Thế kỷ của Vua Mặt Trời (5): Sứ giả của Vua Mặt Trời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ triều đại Khang Hy đến triều đại Càn Long, những sứ giả của Chúa đã đạt được nhiều thành tựu phong phú. Thế nhưng dấu ấn nổi bật nhất của các giáo sĩ Kitô giáo ở Trung Hoa không phải là khoa học, cũng không phải là nghệ thuật, mà chính là Kitô giáo.

Đến đất nước cổ xưa ở phương đông

Người Trung Quốc đầu tiên đến cung điện Versailles là Thẩm Phúc Tông, đã miêu tả nền văn minh của một đất nước cổ xưa khiến vua Louis XIV vô cùng say mê. Đồng thời, giáo sĩ Dòng Tên người Bỉ, Père Gerbillon đã truyền đạt lại lời thỉnh cầu của Matteo Ricci đến vua Louis XIV rằng: Xin hãy nhanh chóng gửi sứ giả đến đế quốc Trung Hoa. Dù từ góc độ thương mại, khoa học hay truyền giáo, Vua Mặt Trời Louis XIV đều hiểu rằng, nước Pháp cần theo kịp Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, phải tham gia khám phá lục địa châu Mỹ, cũng như kết nối với với vùng đất phương Đông cổ xưa. Nói cách khác, việc gửi sứ giả đến Trung Quốc là một điều tất yếu và hiển nhiên đối với nước Pháp thời bấy giờ.

Không lâu sau đó, cung điện Versailles đã chọn ra được sáu giáo sĩ Dòng Tên thông thái. Những giáo sĩ này được Vua Mặt Trời gọi là "nhà toán học của nhà vua". Họ được giao một nhiệm vụ rất đặc biệt. Vào năm 1685, sáu giáo sĩ mang theo những thiết bị quan sát nặng, và ba mươi thùng dụng cụ, lên tàu L'Oiseau, rời cảng Brest, hướng về phương Đông xa xôi.

公元17世纪在日本长崎海域航行的葡萄牙克拉克帆船。(公共领域)
Vào thế kỷ 17, tàu buồm kiểu Carrack của Bồ Đào Nha đã hoạt động trong vùng biển ngoài khơi Nagasaki của Nhật Bản (Ảnh thuộc miền công cộng)

Sau hành trình dài ba năm với nhiều nguy hiểm trên biển lẫn trên đất liền, sáu giáo sĩ Dòng Tên đã đặt chân đến Ninh Ba. Khi đó, một trong sáu giáo sĩ đã được vua Xiêm La (nay là Thái Lan) giữ lại, chỉ còn lại năm người là Joachim Bouvet, Père Gerbillon, Jean de Fontaney, Claude de Visdelou và Louis le Comte. Sau khi vượt qua sự tra hỏi của quan tuần phủ Triết Giang, nhóm các giáo sĩ tiếp tục đi từ phía nam lên phía bắc, xuyên qua đất nước phương Đông vô cùng rộng lớn này, cuối cùng đến được kinh đô nhà Thanh vào năm 1688.

Nếu so với những thiệt hại khi đi bằng đường biển, thì hành trình trên đất liền của các giáo sĩ vẫn thuận lợi hơn rất nhiều. Theo ước tính của Père Gerbillon, khoảng 600 nhà truyền giáo đã vượt biển đến Trung Quốc vào thời điểm đó nhưng chỉ có khoảng 100 người thành công. Phần lớn các giáo sĩ còn lại mất trên biển hoặc qua đời vì bệnh tật.

Vượt qua những nguy hiểm và khó khăn trên biển lẫn trên đất liền, cùng một hành trình dài trên lãnh thổ Trung Quốc, những sứ giả của Vua Mặt Trời cuối cuối cùng cũng đặt chân đến kinh thành của đế quốc Đại Thanh - đế quốc lớn nhất vùng Đông Á thời bấy giờ. Những món quà của Vua Mặt Trời cũng đến được Trung Quốc - đất nước ở phía bên kia Trái Đất.

Từ đó, cuộc gặp gỡ lịch sử có một không hai của hai vị hoàng đế phương Đông và phương Tây đã bắt đầu. Đây cũng là cuộc gặp gỡ giữa hai nền văn minh lớn trong lịch sử nhân loại.

Triều đình của hoàng đế Trung Hoa

康熙 (公有领域)
Khang Hy (Ảnh thuộc miền công cộng)

Khi Joachim Bouvet, Père Gerbillon và những người khác bước vào Tử Cấm Thành rộng lớn, đi qua những bậc thềm bằng đá, thì Hoàng đế Khang Hy anh tuấn, uy vũ và tràn đầy tự tin xuất hiện trước mặt họ. Năm đó, Hoàng đế Khang Hy đã hơn ba mươi tuổi. Hoàng đế mặc một chiếc áo choàng bằng lụa lớn thêu hình rồng, với ánh mắt ấm áp và rất có thần. Rất nhanh sau đó, những giáo sĩ Dòng Tên của nước Pháp nhận ra rằng ở trước mặt họ là một vị Hoàng đế dồi dào, sung mãn về cả thể chất và tinh thần, một vị Hoàng đế ham học hỏi, đầy tài hoa và tự tin hơn so bất kỳ vị Hoàng đế nào trong lịch sử.

Trên nhiều khía cạnh, Hoàng đế Khang Hy và Vua Mặt Trời dường như là hình ảnh phản chiếu của nhau. Hoàng đế Khang Hy lên ngôi lúc 8 tuổi, tự mình chấp chính lúc 14 tuổi và trị vị đế quốc Đại Thanh trong 61 năm. Trong huyết quản của vị Hoàng đế này là dòng máu của người Nữ Chân, người Mông Cổ và cả người Hán. Hoàng đế Khang Hy là một trong những người có tài cưỡi ngựa bắn cung hàng đầu. Trong suốt đời, vị Hoàng đế này đã săn bắn vô số thú dữ, có thể cưỡi ngựa đường dài, đi suốt mấy ngày, thay vài con ngựa nhưng vẫn không cảm thấy mệt mỏi. Ông thường làm việc quá giờ, thi hành nền chính trị nhân từ, yêu thương người dân, mở ra thời kỳ đỉnh cao - Khang Càn thịnh thế của triều đại nhà Thanh.

Hoàng đế Khang Hy thông thạo cả chữ Hán và chữ Mãn Thanh. Khi còn trẻ, ông thường đọc sách trong thư phòng đến khuya, hoàn toàn không giống như một vị hoàng đế, mà giống như một thư sinh đang chuẩn bị vào kinh ứng thí. Giống như vua Louis XIV khi còn trẻ, tâm hồn của Hoàng đế Khang Hy cũng rất phong phú và tinh tế. Ông đã sáng tác rất nhiều bài thơ thể hiện tình cảm chân thành, thậm chí ông còn viết một số bài thơ ca ngợi Chúa Jesus sau khi gặp các giáo sĩ Dòng Tên. Những bài thơ này hoàn toàn không mang giọng điệu của một vị Hoàng đế. Triều đình của Hoàng đế Khang Hy còn biên soạn những bộ sách như "Cổ kim đồ thư tập thành", "Toàn đường thi",... cũng như dùng rất nhiều công sức để Hán hóa triều đình Mãn Thanh.

Ngoài ra, Hoàng đế Khang Hy cũng đam mê nghệ thuật và hí kịch không kém vua Louis XIV. Trong chuyến đi tuần đến phía nam, khi đến Tô Châu, đêm nào Hoàng đế Khang Hy cũng thưởng thức Côn khúc (Tuồng Côn Sơn: Là một thể loại hí kịch của tỉnh Giang Tô). Khi đến Trấn Giang, Hoàng đế gọi chín giáo sĩ Dòng Tên của nước Pháp do Joachim Bouvet, đưa họ lên thuyền rồng, diễn tấu các nhạc cụ bàn phím, đàn violin, và sáo. Trong cung cũng thường có các buổi diễn Kinh kịch, mỗi buổi diễn có khi kéo dài đến mấy ngày.

Hoàng đế Khang Hy tiếp đón đoàn sứ giả của Vua Mặt Trời rất nhiệt tình chu đáo. Ông cho phép Louis le Comte, Jean de Fontaney và Claude de Visdelou đến Thượng Hải và Thiểm Tây để thực hiện tâm nguyện truyền bá Kitô giáo cho nhân dân ở những vùng đất này. Joachim Bouvet và Père Gerbillon được giữ lại ở kinh thành để học tiếng Mãn Thanh và dạy cho Khang Hy những kiến thức phương Tây như toán học, hình học, thiên văn, vật lý, nhạc lý và nhiều môn học khác.

Vì vậy, Joachim Bouvet và Père Gerbillon đã cố gắng học tiếng Mãn Thanh và để râu dài để giống người Tác-ta. Vào buổi sáng sớm mỗi ngày, họ sẽ cưỡi ngựa từ một đến hai tiếng đồng hồ để đến điện Dưỡng Tâm. Đây là nơi hai giáo sĩ này sẽ dạy cho Hoàng đế Khang Hy về hình học, âm nhạc, vật lý và cả văn hóa châu Âu. Với những món quà của cung điện Versailles do nhóm giáo sĩ mang đến: kính thiên văn được đặt trong ngự hoa viên còn cây thước compa bằng đồng đặt trong phòng ngủ của Hoàng đế Khang Hy. Joachim Bouvet viết thư cho vua Louis XIV, nói rằng Hoàng đế Khang Hy "thích nhất là kính viễn vọng hai ống dùng để quan sát thiên thể. Những thiết bị có độ chính xác cao như đồng hồ treo tường, li vô, được Hoàng đế đặt trong phòng riêng. Hoàng đế còn yêu thích thước thẳng và com-pa đến nỗi không nỡ rời tay".

康熙帝南巡图卷,治黄河。(公共领域)
Cuộn "Khang Hy đế nam tuần đồ", trị thủy sông Hoàng Hà (Ảnh thuộc miền công cộng)

Khi Hoàng đế ra ngoài, người hầu sẽ khiêng những thiết bị này theo. Trong những đêm bầu trời quang đãng, Hoàng đế Khang Hy sẽ dùng kính viễn vọng hai ống để nhìn lên bầu trời sao của phương Đông. Khi đến bờ sông Hoàng Hà, ông lại dùng li vô để đo mực nước sông.

Sự yêu thích khoa học cổ điển của Hoàng đế Khang Hy đã vượt xa kiểu đam mê nghiệp dư. Trong chuyến đi tuần phương nam, ông không những phát hiện hiện tượng nước sông Hoàng Hà chảy ngược mà còn tổ chức những buổi giảng khoa học tự nhiên, dạy cho quan lại và các đại học sĩ những kiến thức về thiên văn học, lịch sử, toán học, và âm nhạc. Sau đó ông còn cử người đến Khâm Thiên Giám để học tập.

Khang Hy không chỉ tự mình dạy kiến thức khoa học phương Tây cho các hoàng tử mà còn cho các giáo sĩ Dòng Tên tham gia giảng dạy. Ông giao cho các giáo sĩ dịch cuốn "Các nguyên lý hình học" của Euclid và một số sách y học sang tiếng Mãn Thanh. Theo đề nghị của Joachim Bouvet và các giáo sĩ khác, Khang Hy đã thành lập "Mông dưỡng trai toán học quán" có vai trò giống như Viện khoa học Hoàng gia nhằm bồi dưỡng những nhân tài khoa học. Ông còn giao cho Tam hoàng tử Dận Chỉ biên soạn một bộ sách lớn về thiên văn và địa lý.

Sự hứng thú của Hoàng đế Khang Hy đối với kiến thức phương Tây kéo dài cho đến những năm cuối đời. Dưới đây là một bức thư do giáo sĩ Karel Slavíček viết vào năm 1717:

"Sau khi chúng tôi thực hiện nghi lễ ba lần quỳ, chín lần dập đầu, Hoàng đế ra lệnh cho chúng tôi đến gần bệ đặt ngai vàng. Chúng tôi đến trước bệ rồi quỳ xuống, Hoàng đế lại gọi chúng tôi bước lên bệ, quỳ trước chiếc bàn nhỏ ở trước ngai vàng. Chúng tôi có thể đặt tay trên bàn, dùng đầu ngón tay để chỉ hoặc viết chữ. Đầu tiên, chúng tôi thảo luận những vấn đề về toán học và hình học. Sau đó, hoàng đế hát một dãy nốt c-d-e-f và bảo tôi hát theo. Hoàng đế ấn vào những phím đàn và hỏi về vấn đề âm điệu. Cuối cùng, Hoàng đế tỏ vẻ vui mừng và rất ưu ái tôi, nói rằng sự xuất hiện của tôi làm Hoàng đế rất vui, từ lâu Hoàng đế đã muốn có một nhạc sĩ giỏi, vừa là một nhà toán học giỏi" (Bức thư giáo sĩ Tiệp Khắc Karel Slavíček gửi cho người bạn Julius Zwicker vào năm 1717).

Lần đầu tiên người Trung Quốc nhìn thấy mô hình Trái Đất

Các giáo sĩ Dòng Tên ở Trung Quốc

Những giáo sĩ Dòng Tên của châu Âu đã viết rất nhiều bức thư. Trong đó, họ mô tả một cách chi tiết những gì họ tận mắt nhìn thấy ở đất nước Trung Hoa huyền bí. Ngày nay, những bức thư này chính là nguồn tư liệu quý báu giúp chúng ta hiểu được sự giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây ở thời kỳ này. Trong thư, những giáo sĩ Dòng Tên ghi lại rất nhiều những câu chuyện thú vị, cũng có khi là những câu chuyện cười để mô tả bức tranh chân thực về đế quốc Trung Hoa thời bấy giờ.

undefined
Các nhà truyền giáo Dòng Tên ở Trung Quốc mặc trang phục Trung Quốc. (Miền công cộng)

"Họ thường hỏi chúng tôi rằng có thành phố, có làng mạc, nhà cửa ở châu Âu hay không. Một ngày nọ, tôi tận mắt nhìn thấy dáng vẻ cực kỳ kinh ngạc và khó hiểu của họ khi nhìn thấy mô hình Trái Đất. Thậm chí có chín đến mười học giả yêu cầu tôi cho họ xem mô hình Trái Đất. Trên mô hình này, họ mất cả buổi để tìm thấy Trung Quốc. Cuối cùng họ cho rằng một nửa hành tinh bao gồm cả châu Âu, châu Phi và châu Á chính là đất nước của họ, thậm chí họ còn nghĩ rằng nếu gộp tất cả các phần khác trên thế giới lại vào châu Mỹ thì lãnh thổ Trung Hoa vẫn lớn hơn.

"Tôi cố ý không sửa cho họ, đến khi một người trong đó muốn tôi giải thích những chữ viết và tên địa danh trên bản đồ. Tôi mới nói với người đó rằng: 'Phần các ông đang nhìn thấy là châu Âu, châu Phi và châu Á. Ở châu Á, đây là Ba Tư, đây là Ấn Độ, đây là vùng Tác-ta'

"'Họ hỏi: 'Vậy Trung Quốc ở đâu?'. Tôi trả lời: 'Ngay trên lục địa này, đây là đường biên giới.' Tôi không thể diễn đạt được sự ngạc nhiên của họ lúc đó. Họ nhìn nhau, nói ra mấy từ tiếng Trung: 'Thật nhỏ quá" (Thư của giáo sĩ Dòng Tên Francisco Varo gửi cho giáo sĩ Francisco de Pina)

1690-1705 耶稣会士天文学家和康熙大帝织锦画。(波维丝出产/公共领域)
Tranh thêu các nhà thiên văn học Dòng Tên và Hoàng đế Khang Hy (Beauvais, 1690-1705, ảnh thuộc miền công cộng)

Năm 1708, Hoàng đế Khang Hy ban hành một sắc lệnh: "Lệnh cho các giáo sĩ truyền giáo phương tây đến khắp các bộ tộc Nội Mông, các tỉnh của Trung Quốc, quan sát sông nước thành lũy, sử dụng phương pháp đo lường của phương Tây để vẽ bản đồ. Lệnh cho các quan cử người đi theo hỗ trợ... và thông báo cho binh lính doanh trại các nơi, quan chức các nơi cung cấp tất cả những những thứ cần thiết".

Dưới sự lãnh đạo của các tu sĩ Dòng Tên người Pháp Jean-Baptiste Régis và Joachim Bouvet, hơn chục nhà truyền giáo cùng các học giả người Hán, người Mãn đã đi đến nhiều tỉnh khác nhau trên khắp đất nước Trung Quốc để khảo sát. Họ sử dụng các phương pháp khảo sát thiên văn và phép đạc tam giác tiên tiến và thời gian 10 năm để vẽ bản thăm dò thực địa đầu tiên và tấm bản đồ Trung Quốc có các đường kinh tuyến và vĩ tuyến - "Hoàng dữ toàn lãm đồ". Bản đồ này đánh dấu thời điểm người Trung Quốc nhìn thế giới bằng một con mắt hoàn toàn khác.

Bản sonate ở Sướng Xuân Viên

Để truyền giáo đến khắp nơi trên thế giới, các giáo sĩ Dòng Tên đã được đào rất nghiêm khắc trên nhiều lĩnh vực. Những giáo sĩ đến triều đình Khang Hy không chỉ biết về thiên văn, vật lý mà còn có nhiều người là nhạc sĩ, họa sĩ và kiến trúc sư hàng đầu. Trong Sướng Xuân Viên của hoàng đế Khang Hy có rất nhiều nhạc cụ như đàn piano, violon, đàn harp và nhiều loại nhạc cụ phương Tây do các nước châu Âu gửi tặng.

Hoàng đế Khang Hy rất hứng thú với những nhạc cụ này. Ông lệnh cho những giáo sĩ Dòng Tên dạy ông cách chơi nhạc cụ. Rất nhanh sau đó, tin tức này đã truyền đến tận cung điện Versailles của vua Louis XIV. Vua Mặt Trời biết rằng Hoàng đế Trung Quốc không chỉ biết chơi nhạc cụ Trung Quốc truyền thống, mà còn chơi được cả nhạc cụ phương Tây một cách thành thục. Cũng giống với sự nghiêm túc và chuyên nghiệp trong lĩnh vực khoa học, đối với những ca khúc mình yêu thích, Hoàng đế Khang Hy cũng có những chỗ sáng tạo rất độc đáo.

Bởi vì vô cùng yêu thích âm nhạc, Khang Hy đã bổ nhiệm Thomas Pereira làm nhạc sư đứng đầu trong cung, thường xuyên biểu diễn organ và piano cổ điển cho hoàng đế. Ngoài ra, còn có một giáo sĩ người Pháp tên là Dominique Parrenin biểu diễn sáo ngang, kèn clarinet và kèn hải quân (bugle). Thomas Pereira, Dominique Parrenin và những giáo sĩ khác đã dạy các ca khúc phương Tây, nhạc lý và cách chơi nhạc cụ phương Tây cho các con hoàng tử và phi tần trong cung, khiến âm nhạc phương Tây trở thành một phần trong cuộc sống cung đình Trung Hoa.

Những tu sĩ Dòng Tên này còn tự chế tạo nhạc cụ. Nhà truyền giáo người Ý Teodorico Pedrini đã tạo ra chiếc đàn đại phong cầm (pipe organ). Nhà truyền giáo người Pháp Louis Pernon chế tạo đàn harpsichord và trống timpani cho Hoàng đế Khang Hy. Nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha Thomas Pereira đã chế tạo một chiếc đàn organ khổng lồ đặt trong nhà thờ Tuyên Vũ Môn, gây chấn động cho cả triều đình và dân chúng Đại Thanh. Chiếc đàn organ khổng lồ phát ra âm thanh như một cơn gió lớn, dường như làm rung chuyển cả nhà thờ.

Trên gác chuông của nhà thờ, Thomas Pereira còn chế tạo một chiếc chuông báo giờ. Trên chiếc chuông này có một chiếc chiêng đồng liên kết với chuông nhờ bánh răng có thể phát ra những bản nhạc Trung Quốc. Chiếc chuông này đã gây chấn động cho toàn thành Bắc Kinh. Hàng trăm ngàn người dân cùng với các quan và học giả đổ đến đây để tham quan. Khi ấy, một số giáo sĩ cho rằng cây đàn organ khổng lồ kết hợp với chiếc chuông báo giờ này có thể khiến người dân Trung Quốc tin vào Chúa.

Ferdinand Verbiest đã mô tả cảnh tượng này một cách sống động: "Tôi không thể dùng từ ngữ để diễn tả thiết kế tinh xảo trên đã khiến những người đến xem thích thú như thế nào. Ngay cả trên các con phố cách xa quảng trường trước nhà thờ của chúng tôi cũng đã có dòng người chen chúc, không có trật tự, chứ đừng nói đến trong nhà thờ và quảng trường trước nhà thờ. Đặc biệt là vào các dịp lễ hội, mỗi giờ đều có những lượt người tham quan đổ về như một dòng thác không ngừng. Tuy rằng trong đó đa số đều là người không theo đạo, nhưng họ vẫn cúi đầu trước tượng Chúa để tỏ lòng thành kính".

Để biểu diễn cho Hoàng đế Khang Hy, các giáo sĩ Dòng Tên giỏi âm nhạc đã thành lập một ban nhạc. Những buổi nhạc hội nhỏ thường được tổ chức ở vườn Sướng Xuân Viên vào buổi tối. Khu vườn này thường vang lên tiếng đàn dương cầm cùng những bản sonate do Teodorico Pedrini biên soạn, hay những bản nhạc thính phòng du dương. Trong những bức thư gửi về châu Âu, các giáo sĩ đã miêu tả lại quá trình biểu diễn các bản nhạc Baroque cổ điển bằng đàn harpsichord, tiêu, đàn cello, đàn violin và kèn fagotto cho Hoàng đế Khang Hy. Thỉnh thoảng, Hoàng đế Khang Hy cũng ngồi vào chỗ đàn piano, nhẹ nhàng chơi một bản nhạc.

Hoàng đế Khang Hy không chỉ học cách chơi nhạc cụ và nhạc lý, mà còn ra lệnh cho những giáo sĩ Dòng Tên dạy nhạc lý cho các hoàng tử. Năm 1714, dưới sự chủ trì Khang Hy, Thomas Pereira, Teodorico Pedrini và những nhà truyền giáo khác đã hoàn thành cuốn "Luật lữ chính nghĩa", trong đó bao gồm nhạc lý truyền thống của Trung Quốc và khuông nhạc, nhạc lý của phương Tây.

Khu vườn trong mộng của phương Đông: Viên Minh Viên

諧奇趣
Hài Kỳ Thú (Nguồn: newton.com)

Năm 1715, trong triều đình của Khang Hy có một họa sĩ Dòng Tên xuất sắc, tên là Giuseppe Castiglione (tên chữ Hán là Lang Thế Ninh). Họa sĩ này theo phong cách văn nghệ phục hưng của Ý. Dưới bàn tay của ông, những bức tranh truyền thống Trung Hoa như tranh vẽ hoa, chim và tranh vẽ ngựa đạt được mức độ thấu thị chính xác và màu sắc phong phú. Vị họa sĩ trẻ đã học phương pháp thấu thị của phương Tây và nhìn thế giới phương Đông bằng một cặp mắt khác.

Vào thời Càn Long, Giuseppe Castiglione đã phát huy tài năng tài hoa của mình đến tận cùng. Giuseppe Castiglione không chỉ để lại cho hoàng thất nhà Thanh một bộ tranh lịch sử lộng lẫy và nhiều bức tranh chân dung, như "Càn Long đại duyệt đồ", bức vẽ chân dung Hương Phi, một phi tần của Hoàng đế Càn Long, mà còn để lại "Bách tuấn đồ" và những bức vẽ hoa chim vừa có độ nét, vừa giống như trong suốt, kết hợp phong cách nghệ thuật của cả đông lẫn tây phương.

"Càn Long đại duyệt đồ" (Tác giả: Giuseppe Castiglione)

Tài năng của Giuseppe Castiglione không chỉ giới hạn ở việc vẽ tranh. Ông cùng với giáo sĩ người Pháp Michel Benoist và Jean Denis Attiret đã tham gia xây dựng quần thể Tây Dương Lâu ở phía bắc Trường Xuân Viên, Viên Minh Viên. Đây là một nhóm các cung điện được xây dựng theo phong cách Baroque, phải mất 12 năm để hoàn thành. Có lẽ nhờ sự say mê phương Đông của những giáo sĩ này, quần thể kiến trúc này giống như một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, đẹp không tả xiết. Công trình Đại Thủy Pháp của Michel Benoist có thể so sánh với đài phun nước trong vườn của cung điện Versailles đẹp nhất châu Âu thời bấy giờ. Hai cầu thang hình tròn bao quanh Yên Hải Đường với hai cánh hình vòng cung, cung điện Hài Kỳ Thú với đỉnh lợp ngói lưu ly màu tím gợi lên nhiều liên tưởng, trông giống như một cung điện từ trên trời giáng xuống.

Hài Kỳ Thú là một phòng hòa nhạc, nơi trình diễn những bản nhạc của dân tộc Mãn, các dân tộc thiểu số và cả âm nhạc phương Tây. Giống với ông nội (Hoàng đế Khang Hy), Hoàng đế Càn Long cũng rất yêu thích âm nhạc. Càn Long đã thành lập một dàn nhạc giao hưởng phương Tây nhỏ, ra lệnh cho các nhạc sư cung đình học cách chơi nhạc cụ phương Tây, và tổ chức những buổi diễn không định kỳ. Dàn nhạc bao gồm đàn cello, đàn viola, đàn violin, kèn clarinet, nhạc cụ dây (guitar, mandolin), đàn piano fortepiano và nhiều nhạc cụ khác.

Trong khu vườn đầy thơ mộng kết hợp cả đông và tây phương này thường truyền tiếng nhạc phương Tây hòa điệu lẫn nhau, giống như tiếng nhạc từ trời cao. Trong thanh âm dịu dàng này, Đại Thủy pháp ở trước cung Hài Kỳ Thú không ngừng phun nước khiến nhiều người say mê. Khi không có ai xung quanh, những cung nữ đi giày “hoa bồn” (giày Mãn Châu) có thể cúi người, đưa tay ra đón lấy dòng nước mát lạnh phun ra từ những bức tượng dê đồng, chim đồng và thoa lên mặt. Với những ai đã quen nghe tiếng đàn nhị, kèn bầu, loại âm nhạc phương Tây này có thể sẽ có chút xa lạ.

Đến khuya, cả ngàn ngọn đèn của Viên Minh Viên sẽ được tắt đi, đài phun cũng yên tĩnh trở lại. Chỉ có đồng hồ báo giờ châu Âu vẫn đúng giờ mở ra chiếc cửa nhỏ. Từ trong đó xuất hiện một tượng người nhỏ đang xoay vòng đồng, đồng thời phát ra tiếng gõ của kim loại, đánh tan sự tĩnh lặng của khu vườn.

Giáo đồ Kitô giáo ở đất nước cổ xưa

《通过耶稣会规章壁画》(公共领域)
"Bức tranh thông qua điều lệ của Dòng Tên" (Ảnh thuộc miền công cộng)

Từ triều đại Khang Hy đến triều đại Càn Long, những sứ giả của Chúa đã đạt được nhiều thành tựu phong phú. Thế nhưng dấu ấn nổi bật nhất của các giáo sĩ Kitô giáo ở Trung Hoa không phải là khoa học, cũng không phải là nghệ thuật, mà chính là Kitô giáo.

Năm 1692, Hoàng đế Khang Hy ban hành lệnh ân xá cho Kitô giáo, cho phép người dân theo đạo Kitô. Với sự ủng hộ của Khang Hy, nhà thờ Kitô giáo được xây dựng khắp nơi và các giáo sĩ Kitô giáo cũng đến khắp các tỉnh để truyền đạo. Dần dần, ở quốc gia cổ xưa này, người dân đã tin theo tôn giáo của người phương Tây, tin vào Chúa Jesus có đôi mắt xanh lam và râu tóc vàng, cũng như đọc Kinh Thánh đã dịch thành tiếng Hán. Trong Hoàng thất nhà Thanh cũng có một số thân vương trở thành giáo đồ Kitô giáo sùng đạo. Đến những năm giữa triều đại Khang Hy, ở kinh đô nhà Thanh đã có khoảng 30.000 tín đồ Kitô giáo.

Từ ngày rời cảng Napoli, những giáo sĩ Dòng Tên ngoan đạo đã bắt đầu giai đoạn kỳ diệu nhất trong cuộc đời của mình. Trên lục địa cổ kính và bí ẩn này, kết quả này đã vượt xa mong đợi ban đầu của các giáo sĩ. Chỉ với những thành tựu được kể đến ở đây cũng đủ đã khiến cho chúng ta hết sức kinh ngạc. Thế nhưng lịch sử sáng tạo của con người vẫn còn rất nhiều điều ngạc nhiên nữa. Sau này, chúng ta sẽ thấy rằng thành tựu của những vị sứ giả do Vua Mặt Trời gửi đến không chỉ có như vậy. Những thành tựu của họ là một công trình vô cùng ảo diệu.

Hạ Đảo - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thế kỷ của Vua Mặt Trời (5): Sứ giả của Vua Mặt Trời