeanne d'Arc. Tranh được vẽ bởi họa sĩ Gillot Saint-Èvre, hiện được lưu trữ ở Louvre, Paris, Pháp. (Phạm vi công cộng)

Rồi đến lượt các nhà thần học chất vấn, họ ngạo mạn, và trong đầu chất chứa đầy thứ dơ bẩn: "Thánh Margaret có nói tiếng Anh không? Cô có nghe hiểu không? Thánh Michael có tóc không? Cô ôm thân trên hay thân dưới của ông ấy?".

Họ nghĩ rằng bất kể câu trả lời là gì, những câu hỏi này sẽ làm xáo trộn niềm tin của Jeanne và khiến con người thế gian bị mê hoặc.

Các nhà thần học lại hỏi: “Thánh Catherine có khỏa thân không?”.

Jeanne d'Arc phản vấn: “Các ông có nghĩ rằng Thánh nhân không mặc quần áo không?”.

“À… cái này… tôi… tôi lại hỏi cô, cô có cho rằng bản thân nhận được ân sủng của Chúa không?”.

Jeanne d'Arc lập tức trả lời: “Nếu không có, xin Thiên Chúa thương xót con; nếu như có, xin Thiên Chúa tiếp tục chăm sóc con”. Câu trả lời này hoàn hảo đến nỗi các nhà thần học đã bị đánh bại.

Đến lượt các Tiến sĩ của Giáo hội, họ buộc tội Jeanne d'Arc rằng: "Cô không tuân theo mệnh lệnh của Giáo hội".

Jeanne đáp trả: "Không, tôi tuân theo Giáo hội, nhưng trước hết, tôi nên nghe lời Thiên Chúa".

Cuối cùng thẩm phán lên tiếng: "Jeanne, tại sao cô cứ mặc quân phục của đàn ông?".

Jeanne không trả lời, cô cúi đầu. Sau khi bị bắt làm tù binh, Jeanne d'Arc lẽ ra đã bị người Anh cưỡng hiếp nếu không vì chiếc áo giáp thời Trung cổ này rất khó cởi ra.

Theo quan niệm truyền thống của Giáo hội Công giáo, người phàm nhất định phải thông qua Giáo hội thì mới có thể giao tiếp với Chúa. Nhưng Jeanne d'Arc đã trực tiếp nghe thấy giọng nói của Thần, Thánh và còn ‘dám nói’ rằng cô đã giao tiếp với Thiên sứ. Giáo hội đã quy cho cô là vi phạm luật tôn giáo và phạm phải tội lớn. Còn những giọng nói giao tiếp với cô đều được nhận định là lời của ma quỷ. Về việc cô mặc quần áo nam, họ không phân biệt đúng sai mà dứt khoát phán cô tội vi phạm luật thiêng liêng mà Chúa đã định lập cho nam giới và nữ giới.

‘Lạy Chúa, chúng ta đã thiêu sống một vị Thánh nữ’

Vào sáng sớm ngày 30 tháng 5 năm 1431, tại quảng trường cũ ở Rouen, một giàn hỏa thiêu được dựng lên và chất đầy củi. Jeanne d'Arc, người đang rất yếu ớt vì bị thẩm vấn và tra tấn, đã bị trói vào giàn hỏa thiêu, và ngọn lửa đột nhiên bốc lên. Trong ngọn lửa rực cháy, Jeanne gọi tên của Chúa, các vị Thiên sứ và Thánh nữ.

"Những gì tôi nghe thấy là ý chỉ của Chúa! Giọng nói mà tôi nghe thấy sẽ không bao giờ phản bội và lừa dối tôi!".

Jeanne d'Arc bị trói vào cọc, cầu nguyện với cây thánh giá trên tay. Tranh được vẽ bởi họa sĩ tân cổ điển người Pháp Jules-Eugène Lenepveu. (Phạm vi công cộng)

Trong nỗi đau không thể tưởng tượng được, Jeanne d'Arc đã kết thúc cuộc đời 19 năm ngắn ngủi của mình. Ngọn lửa kéo dài suốt 4 giờ đã tàn nhẫn nuốt chửng thi thể của cô.

Trong những lần hỏa thiêu ‘phù thủy’ trước đây, người ta luôn nghe thấy tiếng gào thét thê thảm của họ, nhưng lần này thì không. Tiếng gọi Chúa dịu dàng và kiên định của Jeanne d'Arc khiến ai nấy đều có cảm giác mất mát.

Cuối cùng, điều thần kỳ nhất đã xảy ra, tất cả những người chứng kiến màn hỏa thiêu đều vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra trái tim của Jeanne không hề bị thiêu rụi giữa đống than đen.

Một người lính Anh kêu lên: “Lạy Chúa, chúng ta đã thiêu sống một vị Thánh nữ”.

Người Anh ra lệnh: “Ném, ném, mau ném trái tim xuống sông Seine”. Còn tên đao phủ phụ trách đốt lửa biết rằng mình đã phạm trọng tội, từ đó y bỏ trốn vào một tu viện.

25 năm sau cái chết của Jeanne, Giáo hoàng Callixtus III tuyên bố: Jeanne d'Arc đã chết vì bảo vệ tôn giáo, đất nước và quốc vương của cô, cô là một người tử vì đạo. Nước Pháp đã mở lại phiên tòa để rửa vết nhơ cho Jeanne d'Arc, họ nói rằng phải khôi phục danh tiếng cho cô.

Từ giới quý tộc cho đến dân thường ở Paris, tất cả đều tập trung về hòn đảo Île de la Cité trên sông Seine thuộc trung tâm thành phố Paris. Nhà thờ Đức Bà trên đảo vô cùng đông đúc, mẹ của Jeanne d'Arc rơi nước mắt và kể về cách bà nuôi nấng, dạy dỗ con gái mình kính sợ Chúa, kính yêu Chúa và vâng theo ý Chúa như thế nào.

Tiếng khóc của người mẹ không chỉ vang vọng khắp Nhà thờ Đức Bà Paris, mà còn đánh thức lòng kính ngưỡng Chúa và niềm tin vào những Thần tích trong lòng người dân nước Pháp. Chính lòng thành kính đó là nền tảng để nước Pháp đạt tới đỉnh cao của văn hóa và nghệ thuật nhân loại, đạt được những thành tựu dân tộc đáng tự hào trong 500 năm.

Người thiện lương thường bị hiểu nhầm, và những Thần tích ở nhân gian thường bị cười nhạo. Thánh nữ Jeanne d'Arc xứng đáng nhận được sự kính trọng, ngay cả trong ngày nay. Trước những Thần tích xuất hiện ở thế gian trong thời đại này, chúng ta hãy thử mở rộng tâm trí và đón nhận, biết đâu những điều chúng ta cho rằng “không thể nào” lại đang tồn tại ngay đây.

Giang Phong - Epoch Times
Nam Phương biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thánh nữ Jeanne d'Arc của nước Pháp và Thần tích bị chế nhạo