Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (12): Lần đầu biết địa ngục - phần 1

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lão Lục đang thò tay ra ngoài cửa để nhặt tàn thuốc lá, bỗng nghe thấy tiếng hét của cảnh sát thì toàn thân cứng đờ lại. Sự việc xảy ra quá đột ngột! Địa Bảo (người lau sàn) đang xếch quần đứng ở ngưỡng cửa, nay cũng sợ ngẩn người.

Anh Hàn chạy tới đon đả:

- Anh Cao!

- Này, đồ quỷ sứ!

Mãi đến lúc viên cảnh sát thốt ra lời này thì nỗi lo sợ của mọi người mới hạ xuống. Sau đó anh Hàn lại xin viên cảnh sát non nửa bao thuốc lá. Cảnh sát vừa rời đi, anh Hàn liền ngồi xuống phủi sạch đầu mẩu thuốc lá rồi quay người đón nhận những lời tâng bốc của bạn tù.

Tôi hỏi:

- Ba bảo vật mà tôi đoán ban nãy có đúng không?

Anh Hàn vẫy tay ra hiệu cho Lão Lục tiết lộ đáp án kinh điển. Ba bảo vật đó là: Ngủ, thuốc lá, và đại tiện!

Thì ra, không có thêm bánh bao thì cũng không chết đói, không có tiền hay giấy vệ sinh thì cũng có thể chịu được qua ngày. Nhưng nếu cấm bạn ngủ thì sẽ khiến bạn bị giày vò đến chết. Ban đêm bắt bạn phải trực ban, bạn sẽ không thể ngủ. Ban ngày bắt bạn ra hầu tòa, bạn cũng không thể ngủ. Liên tục ba ngày như thế bạn sẽ ngã gục. Điều này còn lợi hại hơn cả tra tấn và bức cung. Năm ngày liền đều như thế, cho dù không gây thương tích nhưng lại có thể giết chết người! Huống hồ ngủ và nằm mộng vẫn là lạc thú lớn nhất trong nhà giam, do đó, bảo vật đầu tiên chính là “ngủ”.

Lại nói, quản giáo kiếm tiền dựa vào việc bán thuốc lá. Họ lợi dụng việc cấp phát thuốc lá để quản lý tù nhân, quản chắc thuốc lá rồi thì có thể khiến phạm nhân phải ngoan ngoãn nghe lời. Do đó, “cây pháo nhỏ” (thuốc lá) chính là bảo vật thứ hai.

Hơn nữa, Lao đầu trong các phòng giam chỉ cho phép phạm nhân hai ngày đại tiện một lần, có phòng giam ba ngày một lần, còn có phòng là bốn ngày một lần. Họ khiến bạn phải thèm thuồng nhìn cái bồn cầu, cố nén nhịn cái bụng đang căng phồng mà không được phép bài tiết ra, dần dà sẽ khiến bạn chẳng còn chút bình tĩnh nào. Họ lợi dụng kế này để trấn áp tù nhân, bạn không muốn phục tùng thì cũng phải phục tùng. Do đó, bảo vật thứ ba chính là “đại tiện”.

Lời giải thích của anh Hàn khiến tôi tâm phục khẩu phục. Thường nghe người ta nói: “Quản trời quản đất, quản sao được chuyện đi ngoài”, nhưng ĐCSTQ thì ngay cả điều này cũng quản, do đó việc đại tiện đã trở thành một thứ quyền quý giá của con người.

***

Sau bữa tối, các phạm nhân được tự do hoạt động trong phòng. Anh Hàn đánh bài ở tấm ván phía trước, còn nhóm người trên tấm ván phía sau thì chơi cờ tướng. Tiểu Long giảng giải điều gì đó cho Tiểu Tứ Xuyên, còn Địa Bảo thì chăm chú lắng nghe. Tôi cũng ngồi nhích lại để nghe, thì ra những gì Tiểu Long nói đều là đạo làm người.

Lúc 6 giờ 30 phút tối, TV được bật lên. Mọi người xếp thành ba hàng hướng mặt về phía màn hình. Ngồi đằng trước là Tính Bệnh, tôi ngồi kề sát Tiểu Long, còn “Liễu nhi gia” (các phạm nhân có địa vị cao trong tù) thì tiếp tục đánh bài ở phía sau.

Mọi người vẫn đang xem tin tức, đột nhiên thấy tiếng loa phóng thanh gào lên: “Ném bài ra cho tao!”

- Đây là Lưu Sở Nhi!

Anh Hàn giải thích, nhưng giọng nói lại sợ sệt đến mức lạc cả đi.

“Có nghe thấy không hả?”, chiếc loa phóng thanh lại hét lên, những người ngồi phía sau đều chết lặng.

Tiểu Long quay người ra rồi thu lại các lá bài Poker, sau đó bước xuống ván và ném bài ra ngoài cửa. Cậu quay lại vừa định bước lên ván thì…

“Đứng yên ở đó!” - tiếng loa phóng thanh lại gầm lên khiến không khí trong phòng đông cứng lại.

“Ơ? Đây chẳng phải Tiểu Long sao?” - giọng nói trong loa phóng thanh bỗng dịu lại.

Tiểu Long khẽ cười không nói lời nào.

“Tiểu Long, cậu lên cân hơn rồi đấy. Đợi tôi kiểm tra các lớp xong thì hai chúng ta lại nói chuyện nhé!” - loa phóng thanh vang lên một tiếng rồi tắt phụt.

Mọi người thở phào nhẹ nhõm, cũng không quên khen ngợi Tiểu Long. Tiểu Long kể rằng khi cậu tuyệt thực, Lưu Sở Nhi đã đến nói chuyện với cậu vài lần, hai người chuyện trò rất tâm đầu ý hợp. Tiểu Long thực sự đã làm rất tốt, tôi tự thấy mình cần phải học hỏi cậu ấy nhiều, phải nỗ lực hơn nữa để có thể dung nhập vào xã hội thu nhỏ này.

Nhóm anh Hàn không xem TV mà ngồi nói chuyện phiếm giải sầu. Tôi nhất thời không tìm ra điều gì để nói, nhưng một tờ báo cũ đã thu hút sự chú ý của tôi. Toàn trang là bài báo cáo về vụ nổ Thạch Gia Trang năm 2001. Một người đàn ông tên là Cận Như Siêu đã dùng thuốc nổ phá hủy các tòa nhà tại năm địa điểm khác nhau, tổng thời gian chỉ hơn 40 phút, động cơ gây án là để trả thù cá nhân. Theo báo cáo, Cận Như Siêu đã mua 575 kg thuốc nổ từ một xưởng sản xuất ở Hà Bắc, sau đó lại mua thêm 50 kíp nổ và 20 ngòi nổ từ một công nhân khai thác đá. Cuối cùng, Cận Như Siêu trở về Thạch Gia Trang và gây án.

Vụ khủng bố này từng làm chấn động thế giới, khi còn ở Hương Cảng tôi đã đọc bài báo chuyên sâu trên Báo Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post). Đến hôm nay tôi mới có dịp xem báo cáo trong nước… Chao ôi, những gì viết trong đó làm người đọc hiểu sai hết cả! Tôi nghĩ mọi người sẽ cảm thấy hứng thú nên đã mạnh dạn lên tiếng:

- Anh Hàn, anh có biết vụ nổ Thạch Gia Trang này không? [1]

- Còn hơn cả biết ấy chứ, ở đây có người nhà của ‘liệt sĩ’ đó!

Thì ra, gia đình Địa Bảo từng trú tại tòa nhà số 16, xã khu Miên Tam, Thạch Gia Trang, đây cũng là một trong các tòa nhà bị phá hủy. Hồi ấy Địa Bảo vẫn còn làm thuê ở Bắc Kinh, đến khi về nhà thì toàn cảnh hiện trường khiến cậu ta choáng váng. Toàn bộ tòa nhà đã bị san phẳng! Bố mẹ cậu ở nhà bà ngoại nên may mắn thoát nạn, nhưng ông bà nội và hai nữ khách thuê nhà đều thiệt mạng.

Tôi nói:

- Những báo cáo chính thống của Trung Quốc trước sau không nhất quán, năm vụ nổ, một tòa lầu bị đánh sập có định hướng, vậy mà trên báo chí chính thống lại viết là “bốn vụ nổ, 108 người thiệt mạng”. Lại có trang báo viết là 168 người thiệt mạng…

- Vô lý! Tòa nhà của chúng tôi đã bị san phẳng hoàn toàn! (Địa Bảo làm thế tay vung xuống và nói). Báo chí nói là tòa nhà chúng tôi chỉ có 93 người chết, nhưng ai tin? Đó là ký túc xá cho công nhân viên chức, tất cả các phòng đều đã có người thuê kín cả rồi…

Anh Hàn xem bài báo và nói với tôi:

- Vừa mới bắt hung thủ được hơn 30 ngày đã xử bắn, như thế có khác nào giết người diệt khẩu không?

Tôi bình luận:

- Người bán thuốc nổ và làm thuốc nổ đều bị xử bắn, còn người bán ngòi nổ thì xử tử hình treo...

- Các đồng phạm trong vụ án này đều không thể sống sót.

- Anh Hàn không biết đấy thôi, đó là bán cho hắn ta từ một năm trước. Người bán là công nhân khai thác đá, đã từng nói với họ Cận là chỉ bán cho mục đích nổ đất. Vậy người này phạm tội gì chứ? Phán quyết lần thứ nhất là tử hình, phán quyền lần hai là cho hưởng án tử hình treo.

Thấy mọi người đều quan tâm, tôi nói tiếp:

- Bi thảm nhất là người bán thuốc nổ. Chồng cô ấy bị liệt 10 năm rồi, cô còn phải chăm sóc hai cụ già và nuôi nấng hai cô con gái nhỏ, một mình gánh nợ trên lưng. Sau này cô mới bước vào làm thuốc nổ kiếm kế sinh nhai. Đây là loại thuốc nổ dùng để mở núi khai thác đá, nhưng chính quyền không có ai quan tâm. Cô ấy vừa mới học nghề thì gặp họ Cận này, cô cũng nói là chỉ bán cho mục đích khai thác đá và đã bán hơn 900 tệ. Vậy mà vẫn phải chịu tử hình! Còn người nông dân cung cấp phân bón hóa học Amoni Nitrat (NH4NO3) để làm thuốc nổ cũng không tránh khỏi án tử hình. Anh nói xem, nếu có kẻ cầm dao thái rau giết người, thì chẳng lẽ người bán dao thái rau và người rèn sắt cũng phải chịu tội đồng lõa hay sao? Họ giúp cảnh sát phá án, nhưng lại bị cảnh sát bắt đi. Còn chính quyền, rõ ràng họ biết đó là cơ sở sản xuất thuốc nổ, vì sao trước đây không ai quản đến?

Địa Bảo nói thêm vào:

- Vụ án này không được phá giải hoàn toàn, chính là giết người diệt khẩu! Cả ba nơi còn lại đều là cố ý đánh nổ, tôi không tin một kẻ thất học lại làm được điều này.

Một người nói giọng Đường Sơn lên tiếng:

- Cũng có khả năng đây không phải là vụ nổ định hướng. Các công trình đậu phụ có ở khắp nơi, hễ nổ là gây chấn động, tòa nhà xây không đạt tiêu chuẩn rồi sẽ hỏng mà.

Địa Bảo góp lời:

- Chỉ 45 phút mà có thể cho nổ ở năm địa điểm khác nhau sao? Nửa đêm lái xe chạy một mạch 45 phút cũng không đến được! Họ Cận này lại còn phải lái xe nữa cơ mà.

Tôi nói:

- Vụ án này nếu xảy ra tại Mỹ, các anh đoán xem tòa án sẽ phán xét thế nào?

Mọi người đều đều sôi nổi phấn khích, tôi nói tiếp:

- Rất nhiều bang ở Mỹ không có án tử hình, nếu xử thì họ Cận chỉ bị tù chung thân. Còn nếu ở bang có án tử hình, tôi nhớ có bang 50 năm mới phán một án tử hình, hung thủ gây khủng bố làm chết gần 150 người. Nếu phán quyết ở bang đó, họ Cận cũng sẽ bị tử hình, nhưng các “đồng phạm” của anh ta – ví dụ như người bán thuốc nổ và ngòi nổ – thì đều được coi là vô tội. Mặc dù vậy, vẫn còn bốn đối tượng khác cùng bị khởi tố: Thứ nhất, cảnh sát giám sát và khống chế tù nhân sẽ bị phán có tội, vì đã xao nhãng nhiệm vụ. Thứ hai, cảnh sát Vân Nam cũng bị phán có tội, vì sau khi họ Cận giết Vy Chí Hoa họ đã không phát lệnh truy nã, cũng không truy bắt hung thủ. Thứ ba, cảnh sát trị an cũng bị phán là có tội, bởi vì họ Cận vận chuyển thuốc nổ suốt đêm mà không ai quản. Thứ tư, thị trưởng với nhiệm vụ giám sát và quản lý cũng bị phán là có tội, vì để cho cơ sở chế tạo thuốc nổ tự do hoạt động mà không ai quản. Những người này tiêu tiền thuế của dân mà không làm việc cho dân, nhân dân sẽ không tha thứ cho họ. Còn nếu như đó là công trình đậu phụ, vậy thì người xây dựng tòa nhà, người gọi thầu cũng phải ngồi lao. Trung Quốc gán tội cho một người dân vô tội, thực là trò cười trên trường quốc tế.

Anh Hàn nói:

- Này thì “đặc sắc Trung Quốc”! Cứ như thể ĐCSTQ coi 108 mạng người là không còn gì để nói, nên cứ thẳng tay giết thêm vài thường dân cho hả giận.

Tôi tiến thêm một bước hỏi:

- Các anh đoán xem, nếu ở Mỹ thì còn truy cứu thêm ai nữa?

- Thị trưởng và cục trưởng cục công an?

- Khẳng định là thế! Ngoài ra, còn phải khiển trách các kênh truyền thông và phê bình báo chí, truyền hình. Bởi vì các kênh truyền thông không đưa tin về vụ sát nhân trước kia của Cận Như Siêu, như thế rất vô trách nhiệm đối với người dân.

Tôi thấy mọi người vẫn chưa hiểu rõ ràng, liền tiếp tục giải thích:

- Giả sử cảnh sát chưa phát lệnh truy nã. Ngay sau khi họ Cận gây án mạng, lập tức ảnh nghi phạm sẽ lên báo và truyền hình, vậy chẳng phải sẽ khởi được tác dụng của lệnh truy nã sao? Toàn quốc đều biết mặt hung thủ, hễ hắn về quê cũ liền sẽ bị bắt, như thế cũng chẳng thể gây ra vụ nổ nào sau đó nữa. Liệu hắn còn dám vận chuyển thuốc nổ ở khu dân cư của mình nữa không? Vì sao truyền thông phương Tây cứ mãi đưa tin về các vụ án hình sự? Là vì truyền thông phải có trách nhiệm với người dân. Hễ án mạng xảy ra thì việc đầu tiên là cần nhắc nhở mọi người đề cao cảnh giác, chú ý an toàn, có ý thức phòng bị. Nhưng báo chí của Trung Quốc chỉ tập trung vào quá trình phá án, báo cáo có tính chọn lọc, trước khi đăng tải phải được bên trên phê chuẩn mới được. Do đó, tỷ lệ phạm tội ở Mỹ thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Danh mục ngồi tù ở Trung Quốc nhiều vô kể, nào là câu lưu (tạm giữ), câu dịch (tạm giam), lao giáo (lao động cải tạo)... Ở Trung Quốc những hình thức tù giam này đều không tính là phạm tội, do đó đều không thống kê số liệu. Các vụ án lớn mỗi ngày ít nhất một vụ, án mạng cũng càng ngày càng nhiều…

Một phạm nhân nói xen vào:

- Nhưng không thể đăng những bản tin như thế được, nếu vậy chẳng phải sẽ khiến dân chúng sợ hãi sao? Xã hội sẽ loạn mất.

- Vì đăng tin tức mà thiên hạ đại loạn? Trái lại, báo chí nói sự thật thì người dân thích đọc báo, dân chúng sẽ tin tưởng vào chính phủ, xã hội có thể loạn sao? Báo chí nói sự thật, nạn tham ô hối lộ có thể ngông cuồng lộng hành được sao? Trái lại, xã hội sẽ an định. Các anh thử nghĩ xem, Cận Như Siêu đã giết người tận một tuần trước khi thực hiện vụ nổ, vậy mà cảnh sát không hề đưa ra lệnh truy nã! Quan viên sợ ảnh hưởng đến “hình thế tốt đẹp”, ai cũng nhắm mắt làm ngơ. Tôi thấy trên trang báo này viết: Năm phút sau tiếng nổ đầu tiên, đội phòng cháy chữa cháy liền đến, họ nhìn nhận đây là vụ nổ khủng bố. Ngay cả kẻ ngốc cũng biết đây không phải là nổ khí gas. Thế mà cảnh sát lại không giới nghiêm thành phố. Lúc ấy đưa ra lệnh giới nghiêm là điều rất hợp lý: ngoài đường giới nghiêm để điều tra hung thủ, trong khu dân cư giới nghiêm để ngăn không cho hung thủ chạy trốn. Như thế, sẽ tránh được những vụ nổ tiếp theo. Vậy mà họ lại không giới nghiêm, để hung thủ hết lần này đến lần khác gây nổ, dân chúng hết phen này đến phen khác mất mạng. Những vụ nổ này đáng lẽ đều có thể tránh được mà, phải không?

Anh Hàn bình luận:

- Ổn định áp đảo tất cả! Giới nghiêm rồi thì động tĩnh quá lớn, ảnh hưởng đến ổn định, do đó họ không phát lệnh giới nghiêm, bất chấp tính mạng của dân đen con đỏ.

Địa Bảo căm phẫn nói:

- Nghe anh nói như vậy tôi mới hiểu ra, trước kia tôi từng phục cảnh sát vì họ phá án quá thần tốc, nào ngờ đâu…

Tôi nói:

- Cậu xem tờ báo này, họ viết như thể chính quyền đã vận động cảnh sát toàn quốc tham gia phá án, mục đích là tuyên truyền rằng họ có trách nhiệm với dân – để nhân dân cảm kích họ; rằng họ quan tâm đến thiên tai thảm họa – để thân quyến của nạn nhân cảm ân đại đức của họ. Họ còn mở tiệc ăn mừng, thậm chí tranh giành công lao để che đậy tội trạng của bản thân. Nếu điều này xảy ra ở Mỹ, chính quyền lừa dối dân chúng như thế, nhân dân sẽ phản ứng ngay.

Anh Hàn nói:

- Họ còn gọi dân chúng là nhân dân sao? Đều là nô tài của chính quyền cả!

Tiểu Long lên tiếng:

- Không đúng! Dân chúng ở Trung Quốc được gọi là ‘chủ nhân của quốc gia'.

Anh Hàn nói với tôi:

- Chú em người Mỹ ạ, anh không ngờ chú em cũng “phản Hoa” ra phết đấy.

- Phản đối ĐCSTQ không phải là phản Hoa, chỉ trích nạn tham nhũng cũng không bằng như phản đối ĐCSTQ.

- Chí lý! Muốn yêu nước thì cần phải phản đối ĐCSTQ…

“Bỏ xuống!” - đột nhiên một tiếng hét vang lên trong đường thông đạo.

Một phạm nhân đeo xiềng xích lật đật cúi xuống, ngồi dang hai chân ra ở cửa phòng giam, ba viên cảnh sát đến giũ giũ xiềng xích rồi rời đi.

(Còn tiếp)

Theo Diệp Quang - Epoch Times
(Đăng lại từ Broad Press Inc)
Minh Tâm biên dịch

Chú thích:

[1] Theo các báo cáo chính thức tại Trung Quốc, diễn biến vụ nổ Thạch Gia Trang theo trình tự thời gian như sau:

(1) Ngày 9/3/2001, Cận Như Siêu giết Vy Chí Hoa tại nhà riêng ở huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam rồi bỏ trốn. Cha mẹ Vy Chí Hoa đã báo cảnh sát, nhưng cảnh sát địa phương không có động thái truy tìm kẻ sát nhân. Cận Như Siêu đã để lại tên thật của mình trong các khách sạn và chuyến bay ở Côn Minh, Thiên Tân và những nơi khác, nhưng cảnh sát vẫn không truy đuổi.

(2) Từ 4h16 đến 5h01 sáng ngày 16/3, năm vụ nổ lớn tại các địa điểm khác nhau lần lượt xảy ra.

(3) Ngày 18/3, người chế tạo chất nổ khai thác đá là Vương Ngọc Thuận bị bắt.

(4) Ngày 20/3, người bán thuốc nổ là Hác Phụng Cầm bị bắt.

(5) Ngày 23/3, Cận Như Siêu bị bắt ở Bắc Hải, Quảng Tây.

(6) Ngày 31/3, Viện Kiểm sát chính thức bắt giữ Cận Như Siêu. Theo thủ tục bắt giữ thông thường, công an sẽ điều tra trong 6 tháng trước khi đưa nghi phạm lên Viện Kiểm sát.

(7) Ngày 18/4, Tòa án Nhân dân kết án tử hình Cận Như Siêu, Vương Ngọc Thuận, Hác Phụng Cầm và Hồ Hiểu Hồng (là công nhân nhập cư tại nhà máy khai thác đá). Bản án thông thường sẽ được Viện kiểm sát điều tra từ 3 đến 9 tháng, đối với sơ thẩm là thêm 2 tháng nữa.

(8) Ngày 29/4, phiên tòa thứ hai của Tòa án Tối cao giữ nguyên án tử hình đối với Cận, Vương và Hác, trong khi đó thay đổi hình phạt của Hồ từ tử hình thành án tử hình treo.

(9) Ngày 29/4, Cận Như Siêu bị xử tử ngay sau phiên tòa thứ hai.



BÀI CHỌN LỌC

Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (12): Lần đầu biết địa ngục - phần 1