Trùng trùng ma nạn (1): Một đêm đầu bạc trắng, Ngũ Tử Tư vượt ải

Giúp NTDVN sửa lỗi

(Trích thuật) Cha của Ngũ Tử Tư bị Sở Bình Vương tống ngục, anh trai của Ngũ Tử Tư biết rằng nếu về gặp cha mình sẽ bị chết cùng cha, nhưng anh vẫn trở về kinh đô, lấy việc chết cùng cha để làm tròn đạo hiếu. Nhưng dặn em trai rằng hãy trả thù để tận hiếu với cha. Thế là Ngũ Tử Tư rời Sở sang đất Tống. Ngũ Tử Tư phải hoàn thành ba việc để trả thù cho cha và anh trai mình. Thứ nhất, có thể thoát khỏi nước Sở; thứ hai, có thể huy động quân đội của nước khác; thứ ba, có thể đánh bại quân đội nước Sở. Vậy làm thế nào ông thực hiện được ba điều này?

Khi Ngũ Tử Tư đến Tống, nhà Tống xảy ra nội loạn, các đại thần và quốc quân hỗn loạn đánh nhau, dẫn đến việc quân Sở được mời sang nhà Tống. Điều này rất nguy hiểm cho Ngũ Tử Tư, vì vậy ông và Thái tử Kiến rời nhà Tống đi về phía bắc để nương nhờ nước Trịnh. Thủ đô của nước Trịnh hiện nay là thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, vì vậy đường trốn chạy lần này là từ Thương Khâu ở phía nam tỉnh Hà Nam đến Trịnh Châu.

Lúc này, Thái tử Kiến đã có một con trai với thiếu nữ nước Tề, tên là Công tử Thắng. Ba người Thái tử Kiến, Công tử Thắng và Ngũ Tử Tư chạy trốn đến nước Trịnh.

Vị trí địa lý của nước Trịnh rất khó khăn, phía bắc là nước Tấn, một nước chư hầu rất hùng mạnh. Nước Tấn lớn cỡ nào? Trong những năm đầu của thời Chiến Quốc, nước Tấn được chia thành ba nước - Hàn, Triệu và nước Ngụy, ba nước này đều nằm trong số bảy quốc gia hùng mạnh thời Chiến Quốc. Tức là ngay cả sau khi nước Tấn bị chia thành ba phần, mỗi quốc gia vẫn hùng mạnh như vậy. Phía bắc của nước Trịnh là nước Tấn, còn phía nam là nước Sở.

Trịnh quốc nằm giữa Tấn và Sở. Nếu ngả sang Tấn thì nước Sở đến đánh; còn ngả về Sở thì bị Tấn chinh phạt, nên nước Trịnh ở vào thế bị kìm kẹp giữa hai nước lớn.

Khi Ngũ Tử Tư đào thoát sang Trịnh, vào đúng lúc quốc quân Trịnh Định Công có quan hệ rất tốt với nước Tấn, nhưng quan hệ với nước Sở lại không tốt lắm. Quốc vương vừa thấy Thái tử Kiến đến nương nhờ, đã đối xử rất tốt, cho ở trong một nhà khách sang trọng, ban cho rất nhiều tiền, cùng đồ ăn uống ngon lành. Ba người định cư ở nước Trịnh, đó là vào năm 522 TCN.

Nhưng nước Trịnh rất nhỏ, căn bản không thể xuất binh đánh Sở, lại luôn bị Sở tấn công. Có lần, Trịnh Định Công bàn bạc với Thái tử Kiến:

Khanh thấy đấy, nước Trịnh nhỏ thế, không thể báo thù cho khanh được, cách duy nhất là cầu cứu nước Tấn. Nếu vua Tấn chịu xuất quân thì có thể có chút hy vọng báo thù.

Thế là Thái tử Kiến rời nước Trịnh sang nước tấn.

Khi đó, vua Tấn tên là Tấn Khoảnh Công, khi nhìn thấy Thái tử Kiến đến liền nảy ý đồ xấu. Ông ta nói với Thái tử Kiến: Nếu khanh sẵn lòng giúp ta làm nội ứng tiêu diệt nước Trịnh, ta sẽ phong cho khanh toàn bộ nước Trịnh, rồi khanh có thể tùy ý xuất binh.

Thái tử Kiến bị mê hoặc, hồ đồ đồng ý, quay về thảo luận việc này với Ngũ Tử Tư.

Ngũ Tử Tư nói rằng, điều này nhất định không được làm. Trước hết, Trịnh Định Công đối xử rất tốt với chúng ta, không có gì thất lễ, nếu ngài nghe theo lời Tấn Khoảnh Công, thì đó là điều trái đạo lý, sẽ phải chịu báo ứng. Điểm thứ hai là dù muốn cũng không thể làm được. Ngài nghĩ làm thế nào có thể giết vua của một quốc gia? Trong nước có rất nhiều sĩ phu, tướng lĩnh, đều bảo vệ nhà vua. Nếu giết nhà vua, họ sẽ giết ngài ngay lập tức. Việc này rất nguy hiểm, không thể thực hiện được.

Thái tử Kiến bị mê hoặc nên cứ nhất quyết làm, nên bắt đầu tiêu tiền để kết giao với văn thần võ tướng xung quanh Trịnh Định Công. Kết quả là âm mưu bại lộ. Sau khi Trịnh Định Công biết chuyện, ông ta đã tổ chức tiệc yến và giết Thái tử trong bữa tiệc. Thái tử Kiến đã tự chuốc lấy cái chết. Lúc đó Ngũ Tử Tư đang ở trong nhà khách, đột nhiên thấy sợ run người. Khi đó, ông vẫn đang ôm con của Thái tử Kiến là Công tử Thắng. Trực giác mách bảo ông rằng “Thái tử đang gặp nguy hiểm”. Lúc này, có người quay lại báo tin Thái tử Kiến đã bị giết.

Không thể chần chờ được nữa nên Ngũ Tử Tư ôm Công tử Thắng lên đường trốn chạy lần thứ hai. Nước duy nhất ông có thể đến bây giờ là nước Ngô.

Chúng ta biết rằng kinh đô của nước Ngô ở gần thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô ngày nay. Lúc đó nó không ở Tô Châu, vì lúc đó vẫn chưa có thành Tô Châu, mà ở gần đó. Ngũ Tử Tư hiện đang ở Trịnh Châu. Nếu bạn nhìn vào bản đồ, bạn sẽ thấy phải mất một chặng đường rất dài để đi từ Hà Nam đến Giang Tô. Đoạn giữa đi qua An Huy. Vào thời điểm đó dọc đường có rất nhiều nước nhỏ là chư hầu của nước Sở, họ coi nước Sở là nước bá chủ của mình và tuân theo mệnh lệnh của vua Sở. Vì vậy, mọi tiểu quốc đều có thể bắt Ngũ Tử Tư và đưa về Sở. Vì vậy, lần vượt thoát thứ hai rất khó khăn và nguy hiểm, đó là vào năm 519 TCN. Ngũ Tử Tư còn mang theo cậu bé Công tử Thắng, ông cũng sợ bị người khác bắt gặp nên đi suốt đêm, đêm đi ngày nấp.

Sau đó, ông đến một nơi ở phía bắc, ngày nay là huyện Hàm Sơn, tỉnh An Huy, tương đối gần hồ Sào Hồ. Nơi đây có hai ngọn núi cao vút đối diện nhau, ở giữa có một khe núi nhỏ. Để bắt Ngũ Tử Tư, vua Sở đã cho dựng cửa ải ở đó, gọi là ải Chiêu Quan. Một vị tướng trấn ải của quân Sở tên là Vĩ Việt được đặc biệt cử đến đó, dán một bức tranh vẽ Ngũ Tử Tư và thẩm vấn tất cả những người qua đường cả ngày lẫn đêm.

Bởi vì bọn họ đều biết rằng, nếu Ngũ Tử Tư muốn báo thù thì nơi duy nhất có thể đến là nước Ngô, muốn đến nước Ngô phải vượt qua ải Chiêu Quan, nên có thể nói họ đang đợi Ngũ Tử Tư ở Chiêu Quan.

Ông lão liền hỏi: Chẳng phải anh là Ngũ Tử Tư sao? (Tranh Bình Minh - NTDVN)

Cách Chiêu Quan sáu mươi dặm có núi Lệ Dương cây cối um tùm. Ngũ Tử Tư đưa Công tử Thắng vào nghỉ trong rừng cây một lát. Lúc này, có một ông lão đi tới, nhìn thấy Ngũ Tử Tư và Công tử Thắng, ông lão liền hỏi: Chẳng phải anh là Ngũ Tử Tư sao?

Ngũ Tử Tư rất lo lắng vì những người chạy trốn luôn sợ bị người khác nhận ra. Ông không trả lời trực tiếp, mà hỏi lại: Tại sao cụ lại hỏi như vậy?

Ông lão nói: Đừng sợ, ta là thầy thuốc chữa bệnh, tên là Đông Cao Công, vừa mới chữa bệnh cho tướng quân Vĩ Việt của nước Sở về.

Ngũ Tử Tư lại càng đáng sợ hơn, bởi Vĩ Việt chính là người được lệnh trấn ải bắt Ngũ Tử Tư.

Cụ già nói: Ta là thầy thuốc, chỉ giúp đời cứu người, và sẽ không làm hại con. Họ dán chân dung của con ở Chiêu Quan, và đang cố tìm bắt con, vì vậy ta đã nhận ra ngay khi vừa nhìn thấy.

Bởi vì Ngũ Tử Tư trông rất đặc biệt. Như đã từng kể ở tập trước rằng, ông cao gần hai mét, lông mày dài gần gang tay, mắt sáng như ánh chớp, nhìn là nhận ra ngay.

Sau khi nói chuyện với Đông Cao Công, Ngũ Tử Tư cảm thấy vị thầy thuốc này là người rất tốt. Đông Cao Công khuyên Ngũ Tử Tư rằng bây giờ không thể vượt qua Chiêu Quan. Chi bằng đến nhà tôi, cách đây không xa, chúng ta sẽ tìm kế thoát qua.

Ngũ Tử Tư cũng không còn lựa chọn nào khác nên đã theo Đông Cao Công về nhà.

Đông Cao Công hàng ngày chiêu đãi Ngũ Tử Tư và Công tử Thắng bằng rượu ngon đồ ăn ngon, cũng không bao giờ đề cập đến việc vượt qua quan ải, việc này kéo dài suốt bảy ngày. Sau đó, Ngũ Tử Tư nói với Đông Cao Công: "Trong lòng con có một mối hận lớn, mỗi thời khắc dài như cả một năm, nán lại ở đây, giống như một người đã chết, ngài là người có nghĩa khí, không thấy đau buồn sao?"

Nghĩa là trong lòng tôi mang thù hận lớn lao đến nỗi mỗi khắc qua đi tôi cảm thấy như một năm trôi.

Một khắc là gì? Trong cách tính thời gian cổ xưa của Trung Quốc, chia 24 giờ một ngày thành 100 khắc, hiện nay một phần tư giờ là 15 phút, nhưng vào thời điểm đó là 14,4 phút. Ngũ Tử Tư nói rằng đợi chờ ở đây mười lăm phút, cảm giác như một năm đã trôi qua. Con bị kẹt ở nơi này, như người đã chết, không thể làm gì được, một người tốt như ngài, có thông cảm cho con không?

Đông Cao Công nói ông đang đợi một người bạn, khi người bạn đó đến thì sẽ có cách. Ông từ chối cho biết chi tiết, Ngũ Tử Tư cũng không biết người mà ông lão đang đợi là ai.

Đêm đó Ngũ Tử Tư đi ngủ, trong lòng cảm thấy như có gai đâm, trằn trọc không ngủ được, nửa đêm nằm xuống, lại đứng dậy, lặp đi lặp lại, đi vòng quanh trong phòng suốt đêm, không biết trời sáng bạch tự bao giờ.

Sáng hôm sau, Đông Cao kinh ngạc khi nhìn thấy Ngũ Tử Tư ở cửa. Ông nói: Tại sao tóc anh lại bạc trắng cả đầu, do sầu khổ suy tư quá mà dẫn đến thế này chăng?

Ngũ Tử Tư không tin nên Đông Cao Công đã đưa cho một chiếc gương. Ông cầm lấy chiếc gương và nhìn vào nó, ngay lập tức ném chiếc gương xuống đất, ngẩng mặt nhìn trời rồi thở dài: "Một việc cũng chưa thành, tóc mai đã bạc trắng, là ý Trời chăng? Là ý Trời chăng?”

Đông Cao Công nói: Trong thiên hạ, phúc họa tương hỗ chuyển hóa, làm sao biết đây không phải là chuyện tốt? Tuy tóc trắng nhưng người khác sẽ không nhận ra. Trước kia anh cao lớn khôi ngô, tóc đen, mắt sáng như điện, người ta nhìn thoáng qua đều biết là anh, bây giờ dung mạo của anh đã hoàn toàn thay đổi. Bằng cách này, khi vượt qua quan ải, người khác có thể không nhận ra, đây là điểm đầu tiên.

Điểm thứ hai, để ta nói cho anh biết, hôm nay bạn ta cũng sẽ có mặt ở đây. Bạn ta họ Hoàng Phủ, tên là “Nột”, trông rất giống anh. Người này cao chín thước, thấp hơn Ngũ Tử Tư một chút, lông mày dài tám tấc, ngắn hơn lông mày của Ngũ Tử Tư một chút, nhưng nhìn rất giống anh.

Đông Cao Công nói: Ngày mai ta sẽ để Hoàng Phủ Nột mặc quần áo của anh.

Ngũ Tử Tư đang mặc gì? Ông đang mặc đồ tang vì Thái tử Kiến vừa bị giết. Đông Cao Công nói: Hãy để Hoàng Phủ Nột mặc quần áo của anh, còn anh thì mặc quần áo bình thường. Ngày mai chúng ta đi qua quan ải, bởi vì Hoàng Phủ Nột rất giống anh, một khi chúng ta tới Chiêu Quan, thị vệ nhất định sẽ nhầm ông ấy với anh, binh lính sẽ vây quanh ông ấy, khi bọn họ tranh luận với nhau, môi trường tương đối lỏng lẻo. Lúc này anh nên nhân cơ hội lẻn ra khỏi Chiêu Quan.

Đang nói chuyện thì Hoàng Phủ Nột đến. Ngũ Tử Tư nhìn thấy người này có chút giống mình, trong lòng liền thoải mái hơn rất nhiều. Đông Cao Công có một phương thuốc gia truyền, sau khi dùng thuốc này để rửa mặt cho Ngũ Tử Tư, sắc mặt của ông đã thay đổi. Ngày hôm sau, Ngũ Tử Tư mặc quần áo nông dân và hóa trang cho công tử Thắng thành một cậu bé nông dân. Hoàng Phủ Nột mặc tang phục, Ngũ Tử Tư và Công tử Thắng từ xa đi theo.

Khi họ đến Chiêu Quan, đúng như dự đoán, Hoàng Phủ Nột vừa xuất hiện, bị binh lính lập tức bao vây. Tướng quân Vĩ Việt đang ở cổng thì nhìn thấy Hoàng Phủ Nột từ xa đi tới, nên nói rằng Ngũ Tử Tư đến rồi. Vĩ Việt cưỡi ngựa từ trong cổng lao ra. Hoàng Phủ Nột ra sức tranh cãi với họ. Hoàng Phủ Nột khi đó trên mặt vẫn còn có chút sợ hãi, giống như loại sợ hãi khi dân thường nhìn thấy binh lính, cho nên bọn họ cho rằng đó thực sự là Ngũ Tử Tư, và bao vây ông ta. Nhân cơ hội này, Ngũ Tử Tư lẻn ra khỏi ải Chiêu Quan.

Tất nhiên, Đông Cao Công sau đó đã đến và nói với Vĩ Việt: Tôi có hẹn với người bạn cũ Hoàng Phủ Nột để cùng nhau du ngoạn, tình cờ đi ngang qua.

Hoàng Phủ Nột nói: Ồ, tại sao ông đã hẹn trước với tôi rồi lại có người bắt tôi ở đây?

Mà Đông Cao Công là bạn thân của Vĩ Việt, còn trị bệnh cho Vĩ Việt, nên Vĩ Việt càng tin hơn. Vĩ Việt xin lỗi Hoàng Phủ Nột, đưa cho bọn họ một ít tiền, rồi thả họ đi. Ngũ Tử Tư đã thoát ra khỏi ải Chiêu Quan như vậy đó.

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ:

Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 3 - Trùng trùng ma nạn (1)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Trùng trùng ma nạn (1): Một đêm đầu bạc trắng, Ngũ Tử Tư vượt ải