Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng 7,2% báo hiệu 'ý đồ' gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc vừa công bố mức tăng ngân sách quốc phòng 7,2% cho năm 2024, cùng với việc nhấn mạnh mục tiêu thống nhất với Đài Loan. Đáng chú ý, cụm từ "hòa bình" trước đây thường được sử dụng để mô tả phương thức thống nhất đã bị loại bỏ khỏi tuyên bố lần này, làm dấy lên lo ngại về tham vọng quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.

Vào ngày 5/3, trong phiên họp thường niên "Lưỡng hội" của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Thủ tướng Lý Cường của Quốc vụ viện Trung Quốc đã trình bày Báo cáo công tác chính phủ năm 2024. Đây cũng là báo cáo công tác chính phủ đầu tiên của ông kể từ khi trở thành thủ tướng Trung Quốc.

Báo cáo nêu rõ ngân sách quốc phòng quốc gia năm 2024 của Trung Quốc sẽ tăng 7,2% lên 1,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 225 tỷ USD).

"Lưỡng hội" là hội nghị toàn thể thường niên của hai viện lập pháp mang tính đại diện của Trung Quốc: Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp toàn quốc) và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại). Năm nay, "Lưỡng hội" diễn ra tại Bắc Kinh vào các ngày 4/3 và 5/3, với sự tham dự của các đại biểu do ĐCSTQ bổ nhiệm trong cuộc họp kéo dài 8 ngày.

Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn

Ông Diêu Trình (Yáo Chéng), cựu Trung tá Hải quân Trung Quốc hiện cư trú tại Hoa Kỳ, cho biết trong chương trình "Pinnacle View" rằng báo cáo công tác của chính phủ Trung Quốc mới đây đã công bố mức chi tiêu quân sự cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, con số do Nhân Đại công bố chỉ mới là chi phí hoạt động của lực lượng vũ trang. Thực tế, chi tiêu quân sự của Trung Quốc còn cao hơn nhiều và bao gồm hai khoản chi bổ sung khác.

Ông Diêu nói: "Một trong những khoản chi bổ sung không được tính trong ngân sách là cung cấp viện trợ quân sự cho các nước khác, chẳng hạn như viện trợ vũ khí cho Iran, Bắc Triều Tiên và Nga”.

Khoản chi bổ sung thứ hai là chi phí cho lực lượng cảnh sát vũ trang, tức là Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAP). Lực lượng này có hơn 1 triệu nhân viên, 5.000 khu quân sự cấp tỉnh và phân khu quân sự, cùng 8 triệu quân dự bị. Lực lượng này được coi là một phần của lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Theo ông Diêu Trình, ngân sách quân sự chính thức của Trung Quốc không phản ánh đầy đủ chi tiêu quốc phòng thực tế.

Ông cho biết: "Về lý thuyết, các khoản chi cho cảnh sát vũ trang, lực lượng vũ trang địa phương và lực lượng dự bị địa phương nên được tính trong ngân sách quân sự quốc gia. Tuy nhiên, hiện tại chúng được coi là chi tiêu địa phương và không được tính vào ngân sách này".

Ông Diêu ước tính tổng chi phí cho ba khoản này lên tới 5 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương gần 700 tỷ USD.

Tuy nhiên, Ông Diêu cũng nhấn mạnh rằng chi phí quân sự của Trung Quốc tiết kiệm hơn so với Mỹ.

Ví dụ, nhân công và vật liệu ở Trung Quốc rẻ hơn đáng kể. Chi phí đóng một tàu chiến ở Trung Quốc chỉ bằng 50-60% so với Mỹ. Do đó, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), chi tiêu quân sự thực tế của Trung Quốc có thể cao hơn Mỹ.

Ngoài ra, ông Lý Quân, một nhà sản xuất truyền hình độc lập người Trung Quốc đang cư trú tại Mỹ, cho biết trong chương trình "Pinnacle View" rằng chi tiêu quân sự của Trung Quốc có xu hướng tăng khi nền kinh tế đi xuống và bất ổn xã hội gia tăng.

Vào những năm 1950, chi tiêu quân sự của Trung Quốc chiếm tới 50-60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Con số này vẫn ở mức cao trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Tuy nhiên, chi tiêu quân sự của Trung Quốc giảm đáng kể vào năm 1978 khi lãnh đạo ĐCSTQ thực hiện chính sách "cải cách và mở cửa" để phát triển kinh tế.

Một nhóm thanh niên Trung Quốc đi ngang qua các "đại tự báo" (áp phích tuyên truyền cách mạng) trong thời kỳ "Cách mạng Văn hóa Vĩ đại" ở trung tâm Bắc Kinh, tháng 2/1967. (Ảnh: Vinvent/AFP/Getty Images)
Một nhóm thanh niên Trung Quốc đi ngang qua các "đại tự báo" (áp phích tuyên truyền cách mạng) trong thời kỳ "Cách mạng Văn hóa" ở trung tâm Bắc Kinh, Trung Quốc, vào tháng 2/1967. (Ảnh: Vinvent/AFP/Getty Images)

Ông Lý Quân nhận định rằng, trong thời điểm bất ổn kinh tế và bất mãn xã hội gia tăng, ông Tập Cận Bình cần phải ổn định tinh thần của quân đội. Nếu cắt giảm chi tiêu quân sự vào thời điểm này, quân đội có thể lo ngại về ngân sách tương lai, gây bất lợi cho vị trí lãnh đạo của ông Tập.

Bên cạnh yếu tố nội bộ, các yếu tố bên ngoài cũng góp phần thúc đẩy Trung Quốc liên tục gia tăng chi tiêu quân sự. Trung Quốc muốn duy trì vị thế quân sự vững chắc ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Phần lớn chi tiêu quân sự được đầu tư vào hiện đại hóa vũ khí, tập trung nhiều hơn vào Không quân và Hải quân. Điều này cũng khiến các nước láng giềng của Trung Quốc là Nhật Bản và Đài Loan phải tăng đáng kể chi tiêu quân sự để đối phó.

Những xung đột tiềm tàng trong khu vực

Ông Diêu Trình cho rằng việc báo cáo của chính phủ không đề cập đến thống nhất hòa bình với Đài Loan là bởi ĐCSTQ đã đi đến thống nhất rằng khả năng thống nhất hòa bình là không cao. Do đó, phương thức thống nhất duy nhất có thể là thông qua can thiệp quân sự. Điều này dẫn đến chương trình nghị sự quân sự đơn nhất của ĐCSTQ.

Về Biển Đông, ông Diêu cho rằng xung đột giữa Trung Quốc và Philippines sẽ bị hạn chế bởi việc Trung Quốc sắp ký Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) với các nước lân cận. Biển Đông là khu vực mà hầu hết các nước xung quanh đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc xung đột với Philippines, họ sẽ mất uy tín về COC.

Do đó, Trung Quốc hy vọng duy trì hiện trạng ở Biển Đông bằng cách thiết lập COC. Nhìn chung, ĐCSTQ sẽ không công khai hung hăng trong giai đoạn này. Thay vào đó, họ sẽ sử dụng lực lượng Kiểm ngư và tàu cá để đối đầu với Philippines, nhằm duy trì áp lực hiện tại lên các nước láng giềng trong khu vực.

Biển Đông: Thách thức an ninh và sự đối đầu Mỹ - Trung

Theo bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hong Kong của The Epoch Times, tranh chấp Biển Đông chưa đến mức leo thang thành xung đột quân sự. Lý do là bởi Trung Quốc đang áp dụng chiến lược gia tăng áp lực dần dần, đặc biệt là lên Philippines.

Trong khi đó, Philippines hiện có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, và nếu tình hình leo thang, có thể dẫn đến sự can thiệp của Mỹ.

Bà Quách cho biết những hành động xâm nhập gần đây của Hải cảnh Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) của Philippines và quần đảo Kim Môn của Đài Loan không chỉ đơn thuần là hoạt động của lực lượng cảnh sát biển.

Bởi vì từ năm 2018, Hải cảnh Trung Quốc đã trực thuộc Ủy ban Quân sự Trung ương của ĐCSTQ. Điều này cho thấy các sự cố đối đầu gần đây đều do quân đội ĐCSTQ dàn xếp trực tiếp và là một phần trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc nhằm gia tăng áp lực lên Philippines và Đài Loan ở Biển Đông.

Ông Thạch San, cây viết kỳ cựu của tờ Epoch Times ấn bản tiếng Trung, cho biết Mỹ không chỉ tập trung vào việc đối phó với lực lượng Hải cảnh Trung Quốc mà còn hướng đến việc sẵn sàng đối đầu với toàn bộ Hải quân Trung Quốc.

Do đó, Mỹ liên tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên vùng biển quanh Philippines cùng các đồng minh như Anh, Úc, Nhật, Ấn Độ, thậm chí có cả sự tham gia của tàu chiến từ Pháp và Đức.

Biển Đông có thể trở thành "thùng thuốc súng" lớn nhất thế giới trong tương lai, bởi vì đây là tuyến đường giao thương quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của khu vực.

Ông Thạch San kết luận rằng, tầm quan trọng của Biển Đông ngày nay có thể sánh ngang với vai trò của Địa Trung Hải thời Đế chế La Mã. Bởi vì, quốc gia nào kiểm soát được Biển Đông cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát một tuyến đường giao thương huyết mạch, mang lại lợi thế kinh tế và quân sự đáng kể.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng 7,2% báo hiệu 'ý đồ' gì?