Thư Trịnh Bản Kiều gửi em họ: Nhìn người xưa mà ngẫm thời nay

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trịnh Bản Kiều (1693-1765), Đại học sĩ triều Thanh. Ông xuất thân bần khổ, nhưng thiên tính thuần hậu, là người rất giàu cảm xúc nhân ái, phong cách ung dung nhàn tản, có nhiều tài năng, ngoài thơ văn thông mẫn, còn giỏi cả thư họa triện khắc, được mệnh danh là một trong tám kỳ nhân tài đức vùng Dương Châu-‘Dương Châu bát quái’. 

Bài văn tuyển từ “Trịnh Bản Kiều toàn tập”, là lá thư ông viết cho người em con chú tên là Trịnh Mặc. Lời văn kể lại cảm tưởng của ông, nhân dịp này mà nghị luận thêm về vai trò của bốn nghề chính trong thiên hạ: Sĩ, Nông, Công, Thương. Ông bày tỏ lòng kính trọng đối với nông phu, phê bình những kẻ đọc sách đương thời chỉ muốn làm quan phát tài, hoặc thành cường hào vơ vét. Đồng thời, ông nhắc nhở gia nhân phải dùng lễ mà đối đãi với người làm công. Cuối cùng, ông nói rõ thái độ của mình đối với tài sản, biểu hiện ra cảnh giới tri túc cùng tấm lòng thương cảm xót xa với phận người. Lời văn mộc mạc, lay động lòng người.

“Nhận thư nhà vào ngày 26 tháng 10, biết vụ mùa trên vùng đất mới mua thu hoạch năm trăm hộc thóc, rất vui lòng. Từ nay về sau, ta muốn suốt đời làm nông phu. Huynh cho rằng, người hạng nhất trong thiên hạ chỉ có nông phu, còn kẻ sĩ xếp vào bậc cuối trong bốn nghề. Nông phu bậc thượng canh trồng trăm mẫu đất, sau đó là bẩy, tám mươi mẫu, sau nữa là năm, sáu chục mẫu, đều chuyên cần lao khổ canh trồng thu hoạch, nuôi sống người trong thiên hạ. Nếu thiên hạ vắng nông phu, chắc là chết đói hết thôi.

Ta là kẻ đọc sách, trong nhà hiếu thuận người thân, ra ngoài kính ái bạn bè, người xa lạ, giữ gìn thành tựu của bậc tiên hiền để đợi hậu nhân thừa kế. Khi đắc chí thì giúp dân an định, lúc sa cơ thì tu thân, tĩnh lặng ngắm thế nhân. Thế nên người đọc sách mới được người đời xếp cao hơn nông phu một bậc.

Người đọc sách nay đâu có như vậy, vừa cầm quyển sách là đã nghĩ đỗ cử nhân, tiến sĩ, làm quan sao vơ vét được nhiều tiền, xây nhà to, mua nhiều ruộng đất. Vừa cất bước đã sai đường, về sau càng đi càng lầm lạc bại hoại, sẽ không có kết quả tốt đẹp. Kẻ không đỗ đạt thì ở làng luồn lách gian tham, thật không ra gì.

Người tự ước thúc tu dưỡng bản thân, lẽ nào chẳng còn ai? Người ôm chí hướng kinh bang tế thế, làm rạng rỡ tiên tổ ngàn năm cũng vẫn còn không ít. Nhưng người hiền bị kẻ xấu cản ngăn quấy nhiễu, nên nay ta khó nói lên lời. Vừa mở miệng, người liền cười bảo: ‘Ngươi hạng thư sinh, chỉ biết nói hay, sau này làm quan, sẽ không nói thế nữa.’ đành nhẫn nhục để lời trong bụng, chịu người ta mắng mỏ chê cười.

Người làm nghề thủ công chế tạo vật dụng, người bán buôn lưu thông hàng hóa, đều có chỗ tốt cho dân chúng, chỉ có kẻ sĩ là vô dụng mà thôi, chả trách bị xếp vào hàng cuối, thậm chí đứng cuối còn khó nữa kia.

Ngu huynh bình sinh trọng nhất là nông phu, người mới đến làm công, nhất định phải dùng lễ để mà đối đãi. Người ta gọi mình là chủ nhân, mình gọi người ta là khách quý, chủ- khách nguyên nghĩa là một cặp từ đối đẳng tương xứng, sao có thể là tôi cao sang còn anh hèn kém được?

Cơ nghiệp nhà ta có ba trăm mẫu (tương đương 51 mẫu Bắc bộ Việt Nam), đều là đất đi thuê, không thể dựa lâu dài. Sau này phải mua lấy hai trăm mẫu, huynh đệ chúng ta cần mỗi người trăm mẫu (tương đương 17 mẫu Bắc bộ Việt Nam) là đủ rồi, cũng là hợp với đạo nghĩa người xưa dạy ‘Nhất phu thụ điền bách mẫu’ (một người cai quản trăm mẫu ruộng). Nếu cứ cầu nhiều, cầu rộng thì đó là chiếm sản nghiệp của người khác, tội nào lớn hơn. Người không ruộng đất, không sản nghiệp trong thiên hạ nhiều lên, thì chúng ta là loại người gì, cứ tham cầu vô đáy thì dân chúng bần cùng sẽ nương dựa vào đâu?”

Bức tranh hoa lan của Trịnh Bản Kiều. (Miền công cộng)
Bức tranh hoa lan của Trịnh Bản Kiều. (Miền công cộng)

Trông người xưa mà ngẫm thời nay, hiện thực đã bại hoại vượt xa sức tưởng tượng của nhiều người, nhưng thôi, âu cũng là quy luật của lịch sử Thành- Trụ- Hoại đã qua, nay Diệt đến, bại hoại đến thế cũng là tất yếu. Trong loạn thế này, chúng ta chỉ cần giữ vững thiện lương, Trời cao đã tự có an bài hết thảy.

(Tài liệu tham khảo: Sách "Quốc văn 5" - Đài Loan)

Thái Bình



BÀI CHỌN LỌC

Thư Trịnh Bản Kiều gửi em họ: Nhìn người xưa mà ngẫm thời nay