Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (13): Xưng đế hiệu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phần trước kể về việc Tần Thủy Hoàng bắc đuổi Hung Nô, nam chinh Bách Việt, thu giang sơn về một mối, giúp thiên hạ yên định. Vậy sau khi đã bình định sáu nước và thống nhất thiên hạ, việc đầu tiên ông làm là gì? Chính là xưng đế hiệu.

Xưng hiệu “hoàng đế”

Trước khi Tần thống nhất thiên hạ, quân chủ các nước chư hầu thời Chiến quốc đều xưng “vương”, quân vương của nhà Chu đứng trên các nước chư hầu, tự nhận là “Thiên tử”. Trước vương triều nhà Chu, các bậc quân chủ dù xưng hoàng, đế, vương hay Thiên tử, thì đều không gọi là “hoàng đế”. Vậy thì, cách gọi “hoàng đế” bắt đầu từ khi nào? Lại nói, Tần Thủy Hoàng những năm đầu chấp chính gọi là Tần Vương, sau mới gọi là Tần Thủy Hoàng, vậy hai chữ “Thủy Hoàng” có ý nghĩa gì? “Thủy” nghĩa là khởi đầu, khai thủy, đầu tiên, “Tần Thủy Hoàng” là chỉ bậc quân vương đầu tiên trong lịch sử xưng là hoàng đế.

Theo “Sử Ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ”, sau khi thống nhất thiên hạ, Tần Vương liền cho gọi thừa tướng, ngự sử và thái úy đến rồi nói: “Quả nhân lấy tấm thân cỏn con dấy binh dẹp bạo loạn, cậy vào uy linh của tông miếu, cho nên vua sáu nước phải chịu tội, thiên hạ yên định. Nay nếu không đổi tên gọi thì không lấy gì để nêu công lao truyền cho đời sau. Hãy bàn cách đặt hiệu đế”.(*)

Thừa tướng Vương Oản, Ngự sử đại phu Phùng Kiếp và Đình úy Lý Tư cùng nói:

“Ngày xưa đất của Ngũ đế vuông một ngàn dặm, ở ngoài là chư hầu theo phục, chư hầu có chầu hoặc không, thiên tử không giữ được. Nay bệ hạ dấy quân nghĩa dẹp giặc ác, dẹp bằng thiên hạ, trong nước thành quận huyện, pháp lệnh từ một mối, từ thời xa xưa đến nay chưa từng có, Ngũ đế cũng chẳng hơn được. Bọn thần cẩn thận bàn với quan Bác sĩ rằng: Thời xưa có ‘thiên hoàng’, có ‘địa hoàng’, có ‘thái hoàng’, ‘thái hoàng’ là cao nhất. Bọn thần liều chết dâng hiệu quý gọi vua là ‘thái hoàng’, gọi mệnh là ‘chế’, gọi lệnh là ‘chiếu’, thiên tử tự xưng là ‘trẫm’”.

Tần Vương suy nghĩ rồi nói: “Bỏ chữ ‘thái’, chọn chữ ‘hoàng’, lấy hiệu vị ‘đế’ thời xa xưa, gọi là ‘hoàng đế’. Còn lại như lời bàn”.

Trong các triều đại trước đó, sau khi tiên đế băng hà, các đại thần và tân vương thường căn cứ theo tình huống lúc sinh thời của tiên đế mà tiến hành bình luận và đặt thụy hiệu. Tần Thủy Hoàng cho rằng làm như vậy là không thỏa đáng, ông nói: “Trẫm nghe nói thời xưa lắm có tên hiệu mà không có tên thụy, thời xưa giữa có tên hiệu, sau khi chết thì xét việc làm để đặt tên thụy. Như thế thì con xét cha, tôi xét vua, rất là không có hay, trẫm chẳng chọn cách ấy. Từ nay về sau bỏ cách đặt tên thụy. Trẫm là hoàng đế đầu tiên, đời sau kể theo thứ tự là đời thứ hai, đời thứ ba cho đến muôn đời, truyền đến không cùng”.

Tần Thủy Hoàng trước thì kế thừa thành tựu của hơn hai ngàn năm thời Tiên Tần, sau lại mở ra thời vận cho hậu thế mấy ngàn năm sau, trở thành vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Hoa Hạ. Hoàng đế đứng trên quân và vương, quân và vương là do hoàng đế bổ nhiệm hoặc bãi miễn. Người đời sau vẫn luôn gọi ông là Tần Thủy Hoàng, tức Thủy Hoàng đế. Hoàng quyền Thần thụ, quyền của hoàng đế là Thần ban cho, vậy nên hoàng đế là bậc chí cao vô thượng tại nhân gian.

Sau đó, Tần Thủy Hoàng ra lệnh thực thi chế độ quận huyện trên toàn quốc.

Chế độ quận huyện

Thế nào là chế độ quận huyện? Trước khi Tần thống nhất thiên hạ, nhà Chu áp dụng chế độ phân phong (phân đất, phong hầu): Thiên tử nhà Chu lấy một phần lãnh thổ phân cho con cháu tông thất, vương thân quốc thích và các đại thần có công lao, phong cho họ làm quân chủ của các nước chư hầu, đời đời cha truyền con nối. Mỗi chư hầu có một lãnh thổ riêng, quân đội riêng, cai quản một vùng dân chúng riêng, đồng thời nắm giữ toàn quyền trong phạm vi của mình như một quốc gia có chủ quyền độc lập. Thiên tử nhà Chu trên thực tế giống như một vị vua chỉ có hư danh mà không có thực quyền. Sau này, các nước chư hầu đều muốn chiếm lấy thổ địa, đoạt lấy tài sản, do đó mà chiến hỏa liên miên, ai cũng muốn thôn tính những tiểu quốc nhỏ hơn mình. Dần dần, từ 800 nước chư hầu ban đầu chỉ còn lại hơn 100 quốc gia, cuối cùng chỉ còn “thất quốc tranh hùng” là Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy, Tần.

Tần Thủy Hoàng và các đại thần bàn kế hoạc lập quận huyện. (Trang: Winnie Wang)

Chế độ quận huyện là không còn phân đất phong hầu, thay vào đó là phân chia lãnh thổ thành các quận, dưới quận thiết lập huyện, dưới huyện còn có kết cấu nhiều tầng cấp hành chính như hương, đình, lý, v.v. Sau đó, hoàng đế sẽ trực tiếp phái người đến quản lý hai khu vực hành chính là quận và huyện này. Hoàng đế không chỉ đích thân bổ nhiệm quận thú và huyện lệnh, mà còn có thể tùy ý bãi miễn hoặc thay đổi chức vụ. Hoàng đế nắm giữ quyền lực tối cao, dưới hoàng đế thiết lập thái úy, thừa tướng và ngự sử đại phu làm quan viên trong chính phủ trung ương. Những bậc quan viên này đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp với hoàng đế: Thừa tướng phụ trách sự vụ quốc gia, ngự sự đại phu có trách nhiệm giám sát các vị quan viên, thái úy quản lý quân đội nhưng không có quyền lực điều động quân đội, sau khi nhận mệnh lệnh của hoàng đế mới có thể điều động quân đội. Dưới chính phủ trung ương là các quận, mỗi quận thiết lập ba quan viên là quận thú, quận úy, quận giám. Dưới quận là huyện, mỗi huyện thiết lập ba trưởng là huyện lệnh, huyện thừa, huyện úy, có trách nhiệm quản lý hành chính, nhà tù và quân sự. Các trưởng quan chủ yếu của quận huyện đều do hoàng đế trực tiếp bổ nhiệm hoặc bãi miễn. Những quan viên này chỉ có quyền quản lý mà không có chủ quyền, cũng không thể cha truyền con nối.

Một trong “Đường Tống bát đại gia” thời nhà Đường là Liễu Tông Nguyên từng đánh giá rất cao về chế độ quận huyện thời Tần Thủy Hoàng. Trong cuốn “Phong Kiến luận”, ông cho rằng thiết lập quận huyện là bắt đầu cho chế độ công hữu đất đai thời phong kiến.

Thời đầu khi Tần Thủy Hoàng muốn thực thi chế độ quận huyện, Thừa tướng Vương Oản và Thuần Vu Việt đều chủ trương khôi phục chế độ phân phong, cho rằng nếu không làm theo phương thức cổ xưa thì quốc gia không thể trường cửu. Duy chỉ có Đình úy Lý Tư là bác bỏ mọi ý kiến, ông cho rằng nhà Tần vừa mới thống nhất thiên hạ, diệt trừ gốc rễ của chiến tranh, nếu giờ đây lại quay lại chế độ phân phong, há chẳng phải là tự hủy đi công lao trước kia hay sao?

“Sử Ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ” chép:

Bọn Thừa tướng là Oản nói: “Chư hầu vừa phá, các đất Yên-Tề-Kinh ở xa, nếu không đặt vua thì không sao giữ được. Xin lập các người con làm vương, mong nhà vua nghe theo”.

Thủy Hoàng hạ lệnh bầy tôi bàn việc ấy, bầy tôi đều cho là tiện. Đình úy là Lý Tư bàn rằng: “Những con em mà Vũ Vương nhà Chu phong tước cho rất đông, nhưng sau lại xa rời, đánh diệt nhau như oán thù, chư hầu lại đánh giết nhau, thiên tử nhà Chu không ngăn lại được. Nay trong nước cậy vào uy linh của bệ hạ mà thành một mối, đều lập ra quận huyện, các con bầy tôi có công đều được thu tô thuế mà ban thưởng cho rất nhiều, vậy là rất dễ ngăn giữ được. Làm cho thiên hạ không có ý khác là kế yên ổn. Đặt chư hầu là việc không tiện”.

Thủy Hoàng nói: “Thiên hạ cùng đánh đá khổ sở không ngừng là vì có các vương hầu. Nay cậy vào tông miếu, thiên hạ vừa yên, lại dựng lại các nước là gây ra binh đao vậy. Lúc ấy mong được nghỉ ngơi, há chẳng khó sao! Đình úy nói phải”.

Năm 2003, trong một giếng cổ tại trấn Lý Gia, thành phố Tương Tây, người ta đã khai quật được hơn 36.000 thẻ tre từ thời Tần Thủy Hoàng, chứng minh rằng từ hơn 2000 năm trước, vương triều nhà Tần đã từng thiết lập huyện nha tại những địa phương xa xôi như Lý Gia, Tương Tây. Hơn nữa, từ những thẻ tre thời Tần có thể thấy được tổ chức hoàn bị, chế độ đủ đầy, công tác quản lý có trật tự lúc bấy giờ. Có thể thấy, chế độ quận huyện thời Tần Thủy Hoàng được phát triển rất thiết thực, phù hợp. Thể chế hoàng quyền do Tần Thủy Hoàng kiến lập vẫn luôn được kế thừa qua các triều đại trong lịch sử, một mạch cho đến cuối thời Minh, Thanh.

Đến nay, Tần Thủy Hoàng đã bàn luận đế hiệu, thiết lập quận huyện để thống trị thiên hạ. Vậy bước tiếp theo sẽ là gì? Mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo của “Thiên hạ nhất đế Tần Thủy Hoàng”.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope

(*) Trích “Sử Ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ”, bản dịch của Nhữ Thành

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (13): Xưng đế hiệu