Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (20): Phải chăng là Thiên ý?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào những năm cuối trị vì của Tần Thủy Hoàng có ba đại sự liên tiếp phát sinh, báo trước hoàng đế sắp băng hà. Ba sự kiện ấy là gì, phải chăng cùng biểu đạt Thiên ý?

Ba sự kiện biểu đạt Thiên ý

Đó là một ngày chớm thu năm thứ 36 (năm 211 TCN), Tần Thủy Hoàng ngự trong Long đình và bàn luận với cận thần Mông Nghị. Bỗng nhiên, một sứ giả tiến vào sân rồng, đến trước mặt hoàng đế để bẩm báo về một chuyện kỳ lạ vừa mới xảy ra. Đây là sự kiện thứ ba trong năm khiến Tần Thủy Hoàng không khỏi trầm ngâm suy nghĩ...

Sự kiện thứ nhất: “Huỳnh Hoặc thủ tâm”

“Huỳnh Hoặc thủ tâm” là hiện tượng vô cùng hung hiểm trong thiên văn học. Trong các vì tinh tú, sao Hỏa là ngôi sao sáng lấp lánh, màu sắc ửng đỏ, quỹ đạo biến hóa khó lường, do đó gọi là Huỳnh Hoặc. Huỳnh hoặc là Phạt tinh (ngôi sao chinh phạt), đại biểu cho binh đao loạn lạc, chết chóc tai ương, v.v. Còn chòm sao Tâm Túc có ba ngôi sao, ngôi sao sáng nhất ở chính giữa đại biểu cho hoàng đế, ngôi sao nhỏ hơn ở phía trước đại biểu cho thái tử, còn ngôi sao nhỏ hơn ở phía sau đại biểu cho con thứ.

Trái Đất quay từ tây sang đông, khi đứng trên mặt đất sẽ thấy các vì tinh tú đều mọc từ phương Đông và lặn ở phương Tây. Nhưng cũng có lúc chúng ta thấy các vì sao di chuyển ngược. Đó là vì tốc độ quay quanh Mặt trời của Trái Đất nhanh hơn sao Hỏa, nên khi Trái Đất đến gần sao Hỏa sẽ thấy như sao Hỏa đang lùi lại phía sau.

“Huỳnh Hoặc thủ tâm” là khi sao Hỏa di chuyển đến chòm sao Tâm Túc và dừng lại tại đây một đoạn thời gian. Bởi vì sao Hỏa là Phạt tinh tượng trưng cho tử nạn, còn chòm sao Tâm Túc tượng trưng cho thiên tử, vì vậy, sao Hỏa dừng lại ở đây là báo hiệu kiếp nạn của thiên tử. Cổ nhân cho rằng “Huỳnh Hoặc thủ tâm” là điềm báo vô cùng hung hiểm, nhẹ thì thiên tử mất ngôi, nặng thì hoàng đế băng hà. Năm ấy xuất hiện Huỳnh Hoặc thủ tâm, Tần Thủy Hoàng tuy không nói ra nhưng trong lòng ông luôn có dự cảm chẳng lành.

Sự kiện thứ hai: Thiên thạch mang chữ

Cùng năm ấy có một ngôi sao băng rơi xuống quận Đông. Đông quận là vùng đất giao giới giữa hai nước Tề và Tần, từng bị công đả vào thời đầu khi Tần Thủy Hoàng vừa mới tức vị. Đến nay, Đông quận là một quận lớn ở phía đông của đế quốc đại Tần.

Sự kiện Thiên thạch rơi không phải là chuyện hiếm thấy, nhưng điều đáng nói là trên mặt thiên thạch có khắc dòng chữ: “Thủy Hoàng đế tử nhi địa phân” (Thủy Hoàng đế chết thì lãnh thổ bị chia cắt). Người ta tin rằng bảy chữ này đại biểu cho Thiên ý, báo trước Tần Thủy Hoàng sắp băng hà, quốc thổ thống nhất sẽ bị phân chia.

Sự kiện thứ ba: Ngọc bích trở lại

Vị sứ giả tiến vào sân rồng, đến trước mặt hoàng đế và kể lại rằng: Vào một đêm nọ khi sứ giả đi từ Quan Đông qua đường Bình Thư, huyện Hoa Âm, thì thấy trước mặt xuất hiện một người cầm khối ngọc bích. Người kia cản sứ giả lại và nói: “Xin ngài thay tôi đưa khối ngọc bích này cho Hạo Trì Quân”, sau đó nói thêm rằng: “Kim niên Tổ Long tử” (Năm nay Rồng Tổ sẽ chết). Sứ giả vội vàng hỏi lại ngọn ngành, nhưng người kia chỉ để lại ngọc bích mà không giải thích gì thêm rồi biến mất trong màn đêm.

Sứ giả cho là chuyện chẳng lành, bèn đem viên ngọc trở lại Hàm Dương và bẩm báo những gì đã xảy qua. Tần Thủy Hoàng trầm mặc một hồi lâu rồi hạ lệnh bãi triều và nói với Mông Nghị: “Đây là quỷ núi, quỷ núi biết được các sự việc xảy ra trong một năm”.

Sách Ẩn chép: Phục Kiền nói: “Là thần sông. Thần sông đem ngọc bích cho Thần đầm Hạo, báo cho biết Thủy Hoàng sắp băng hà. Vả lại nhà Tần nhờ khí tốt của hành Thủy mà làm vua, cho nên vua Tần sắp mất thì Thần sông sẽ báo cho biết trước”.

Tập Giải chép: Tô Lâm nói: “Tổ là đầu. Rồng là biểu tượng của người làm vua, là chỉ Thủy Hoàng”. Phục Kiền nói: “Rồng là biểu tượng của tổ tiên loài người, ý nói vua cũng là tổ tiên của loài người”. Ứng Thiệu nói: “Tổ là tổ của người. Rồng là biểu tượng của vua”.

Hoàng đế ra lệnh đem viên ngọc đến Ngự phủ để giám định, phát hiện đây chính là khối ngọc vào năm thứ 28 (năm 219 TCN) khi tuần du qua sông, Tần Thủy Hoàng từng ném xuống nước để tế tự Thủy Thần. Khối ngọc dưới lòng sông từ nhiều năm trước, nay vì sao có thể quay trở lại?

Trước đã có hai điềm báo chẳng lành, nay lại xuất hiện khối ngọc này, Tần Thủy Hoàng trên miệng không nói ra nhưng trong tâm lại rất rõ ràng. Các đại thần biết rằng Hoàng đế không muốn nhắc đến chuyện sống chết nên ai nấy đều ngậm miệng không nói, ngay cả vị cận thần thân tín nhất là Mông Nghị cũng không dám nhắc đến. Nhưng bản thân Thủy Hoàng lại rất rõ ràng, trong tâm ông trăn trở: Sau khi ta băng hà, ai sẽ kế thừa hoàng vị đây?

Ai người kế vị?

Chiểu theo thông lệ nước Tần, sau khi quân vương lên kế vị thì đại sự đầu tiên chính là lập Trữ, cũng chính là xác lập người sẽ kế thừa ngôi vị. Nhưng Tần Thủy Hoàng lại lần lữa mãi chưa đưa ra được quyết định cuối cùng. Thậm chí, ông từng có suy nghĩ nhường lại ngôi vị.

Trong sách “Thuyết Uyển” thời Tây Hán ghi chép một câu chuyện xảy ra không lâu sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ. Một ngày, Hoàng đế triệu tập quần thần đến thương nghị, ông nói: “Cổ đại có Ngũ Đế nhượng ngôi, lại có Tam Hoàng truyền từ đời này sang đời khác, các khanh cho rằng cách nào tốt hơn? Ta muốn lựa chọn phương pháp tốt nhất”.

Các quan đại thần không nói lời nào, chỉ có Bào Bạch Lệnh Chi đáp lại: “Nếu như lấy thiên hạ là của chung thì hãy nhường ngôi vị cho bậc hiền năng. Nếu như lấy thiên hạ làm tư gia vậy thì đời đời truyền ngôi, cha truyền con nối. Từ đó có thể thấy, Ngũ Đế lấy thiên hạ làm công, còn Tam Hoàng lấy thiên hạ làm nhà”.

Tần Thủy Hoàng ngửa mặt lên trời than rằng: “Ta muốn để người trong thiên hạ cùng quản xã tắc, nhưng ai có thể kế vị ta?”.

Trước đó, vua nước Yên tên là Khoái từng nhường ngôi cho tể tướng Tử Chi, nhưng Tử Chi là kẻ tiểu nhân, kết quả khiến nước Yên đại loạn. Từ đó có thể thấy rằng, so với thời Tam Hoàng Ngũ Đế thì đạo đức đã trượt dốc, nhân tâm không còn là nhân tâm thời Nghiêu Thuấn Vũ nữa rồi. Lòng người băng hoại, đạo đức suy thoái, tìm đâu ra bậc Thánh nhân như vua Nghiêu, vua Thuấn? Việc nhường ngôi cho kẻ sĩ trong thiên hạ cũng không còn là lựa chọn sáng suốt của minh quân. Tần Thủy Hoàng binh chinh thiên hạ không phải vì bản thân mà là vì bách tính muôn dân, ông vì thiên hạ mà muốn tìm một người thừa kế xứng đáng, nhưng ai mới có đủ tài đức thay ông trị vì đây? Điều này có thể cũng là một nguyên nhân vì sao ông vẫn trì hoãn chưa lập Thái tử.

Công tử Phù Tô

Chúng ta hãy nói về công tử Phù Tô, con trai cả của Tần Thủy Hoàng.

Từ tên gọi có thể thấy, Tần Thủy Hoàng rất sủng ái Phù Tô, hoặc chí ít thì cũng sủng ái mẫu thân của vị hoàng tử này. Người mẹ sinh ra Phù Tô là ai? Sử sách không ghi chép về bà. Chỉ biết rằng, tên gọi Phù Tô bắt nguồn từ bài thơ thứ 10 của “Quốc phong - Trịnh phong” trong “Thi Kinh”, đây cũng là bài dân ca ở nước Trịnh thời Tiên Tần. Đó là một bài dân ca miêu tả cảnh nam nữ hẹn hò, với lời thơ vừa dí dỏm lại hồn nhiên tươi tắn, cô gái nói với chàng trai bằng những câu chọc ghẹo, trêu đùa nhưng đong đầy tình yêu sâu đậm.

Sơn hữu phù tô 1

Sơn hữu phù tô,
Thấp hữu hà phô.
Bất kiến tử đô,
Nãi kiến cuồng thư.

Bản dịch thơ của Nguyễn Văn Thọ:

Núi kia rực rỡ phù dung,
Đầm kia sen nở nước lồng bóng hoa.
Anh hùng sao chẳng gặp cho,
Gặp toàn một lũ khù khờ ngán thay.

Sơn hữu phù tô 2

Sơn hữu kiều tùng,
Thấp hữu du long.
Bất kiến tử sung,
Nãi kiến giảo đồng.

Bản dịch thơ của Tạ Quang Phát:

Núi cao có mọc cây tùng,
Những nơi dưới thấp cỏ long lan đầy.
Không hề gặp kẻ đẹp trai,
Gặp nhằm thằng bé giỏi tài xảo gian.

Từ tên gọi có thể đoán rằng, tình cảm giữa Tần Thủy Hoàng và mẫu thân của Phù Tô rất sâu đậm, do đó mới mượn hai chữ “Phù Tô” đặt tên cho đích tử. Hơn nữa, nước Tần có thông lệ “lập đích dĩ trưởng” (lập con vợ cả làm trưởng). Phù Tô là trưởng tử, vậy nên ai cũng tin rằng công tử sẽ được lập làm Trữ quân, là người thừa kế vương vị trong tương lai.

Tuy nhiên, Tần Thủy Hoàng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Giờ đây ông phải đối mặt với ba sự kiện liên tiếp phát sinh, sự kiện nào cũng ám chỉ chuyện sống chết của ông, do đó việc tìm người kế vị trở thành đại sự cấp bách. Nhưng vì muốn tìm một người tài đức xứng đáng làm quân chủ hiền minh, nên ông vẫn đang suy nghĩ, suy nghĩ, mãi vẫn không quyết đoán được.

Từ tên gọi có thể đoán rằng, tình cảm giữa Tần Thủy Hoàng và mẫu thân của Phù Tô rất sâu đậm. (Tranh Winnie Wang)

Vậy còn Phù Tô thì sao? Phù Tô đã ra khỏi kinh thành, đến Thượng Quận (nay là dải phía nam Du Lâm, Thiểm Tây) nhậm chức Giám quân trong đội quân do Mông Điềm thống lĩnh. Mông Điềm phụng mệnh Tần Thủy Hoàng đồn trú nơi biên phòng để phòng ngự quân Hung Nô. Xưa nay người ta vẫn cho rằng, Phù Tô can gián vua cha khi trừng phạt đám hủ Nho và thuật sĩ nên mới bị biếm ra khỏi kinh thành, không còn được phụ hoàng sủng ái.

Tần Thủy Hoàng biết rằng người ngoài nhìn nhận như thế nào, nhưng kỳ thực trong tâm ông nghĩ gì thì họ lại không hay biết. Dụng ý của ông, liệu Phù Tô có minh bạch hay không? Nỗi khổ tâm này, liệu Phù Tô có hiểu được hay không? Nghĩ đến đây, Tần Thủy Hoàng quay đầu hỏi Mông Nghị: “Ái khanh, trẫm sai Phù Tô lên Thượng Quận, khanh nhìn nhận thế nào về việc này?”.

Lúc ấy, đại tướng Mông Điềm đang thống lĩnh 30 vạn bộ đội tinh nhuệ đóng giữ ở biên giới phía bắc, tương đương với một nửa binh lực của cả nước Tần. Tần Thủy Hoàng phái Phù Tô đến đó làm Giám quân, trên thực tế là có ngụ ý sâu xa: Bề mặt là biếm truất, nhưng thực ra lại ngầm bảo vệ, dùng lời hiện nay mà nói, chính là để đứa con trai chỉ biết đến sách vở này được dấn thân vào thực tiễn, dùi mài tôi luyện trong gươm đao, mở mang tầm nhìn, đồng thời kiến lập mối quan hệ mật thiết với Mông Điềm - vị đại tướng dạn dày nơi sa trường.

Mông Nghị cũng nhìn nhận như vậy nhưng không trực tiếp nói ra, chỉ đáp rằng hoàng thượng dụng tâm khổ chí, công tử nhất định sẽ không cô phụ nỗi khổ tâm của ngài.

Tần Thủy Hoàng thở dài nói với Mộng Nghị: “Đứa con này không hiểu thực tế chút nào, ta lo lắng nó chỉ rập khuôn từ những gì ghi chép trong sách vở mà không có tầm nhìn xa trông rộng. Như thế sao được? Ta mỗi ngày đều cần mẫn chấp chính, hàng ngày phải xử lý rất nhiều công việc khó khăn, một chút cũng không dám buông lơi. Nay nhà Tần vừa mới bình định thiên hạ, trước mắt vẫn còn có rất nhiều việc cần phải làm. Nếu như không thống nhất văn tự, không thống nhất các đơn vị đo lường, không thống nhất quy định về xe cộ, không tu sửa đường, không mở mang cương thổ, bắc cự Hung Nô, nam chinh Bách Việt… vậy thì thống nhất chỉ là một câu nói vô nghĩa, thiên hạ thái bình chỉ là một lời nói suông! Ta đã chọn Thuần Vu Việt làm thầy dạy cho công tử, nhưng xem ra Phù Tô không hiểu rõ đạo lý này. Quá là rập khuôn vào sách vở! Ta trị quốc đều căn cứ vào tình huống thực tế mà quyết sách, cương nhu kết hợp, pháp và lý cùng vận dụng. Do đó ta mới phái Phù Tô đến chỗ huynh trưởng của khanh, để nó trải nghiệm, trải nghiệm. Ta cũng hy vọng Mông Điềm có thể làm sư trưởng của nó, dạy dỗ nó để có thể trở thành một bậc minh quân trị quốc”.

Mông Nghị cúi đầu đáp: “Tâm ý của hoàng thượng, công tử nhất định có thể hiểu được tận tường. Gia huynh cũng sẽ hiểu dụng ý của hoàng thượng, nhất định sẽ tận tâm vì công tử”.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, đến nay việc lập Trữ đã trở nên cấp bách lắm rồi. Nhưng Tần Thủy Hoàng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Ông có cả thảy hơn hai mươi hoàng tử, nhưng nhìn tới nhìn lui vẫn không thấy ai tài đức như mong đợi. Vậy phải làm sao đây?

Đúng lúc ấy, Chiêm bốc quan bước vào bẩm báo rằng đã gieo quẻ bói nhắm vào ba điềm báo trong năm nay, kiến nghị hoàng đế nên ra ngoài tuần du và di dời bách tính để xu cát tị hung, tránh dữ đón lành. Tần Thủy Hoàng chuẩn ý, ra lệnh di dời ba vạn hộ dân đến địa khu Bắc Hà và Du Trung, đồng thời thăng tước thêm một cấp cho mỗi hộ bị di dời ấy.

Khi Tần Thủy Hoàng đang bận rộn chuẩn bị cho chuyến xuất du thì có nội thị vào bẩm báo rằng tiểu hoàng tử Hồ Hợi xin được cầu kiến...

Hồ Hợi đến yết kiến phụ hoàng là vì chuyện gì? Mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo: Thủy Hoàng băng hà.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (20): Phải chăng là Thiên ý?