Tiên duyên của thư pháp gia Nhan Chân Khanh - chữ cũng như người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhan Chân Khanh là bậc thầy xuất sắc trong lịch sử thư pháp Trung Hoa, đặc trưng của thư pháp thể Khải thư của ông là khoáng đạt, hồn hậu, trung chính ngay thẳng, như chính con người ông thể hiện ra nội hàm văn hóa trung dung, khuôn phép. Thư pháp của ông bắt nguồn từ tín niệm thuần chính, cương trực ngay thẳng, không bị tài vật trói buộc, tư tưởng cảnh giới xuyên việt sinh tử.

Nói đến nhà thư pháp Nhan Chân Khanh, những người yêu thích thư pháp chắc đều biết ông, ông là bậc thầy thư pháp duy nhất có thể sánh ngang với Vương Hy Chi, những người học thư pháp về cơ bản là đều bắt đầu từ việc sao chép chữ của ông. Thời nhà Thanh, Lưu Hi Tải viết trong cuốn “Nghệ khái - Thư khái” (khái quát về nghệ thuật, thư pháp): ‘Thư, như dã, như kỳ tài, như kỳ học, như kỳ chí, tổng chi viết như kỳ nhân nhi dĩ.’ (Chữ viết là thế đó, là tài năng, học vấn, chí hướng, tóm lại chữ chính là người ấy mà thôi).

Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu về nội hàm nhân cách cùng cảnh giới tư tưởng trong thư pháp của Nhan Chân Khanh.

Gia thế và tuổi thiếu thời

Nhan Chân Khanh tự Thanh Thần, người vùng Kinh Triệu, Vạn Niên (Tây An , tỉnh Thiểm Tây), tổ tiên ở vùng Lang Da, Lâm Nghi. Ông sinh năm 709, xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, tổ tiên là vị đệ tử được Khổng Tử ngợi khen - Nhan Hồi, ngũ tổ là Hoàng môn thị lang Nhan Chi Thôi, có tác phẩm “Nhan Thị gia huấn” lưu truyền hậu thế, cụ tổ là nhà Nho nổi tiếng Nghiêm Sư Cổ, mẫu thân Ân Thị cũng xuất thân quyền quý.

Cha ông mất khi ông mới ba tuổi, mười mấy người trong nhà sống nhờ vào bạn hữu người thân. Tuy gia cảnh sa sút, nhưng nhà họ Nhan vẫn giữ vững đạo nhà, lễ hiếu truyền gia. Khi còn nhỏ, Nhan Chân Khanh lấy đất vàng ngâm nước, hòa thành bùn rồi quét lên tường, đợi bùn se rồi dùng que viết chữ. Người đi qua kinh ngạc hỏi ông: ‘Sao không dùng bút mực mà viết’, ông trả lời: ‘Nhà tôi nghèo, không muốn để mẹ lo lắng.’

Ngũ tổ Nhan Chi Thôi (531~591) là người tôn sùng Phật, Đạo, cụ nội Nhan Sư Cổ (581~645) cũng là cư sĩ thờ Phật, nên từ nhỏ Nhan Chân Khanh đã được gửi vào chùa học tập. Trước khi đỗ tiến sĩ, ông thường ở trong chùa, có nghiên cứu về giáo nghĩa Phật giáo, Đạo giáo. Lưu truyền trên bia khắc của ông có “Ma Cô Tiên đàn ký” ghi chép truyền thuyết về Tiên nữ, “Lý Huyền Tĩnh bia” ghi chép về cuộc đời của đạo sĩ Lý Hàm Quang, liên quan đến Phật giáo có “Đa Bảo tháp bi”, “Bát quan trai hội báo đức ký”, “Văn Thù thiếp”, v. v.

Năm 18, 19 tuổi, Nhan Chân Khanh lâm bệnh nặng, nằm bẹp hơn trăm ngày, chữa trị không khỏi. May sao có một vị Đạo sĩ tự xưng là ‘Bắc Sơn Quân’ qua nhà, lấy ra vài viên đơn dược nhỏ như hạt gạo cho uống, sau khi dùng thuốc, Nhan Chân Khanh khỏi hẳn bệnh. Vị Đạo sĩ bảo ông: ‘Thanh danh trong sạch ngay thẳng, đạm bạc giản đơn của con đã được ghi trong sách Tiên nơi lầu vàng trên Tiên giới, sau này sẽ ở hàng Tiên nhân, cho nên con không nên trầm luân trong danh lợi. Nếu con khó dứt cõi trần, thì nhất định phải kiên thủ tiết tháo, phò tá quân chủ, hết mực cần kiệm. Lúc lìa đời, thì dùng hình hài của con mà hoàn hồn tu Đạo, sau đó đắc Đạo thành Tiên. Trăm năm sau, ta sẽ đợi con ở chỗ giao hội của sông Y Thủy và Lạc Thủy.’

Nói xong, vị Đạo sĩ đưa cho Nhan Chân Khanh một viên tiên đan rồi phiêu nhiên bay đi. Từ đó, Nhan Chân Khanh kết nhân duyên bền chặt với Đạo gia, thường lưu tâm tu Tiên học Đạo. Giao lưu mật thiết với các Đạo sĩ, rồi các cao nhân như Trương Chí Hòa, Lục Tập.

(Nguồn: “Thái Bình quảng ký”).

Trong những năm Thiên Bảo thời Đường Huyền Tông, có một vị ni cô họ Phạm, giỏi xem việc lành dữ, là bà con thân thích với vợ của Nhan Chân Khanh, ông gọi ni cô là dì Phạm Sư. Trước khi thi, bà xem quẻ cho Nhan Chân Khanh rồi nói: ‘Chuyến này nhất định thành công như ý, làm quan hưởng lộc.’

Nhan Chân Khanh hỏi: ‘Cháu có thể làm quan Ngũ Phẩm không?’

Ni cô Phạm Sư chỉ vào tấm khăn màu tím đang ngồi nói: ‘Quan phục sau này của cháu sẽ có màu như thế này.’

Theo quy chế quan lại của nhà Đường, mặc trang phục màu tím là từ quan tam phẩm trở lên. Khi ấy bà còn nói thêm: ‘Thọ trên 70 tuổi, sau này không cần hỏi nữa’.

Nhan Chân Khanh vẫn tiếp tục hỏi, bà nói: ‘Cháu thông minh hơn người, hỏi việc không cần truy đến cuối cùng’.

(Nguồn: "Nhung mạc nhàn đàm").

Sự nghiệp chốn quan trường

Tháng 2 năm Khai Nguyên thứ 22 (năm 734), Nhan Chân Khanh 26 tuổi, đỗ tiến sĩ đầu bảng, sau khi nhậm chức quan phủ được hai năm, do mẫu thân qua đời, ông về Lạc Dương chịu tang ba năm. Sau đó nhậm chức Triều Tán Lang, Tri phủ cục hiệu thư lang.

Năm 746, thăng chức Huyện úy huyện Trường An, Tán quan gia thông trực lang. Năm 747, từ Huyện úy Trường An được đề bạt vào Ngự Sử Đài, nhậm chức Giám sát ngự sử. Những nơi mà Nhan Chân Khanh làm quan, dân chúng đều ca tụng không ngớt.

Năm Khai Nguyên, ông tuần sát dải Vũ Uy, Tây Bình, quận Ngũ Nguyên hạn hán đã lâu, có một vụ án tồn đọng chưa xử được. Nhan Chân Khanh biết chuyện, lập tức ra tay điều tra, kịp thời thẩm định xét xử công minh, người bị oan được rửa tội. Lúc tuyên án, trời đột nhiên ban mưa lành, dân chúng gọi đó là ‘Ngự sử vũ’ (trận mưa nhờ quan Ngự sử), cho đây là do ân đức xử án minh oan của Nhan Chân Khanh đã cảm động Thượng Thiên.

Những nơi mà Nhan Chân Khanh làm quan, dân chúng đều ca tụng không ngớt. (Miền công cộng)

Năm 749, Nhan Chân Khanh thăng nhiệm Điện Trung Thị Ngự Sử, nhưng do cương trực mà bị tể tướng Dương Quốc Trung bài xích, qua một hồi vất vả, cuối cùng bị biếm chức làm Thái Thú quận Bình Nguyên. Ông nhậm chức này vào năm 753, quận Bình Nguyên (nay thuộc Sơn Đông) thuộc quản hạt của An Lộc Sơn, khi đó An Lộc Sơn đã lộ ý mưu phản.

Nhan Chân Khanh đã biết từ sớm, ông lấy cớ trời mưa lâu ngày cần tu sửa tường thành hư hại để nâng cao tường thành, đào sâu hào phòng thủ, đồng thời lặng lẽ tuyển binh mua ngựa, tích trữ lương thảo. An Lộc Sơn phái mật thám theo dõi Nhan Chân Khanh, Nhan Chân Khanh giả vờ cùng các văn sĩ hàng ngày dong thuyền du ngoạn, yến tiệc thi phú, tạo giả tượng không quan tâm thế sự. Thế là An Lộc Sơn yên tâm, cho rằng gã thư sinh đó không có gì đáng ngại cả.

Năm 755, loạn An Sử nổ ra, các quận huyện phía bắc liên tiếp bị tấn công thất thủ. Quận Bình Nguyên do có chuẩn bị từ trước, phòng thủ nghiêm mật. Nhan Chân Khanh còn liên lạc các nơi dấy binh chống giặc, 17 quận hưởng ứng, cử Nhan Chân Khanh làm chủ soái, nắm trong tay 20 vạn quân binh, tung hoành trận mạc.

Hoàng đế hạ chiếu, tấn phong Nhan Chân Khanh làm Hộ Bộ Thị Lang, ông cùng mưu hoạch tác chiến với Lý Ngạc quận Thanh Hà, đánh bại hai vạn quân của An Lộc Sơn ở Đường Ấp. Đường Huyền Tông cao hứng nói: ‘Suốt 24 quận từ Quảng Hà về Bắc, chỉ có mỗi Nhan Chân Khanh là hữu dụng! Trẫm thật tiếc là chưa đích thân gặp mặt!’

Khi Đường Túc Tông ở Linh Vũ, phong ông làm Công Bộ Thượng Thư Ngự Sử Đại Phu, sau phong Ngự Sử Đại Phu. Sau khi Đường Đại Tông kế vị, ông được bái làm Thích Sử Lợi Châu, sau làm Tả Thừa Tướng, phong làm Lỗ Quận Công.

Theo dự ngôn của ni cô Phạm Sư, Nhan Chân Khanh về sau xác thực làm quan trong triều, khoác quan phục màu tím.

(Nguồn: “Tân Đường thư”)

Thư pháp bất hủ để lại cho hậu thế

Năm Đại Lịch thứ ba thời Đường (năm 768), Nhan Chân Khanh bị Tể tướng Nguyên Tải vu cáo gièm pha rằng ông châm biếm triều chính, bị biếm chức làm Thứ sử Phủ Châu. Đạo giáo ở Phủ Châu rất hưng thịnh, là trung tâm tín ngưỡng Tiên nữ của thời nhà Đường. Thời gian nhàn rỗi ông thường tới Tiên Sơn gần đó du ngoạn, cũng trong thời kỳ này, ông đã lưu lại những tác phẩm khắc trên bia đá liên quan tới tín ngưỡng Đạo giáo, trở thành những tác phẩm thư pháp nổi tiếng trong lịch sử.

Năm Đại Lịch thứ 6 (năm 771), khi du lãm núi Ma Cô ở Phủ Châu, huyện Nam Thành, ông biên soạn cuốn “Phủ Châu Nam Thành huyện Ma Cô Tiên đàn ký”, đứng bên Tiên đàn kết Tiên duyên. Bia “Ma Cô Tiên đàn ký” gồm 887 chữ, thể Khải thư, có hai cỡ chữ lớn, nhỏ, đẹp một cách nghiêm trang mạnh mẽ, nét chữ đầy đặn cao thượng, kết cấu dày khít, tự nhiên, đây là tác phẩm mang tính đại biểu của Nhan Chân Khanh. Âu Dương Tu bình tán: ‘Bức này cứng vững dày dặn, mạnh mẽ tinh tế. ...nét bút lớn nhỏ đều theo pháp tắc, càng nhìn càng thấy đẹp, mới hiểu ra rằng: Ngoài Lỗ Công ra thì không ai có thể viết được như vậy.’ (“Tập cổ lục”).

Một góc bản in rập bức “Phủ Châu Nam Thành huyện Ma Cô Tiên Đàn ký” của Nhan Chân Khanh. (Bảo tàng quốc gia Cố Cung)
“Ma Cô Tiên đàn ký” do Nhan Chân Khanh biên soạn và viết ra. Bia văn nghiêm trang hùng vĩ, là tác phẩm tiêu biểu của ông. (Miền công cộng)

Chữ là người, người là chữ, Nhan Chân Khanh dung nhập phẩm cách cương chính trong sáng của ông vào tác phẩm. Chữ của ông mỗi nét đều nghiêm cẩn trầm ổn, không cố tạo ra tư thái, hào sảng du nhàn nhưng không vượt ra khuôn khổ, đạt đến độ đẹp một cách ‘Thâm nghiêm’.

Do Đường Thái Tông rất hâm mộ cùng quảng bá thư pháp Vương Hi Chi, nên thời sơ Đường, thịnh Đường phong cách thư pháp lấy sự thanh tú uyển chuyển, phiêu du nhàn tản làm cơ sở. Nhan Chân Khanh đã thay đổi phong cách thư pháp mảnh cứng thời sơ Đường, thành chính khí lẫm liệt, thay vẻ đẹp mềm mại thành cái đẹp hùng hồn đầy đặn, mở ra một phong cách Khải thư mới, đặc trưng của thể thư pháp này là: Gân thịt đầy đặn, hàng lối trơn tru mạnh mẽ, kết cấu rộng rãi có khí thế hùng vĩ, hiển lộ phong thái của một vị tướng soái cương chính, thản đãng.

Nhan Chân Khanh sinh thời viết rất nhiều trên bia đá, lưu truyền tới ngày nay, bức mang cốt lực kiện cường “Nhan Thị gia miếu bia”; bức có kết cấu đoan trang tươi nhuận như bức “Đa Bảo tháp bi”; bức có phong cách thanh viễn, hùng hồn “Đông Phương Sóc họa tán bi”; đầy dặn nghiêm trang, kết cấu mạnh mẽ, thấm đẫm vận vị “Ma Cô Tiên đàn ký”; vuông vức ngay thẳng bình ổn, không lộ gân cốt “Đại Đường trung hưng tụng”, v.v. Tô Thức là nhân vật đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình sáng tác của ông, Tô Thức từng nói: ‘Thơ được như Đỗ Phủ, văn như Hàn Thoái Chi, họa như Ngô Đạo Tử, thư như Nhan Lỗ Công thì cho dù cổ kim biến động đến đâu, cũng vẫn là người xuất sắc trong thiên hạ.’

(Nguồn: “Thư Ngô Đạo Tử họa hậu” của Tô Thức).

Nhà bình luận thư pháp Chu Trường Văn thời Bắc Tống tán tụng thư pháp của Nhan Chân Khanh: ‘Dấu chấm như đá rơi, nét như mây mùa hạ, nét móc như câu vàng, nét qua như buông nỏ, tung hoành hữu tượng, phết xuống hất lên đều mang tư thái, từ thời Vương Hi Chi, Vương Hiến Chi tới nay, không có ai được như Lỗ Công đây.’ (Chu Trường Văn “Mặc trì biên”).

Một phần bức “Đa Bảo tháp bi” của Nhan Chân Khanh. (Miền công cộng).
“Nhan Thị gia miếu bi” (Bảo tàng quốc gia Cố Cung cung cấp).

Năm 782, Tiết độ sứ Lý Hi Liệt phản loạn xưng đế, Tể tướng Lư Kỷ đố kỵ với tính cương chính của Nhan Chân Khanh, nên dâng tấu nói rằng: Nhan Chân Khanh đức cao vọng trọng, bốn phương kính ngưỡng, nếu cho ông ta đi thuyết phục Lý Hi Liệt, thì có thể không đụng đao thương mà bình định phản loạn. Đường Đức Tông nghe theo Lư Kỷ, nhậm mệnh Nhan Chân Khanh làm Tuyên úy sứ, tới doanh trại quân giặc.

Có tin nói Lý Hi Liệt tính tình tàn bạo, nhiều đại thần trong triều đều lo lắng cho sự an toàn của Nhan Chân Khanh. Đại thần Trịnh Thúc khuyên can ông: ‘Chuyến này e bất trắc, hãy đợi tôi tâu lên Hoàng thượng đã.’

Nhan Chân Khanh khẳng khái đáp: ‘Lệnh vua, sao lại tránh!’

Đại thần Lý Miễn cầu xin Đường Đức Tông giữ Nhan Chân Khanh lại, rồi sai người đuổi theo, nhưng đuổi không kịp.

(Nguồn: “Tư Trị thông giám”)

Nhan Chân Khanh tự biết chuyến này gặp hung hiểm. Thời trẻ ông đã từng gặp đạo sĩ Đào Bát Bát, Đạo sĩ bảo ông sẽ gặp nạn vào tuổi 70, nay ông đã 75 tuổi rồi, ông nhớ lại lời năm xưa của ni cô Phạm Sư: ‘Thọ quá 70, sau đó không cần hỏi nữa.’ Rồi cảm thán: ‘Lời của dì Phạm Sư, mạng của ta treo nơi trại giặc rồi!’

(Nguồn: “Đường ngữ lâm”)

Trong “Loại thuyết” quyển 12 “Nhan Lỗ Công thi giải” có ghi: Khi ấy triều đình trong ngoài đều cảm thấy Nhan lỗ Công chuyến này một đi không trở lại, nên đi tiễn ông ở dốc Trường Lạc. Nhan Chân Khanh uống say, thân thủ mẫn tiệp dị thường, như trai trẻ nhảy vọt qua hàng rào.

Đối mặt với những uy hiếp bức bách cùng lợi danh dẫn dụ từ Lý Hi Liệt, Nhan Chân Khanh vẫn bất động tâm, kiên thủ tiết tháo, coi cái chết như về quê cũ. Ngày 3 tháng 8 năm đầu Hưng Nguyên (ngày 23 tháng 8 năm 784), Nhan Chân Khanh bị treo cổ dưới cây bách trong chùa Long Hưng, chết ở tuổi 77. Sau khi bình định phản loạn Hoài Tây, linh cữu của ông được đưa về kinh thành, an táng ở nơi mộ phần của dòng họ Nhan ở huyện Vạn Niên, Kinh Triệu. Đường Đức Tông ban chiếu văn viết: ‘Khí chất thiên tư, công trung kiệt xuất, xuất nhập tứ triều, kiên trinh nhất trí.’ (Tạm dịch: Mang khí chất Trời ban, trung nghĩa kiệt xuất, ra vào bốn triều vua đều nhất mực kiên trinh.), và bãi triều năm ngày để tưởng nhớ, ban thụy hiệu là Văn Trung.

Theo “Khai thiên truyện tín ký” ghi lại: Khi người nhà Nhan Chân Khanh di chuyển phần mộ, mở quan tài ra nhìn, quan tài đã mục nát nhưng thân thể ông vẫn như người sống, tay chân vẫn mềm mại, râu tóc còn xanh, tay nắm, móng tay mọc xuyên sang mu bàn tay. Người gần xa đều cảm thấy kinh kỳ. Đi được nửa đường, cảm thấy quan tài nhẹ dần. Khi đến nơi hạ táng, mở ra xem thấy quan tài trống rỗng.

(Nguồn: Thái Bình quảng ký).

Nhan Chân Khanh là vị tông sư một thời trong lịch sử thư pháp Trung Hoa, đặc trưng thư pháp của ông là sự khoáng đạt, hùng hồn, ngay thẳng, như chính con người ông toát ra nội hàm văn hóa trung dung , giữ gìn khuôn phép. Thư pháp của ông đến từ tín niệm thuần chính, cương chính ngay thẳng, không bị bó buộc bởi ngoại vật, tư tưởng cảnh giới vượt thoát tử sinh. Vậy nên, Nhan Chân Khanh không chỉ là một thư pháp gia nổi tiếng, mà còn là một vị tu Đạo. Người đời sau nếu không đạt tới cảnh giới của ông, thì sao có thể thưởng thức được nội hàm trong thư pháp của ông đây?

Sở Nhược Vi - Epoch Times - Chuyển từ mạng Chánh Kiến
Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Tiên duyên của thư pháp gia Nhan Chân Khanh - chữ cũng như người