Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (7): Lần đầu biết địa ngục - Tiểu Long

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lạch cạch, lạch cạch, tiếng chìa khóa vang lên. Bước vào phòng là một chàng trai trạc hai mươi tuổi, vóc dáng trung bình, dù chỉ mặc áo may ô trắng và chiếc quần đùi rộng nhưng rất có phong thái. Cậu một tay vén áo, một tay cầm giày, khéo léo lách qua khe hở giữa các bạn tù bước vào trong.

Cậu thiếu niên vừa hướng dẫn tôi khi nãy cất tiếng nói:

- Tiểu Long, anh lại hoằng Pháp cho ngài quản giáo đấy à?

- Chớ nói vậy, quản giáo ngộ tính rất cao, cũng không kém các cậu đâu.

Tiểu Long tiến đến xỏ vào đôi giày vải rồi ném chiếc áo lên đống chăn ở góc tường. Cậu nói:

- Lão Lục à, chú cứ ngủ đi, để anh trực ban thay chú cho.

- Cảm ơn anh Long, ông bạn mới đến này vẫn chưa biết nội quy, cũng chưa làm biên bản ghi chép gì.

Lão Lục vừa nói vừa chỉ vào tôi rồi trèo lên đống chăn.

Tiểu Long nhìn tôi rồi hỏi:

- Anh mới đến à? Anh lại đây, ngồi xuống đi.

Cậu ta rút ra một tấm bìa các-tông và đặt trên mặt xi măng của bồn tiểu. Tôi chào hỏi vài câu khách khí. Tiểu Long lại kéo tôi ngồi xuống bên cạnh khiến tôi cảm thấy ấm áp trong lòng. Không ngờ đã rơi vào chốn này rồi tôi vẫn còn được gặp người tốt.

Tiểu Long thấy tôi ôm đầu gối chân phải và nhoẻn miệng cười, liền hỏi:

- Sao vậy? Anh bị viêm khớp à? Để tôi bôi cho anh một ít tương ớt nhé, có hiệu nghiệm lắm đấy.

Cậu ta bảo tôi xắn ống quần lên, với tay lấy chiếc túi từ cái giá gỗ trên bồn rửa rồi nặn ra một ít tương ớt bôi lên đầu gối của tôi và xoa xoa. Tôi thấy đầu gối nóng bừng lên, cảm giác khá là dễ chịu.

- Anh thấy thế nào rồi?

- Cảm ơn, cậu tên là Tiểu Long à?

- Tôi là Long Chí Bình, anh cứ gọi tôi là Tiểu Long. Anh đoán xem vì sao tôi lại vào đây?

Cậu ta cười một cách bí hiểm, còn tôi thì chỉ biết lắc đầu.

- Tôi là học viên Pháp Luân Công, đã bị họ bắt ba lần rồi.

Tôi ngạc nhiên hết sức.

- Học Pháp Luân Công mà cũng nghiêm trọng vậy sao?

- Những sinh viên luyện Pháp Luân Công ở Đại học Thanh Hoa chúng tôi gần như đều vào đây, mà không phải chỉ một lần! Hễ kêu oan cho Pháp Luân Công, họ liền liệt vào hàng tội phạm.

Tôi tỏ ra gần gũi nói:

- Dì hai nhà tôi cũng luyện Pháp Luân Công, làm việc ở Viện Khoa học Quân sự. Tôi không hiểu học viên Pháp Luân Công các cậu cho lắm, nhưng thấy dì ấy như thế nào thì tôi cũng đoán các cậu là người tốt, còn những thứ tuyên truyền trên truyền hình thì tôi không tin.

- Những lời bịa đặt không tồn tại được lâu. Khi tôi vừa mới đến, trưởng ban quản giáo cho là ông ấy sẽ cứu tôi, nhưng sau khi nói chuyện với tôi, tới nay ông ấy lại nói là may mắn đã được tôi cứu, cứ dăm ba ngày ông ấy lại đưa tôi ra ngoài trò chuyện. Giờ thì không còn ai nói Pháp Luân Công là xấu nữa.

Tiểu Long nói xong liền vẫy tay về phía trước. Một phạm nhân tên là Cư Sĩ đến ghi chép hồ sơ về tôi thay cho ngài quản giáo. Khi biết tôi là người Mỹ, họ ngạc nhiên “Ồ” lên một tiếng, hai mắt tròn xoe, khiến tôi trong phút chốc biến thành động vật quý hiếm trong lao tù.

Tiểu Long nói:

- Người ngoại quốc không mấy khi bị giam giữ tại đây… Trừ phi anh cũng mắt xanh mũi lõ giống như anh chàng Canada ở khu đằng trước, nếu không thì khó có thể tin rằng anh là người Mỹ!

Lời của Tiểu Long lập tức làm tôi bừng tỉnh! Ài, rất có khả năng là như thế. Tôi vừa mới nhập tịch vào Mỹ, chứng minh thư vẫn như cũ, danh thiếp cũng không thay đổi. Khi bị bắt tôi không mang theo hộ chiếu, hễ tôi nói mình là người Mỹ thì họ liền lớn tiếng mắng chửi, chưa biết chừng họ lại tưởng tôi lừa họ cũng nên!

- Anh vừa mới đến đây, lại chưa hiểu cuộc sống trong này, tôi sẽ nghĩ cách giúp đỡ anh.

- Thật cảm ơn cậu quá!

Cuối cùng tôi cũng cười được một cái. Tiểu Long hỏi tiếp:

- Anh đã mời luật sư chưa?

- Người thẩm vấn nói họ sẽ thông báo cho gia đình tôi để họ tự đi mời.

- Anh phải nhanh chóng viết bưu thiếp mới được.

- Tôi vừa mới viết rồi, tôi nhắn người nhà gửi tiền sinh hoạt phí cho tôi.

“Đứng lên!”, một phạm nhân trực ban ở trước cửa vẫy tay, đội trực ban liền đứng cả dậy. Tiểu Long lấy mũ của tôi đội lên đầu mình và ra hiệu cho tôi chớ cử động. Tôi nghe thấy tiếng bước chân từ xa tới gần, thì ra là cảnh sát đi tuần. Cảnh sát liếc mắt vào trong phòng giam và chỉ tay vào tôi rồi hỏi:

- Gì đây?

- Là người mới đến, đang cần dạy nội quy.

- Tiểu Long, hãy tẩn cho hắn một trận!

Các phạm nhân trực ban đều cười khiến cho tôi không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. Một lát sau cảnh sát lại quay lại, họ đi ngang qua phòng giam mà không tra xét gì thêm nữa.

Cảnh sát đi rồi, đội trực ban lại ngồi xuống. Tiểu Long nói đây gọi là “cảnh sát lượn lờ”. Nguyên là, ở đầu đường có một cái đèn, cứ 15 phút lại sáng lên một lần, do vậy cứ sau 15 phút cảnh sát trực ban lại phải đến đó tắt đèn, thuận tiện ngó vào từng phòng giám sát. Các tù nhân đếm số chuyến đi của cảnh sát và gọi đó là “số lượn”.

Tôi nhờ Tiểu Long giúp tôi phân tích vụ án của mình, đúng lúc đang thì thầm to nhỏ thì người mặc thường phục từng áp giải tôi lúc trước bước vào phòng.

Quả nhiên anh ta là Đại lao đầu. Đại lao đầu vừa vào phòng, đội trực ban liền chạy đến cởi áo cho anh ta. Tiểu Long cũng đến nói với Đại lao đầu rằng tôi là người Mỹ khiến anh ta vô cùng ngạc nhiên. Tiểu Long nói:

- Anh Lan, vị này vừa mới nhập tịch vào Mỹ, lúc bắt anh ta cảnh sát đều không biết, tôi đoán chừng anh ấy sẽ không ở lại đây lâu.

Lao đầu đằng hắng một tiếng:

- Như thế nhằm nhò gì, anh bạn người Canada ở khu phía trước bị giam ở đây gần 3 năm rồi đấy!

Anh ta cởi chiếc quần lót ném vào chỗ trực ban, những người trực ban lập tức lấy chiếc quần lót sạch, hai tay dâng lên cho Lao đầu.

- Anh ta đã viết bưu thiếp rồi, có nên để anh ta trực ban nữa không?

Lao đầu lấy tấm bưu thiếp ra xem xét và gật đầu:

- Được, Tiểu Long, vậy cậu sắp xếp cho anh ta đi ngủ đi.

- Anh Lan, anh ta muốn mời luật sư, muốn viết thêm một câu vào bưu thiếp.

- Viết thêm vào đi.

Thì ra nội quy ở đây thật rườm rà, mọi việc lớn nhỏ đều phải xin chỉ thị của ông lớn.

Ngoài cửa vang lên tiếng bước chân, đội trực ban lại lập tức đứng dậy. Cảnh sát vừa mới đi qua. Người trực ban ở phía trước cởi mũ và vẫy tay gọi:

- Đổi ca!

Chiếc mũ vàng lại được chụp lên đầu một nhóm khác, Lão Lục cũng trèo xuống khỏi đống chăn và quay lại nằm ngủ.

Đống chăn cũng là nơi Tiểu Long thường nằm ngủ. Cậu ta lật một cái gối lên, bên trong vỏ gối đều là quần áo. Cậu rút ra một chiếc áo ba lỗ và chiếc quần đùi rộng rồi nói với tôi:

- Ngày mai anh cứ mặc bộ này vào, sẽ không có ai dám bắt nạt anh nữa.

- Thật cảm ơn cậu quá.

Tiểu Long giải thích rằng: thông thường tù nhân mới đến đều phải trực ca đêm liên tục ba ngày không ngủ, ấy là vì người ta muốn khiến anh ngã gục để dễ bề thẩm vấn.

Tiểu Long mời tôi lên đống chăn cùng nằm, tôi thoái thác không được, liền giẫm lên vách ngăn trèo lên nằm trên đống chăn ấy. Xộc lên mũi tôi là thứ mùi mốc meo hôi hám, lại có vị chua chua của mồ hôi. Đống chăn cao hơn giường một mét, rộng khoảng 70cm nhưng chỉ dài có 1,4m. Tôi phải nằm co quắp không thể duỗi chân ra được.

Tiểu Long lại lấy chiếc mũ vàng của một phạm nhân đang đứng trực ban. Anh ta há miệng ngáp và cảm ơn rối rít rồi lên giường đi ngủ, nhưng không còn chỗ nào để ngả lưng xuống nữa.

Anh ta liền tìm cách tách hai phạm nhân ra để lấy chỗ nằm. Hai bạn tù này ngực người nọ dính chặt vào lưng kẻ kia, nằm vừa khít với nhau hoàn toàn không thể tách ra được. Anh chàng kia bèn nghiêng mình, ấn mông lên xương hông của hai người ấy, sau đó lại xoay xở đặt chân vào chỗ giữa vai của hai người, một tay chống giữa chân rồi vặn mông ấn xuống dưới, khiến cả hai người kia đều tỉnh dậy.

Anh ta luồn trước lách sau cả lúc lâu cũng không thể ních ra được khoảng trống nào, chật chội là thế nhưng xem ra vẫn không dám nhích đến chỗ Đại lao đầu.

“Á!”, hai người đồng thanh kêu lên rồi lập tức cong người sang hai bên.

Phịch! Ai da!

Một phạm nhân nói:

- Tao nổi cả nhọt rồi đây này!

Hai phạm nhân nằm bên dưới nhích ra quá nhanh khiến mông của anh chàng ở trên rơi phịch xuống ván giường. Đội trực ban thấy náo nhiệt liền che miệng cười nhưng vẫn không dám cười ra tiếng, có vẻ họ đều sợ làm Lao đầu thức dậy.

- Mày bảo chỗ nào có nhọt chứ?

- Nói bậy! Tôi không nói như thế. Hai anh có thể nhích ra cho tôi một chỗ để nằm có được không?

Anh ta lại vặn vẹo một hồi, mãi mới chen chân được vào khe hở giữa ngực và lưng của hai người kia. Phù, cuối cùng vấn đề cũng được giải quyết.

Tôi hỏi Tiểu Long:

- Cậu cứ trực ban thay họ như vậy, thế cậu làm gì?

- Tôi thuộc về “trường hợp quản lý đặc biệt”, tôi không bị yêu cầu phải trực ban nhưng tôi vẫn thay họ, đổi lại khi tôi luyện công thì họ sẽ đứng gác cho tôi.

- Cậu đến đây bao lâu rồi?

- Tôi đã ở đây tầm một tháng. Trước đó tôi từng luân chuyển qua bảy khu giam giữ trong nửa năm rồi lại luân chuyển trở lại đây, cách nay khoảng mười tháng rồi.

- Bảy chỗ cơ à?

- Chính là ở Trại tạm giam thành phố Bắc Kinh – Phân trạm thứ bảy. Những vụ án lớn, vụ án quan trọng, và những vụ án hơn 15 năm đều được xét hỏi ở đó. “Đại đội bảo vệ an ninh quốc gia” do lão Giang (Giang Trạch Dân) mới thành lập cũng đóng ở đó, đấy là đơn vị chuyên môn chỉnh đốn Pháp Luân Công.

- Tiểu Long, cậu xem vụ án của tôi…

- Trước tiên anh hãy ngủ đi, anh nên dưỡng sức giữ tinh thần để mai này còn ra tòa. Tôi sẽ suy nghĩ giúp anh, ngày mai chúng ta lại nói chuyện tiếp.

Có người để tin cậy và nương nhờ như thế, lại nghĩ cách giúp tôi như thế, từ nay tôi cũng có thể an tâm được rồi. Lăn lộn cả một ngày cũng thấm mệt, vậy nên vừa mới thư giãn một chút tôi liền chìm vào giấc ngủ.

Pháp Luân Công ngồi kiết già thế nào
Một động tác trong bài Công pháp số 5 của Pháp Luân Công. (Ảnh qua Facebook)

Đến khi mở mắt ra, tôi thấy Tiểu Long đang ngồi bắt chéo chân dựa vào tường, hai cánh tay dang sang hai bên như cánh chim trông rất đẹp mắt. Sau này tôi được biết đó là một động tác trong bài công pháp thứ năm của Pháp Luân Công. Trong tâm tôi không khỏi cảm thán: Đó chính là sức mạnh của tín ngưỡng, sức mạnh của niềm tin!

Hồi còn ở Mỹ, những người bạn Cơ Đốc giáo từng kể cho tôi câu chuyện các tín đồ Cơ Đốc chịu nạn, lúc ấy tôi chỉ nghe như gió thoảng bên tai. Đến nay đặt mình vào hoàn cảnh mà xét, tôi thấy tín ngưỡng quả thực quá diệu huyền...

(Còn tiếp)

Theo Diệp Quang - Epoch Times
(Đăng lại từ Broad Press Inc)
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (7): Lần đầu biết địa ngục - Tiểu Long