Trung Quốc phủ nhận việc chi hàng triệu USD cho Nauru để cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh đã lên tiếng phủ nhận việc chi tiền cho quốc đảo Thái Bình Dương Nauru để cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Trong một thông báo bất ngờ, chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, Nauru tuyên bố họ cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo dân chủ này, đồng thời cho biết trong một tuyên bố rằng Đài Loan là “một phần không thể chuyển nhượng của lãnh thổ Trung Quốc”.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan tự trị là lãnh thổ của mình.

Hãng thông tấn Trung ương (CNA) của Đài Loan, dẫn lời một quan chức Đài Loan giấu tên, đã đổ lỗi cho quyết định đột ngột này là do Nauru không hài lòng về khoản thiếu hụt 125 triệu USD do chính phủ Úc cắt giảm hoạt động tại các trung tâm giam giữ người xin tị nạn trên đảo.

Sự thay đổi này khiến Đài Loan chỉ còn được 12 quốc gia công nhận về mặt ngoại giao, trong đó có 3 quốc đảo ở Thái Bình Dương.

ĐCSTQ: ‘Không có động cơ thầm kín, không có động cơ tài chính’

Phát biểu trước báo giới, Đại sứ Trung Quốc tại Úc, Tiếu Thiên (Xiao Qian) đã phủ nhận việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra bất kỳ động cơ tài chính nào cho Nauru, đồng thời nói rằng nước này "hoàn toàn độc lập" và quyết định của họ là do "sự đồng thuận ngày càng tăng trong cộng đồng quốc tế rằng trên thế giới này chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc”.

Ông tuyên bố ĐCSTQ “không có động cơ thầm kín” và các quan chức Úc đã được thông báo về các hoạt động của Bắc Kinh trong khu vực, đồng thời khẳng định đây là một “loại mối quan hệ minh bạch… thân thiện”.

Tại Bắc Kinh, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ vẫn tỏ ra thiếu minh bạch khi được hỏi về vấn đề này, đồng thời từ chối tiết lộ số tiền đã chi ra để thuyết phục Nauru thay đổi lòng trung thành.

Bà nói: “Đây là một quyết định được đưa ra bởi Nauru với tư cách là một quốc gia có chủ quyền. Nó cho thấy nguyên tắc một Trung Quốc là nơi mà dư luận toàn cầu hướng tới và là nơi mà vòng cung lịch sử uốn cong”.

Bắc Kinh vào cuộc để bịt lỗ hổng tài chính của Nauru

Bộ Ngoại giao Đài Loan đã bày tỏ “sự tiếc nuối sâu sắc” trước quyết định của Nauru và cáo buộc Bắc Kinh trả đũa việc ông Lại Thanh Đức mới đắc cử Tổng thống, đồng thời nói rằng điều này thể hiện “một thách thức trực tiếp đối với trật tự quốc tế”.

Hãng thông tấn CNA cũng cho biết chính phủ Đài Loan cảm thấy không đủ khả năng bù đắp khoản thiếu hụt từ nguồn tài trợ của Úc và đã không đáp ứng yêu cầu viện trợ của Nauru. Trong khi đó, Bắc Kinh đồng ý vào cuộc bằng các biện pháp khuyến khích tài chính, cho phép nước này “phục kích” Đài Loan.

“Trong nhiều năm, Đài Loan đã thúc đẩy các dự án hợp tác ở Nauru nhằm mang lại lợi ích cho sinh kế của người dân và hỗ trợ sự phát triển chung của Nauru. Tuy nhiên, Nauru đã bị Trung Quốc cám dỗ và coi thường sự hỗ trợ cũng như tình hữu nghị lâu dài từ Đài Loan, tiến hành đàm phán với Trung Quốc về việc thiết lập quan hệ ngoại giao”, tuyên bố viết.

Chuyên gia: Thất bại ngoại giao

Ông Mark Harrison, giảng viên cao cấp về Trung Quốc học tại Đại học Tasmania (Úc), nói với tờ Australian Financial Review rằng động thái của Nauru làm suy yếu nỗ lực của chính phủ Đảng Lao động của Thủ tướng Albanese nhằm chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Thái Bình Dương.

Ông tiếp tục nói: “Có thể đặt câu hỏi về mức độ hiệu quả của chính sách ngoại giao của chính phủ [Úc] ở Thái Bình Dương do những tác động đối với an ninh khu vực”.

Nauru là một yếu tố then chốt trong bộ máy giam giữ người xin tị nạn ngoài khơi của Úc và trước đây nước này chỉ trích thẳng thắn ĐCSTQ. Năm 2018, Nam tước Divavesi Waqa của Cộng hòa Nauru đã mô tả một đại diện ngoại giao Trung Quốc là “rất xấc xược” và “kẻ bắt nạt”.

Chính phủ Úc đã biết trước về quyết định của Nauru

Mặc dù Úc đã được khuyên nên chờ đợi phản ứng từ Bắc Kinh đối với cuộc bầu cử ở Đài Loan, người ta cho rằng điều này có thể xảy ra dưới hình thức các lệnh trừng phạt hoặc các cuộc tập trận quân sự.

Ông Pat Conroy, Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc tế và Thái Bình Dương của Úc, cũng cho biết Nauru đã thông báo trước cho Canberra về quyết định của mình, đồng thời nhấn mạnh rằng quyết định này “không phải là một cú sốc” và Nauru, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, có toàn quyền quyết định.

Úc cũng đã cố gắng giảm thiểu tác động của việc cắt giảm tài trợ.

Trước đợt cắt giảm gần đây, Úc đã chi cho Nauru 458 triệu USD. Chính phủ Úc cho biết 350 triệu USD hiện đã được phân bổ ngân sách để duy trì hoạt động của các trại giam giữ người xin tị nạn, mặc dù hiện tại những trại này gần như trống rỗng.

Ông Conroy cũng tuyên bố “không có cuộc đàm phán nào” về việc viện trợ để duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Nauru từng là một trong những quốc đảo Thái Bình Dương giàu có nhất với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người cao nhất thế giới nhờ khai thác phốt phát sinh lợi.

Tuy nhiên, sự lãnh đạo chính trị yếu kém và sự thiếu minh bạch trong việc xử lý tất cả các nguồn vốn đã khiến nền kinh tế của đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn khi nguồn tài nguyên phốt phát cạn kiệt.

Kể từ đó, chính phủ đã cố gắng tìm những cách mới để tạo doanh thu, bao gồm thông qua ngân hàng nước ngoài và cho Úc thuê mặt bằng để giam giữ người xin tị nạn ở nước ngoài.

Phe đối lập Úc yêu cầu Đảng Lao động giải thích toàn bộ sự việc

Trong khi đó, phát ngôn viên đối ngoại của phe đối lập Simon Birmingham đã kêu gọi chính phủ Đảng Lao động giải thích chính xác những gì đã xảy ra.

“Như các nguồn tin cho thấy, nếu các vấn đề xung quanh nguồn tài trợ gắn liền với cơ sở giam giữ người nhập cư Úc là yếu tố chính, thì điểm mấu chốt là chính phủ Thủ tướng Albanese phải minh bạch về mọi cuộc thảo luận trong vấn đề này với các quan chức Nauru và những chi tiết về bất kỳ khoản thanh toán nào mà Trung Quốc yêu cầu hoặc đã chi cho Nauru”, Thượng nghị sĩ Birmingham nói.

“Điều này liên quan đến lợi ích an ninh của Úc ở Thái Bình Dương và cần được tiết lộ một cách thích hợp”.

Ông Conroy không bình luận ngay nhưng tuyên bố rằng chính phủ ông Albanese nhìn chung đã đạt được "sự cải thiện đáng kể" trong quan hệ Thái Bình Dương.

ĐCSTQ đã thành công trong việc thay đổi lòng trung thành của nhiều đồng minh của Đài Loan ở Thái Bình Dương, trong đó Quần đảo Solomon và Kiribati đều công nhận yêu sách của Bắc Kinh đối với Đài Loan vào năm 2019. Chỉ có Quần đảo Marshall, Palau và Tuvalu là tiếp tục công nhận Đài Loan trong khu vực.

Động thái của Nauru đặc biệt gây nhức nhối đối với Úc, nước tài trợ viện trợ nước ngoài lớn nhất cho hòn đảo này, với ngân sách 46,1 triệu USD trong năm tài chính này.

Quốc đảo này cũng sử dụng đồng đô la Úc làm đơn vị tiền tệ và là quốc gia duy nhất coi bóng đá theo luật Úc là môn thể thao quốc gia.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc phủ nhận việc chi hàng triệu USD cho Nauru để cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan