Truyền kỳ Thư Tiên Tào Văn Cơ: Ngưỡng mộ uyên ương cùng thăng Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các cao thủ thư pháp các nơi đều nghe tin và tìm đến, ca ngợi bút lực của cô con gái nhà họ Tào là đệ nhất Quan Trung, gọi cô là “Thái Cơ tái sinh, Vệ Thước chuyển thế”, và đặt cho cô biệt hiệu là Thư Tiên...

Trường An là cố đô của 13 triều đại, phố xá như bàn cờ, phồn hoa như gấm, là nơi địa linh nhân kiệt. Đại tài tử thời Trung Đường Bạch Cư Dị có bài thơ “Đăng Quan Âm Đài vọng thành” làm chứng:

Bách thiên gia tự vi kỳ cục, thập nhị nhai như chủng thái huề.
Dao nhận vi vi nhập triều hỏa, nhất điều tinh tú ngũ môn tây.

Tạm dịch:

Trăm ngàn nhà trông như bàn cờ, mười hai phố giống ruộng trồng rau
Từ xa thấy sáng nhập triều hỏa, một dòng sao cửa ngũ môn Tây

Khi đó là những năm Khánh Lịch đời Tống Nhân Tông, tại một phường của kinh thành Trường An, đã sinh ra câu chuyện đôi vợ chồng Thần Tiên chấn động một thời. Đương thời mọi người đổ hết ra đường để xem, danh truyền ngàn dặm, hoàn toàn không phải đến xem sự náo nhiệt, hiếu kỳ, mà là có ý lễ kính Thánh đức Thần minh.

Câu chuyện cần phải kể từ một gia đình nhiều đời làm kép hát. Kép hát thời cổ đại đa phần là người biểu diễn ca vũ và tạp kịch, là làm kinh doanh thương mại, phục vụ quan khách, cung cấp một loại hình thưởng thức nghệ thuật tao nhã. Trường An cổ đại vốn đã là đô thị lớn danh tiếng, những người Hoa Di Khương Địch từ khắp ngũ hồ tứ hải, những sĩ nông công thương qua lại làm ăn, có mặt ở khắp nơi trong kinh thành. Thế nên, việc kinh doanh của kép hát cũng vô cùng hưng thịnh.

Đương nhiên, kép hát tuyệt đối không phải là phường ca kỹ lầu xanh bán sắc, mà việc hoạt động của các kép hát cũng bình thường như những nghề nghiệp khác. Các kép hát chủ yếu là cống hiến những tuyệt kỹ của họ, như ca múa đàn hát, cầm kỳ thư họa, bầu bạn cùng các quan khách đầy nhà, rất trang nhã và vui tươi.

Trong số các kép hát có một gia đình họ Tào, đã mở cửa kinh doanh mất chục năm, từ chối những chuyện bất chính tửu sắc ngoài luồng, chỉ làm người trang nhã lễ nghĩa tốt đẹp. Vì thế danh tiếng nhà họ Tào trong thành Trường An ngày càng nổi tiếng, thu nhập hàng năm đều khá cao, có thể coi là gia đình truyền đời quang minh chính trực trong nghề kép hát.

Càng kỳ lạ hơn là, cô con gái của nhà họ Tào mới 4, 5 tuổi mà đã thích chơi các trò chơi về chữ nghĩa. Người nhà lấy làm lạ lắm, bèn lấy sách Tứ thư Ngũ kinh đưa cho cô bé. Nào ngờ cô bé này hai tay nâng sách lên, rất nghiêm túc, mắt không nhìn ngang dọc, chậm rãi đọc suy ngẫm, và thông hiểu được ý nghĩ lớn của văn chương.

Người nhà từ kinh ngạc đến nhận thức ra trọng trách:

Chẳng phải là đứa bé này xưa kia đã tích lũy, dần dần hiểu rõ tinh hoa của văn chương, thông hiểu triết lý của Thánh hiền đó sao?

Hay này đời trước đứa bé này đã tích lũy nhiều phúc được nên mới có trí tuệ và năng lực như thế này?

Cả nhà đều cảm thấy cô bé này có lai lịch không tầm thường. Có lúc, người nhà tự cảm thán: Cô bé này nếu sinh ra ở nhà quan, lại có thân nam thì nhất định sau này sẽ là cử nhân, tiến sĩ, kiếm được chức quan, có được công danh.

Tuy nhiên con gái thì có phúc phận của con gái. Cô con gái nhà họ Tào thông minh trí tuệ như thế này, người nhà lại tận tâm bồi dưỡng. Chỉ cần là có sách, thi thư, tranh cuốn nghiêm túc, họ đều tìm kiếm sưu tầm mang về. Nếu tìm được bút nghiên giấy mực tốt, họ lập tức mua về. Chỉ cần thấy con gái có đầy đủ sách đọc, viết chữ vui vẻ, là cả nhà đều rất vui mừng rồi.

Vài năm sau, cô bé đã trở thành bậc đại gia tinh thông kinh sử tử tập, bác cổ thông kim, sừng sững trước mặt mọi người rồi. Người nhà cảm thấy, có bé này có lẽ là Thái Văn Cơ tái thế, do đó đặt tên cho cô bé là Văn Cơ. Danh tiếng Tào Văn Cơ liền lan truyền rộng.

Đến tuổi cập kê, tức năm 15, 16 tuổi, Tào Văn Cơ càng phong độ ngời ngời, sắc đẹp tuyệt trần, siêu phàm thoát tục, mọi người đều kinh ngạc gọi cô là Thiên nhân. Lúc này cô đã có sở trường trang nhã, không phải là cô gái dệt vải, cũng không phải là cầm kỳ ca vũ, mà cô thường vận bút giống bậc văn nhân nhã sĩ, thư pháp cực kỳ mỹ diệu.

Người nhà thấy cô là bậc giai nhân thông minh thế này, lại có sở trường một môn nghệ thuật, thì vui mừng lắm: Chẳng phải nhà ta có một kiều nữ tuyệt đại đó sao?

Thế là người nhà thúc giục cần dạy cô ti trúc cung thương, sáo tiêu cầm sắt, chuông trống ca múa, những thứ này đều là nghề gia truyền, là nghề kiếm cơm.

Nào ngờ, cô bé có được kiến thức từ đọc sách, nên can đảm kiên định, tự có chủ ý rằng: “Những việc ca múa nhạc như thế này không phải là thứ mà con thích. Chỉ cần có bút nghiên giấy mực, hãy cho con hồ mực núi giấy, thì con tự có kế mưu sinh, cũng có thể khiến con sống như vậy cho đến hết cuộc đời này, thực sự như thế là đủ rồi”.

Thế là Tào Văn Cơ học theo cô gái đời Đường là Tiết Đào, chế tác giấy hoa, lụa bạch ngọc, và tự mình viết chữ lên. Cô gái thường xuyên toàn tâm toàn ý, chuyên tâm dốc chí, tinh tế thành kính, thăng hoa giống như cảnh giới tu hành, nhất định viết từng chữ từng nét cho đến khi ưng ý.

Có lúc cô chê chữ mình viết trông không đủ trang nhã, cần phải luyện tập thêm. Thế là kết quả thường do không đủ giấy, nên cô viết lên quần áo, lụa là của gia đình, ngay cả giấy dán cửa sổ cũng viết lên, mỗi ngày viết mấy nghìn chữ, cũng không thấy mệt mỏi chút nào.

Nếu chữ viết tốt, được gia đình trang hoàng, bồi giấy rồi đem đi bán. Mọi người xung quanh dần dần biết nhà họ Tào có một cô con gái giỏi thư pháp, đều đến tận nơi thưởng thức và hỏi mua. Chu Việt - Lang trung Bộ Công, và Mã Đoan - Quan sát sứ, đương thời đều là những danh sĩ biết nhiều hiểu rộng, đặc biệt yêu thích thư pháp. Nghe mọi người nói về thư pháp của cô con gái nhà họ Tào, nên cũng tìm đến xem xét thưởng thức, ai nấy đều tán thán không dứt.

Các cao thủ thư pháp ở Trường An, Quan Trung đều nghe tin tìm đến, so sánh, ai nấy đều khâm phục, ca ngợi “Thái Cơ tái sinh, Vệ Thước chuyển thế”, ca ngợi cô con gái nhà họ Tào có bút lực đệ nhất Quan Trung. Thế là họ đặt cho cô biệt hiệu là Thư Tiên.

Vạn sự vạn vật đều không phải ngẫu nhiên, danh hiệu Thư Tiên này thực sự đã chạm đến nơi sâu thẳm tâm hồn Tào Văn Cơ - một người vốn hoàn toàn không thích hư danh. Vậy rốt cuộc đây là chuyện gì?

Thế là Tào Văn Cơ học theo cô gái đời Đường là Tiết Đào, chế tác giấy hoa, lụa bạch ngọc, và tự mình viết chữ lên. Tranh “Tiết Đào hý tiên” trong tập tranh “Liệt nữ truyện đồ” của Cừu Anh đời Minh. (Miền công cộng)

Từ khi danh tiếng Tào Văn Cơ lan rộng, người tìm đến thăm nườm nượp không dứt. Họ là những hào môn quý tộc, văn nhân nhã sĩ, có người muốn có được chữ, có người đến để chiêm ngưỡng dung nhan, mỗi người tìm thấy điểm yêu thích riêng, nhiều không kể xiết.

Dần dần những người mộ danh tìm đến đã chuyển sang vì cầu hôn mà đến. Người đến mối mai, người tặng vàng bạc, tấp nập không ngớt. Điều thực sự khiến nhà họ Tào lo lắng chính là tìm lang quân cho Tào Văn Cơ. Biết bao nhiêu người phú quý, bao nhiêu tài tử tuấn kiệt, Tào Văn Cơ có lựa chọn được người tốt không? Nhà họ Tào ai nấy đều vui mừng, chỉ biết chờ đợi xem tâm ý Tào Văn Cơ như thế nào.

Nhưng tâm tư của cô con gái thế nào thì mọi người đều không đoán được. Cô là người tỉ mỉ tự trọng, trực ngôn nói với người nhà và những người mai mối rằng: “Những người này sao có thể là lang quân phù hợp với con được. Muốn cầu hôn thì bảo họ hãy gửi thơ của họ cho con, tự con sẽ xem xét quyết định”.

Những người nhà và những người mai mối nhìn nhau, nhưng không biết làm thế nào. Xem ra, cô gái có kiến thức như thế này, thì trong tâm tự đã có chủ ý rồi, không ai có thể giúp gì được.

Tuy nhiên, điều này cũng không khiến những con em quý tộc và những văn nhân nhã sĩ nhụt chí. Họ cũng vắt óc suy nghĩ, dùng mọi phương pháp, hết lớp này đến lớp khác đến trao cho cô những bài thơ hết bài này đến bài khác. Có những bài thơ trường thiên, có câu ngắn tuyệt cú, những bài thơ đẹp, từ ngữ nho nhã, hết bài này đến bài khác. Mỗi ngày đều có mấy trăm bài thơ được đưa đến Tào Văn Cơ.

Tài tử Sơ Đường Lư Chiếu Lân có bài thơ “Trường An cổ ý” làm chứng, bài thứ nhất có viết:

Trường An đại đạo liên hiệp tà, thanh ngưu bạch mã thất hương xa
Ngọc liễn tung hoàng quá chủ đệ, kim tiên lạc dịch hướng hầu gia

Tạm dịch:

Trường An đường lớn liền đường nhỏ, trâu đen ngựa trắng xe bảy hương
Xe ngọc dọc ngang qua phủ chúa, roi vàng tới tấp hướng Hầu gia

Trong thành Trường An, không chỉ rất nhiều con em nhà phú quý, mà những tài tử tài cao bát đẩu, học thức đầy bồ càng không thiếu. Trên án thư ngày ngày những bài thơ mới gửi đến chất cao như núi, ngay cả hoàng đế, tể tướng quen việc ngày xử lý ngàn việc, cũng khó mà có thời gian lựa chọn thơ trong biển thơ này.

Nhưng cô con gái nhà họ Tào này lại không căng thẳng, ung dung lựa chọn, nhưng vẫn chưa có một bài thơ nào chiếm được trái tim cô, cũng chưa có bài thơ nào lọt vào mắt xanh của cô. Những người mối mai thấy không nhận được tiền mai mối. Người nhà cũng không biết ai có thể làm thông gia, cứ hết người này đến người khác bị từ chối. Bao nhiêu mối nhân duyên tốt đẹp nhường này, sao vẫn chưa được Ông Tơ Bà Nguyệt buộc sợi tơ hồng?

Mọi người từ tâm nguyện mong ước dần dần chuyển thành ý thất vọng. Phải chăng cô con gái nhà họ Tào này có dụng tâm gì khác? Hay là cô không muốn kết hôn? Hay là cảnh giới thư pháp cao rồi nên mắt nhìn cũng quá cao rồi? Nhân duyên thực sự quả là quá khó.

Cũng thật trùng hợp, có một thư sinh họ Nhậm từ Mân Giang, Xuyên Thục đến, vừa khéo tạm trú ở Trường An mấy này. Thư sinh này là một tài tử hàng đầu, thơ từ hay đẹp đều có thể tùy ý viết ra, diệu bút sinh hoa. Anh nghe người ta kể chuyện cô con gái nhà họ Tào dùng thơ để chọn phu quân, thì lòng bỗng như hoa nở, vui mừng khôn xiết, và nói: “Ta có người bạn đời tốt đẹp rồi!”.

Vị thư sinh họ Hoàng đồng hành với thư sinh họ Nhậm liền cười rằng: “Anh đã suy nghĩ kỹ càng chưa? Hàng ngàn hàng vạn những câu thơ lời hay ý đẹp, đưa đến nhà họ Tào nhiều như núi rồi, thì sao người ta lại để ý đến kiệt tác của anh? Đây là vạn bài thơ lựa chọn một bài đấy?”

Thư sinh họ Trâu - người cùng du ngoạn, cũng cười và nói: “Sớm lạc quan sớm tan mộng, bao nhiêu công tử phú quý, muốn tiền có tiền, muốn thơ có thơ, sao có thể kém anh - một tài tử chưa tên tuổi cũng không có gì là thú vị cả?”.

Thư sinh họ Nhậm dường như trong tâm có linh cảm, trong lòng đã biết cần phải làm gì rồi, nên cũng không cần phản bác người ta. Anh chỉ nói với họ rằng: “Phượng hoàng chỉ lựa chọn cây ngô đồng mới đậu, cá chép chỉ nhảy Long Môn để được phi thăng. Vạn sự vạn vật đều có nơi có chốn”.

Thế là thư sinh họ Nhậm cắn bút, viết một bài thơ, sau đó nhờ người đem đến cho Tào Văn Cơ. Câu thơ như sau:

Ngọc Hoàng điện thượng chưởng thư tiên, nhất nhiễm trần tâm trích cửu thiên.
Mạc quái nồng hương huân cốt nhị, hà y tằng nhạ ngự lô yên

Tạm dịch:

Thư Tiên trước điện của Ngọc Hoàng, bởi nhiễm tâm trần đày cửu thiên.
Chẳng lạ cốt cách thấm đẫm hương, vì áo mây từng bên lò ngọc

Thoạt xem, bài thơ này dùng điển cố Trích Tiên, kể câu chuyện Thần thoại Thư Tiên trên Thiên giới bị giáng đày xuống hạ giới. Giống như năm xưa thời nhà Đường, Hạ Tri Chương sau khi xem thơ văn của Lý Bạch, cũng vô cùng kinh ngạc tán thán rằng: “Lý Bạch, quả đúng là Tiên nhân bị giáng đày”.

Quả nhiên, bài thơ này thực sự đã động đến nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn Tào Văn Cơ. Đọc xong bài thơ này, Tào Văn Cơ lập tức vui mừng hớn hở, nói rằng: “Người này chính là phu quân của con. Nếu không làm sao anh ấy biết được bí mật của con? Đây chính là ý Trời, con nguyện ý làm vợ chàng. Sau này không cần xem thơ nữa”.

Người nhà thấy thế thì cũng thở phào. Dù sao có kết quả vẫn còn tốt hơn là không kết quả, và cũng thuận theo tâm ý của Tào Văn Cơ. Cô con gái nhà họ Tào và chàng thư sinh họ Nhậm đã thuận lợi kết duyên vợ chồng.

Từ đó, xuân hạ thu đông, họ đều sớm tối có nhau, thường dắt tay nhau du ngoạn phố phường, danh lam thắng cảnh, hoặc cùng nhau ngâm nga thơ ca văn chương, hoặc cùng nhau uống mỹ tửu, khiến những nam thanh nữ tú thành Trường An và vùng Quan Trung ngưỡng mộ. Mọi người thường kéo đến đứng từ xa, ngắm nhìn hai người Tào Nhậm nắm tay nhau dạo chơi. Cảnh tượng này đã trở thành một quang cảnh độc đáo của thành Trường An, có thể nói là trăm năm hiếm thấy.

Đương nhiên những gì người ngoài trông thấy chỉ là vẻ bề ngoài, chỉ nói rằng đây là đôi vợ chồng cầm sắt hòa hợp, cũng chỉ lưu truyền câu chuyện đẹp về cặp vợ chồng Thần Tiên, nhưng không người nào biết được, hai người họ tương kính như tân, cùng tu hành đức và nghệ.

Cứ thế qua 5 năm, vào ngày cuối cùng của tháng 3, hai vợ chồng Tào Nhậm vẫn như bình thường, làm các bài thơ tiễn mùa xuân, đối ẩm hát ca. Tuy nhiên, lúc này Tào Văn Cơ có suy nghĩ, bèn đề một bài thơ rằng:

Tiên gia vô hạ dã vô thu, hồng nhật xuân phong mãn thúy lâu
Huống hữu bích tiêu quy lộ ổn, khả năng đồng giá ngũ văn du

Tạm dịch:

Tiên gia chẳng hạ cũng chẳng thu, hồng nhật xuân phong khắp thúy lâu
Còn có mây xanh đường về ổn, cưỡi mây ngũ sắc cùng vân du

Thơ ý tràn đầy ân đức và sự tốt đẹp vô hạn của Tiên gia. Tào Văn Cơ ngâm xong, bất giác lệ tuôn rơi. Chàng Nhậm trông thấy vội hỏi: “Nương tử sao vậy? Nàng có tâm sự gì? Hay thương tiếc mùa xuân?”

Tào Văn Cơ chậm rãi đáp rằng: “Phu quân không biết đó thôi, vậy thiếp nói nguồn gốc của thiếp. Thiếp vốn là Tư thư Tiên nhân của Thiên đình. Đúng như cảnh giới mà năm xưa chàng gửi bài thơ đó cho thiếp. Đây không phải là ý Trời thì là gì?

Hơn nữa lần này đến nhân gian, thực sự là do năm xưa thiếp ở trên Thiên đình đã động một chút tâm phàm, chính là chấp niệm ái tình, nên bị giáng đày xuống để tu luyện. Đến nay, chuyển sinh cõi trần gian đã 24 năm rồi. Tuy thiếp bị đày hạ phàm, nhưng luôn có Thượng Tiên bảo hộ, ngầm giúp thiếp tu hành tinh tấn.

Thứ nhất là để thiếp xuống phàm trần tu hành, tu luyện tâm tính, đồng thời cũng tiêu trừ chấp niệm quá mức kia của thiếp, nâng cao cảnh giới, để có thể trở về Tiên giới.

Thứ hai là thế nhân chốn nhân gian cần phải có kỹ năng văn hóa, tạo dựng ý nghĩa đích thực của việc tu hành thông qua nghệ thuật, do đó thiếp đã chuyên cần luyện thư pháp, để cho người thế gian thấy cái đẹp đích thực của việc sáng tạo nghệ thuật thư pháp.

Thứ ba là, kết duyên cùng chàng, để tu dưỡng ái tình đến mức chí tính, và cũng để thành tựu lễ nghĩa phu thê chân tình ở chốn nhân gian.

Hôm nay, Đại Tống thái bình thịnh thế, để chúng ta cùng hưởng phúc đức, tạo dựng văn hóa nghệ thuật chân chính, thành tựu công đức tu hành. Hiện nay đã gần viên mãn rồi, thiếp cũng sắp quay về Thiên đình rồi”.

Hiện nay đã gần viên mãn rồi, thiếp cũng sắp quay về Thiên đình rồi. (Tranh Angie - Epoch Times)

Chàng Nhậm nghe xong, cúi đầu mỉm cười, không hề có chút ngạc nhiên nào. Tào Văn Cơ thấy thế vội vàng hỏi: “Phu quân không tin lời thiếp sao? Sự vui vẻ và từ bi của Thiên giới thì niềm vui ái tình thế gian không thể nào sánh nổi. Xin phu quân chớ hoài nghi lời thiếp nói. Thiếp sắp trở về Tiên giới, phu quân có thể đi cùng với thiếp được không?”.

Chàng Nhậm tự nhiên mỉm cười, cầm tay kính lễ xong, rồi nói với Tào Văn Cơ rằng: “Nương tử à, sao ta có thể hoài nghi nàng được? Nương tử nghĩ xem, năm xưa ta có thể viết ra được bài thơ Tiên giới đó, rồi đưa đến chỗ nàng, thì đó cũng không phải là ngẫu nhiên đâu, cũng không phải người bình thường có thể tham ngộ ra được, phàm nhân khó mà có thể nhìn thấu được.

Ta cũng là do Thượng Tiên gia trì, và cũng là trong mệnh đã định hôn nhân với nàng. Mọi việc đều là ý Trời, quả thực là Thần tích mà Thượng Thiên đã ban cho hai chúng ta. Nói thẳng ra, ta cũng là được Thượng Tiên phái xuống đễ trợ giúp nương tử trở về Tiên giới. Đương nhiên, Thượng Tiên cũng là để khảo nghiệm ta và nàng, xem xem chúng ta có thể cùng nhau trở về Thiên đình, thành tựu công đức Đất Trời hòa hợp hay không.

Ta thực sự cũng đã từng là một thành viên của Thiên đình, nay ta cũng là người tu hành đó. Nàng hãy nghĩ xem, làm sao ta có thể viết ra được bí mật Thiên đình của nàng? Thiên cơ bất khả lộ, cơ duyên tu hành với nương tử, sao ta có thể khinh suất nói ra được?”

Tào Văn Cơ nghe xong thì bỗng bừng tỉnh ngộ, tâm cảnh cũng bình hòa và yên tĩnh, tràn đầy niềm vui và sự sáng tỏ. Tào Văn Cơ thầm nghĩ, bản thân mình không chỉ cần phải viên mãn, mà còn cùng phu quân cùng nhau trở về Thiên đình, quả là việc công đức vô lượng hiếm có, thực sự không uổng đời này xuống nhân gian tu luyện. Hai người Tào Nhậm trong lòng đã thấu tỏ, cũng càng tinh tấn không mệt mỏi.

Mấy ngày sau, nhà họ Tào nghe thấy tiếng Tiên nhạc xa xăm từ trên không bay tới, dần dần giáng hạ xuống căn nhà của vợ chồng Tào Nhậm. Ngôi nhà họ bỗng nhiên tràn ngập hương thơm thuần chính kỳ lạ. Người nhà, những người hầu, và gần như cả gia tộc đến xem. Có người đầy kinh ngạc, có người cảm thấy hoài nghi, có người nhìn thấy hào quang của Tiên nhân, có người nhìn thấy hào quang của Tào Nhậm, có người ngửi thấy hương thơm kỳ lạ, có người nghe thấy âm thanh của nhạc trống khác với ở nhân gian, có người thì chẳng nhìn thấy gì, chẳng nghe thấy gì.

Trong một khoảng thời gian, mọi người thầm thì với nhau, phản bác nhau. Người có thể nhìn được thì trông thấy một vị Tiên nhân dáng vẻ như quan lại mặc bộ y phục đỏ son, bỗng nhiên hiển hiện, tay cầm thẻ ngọc, trên viết chữ triện màu đỏ son, nói với vợ chồng Tào Nhậm rằng: “Thiên Đế có chỉ: Lý Trường Cát Lý Hạ đã viết được mài văn “Ngọc lâu ký”. Tào Văn Cơ, chàng Nhậm ở chốn nhân gian nỗ lực tu hành tinh tấn, công đức đã viên mãn. Nay triệu Tào Văn Cơ và chàng Nhậm cùng trở về Tiên giới, viết và khắc bia “Ngọc lâu ký”, để kịp hoàn công Bạch Ngọc Lâu. Hãy mau mau tòng giá, không được trì hoãn”.

Nói rồi, vị Tiên nhân đó biến mất. Trong nhà họ Tào cũng có người nghe được những lời như thế, thế là họ bàn tán xôn xao.

Nhà họ Tào cũng có người thông hiểu thi thư điển cố, vừa nghe đến câu chuyện “Lý Trường Cát”, “Ngọc lâu ký”, tự nhiên bước tới hỏi Tào Nhậm rằng: “Lý Trường Cát đó có phải là Lý Hạ đời Đường không? Có phải là vị thi nhân được gọi là quỷ tài đó không?”

Tào Văn Cơ trả lời: “Đúng rồi”.

Người nhà họ Tào lại càng nghi hoặc: “Lý Hạ Lý Trường Cát là người triều Đường, cách triều Tống chúng ta ngày nay gần 300 năm rồi. Hơn nữa, câu chuyện vị Lý Hạ đó được Thiên Đế triệu đi Thiên đình để viết thơ phú cho Bạch Ngọc Lâu, đã được tài từ triều Đường là Lý Thương Ẩn viết rõ ràng trong “Lý Hạ tiểu truyện”. Việc này rất hay, có bằng chứng rõ ràng, nhưng rốt cuộc việc này đã cách đây gần 300 năm, thời gian xa cách như thế, e rằng không thỏa đáng. Vị được gọi là Tiên nhân áo đỏ son đó, phải chăng là yêu quái lừa người?”

Tào Văn Cơ thấy mọi người nghi hoặc suy nghĩ kỳ lại, thì mỉm cười và trả lời rằng: “Ái chà, chư vị quên đạo lý “Trên Trời mới một ngày, dưới đất đã ngàn năm” rồi sao? Cán rìu núi Lạn Kha năm xưa chính là đã mục nát như thế đó. Ba trăm năm chốn nhân gian, Tiên gia nơi Thiên giới chỉ là một khoảnh khắc mà thôi. Chớ đoán bừa những việc của Thần Tiên, chỉ có thể thành kinh tu cái tâm kính trọng mà thôi”.

Không lâu sau, hai vợ chồng Tào Nhậm ở trong phòng đã thay xong bộ y phục, sạch sẽ chỉnh tề lại đoan trang. Hai người hướng lên Trời bái, sau khi đứng lên, bước đi nhẹ nhàng. Mọi người chỉ thấy 2 người dần dần bay lên không, những đám mây màu trên trời lấp lánh tỏa ra ánh sáng muôn màu. Có người còn trông thấy loan phượng và Tiên hạc bay lượn trên không, bay vòng quanh hai người. Cảnh tượng trang nghiêm thần thánh - thắng cảnh nơi Thiên quốc đó dần dần biến mất.

Có người còn trông thấy loan phượng và Tiên hạc bay lượn trên không, bay vòng quanh hai người. (Tranh Angie - Epoch Times)

Bởi vì mấy ngày trước đã truyền tin vợ chồng Tào Nhậm sắp trở về Thiên đình, nên bên trong và bên ngoài nhà họ Tào có rất nhiều người tụ tập đến xem. Quả là mọi người đổ hết ra đường ngắm trông cảnh tượng thù thắng. Mọi người đổi tên nơi Tào Văn Cơ cư trú là “Thư Tiên lý”. Sau này có nhã sĩ đã vẽ lại bức tranh về câu chuyện Thư Tiên này, và mời một vị tài tử viết lại câu chuyện này. Câu chuyện được thu lục trong sách “Thánh toái caio nghị” của Lưu Phủ đời Tống.

Tài tử thời Sơ Đường Lư Chiếu Lân đã có câu thơ nổi tiếng trong nhóm bài thơ “Trường An cổ ý” rằng: “Nguyện tác uyên ương bất tiễn Tiên” (Muốn làm đôi uyên ương, không ngưỡng mộ Tiên). Ngày nay xem lại, câu này có lẽ là để châm biếm những người truy cầu phúc phận thế gian. Vợ chồng tu hành thực sự, không chỉ là tôn kính nhau như với khách, coi trọng lễ nghĩa, mà còn tu tâm tu đức cho nhau, cùng nhau nâng cao cảnh giới đạo đức, cũng có thể cùng nhau siêu vượt cảnh giới ái tình vợ chồng chốn nhân gian, để bước vào cảnh giới tu luyện thần thánh hơn. Câu chuyện này cũng gợi mở cho thế nhân rằng: Nhân gian vốn là đạo trường tu hành, nên càng ngưỡng mộ cặp uyên ương cùng nhau tu luyện cùng thăng Thiên đình.

Mai Hoa Nhất Điểm - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch

Nguồn tư liệu:

  1. “Thư Tiên truyện: Tào Văn Cơ bản hệ Thư Tiên”
  2. “Thanh toái cao nghị” của Lưu Phủ đời Tống.
  3. “Lý Hạ tiểu truyện” của Lý Thương Ẩn đời Đường
  4. “Đăng Quan Âm Đài vọng thành” của Bạch Cư Dị đời Đường
  5. “Trường An cổ ý” của Lư Chiếu Lân đời Đường.



BÀI CHỌN LỌC

Truyền kỳ Thư Tiên Tào Văn Cơ: Ngưỡng mộ uyên ương cùng thăng Tiên