Thơ: MẸ VÀ TIẾNG VIỆT

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kính tặng Mẹ và cụ Phạm Quỳnh (1) 

Thuở ấu thơ trong lam lũ lầm than
Tường đất, vách phên, nhà gianh mái rạ
Nón mê đội đầu, quần nâu áo gụ
Trên đường lầy chân toạc ngón “Châu Giao” (2)
Thế kỷ hai mươi mang nặng khổ đau
Hai Đại chiến, vài mươi lần đảo chính
Kẻ ở người đi ngày về ai dám tính
Chiến tranh, hòa bình rồi lại chiến tranh

Trong mịt mù ta vẫn có trời xanh
Tỏa ánh văn chương xuống tâm hồn non trẻ
Thơ mẹ ru muôn màu như tranh vẽ
Lời mẹ bình sáng như ngọc như châu.

Có văn chương ta quên cả đói nghèo
Và lớn lên với tình yêu và lý trí
Ta cảm kích với bài Hịch Tướng Sỹ
Cáo Bình Ngô và với Sấm Trạng Trình
Truyện Kiều mẹ ru và giảng lời bình
Ta rớm lệ mong Kim Kiều tái ngộ
Xót xa mãi cho tấm lòng Chinh Phụ
Mòn mỏi chờ chồng bên bến Tiêu Dương

Cổ Học Tinh Hoa (3) mẹ gối đầu giường
Khi rảnh rỗi mẹ con cùng đàm luận
Về lịch sử xa xưa, về không gian vô tận
Về triết lý cuộc đời, về non nước dài lâu

Về tương lai của thế hệ mai sau
Mẹ nhắc mãi lời người xưa (4) tha thiết:
“Còn Truyện Kiều thì ta còn tiếng Việt
Tiếng Việt còn thì non nước ta còn”!

06.2014

Đông Quan
____________
(1) Phạm Quỳnh (1892-1945), nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn.
(2) Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim: người Việt có ngón cái hai chân tõe ra chĩa vào nhau nên ngày xưa gọi là người Giao Chỉ. Đất của người Giao Chỉ ngày xưa gọi là Giao Châu.
(3) Cuốn sách mẹ tôi yêu thích.
(4) Câu nói nổi tiếng của học giả Phạm Quỳnh.



BÀI CHỌN LỌC

Thơ: MẸ VÀ TIẾNG VIỆT