Trái táo vàng phương Tây sa ngã và trái táo đỏ phương Đông hận thù

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trái táo vàng - trái táo của sa ngã

“Trái táo vàng” là một biểu tượng kinh điển, phổ biến và được gán cho rất nhiều ý nghĩa trong huyền thoại phương Tây. Bản thân từ “táo” vốn không chặt chẽ, mà có thể được dùng để phiếm chỉ các loại trái cây thần bí, trái cấm, hoặc các loại trái cây ngoại lai kỳ lạ. Ví dụ, khi cà chua du nhập vào châu Âu, chúng được gọi là "táo tình yêu". Trong một tác phẩm tiếng Anh cổ, dưa chuột được gọi là “eorþæppla” (nghĩa đen là "táo đất'); trong tiếng Pháp, tiếng Hà Lan, tiếng Do Thái, tiếng Ba Tư và một số phương ngữ tiếng Đức, thì khoai tây được gọi là "táo đất", cam gọi là "táo vàng" hay "táo Trung Quốc", cà độc dược gọi là "táo gai".

Mặc dù “Sáng Thế Ký” không nói cụ thể trái cấm mà Adam và Eva ăn là gì, nhưng trong truyền thống Kitô giáo sau này, nó thường được miêu tả là một trái táo - rất có thể do sự liên tưởng tới khu vườn trồng táo vàng nằm ở phía Tây của các nữ thần Hesperides trong thần thoại Hy Lạp.

Ngoài ra, từ Hy Lạp “μῆλον” (“mēlon”), có nghĩa là trái cây nói chung, đã được tiếng Latin vay mượn thành “mālum” mang nghĩa là “quả táo”. Sự giống nhau của từ này với từ tiếng Latin “mălum” - có nghĩa là “xấu xa” - cũng có thể đã ảnh hưởng đến việc quả táo được hiểu là "trái cấm" trong Kinh thánh trong bản dịch tiếng Latin.

Phần yết hầu của nam giới còn được gọi là “trái táo của Adam” vì dân gian cho rằng chỗ phình ra đó là do trái cấm mắc trong cổ họng của Adam. Quan niệm về trái táo là biểu tượng của tội lỗi được phản ánh trong các hình ảnh nghệ thuật liên quan đến sự trục xuất khỏi vườn địa đàng. Khi nằm trên tay Adam, quả táo tượng trưng cho tội lỗi. Nhưng, khi Chúa Kitô cầm quả táo, thì Ngài đại diện cho Adam thứ hai, người mang lại sự sống. Sự khác biệt này phản ánh sự phát triển của biểu tượng trong Kitô giáo. Trong Cựu Ước, trái táo tượng trưng cho sự sa ngã của con người; trong Tân Ước, nó lại là biểu tượng của sự cứu chuộc khỏi sự sa ngã đó.

Nói chung, trái táo vàng có vẻ mang ý nghĩa tốt lành ở trên Thiên thượng, còn khi trao vào tay người trần thì nó là điềm chẳng lành. Điển hình minh chứng cho điều này là câu chuyện “Trái táo vàng bất hòa” trong thần thoại Hy Lạp. Nữ thần Bất hoà Eris đã lấy một quả táo vàng trong vườn của các nàng Hesperides, ghi lên đó dòng chữ "Tặng vị nữ thần đẹp nhất" rồi ném nó vào bàn tiệc. Thế là nổ ra trận tranh giành quyết liệt giữa ba vị nữ Thần, Hera - vợ Thần Zeus, Athena - nữ Thần trí tuệ và Aphrodite - nữ Thần tình yêu. Cuối cùng, họ phải nhờ đến người phân xử là hoàng tử Paris, con vua Priam của thành Troy. Ba vị nữ Thần đưa ra hứa hẹn như sau: Athena sẽ giúp chàng trở thành chiến binh bất khả chiến bại, Hera sẽ giúp chàng có được quyền lực, còn Aphrodite sẽ giúp chàng có được một người vợ xinh đẹp nhất thế gian. Cuối cùng, Paris đã chọn Aphrodite. Thua cuộc, Hera và Athena thề sẽ tiêu diệt thành Troy, nơi cha của Paris đang trị vì. Aphrodite thực hiện lời hứa bằng cách giúp Paris bắt cóc Helen - vợ vua Menelaus xứ Sparta. Sau đó Chiến tranh thành Troy nổ ra với kết cục là liên minh các thành bang Hy Lạp đã chiến thắng và tiêu diệt tòa thành này.

Thành Troy là tòa thành giàu có nằm ở Tiểu Á, ngày nay là vùng Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể nói trái táo vàng trong câu chuyện thần thoại kia chính là ám chỉ tòa thành này, và ở đây nó còn tượng trưng cho sự sụp đổ, mất mát, đồng thời là sự xâm lấn, thắng thế của phương Tây với phương Đông.

Trải qua lịch sử lâu dài, "trái táo vàng" trong huyền thoại phương Tây đã khoác lên mình rất nhiều ý nghĩa. Đó có thể là trái cấm vườn địa đàng, hay tượng trưng một thế giới trong tay Chúa, hoặc ám chỉ Thành Thánh, đất hứa, báu vật v.v... Và rồi khi đến giai đoạn Công giáo biểu tượng hóa mọi thứ, thì "trái táo vàng" đã dần đồng nhất với "globus cruciger" - quả cầu có thánh giá cắm bên trên, thể hiện của vương quyền phụng sự Chúa.

Quả cầu vàng vương quyền của Đế chế La Mã Thần Thánh. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Một trong những quả cầu vàng nổi tiếng nhất là quả cầu trên tay trái của bức tượng đồng hoàng đế cưỡi ngựa trên cây cột Justinian ở quảng trường Augustaion (nằm cạnh Nhà thờ lớn Hagia Sophia) của Đế quốc Đông La Mã, trong khi tay phải của hoàng đế chỉ về phía châu Á - ám chỉ hoàng đế là người nắm giữ sức mạnh toàn thế giới, và đang ngăn chặn những kẻ xâm lược phương Đông. Quả cầu bị rơi xuống đất vào năm 1316 và được thay thế vào năm 1325. Theo những ghi chép thì ít nhất nó vẫn còn ở đó vào khoảng năm 1412. Nhưng vào năm 1427, Johann Schiltberger cho biết rằng "quả táo đế chế" (tiếng Đức: Reichsapfel) đã bị rơi xuống đất. Nỗ lực đặt nó trở lại vị trí vào năm 1435 đã thất bại, và đây có vẻ là điềm báo sụp đổ của Đế quốc, đồng thời là khởi nguồn cho một biểu tượng khác - “Trái táo đỏ”.

Quả cầu vàng trên tay bức tượng hoàng đế trên Cột Justinian. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Trái táo đỏ - trái táo của hận thù

“Trái táo đỏ” - "Kızıl Elma" - là thuật ngữ được thúc đẩy mạnh mẽ vào thời kỳ Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó là biểu tượng cho chủ nghĩa dân tộc và sự bành trướng của người Thổ.

Những cộng đồng thuộc sắc tộc Thổ (Turk) sau thời kỳ dài bị phân tán rải rác ở khu vực giữa Châu Âu và Châu Á, đã dần dần phát triển sử thi và huyền thoại chung để thống nhất nhau lại. Những sử thi và huyền thoại này chịu ảnh hưởng lớn từ Ba Tư, Mông Cổ và các dân tộc Trung Á khác. Theo đó người Thổ có cây thiêng là một cây táo đơn độc (thực chất đây là sự vay mượn từ hình tượng cây Jambu - tức cây trâm mốc - vốn gắn liền và tượng trưng cho vùng địa lý rộng lớn Đại Ấn Độ), và mục tiêu của họ là xâm chiếm những lều bạt hay tòa kiến trúc lớn mà đương thời thường được trang trí trên đỉnh bằng những quả cầu vàng.

Sử thi Ergenekon kể về một cuộc khủng hoảng lớn của người Thổ cổ đại. Sau một thất bại quân sự, người Thổ đã ẩn náu trong thung lũng Ergenekon huyền thoại, nơi họ bị mắc kẹt trong 4 thế kỷ. Cuối cùng họ cũng được giải thoát khi một người thợ rèn tạo ra một lối đi bằng cách làm tan chảy ngọn núi, để Sói xám Asena dẫn ra ngoài. Những người được dẫn ra khỏi thung lũng đã thành lập Hãn quốc Thổ, và mang sứ mệnh phải đòi lại những vùng đất đã mất. Tóm lại, sử thi và huyền thoại Thổ nhấn mạnh về chiến tranh, báo thù và bành trướng.

Thực tế thì trong tranh vẽ các vị vua (sultan) của Ottoman thời kỳ đầu, họ thường nắm giữ trái táo có màu vàng.

Tranh vẽ các sultan nắm giữ trái táo màu vàng. Nguồn: Kasım Bolat.

Nhưng tại sao người Ottoman lại bắt đầu chuyển biểu tượng này thành “Táo đỏ”? Trên thực tế, trong quan điểm Hồi giáo, màu xanh lá mới là màu sắc được ưa thích. Hơn nữa khi mới bắt đầu xâm chiếm châu Âu thì Ottoman vẫn chưa có lá cờ đỏ mang biểu tượng trăng sao như hiện nay chúng ta vẫn quen thuộc, nên khó có thể nói người ta chọn màu quả táo theo màu cờ. Nhiều nguồn nghiên cứu cho thấy, có vẻ thuật ngữ “táo đỏ” chỉ bắt đầu được giới Janissary (ngự lâm quân khét tiếng của Ottoman) thúc đẩy sau khi hạ Constantinople như một lý tưởng chung, với vài nguyên nhân: một là người Ottoman Hồi giáo muốn đưa ra biểu tượng kình địch và khác biệt với phương Tây Công giáo; hai là họ tôn vinh máu của những người chết vì Thánh chiến; ba là sự đồng dạng với một loại trái cây nổi tiếng và quen thuộc trong văn hóa Thổ là trái lựu; bốn là do sai lệch trong quá trình phát triển của ngôn ngữ. “Kızıl” trong tiếng Thổ cổ vừa có nghĩa là "màu đỏ" vừa có nghĩa là "kim loại vàng". Bởi vì vàng thời cổ thường tồn tại trong dạng có lẫn kim loại đồng, tạo ra ánh đỏ.

Vua Selim II với trái táo đỏ. Nguồn: Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển.

Tóm lại, sau một quá trình diễn hóa, "Táo đỏ" đã trở thành hệ tư tưởng đoàn kết thống nhất Janissary, và được sử dụng như ám hiệu để chỉ về các tòa thành quan trọng, mang tính biểu tượng, cần phải chiếm được ở phương Tây, ví dụ như Rome v.v… Táo đỏ đã trở thành thể hiện của chủ nghĩa dân tộc, tham vọng bành trướng và kình chống phương Tây của người Thổ. Đến thời hiện đại, mặc dù ý nghĩa đã phần nào thay đổi, nhưng nó vẫn chiếm vai trò lớn trong diễn ngôn ở Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí công ty quốc phòng Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ đã chế tạo ra một loại máy bay chiến đấu không người lái mang tên Bayraktar Kızılelma - “Táo Đỏ”.

Hơn 2600 năm sau khi người Hy Lạp tiêu diệt thành Troy vì “trái táo vàng bất hòa”, Đế quốc Ottoman với ý thức hệ "táo đỏ" đã hạ Constantinople và tiêu diệt Đế quốc Đông La Mã (đế quốc đương thời đang cai trị bao trùm phần đất Hy Lạp), lấy lại vùng Tiểu Á khi xưa, đồng thời bành trướng sâu vào Đông Nam Âu. Lịch sử trần gian vốn là một cuộc luân hồi oan oan tương báo như vậy. “Trái táo đỏ” lúc này chính là thể hiện cho sự lấn lướt của phương Đông với phương Tây. Và điều bất ngờ lớn hơn nữa ở đây là, phương Đông này không chỉ là rìa biên giới phía Đông của Châu Âu, mà thực sự còn xa hơn nữa, đến tận vùng văn hóa Trung Hoa.

Thực sự thì Ottoman và Thổ Nhĩ Kỳ mang nhiều yếu tố Trung Hoa hơn người ta vẫn tưởng. Người Ottoman kế thừa kinh nghiệm và kiến thức của tổ tiên phân bố ở khắp vùng trung gian Âu - Á, họ kế thừa Hung Nô, Đột Quyết, tiếp thu những điều được truyền bá trên con đường tơ lụa, và gần nhất là kế thừa Đế quốc Mông Cổ. Một minh chứng rõ ràng là cách Ottoman đặt tên địa danh theo Ngũ hành - kiến thức quen thuộc của vùng văn hóa Trung Hoa. Biển phía Bắc (hành Thủy) của Ottoman được gọi là Karadeniz - Biển Đen; biển phía Nam (hành Hỏa) được gọi là Kızıldeniz - Biển Đỏ; biển Địa Trung Hải phía Tây (hành Kim) được gọi là Akdeniz - Biển Trắng; biển Caspi phía Đông (hành Mộc) được các sách cổ gọi là Gökdeniz - Biển Xanh.

Các biển xung quanh Thổ Nhĩ Kỳ được đặt tên theo Ngũ hành. Nguồn: Ibrahim Balushi.

Câu chuyện táo vàng và táo đỏ của hiện tại

Vậy câu chuyện táo vàng và táo đỏ còn tiếp diễn ở thời hiện tại hay không? Câu trả lời dường như là có.

Kế thừa phương Tây trong câu chuyện này chính là nước Mỹ. Và một trong những biểu trưng của nước Mỹ chính là táo.

Nhân vật nổi bật trong việc khắc sâu trái táo vào văn hóa Mỹ là John Chapman (1774 –1845), hay còn được quen thuộc với cái tên Johnny Appleseed. Ông là một nhà truyền giáo của Tân giáo hội Swedenborgian, đồng thời là nhà tiên phong của công tác vườn ươm. Ông đã giới thiệu cây táo đến một vùng vô cùng rộng lớn bao gồm Pennsylvania, Ohio, Indiana, Illinois, Ontario và West Virginia ngày nay. Ông trở thành một huyền thoại của Mỹ ngay khi còn tại thế, nhờ cách cư xử tốt bụng, hào phóng, khả năng chỉ dẫn trong công tác bảo tồn, và còn bởi tầm quan trọng mang tính biểu tượng mà những trái táo của ông mang lại.

Đến ngày nay, món ăn nổi tiếng nhất, đại diện cho văn hóa quốc gia và được xuất hiện dày đặc trong đời sống xã hội Mỹ chính là bánh táo - “apple pie”.

Nhưng sau tất cả, chúng ta hẳn đều biết trái táo vàng lớn nhất của nước Mỹ là gì, phải, đó chính là Tập đoàn công nghệ Apple.

Vậy còn trái táo đỏ phương Đông? Câu trả lời lại cũng chính là Apple. Thực vậy, hơn 90% sản phẩm của Apple từ iPhone, iPad đến MacBoook được sản xuất bởi các nhà thầu tại Trung Quốc.

Hóa ra cuộc xung đột “táo vàng” và “táo đỏ” hiện tại được biểu hiện như thể cuộc xung đột nội bộ của một tập đoàn hàng đầu thế giới. Trong đó, “trái táo vàng” của nước Mỹ cho thấy sự thống trị thị trường, còn “trái táo đỏ” của Trung Quốc là sức mạnh mềm đáng sợ, luôn nhăm nhe trỗi dậy tiêu diệt 'kẻ thù phương Tây đáng ghét'.

Có thể nói phương Tây thực sự ít học được gì từ lịch sử. Lời cảnh báo dữ dội của Đế quốc Mông Cổ và Cái chết Đen từ phương Đông, sau đó là sự bành trướng của Ottoman với lá cờ đỏ có gắn tinh tượng bên trên, thậm chí trong Sách Khải Huyền đã nói rõ về con rồng khổng lồ màu đỏ, hiện thân của ác quỷ chống lại Thượng Đế - thế nhưng phương Tây vẫn không hề tỉnh ngộ. Chỉ đến khi Thương chiến Mỹ - Trung và Đại dịch Covid-19 nổ ra, họ mới loay hoay tìm cách chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và lên tiếng về thể chế của đất nước này. Dù sao thì muộn còn hơn không. Kết cục của cuộc xung đột “táo vàng” và “táo đỏ” này chính là kết cục của cuộc xung đột nội bộ, nội tâm của mỗi đất nước, mỗi tổ chức, mỗi con người. Có lẽ chúng ta đành phải đợi thời gian đưa ra câu trả lời cuối cùng.

Hữu Đức



BÀI CHỌN LỌC

Trái táo vàng phương Tây sa ngã và trái táo đỏ phương Đông hận thù