Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (18): Điềm xấu - Thẩm vấn giữa đêm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôi đang ngủ thì bị lay dậy, bên tai có tiếng giục giã: “Đã đến giờ xét hỏi!”. Chỉ một câu nói nhưng lại khiến tất cả tế bào toàn thân tôi sợ hãi. Tôi hoảng hốt bật ngay dậy, vội vàng mặc thêm áo và quần dài rồi lật đật nhấc đôi giày vải lao ra cửa.

Vừa mới xỏ giày và đi được hai bước thì… “Bốp!”. Tôi theo bản năng che đầu bên phải, thì ra là viên cảnh sát vung chiếc chìa khóa lớn đập vào đầu tôi.

Tôi lại đi hai bước nữa, bỗng… “Bụp!”. Tôi lại giơ tay che kín đầu bên trái, bối rối dừng lại một chút: Cớ sao lại đánh tôi?

Viên cảnh sát hét lên: “Không cho ngươi hai cái bạt tai thì nhà ngươi không biết ôm đầu mà đi à?”.

Đến lúc này tôi mới hiểu ra: Là vì tôi đã quên mất quy định ở đây! Tôi giơ hai tay lên, lòng bàn tay “an ủi” hai bên đầu theo đúng tư thế chuẩn hai tay ôm đầu của tù nhân. Viên cảnh sát này thật là lão luyện, chỉ cần tung ra hai cú là đủ khiến người ta phải ôm đầu, quả đúng là “độc môn tuyệt kỹ” chốn lao tù!

Bất chợt… “Păng!”, anh ta tung một cú đá đạp tôi bổ nhào về phía trước, đầu gối tựa hồ như không còn sức lực nữa, tôi ngã “bịch” một cái sõng soài trên mặt đất.

“Không đá một cái thì nhà ngươi không biết đi à?” - cảnh sát nói rồi lạnh lùng bước qua.

Tôi sợ lại bị đánh lần nữa nên đành cắn răng bò dậy, ôm đầu tiến về phía trước. Khuỷu tay phải trầy da chảy máu, màu đỏ lấm tấm trên áo nhưng cũng thôi đành, không còn đoái hoài đến nữa.

Đến lúc này tôi mới nhớ lại lời căn dặn của Tiểu Long, nếu như cẩn thận mặc bộ quần áo đủ dài rộng thì có thể đã không phải chịu cú đánh này. Bộ quần áo này chỉ liếc qua đã biết là kẻ nghèo khổ mượn y phục mặc tạm rồi.

Đến đầu đường thông đạo tôi ngồi xuống báo danh: “Báo cáo trưởng ban, Phương Minh phòng số 7 khu 10 xin được thẩm án”.

“Vào đi!”

Tôi ôm đầu đứng dậy, đi men theo đường thông đạo trung tâm hướng ra ngoài. Các phạm nhân đi dự thẩm và trở về, người qua kẻ lại như thoi đưa, nối theo nhau thành dòng chảy dài bất tận. Xem ra, ở chốn lao ngục này ban đêm “nhân khí” vẫn còn rất vượng. Tôi ngồi phía sau vài phạm nhân, phía trước là cánh cửa lớn, hai bên trái phải là lối vào khu số 1 và số 2. Ở lối vào khu số 2 tôi thấy có một nữ phạm nhân đang ngồi riêng một góc, không cùng hàng ngũ với các phạm nhân nam.

(Hình minh họa: Broad Press Inc)

“Xin chào, Tiểu Vương!”. Vừa ra khỏi cánh cửa sắt, tôi mở miệng chào theo thói quen rồi bất chợt cảm thấy lúng túng khó xử – Người ta là chủ còn tôi là nô, tôi còn có thể chào hỏi như thế này được sao?

Tiểu Vương hàn huyên với tôi thêm một câu rồi áp giải tôi về phía trước. Hành lang mờ mịt sâu hun hút, đôi chỗ thắp vài ngọn đèn mờ như ma trơi. Chúng tôi đi được một đoạn rồi lại quành vào một hành lang khác dài u ám, bên trái là cửa sổ nhìn ra cái sân tối om om, bên phải là phòng ốc giống như nơi làm việc. Chúng tôi bước vào một căn phòng lớn đã mở toang cửa.

Đây là phòng hội nghị, diện tích gấp bốn lần phòng thẩm vấn lúc trước. Bàn thẩm vấn ở bên phải, còn bên trái là một vòng ghế sofa bằng gỗ lim, họ Lưu nằm trên đó hút thuốc, còn tôi ngồi xuống chiếc ghế đôn tròn đặt ở giữa. Chiếc ghế đôn vẫn còn ấm, hẳn là Dương Nghĩa vừa mới bị thẩm vấn ở đây.

“Minh Phương”, họ Lưu nói, “Tôi mệt rồi, nếu tôi nằm đây tán gẫu cùng anh thì không vấn đề gì chứ?”

Tôi quay lại, lưng hướng về phía Tiểu Vương, mặt đối diện với họ Lưu, nỗi căng thẳng trong lòng nay cũng được thư giãn một chút.

Họ Lưu phì phèo nhả khói: “Dương Nghĩa thế là quá xui xẻo rồi, không may lại gặp phải ông chủ như anh, ôi, làm sao đây?”

Tôi nói: “Ông ấy đã gặp phải chuyện gì? Ông ấy chỉ chấp hành theo kế hoạch chứ không cần chịu trách nhiệm gì”.

“Vậy… nói như thế thì tất cả đều là trách nhiệm của anh sao?”

Tôi nghĩ vì đây không phải cuộc thẩm vấn chính thức nên cũng không cần quá đề phòng. Tôi đáp: “Chuyện này nếu truy cứu sâu hơn thì không phải lỗi của Dương Nghĩa. Nhưng tôi nghĩ là, trong nước có nhiều bệnh viện đến vậy đều cần đến loại thuốc thử này của tôi, nếu anh là tôi, anh có thể không cung ứng sản phẩm không? Mang hàng vượt biên, luận về tình thì cũng là điều có thể châm chước được”.

“Pháp luật không kiện toàn, điều hợp lý thì không hợp pháp, việc hợp pháp thì lại không hợp tình, vốn đã là như thế, vậy phải làm sao đây?” - Họ Lưu tỏ ra đồng cảm, muốn giúp mà không có cách nào.

“Liệu trước tiên có thể thả Dương Nghĩa ra không? Ông ấy trên có cha mẹ già, dưới có con nhỏ, hơn nữa việc này cũng không quan hệ gì đến ông ấy”.

“Này, anh thật là trượng nghĩa đấy! Thả ông ta ra rồi thì để anh cáng đáng hết à?”

“Tôi… Nếu phải nộp tiền phạt thì mình tôi gánh cũng không có gì to tát cả”.

“Nên là việc của ai thì người ấy gánh, còn như xử lý thế nào thì đó là chuyện của lãnh đạo cấp trên, chúng tôi chỉ gắng hết sức nghĩ cách giúp anh, đúng không nào?”

Sao hôm nay họ Lưu bỗng nhiên lại biến thành người khác thế nhỉ? Bỗng nhiên lại thông tình đạt lý đến như thế? Tôi cảm tạ lia lịa trong lòng.

Họ Lưu nói: “Dương Nghĩa nói với tôi rằng ông ta chỉ là một “phụ xe”, làm công ăn lương, anh bảo ông ta làm gì thì ông ta làm nấy, là như thế phải không? Hay là ông ta lại giở trò trí trá?”

Tôi nghĩ một chút rồi đáp: “Cũng gần như vậy, ông ấy được thuê để làm tổng giám đốc, chỉ là người làm công, chính là như vậy”.

“Dương Nghĩa nói rằng ông ta còn oan ức hơn cả Đậu Nga! Ông ta chỉ là kinh doanh những gì mà anh mang đến, việc nhập khẩu thứ hàng này không liên quan gì tới ông ta, đúng không? Cần xuất hóa đơn thì ông ta xuất hóa đơn, những gì ghi chép trên giấy tờ thuế liên quan đến việc kinh doanh đều chính xác, việc trốn thuế cũng không quan hệ gì với ông ta, phải không? Anh mang đến thứ gì thì ông ấy bán, phải không? Nếu nói như vậy thì Dương Nghĩa không phạm pháp”.

“Là như vậy, ông ấy không làm gì sai: một là không buôn lậu, hai là không trốn thuế. Các anh thả ông ấy ra là coi như xong!”

“Anh tưởng rằng tôi muốn bắt các anh, nửa đêm bỏ giấc ngủ ngon để ở đây đùa giỡn với các anh à? Bắt người rồi thả người, nói sao dễ thế?”

Tôi đoán là có thể gia đình đã gửi tiền rồi, nếu không thì họ Lưu này sao lại lập tức biến thành người văn minh như vậy được chứ! Tôi bèn nói: “Các anh đã biết ông ấy vô tội, vậy không thả thì còn giam giữ làm gì?”

“Nếu Hải quan mà do nhà anh lập ra thì đã xong rồi! Bản án đã lập ra rồi, lãnh đạo cũng phê duyệt rồi, rút lại nào có dễ dàng gì?” - Họ Lưu vứt đầu mẩu thuốc lá xuống trước chân tôi, suýt chút nữa khiến tôi bị bỏng.

Tôi lập tức giẫm chân lên, “con châu chấu” này (ý chỉ đầu mẩu thuốc lá) to quá, nhặt lên thôi! Hả, tôi định làm cái gì đây? Tôi mang thân phận gì chứ? Ở tù mới chỉ có mấy ngày, những chuyện nghe quen tai nhìn quen mắt đã khiến tôi thành kẻ “biến thái” rồi sao? Tôi vội vàng rút lại ý định của mình.

Tiểu Vương mang cho tôi cốc nước và bầu không khí lại dịu xuống. Sau khoảng nửa giờ trò chuyện, họ Lưu tóm lại rằng: “Chỉ cần anh có thái độ tốt, tôi sẽ nói đỡ giúp anh với lãnh đạo”.

Tôi cũng thẳng thắn đáp: “Được, chỉ cần có thể ra ngoài thì cần tôi phối hợp thế nào cũng được”.

“Được”, họ Lưu ngáp một cái. “Hai giờ rồi, Tiểu Vương, chúng ta cũng ngủ sớm đi thôi”.

Tiểu Vương đặt bản ghi chép xuống trước mặt tôi khiến tôi giật bắn mình! Hai chúng tôi chỉ mới trò chuyện phiếm vài câu mà cũng ghi biên bản sao?!

Tờ biên bản bút tích qua loa, nét chữ như phóng bút viết nhanh, mặc dù nội dung ghi chép là cuộc trò chuyện ban nãy nhưng gần như toàn bộ đều đã bị chỉnh sửa theo hình thức như một bản khai cung. Bản khai cung thực chất là cắt câu lấy nghĩa, bóp méo nguyên ý hòng biến tôi thành kẻ cố ý phạm tội, hơn nữa còn công khai nhận tội! Trong đó có đoạn:

Hỏi: Dương Nghĩa nói việc vượt biên trốn thuế đều là việc của anh, phải không?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Dương Nghĩa nói: Anh ta chỉ là làm công ăn lương ở chỗ anh, anh bảo anh ta làm gì thì anh ta làm đó, phải không?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Dương Nghĩa nói: Anh ta chỉ kinh doanh những thứ anh mang đến, việc nhập khẩu số hàng này không có quan hệ gì với anh ta?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Dương Nghĩa nói: Anh mang đến thứ gì thì anh ta bán, anh ta không làm sai, là như thế sao?

Đáp: Đúng, anh ta không có lỗi, một là không buôn lậu, hai là không trốn thuế.

Hỏi: Xử phạt anh thì anh có nhận không?

Đáp: Tôi nhận.

Đây chẳng phải là ép tôi gánh tất cả tội rồi sao? Đây chẳng phải là cạm bẫy đó sao?

Tôi hỏi: “Đây chỉ là ngồi tán gẫu nhàn đàm mà cũng làm biên bản sao?”

Anh ta bình tĩnh nhìn tôi. “Đều phải ghi chép lại chứ, nếu không chúng tôi làm cái gì đêm nay? Dù sao cũng phải có gì trình báo với cấp trên chứ”.

“Các anh… đây chẳng phải là đổ hết lỗi cho tôi sao?” - tôi cảm thấy thật khó tin tưởng gã tiểu nhân này.

“Đó không phải đều là những lời anh vừa nói hay sao? Lấy ra cho tôi xem”. Anh ta xem lại tờ biên bản một lượt. “Đây không phải đều là điều anh nói với tôi sao?”

“Điều này…” - tôi có miệng mà không thể cãi… Đó xác thực đều là điều tôi nói, nhưng ai biết phía sau đang ghi chép lại? Tôi hỏi ngược lại: “Vậy các anh chỉ chọn những lời tôi gánh trách nhiệm để ghi chép sao?”

Anh ta cười: “Chẳng phải là anh muốn để Dương Nghĩa ra trước sao? Thế thì phải có người gánh trách nhiệm chứ”.

“Điều này…”

“Chẳng phải anh muốn nộp tiền phạt sao?”

“Đúng vậy”.

“Tiền phạt chẳng phải đều do anh trả sao?”

“Đúng vậy”.

“Nếu nộp phạt thì anh phải gánh trách nhiệm, nếu định tội anh mà không để anh gánh trách nhiệm, thì nào đâu có điều lệ như thế?”

“Tôi…”

“Thái độ của anh tốt hơn chút nữa, chúng tôi sẽ có lời với lãnh đạo giúp anh, đạt được kết quả tốt nhất. Còn nếu như thái độ của anh không tốt, thì chúng tôi làm gì đây?”

“Có thể đạt được kết quả thế nào?”

“Tôi là lãnh đạo sao? Nếu tôi là lãnh đạo, có thể giữa đêm hôm khuya khoắt ở đây đùa vui với anh à?”

Tôi thực sự không còn gì để nói nữa rồi. Thấy anh ta xoa dịu như thế, tôi nghĩ có lẽ anh ta cũng hoàn toàn không có ác ý gì, có thể là người nhà tôi đã đưa tiền rồi. Tôi nhìn Tiểu Vương cầu cứu, nhưng cậu ta không có bất cứ biểu cảm gì.

Gã họ Lưu lại ngáp. “Đều dựa vào ý tứ anh nói mà viết ra, thế thì có gì chứ? Chính là ghi chép lại lời nói, thật tốn sức mới ghi được tờ biên bản này”.

Tôi do dự, nhớ lại lời Tiểu Long dặn dò: Xin gặp luật sư và tìm ngài Đại sứ Mỹ trước đã, nếu không thì đừng cho họ bất cứ lời khai nào. Điều này… ai chà, thật làm khó cho tôi quá đi.

“Anh có ký hay không?”

Câu nói lạnh lùng ấy khiến tim tôi đập thình thịch, tôi né tránh: “Khi nào tôi mới được gặp luật sư?”

“Luật sư đề nghị với tôi, tôi phê chuẩn rồi thì có thể gặp mặt”.

“Hả? Còn phải để anh phê chuẩn sao?”

“Đương nhiên rồi!”

“Vậy khi nào tôi mới có thể gặp ngài đại sứ Mỹ?”

“Anh viết đơn xin rồi chúng tôi gửi lên trên, phê chuẩn xong sẽ được gặp” - anh ta nói rất nhẹ nhàng.

“Giờ tôi có thể viết được không?”

“Đã mấy giờ rồi chứ? Chúng tôi cho anh giấy và bút, anh mang về mà viết, viết xong thì giao cho tôi” - anh ta tiếp tục ngáp.

Tiểu Vương mang giấy bút đến. Tôi thấy họ không có ác ý, hơn nữa cũng không muốn chọc giận họ, mong sớm được gặp luật sư và ngài đại sứ, lại càng mong họ sẽ đỡ lời với lãnh đạo… Lòng tôi đầy nghi hoặc, nhưng vẫn đành cam chịu ký vào tờ khẩu cung. Ký tên xong, tôi cầm giấy bút quay về phòng giam.

Tôi vừa đi vừa nghĩ: Quay về rồi mình sẽ phải giải thích thế nào với Tiểu Long đây? Những điều cậu ấy căn dặn, mình đều chẳng làm được gì, nếu như lần này lại mắc bẫy thì còn hơn cả bị mất mặt, rồi mình sẽ bị đẩy đến vực sâu…

“Rầm” một tiếng, cánh cửa lớn đóng lại. Tôi đột nhiên nghĩ ra, nếu lúc này tôi quay lại nhìn ánh mắt Tiểu Vương đúng vào lúc cậu ta không phòng bị, thì có lẽ có thể phát hiện được sự thật gì đó. Tôi quay đầu lại nhìn, nhưng Tiểu Vương đã sớm đi rồi, vậy mà tôi vẫn còn tưởng cậu ta đang áp giải tôi qua đường kẻ vàng. Xem ra, đây không phải là cách tiễn đưa một người bạn!

“Nhìn cái gì mà nhìn! Muốn ăn đòn hử?” - viên cảnh sát trong cánh cửa lớn tiếng mắng chửi.

Tôi vội vàng ôm đầu lết đi...

(Còn tiếp)

Theo Diệp Quang - Epoch Times (Đăng lại từ Broad Press Inc)
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (18): Điềm xấu - Thẩm vấn giữa đêm