Tượng Đức Mẹ rơi nước mắt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào tháng 8 năm 2020, thị trấn nhỏ Carmiano ở miền nam nước Ý đã trở nên nổi tiếng trên Internet chỉ qua một đêm. Tại sao? Vì bức tượng Đức mẹ đồng trinh ở quảng trường thị trấn đã khóc. Hơn nữa, nước mắt màu nâu: “Nước mắt máu”.

Bức tượng này được xây dựng vào năm 1943. Một quả bom thả xuống quảng trường lúc đó bất ngờ không phát nổ. Người dân thị trấn tin rằng Đức mẹ Maria đã che chở cho họ nên họ đã dựng bức tượng tuyệt đẹp này để tưởng nhớ Bà. Trong 77 năm, dưới sự chăm sóc của Đức Mẹ, thị trấn đã được bình yên vô sự. Nhưng ngày hôm nay Đức Mẹ vì ai mà khóc?

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên trên thế giới xuất hiện việc tượng Thánh rơi lệ, mà nó đã xảy ra cách đây không lâu tại Urusovo, một ngôi làng hẻo lánh ở Nga.

Vào ngày 8 tháng 2 năm 2020, một bức tượng từ thế kỷ 18 “Mẹ Thiên Chúa" trong Nhà thờ Thánh Michael the Archangel của làng đã "rơi nước mắt" một cách thần kỳ. Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt tú lệ của bức tượng, đôi mắt to ngây thơ chứa đầy u sầu và bi thương. Kể từ đó, bức tượng cứ khóc 2 ngày một lần trong một thời gian dài.

Nước mắt của tượng Thánh đến từ đâu? Sau khi các nhà khoa học phân tích những giọt nước mắt, kết quả thật đáng ngạc nhiên. Vì thành phần chính của nước mắt thực chất là một loại dược liệu không thể tìm thấy trong nguyên liệu của bức tượng, nó được gọi là myrrh.

Myrrh có một vị trí đặc biệt trong tín ngưỡng Cơ đốc vì nó là một trong ba món quà được các hiền sĩ mang đến khi Chúa Giê-su được sinh ra. Hai món quà còn lại là vàng và trầm hương. Myrrh diễn tả sự quý giá của việc Chúa Giê-su chấp nhận cái chết vì thế nhân. Trong một số hoạt động tổ chức lễ nghi của Cơ đốc giáo, myrrh thường được sử dụng như một loại hương quý hiếm và là một trong những nguyên liệu thô để điều chế dầu Thánh.

Và khám phá này đã củng cố niềm tin của các mục sư và những tín đồ rằng đây là Thần tích. Họ coi việc tượng Thánh rơi lệ là báo hiệu về sự thay đổi lớn trên toàn cầu hoặc các sự kiện nguy hiểm, ví dụ như thiên tai hoặc chiến tranh. Những giọt nước mắt màu máu báo trước những thách thức lớn sẽ xảy ra. Đến ngày hôm nay, sau hai năm nhìn lại, có thực sự có sự việc như vậy không?

Trên thực tế, từ năm 1991, hiện tượng tượng Thánh rơi lệ đã xuất hiện phổ biến ở Nga. Sau khi bước vào thế kỷ 21, nó lại dồn dập xuất hiện trên khắp thế giới, như bức tượng Thánh trẻ sơ sinh ở một làng chài nhỏ tại miền nam Philippines năm 2004; bức tượng Thánh trẻ sơ sinh trong một nhà thờ ở Texas, tại Hoa Kỳ vào năm 2007; bức tượng Đức mẹ đồng trinh Maria trong một nhà thờ ở tây bắc Argentina vào năm 2018, v.v.

Và sự bất thường này thậm chí không chỉ giới hạn trong tín ngưỡng Cơ đốc. Tại Trung Quốc, hiện tượng tương tự cũng xảy ra tại Lạc Sơn Đại Phật.

Đại Phật Lạc Sơn nhắm mắt, rơi lệ

Tượng Đại Phật Lạc Sơn là một bức tượng Phật Di Lặc nằm ở ngã ba sông ở phía đông thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Tượng cao 71 mét, được gọi là “núi là pho tượng Phật, Phật là một quả núi”. Tượng đã được xây dựng từ hơn 1.200 năm trước, và đây là tượng Phật bằng đá lớn nhất trên thế giới.

Trong những thập kỷ gần đây, bức tượng Phật Di Lặc này đã nhiều lần nhắm mắt khóc.

Lần đầu tiên tượng nhắm mắt vào năm 1962. Vào thời điểm đó, có một nạn đói lớn do con người gây ra ở Trung Quốc, người đói ở khắp nơi. Mỗi ngày Đại Phật ở bên sông nhìn thấy vô số thi thể trôi sông, nhìn nhìn rồi nhắm mắt lại. Người dân địa phương nói rằng tượng Đại Phật không nỡ nhìn lâu hơn nữa. Tuy nhiên, việc Đại Phật nhắm mắt được coi là điềm gở. Chính quyền lập tức sửa lại mắt tượng Phật. Dù có muốn mở mắt hay không, cũng đều phải mở mắt.

Tuy nhiên, sau khi tượng Phật buộc phải mở mắt lại, tai họa đã không có biến chuyển tốt. Đại Phật lại nhanh chóng nhắm mắt lại. Lần này, tượng bắt đầu lặng lẽ rơi lệ. Đó là vào năm 1963. Chính phủ đã chi thêm 40 triệu nhân dân tệ để rửa sạch tượng Phật, nhưng nó vẫn không thể xóa được nỗi buồn và những giọt nước mắt hiện rõ trên khóe mắt của Đại Phật.

tượng Đại Phật nhắm mắt
Tượng Đại Phật nhắm mắt (Hình chụp clip)

Vào tháng 7 năm 1976, một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter đã xảy ra ở Đường Sơn, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Sau trận động đất, người dân ở Tứ Xuyên phát hiện tượng Đại Phật Lạc Sơn có sắc mặt rất tức giận, lại nhắm mắt lại khóc.

Lần cuối cùng Đức Phật rơi nước mắt là vào năm 1994. Vào ngày 7 tháng 6, một du thuyền đi qua trước tượng Phật, rất nhiều du khách trên thuyền đã nhìn thấy Đại Phật khóc, nước mắt tuôn xuống từng hàng dài. Không biết lần này Đại Phật vì ai mà đau lòng?

Điều thú vị là chính phủ Trung Quốc hiếm khi đứng ra bác bỏ tin đồn về việc Đức Phật nhắm mắt. Cũng có thể có quá nhiều người đã nhìn thấy kỳ quan này qua những bức ảnh được chụp. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã đưa ra lời giải thích, cho rằng hiện tượng mắt nhắm này là do ô nhiễm môi trường. Một lượng lớn mưa axit đã rửa trôi tượng Phật, dẫn đến quá nhiều sắc tố đen trên mí mắt trên của tượng Phật, trông giống như tượng Phật khổng lồ Lạc Sơn đang nhắm mắt.

Về cách giải thích này có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người ủng hộ ý kiến ​​về việc Đức Phật hiển linh. Bởi vì những ai am hiểu lịch sử đều biết rằng những dị tượng nơi nhân gian là một lời cảnh báo từ Thiên thượng, và từ xưa tới nay đều như vậy.

Trong thời Nam Bắc triều, Lạc Dương là kinh đô của nhà Bắc Ngụy. Trong thành phố có một ngôi chùa Bình Đẳng, trong chùa có một bức tượng Phật rất trang nghiêm. Vào những năm cuối của triều đại Bắc Ngụy, bức tượng Phật này đã rơi nước mắt ba lần trong bốn năm, sau mỗi lần tượng Phật rơi lệ thành phố Lạc Dương đều gặp phải một thảm họa. Tượng Phật lần đầu tiên rơi lệ, người dân Lạc Dương đều đổ ra thích thú xem. Không lâu sau đó, quân nổi dậy tiến vào thành phố, con số thương vong rất nhiều. Tượng Phật rơi nước mắt lần thứ hai, ai cũng bán tin bán nghi, hai tháng sau, thành phố Lạc Dương lại bị cướp phá. Lần thứ ba rơi nước mắt, ai cũng vội truyền tai nhau, lo lắng như lửa đốt. Quả nhiên không lâu sau, quân nổi dậy lại tiến vào thành phố.

Người ta thường nói rằng “lấy sử làm gương thì mới biết được hưng suy”. Vì vậy, khi những sự việc như tượng Phật rơi lệ lại xuất hiện, hơn nữa lại ở phạm vi trên khắp thế giới, chắc chắn một số người sẽ nói, e rằng thế đạo lại sắp thay đổi, phải không?

Thời kỳ mạt Pháp

Phật giáo Đại thừa tin rằng Phật Pháp do Phật Thích Ca Mâu Ni lưu truyền tại thế gian sẽ trải qua ba thời kỳ. Thời kỳ chánh pháp, thời kỳ tượng pháp và thời kỳ mạt pháp. Vào thời kỳ mạt pháp, con người bắt đầu lệch dần khỏi Phật Pháp. Cho đến cuối cùng, Pháp do Phật Thích Ca Mâu Ni truyền sẽ không còn tác dụng cứu độ thế nhân nữa, và sẽ lần lượt diệt vong, đây chính là thời kỳ mạt Pháp.

Về thời điểm bước vào giai đoạn cuối của thời kỳ mạt pháp, trong kinh Phật có những cách nói khác nhau, một số từ 1.000 năm trước, và một số từ 500 năm trước. Nhưng dù có tính toán thế nào đi nữa thì thế kỷ 21 ngày nay đã thuộc vào thời kỳ mạt pháp. Hơn nữa, rất có thể sẽ là giai đoạn cuối cùng của mạt thế, mạt kiếp. Tại sao nói như vậy? Nếu nhìn vào lời tiên tri của Đức Phật về thời mạt pháp và mạt kiếp, sau đó đối chiếu với xã hội ngày nay, ta có thể thấy rõ điều đó.

Trong Đại Tạng kinh của Phật giáo có cuốn “Phật thuyết pháp diệt tận kinh”, ghi lại lời tiên tri về tương lai khi Phật Thích Ca nhập Niết bàn. Lúc đó Ngài nói rằng, vào thời mạt Pháp mạt kiếp, thì Phật Pháp mà Ngài truyền dạy sẽ bị hoại diệt. Ngài gọi xã hội nhân loại lúc này là “ngũ nghịch trọc thế” và “ma đạo hưng thịnh”.

Khi đó, các nhà sư trong chùa không chỉ ăn mặc đẹp mà còn “uống rượu ăn thịt, sát sinh tham vị, không có từ tâm, lại còn ganh ghét, tật đố nhau”. Còn những ai chân thành tu Phật lại bị đố kỵ, phỉ báng và bị trục xuất khỏi chùa. Nếu không nói với bạn rằng đây là lời Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng cách đây 2.500 năm, bạn có nghĩ đây là lời mô tả về một ngôi chùa đương đại không?

Lúc này, trong xã hội loài người sẽ xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường. Đầu tiên là thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai nhân họa liên miên, “hạn hán lũ lụt, ngũ cốc mất mùa, dịch bệnh hoành hành, số người chết rất nhiều”. Chúng ta hay xem trận đại dịch hai năm qua vẫn chưa lắng xuống. Lời của Phật Thích Ca Mâu Ni quả thực là tiên tri của Thần.

Thứ hai, đạo đức xã hội nhìn chung sa sút. "Nhân dân vất vả cực khổ, quan lại tàn ác vơ vét, quan và dân đều không thuận theo đạo lý, chỉ nghĩ đến hưởng lạc, làm loạn. Người xấu ác nhiều như cát trong biển, người thiện lương rất ít, chỉ có một số người”.

Nghĩa là quan tham nhũng tràn lan, kẻ gian ác lộng quyền, ai nấy hưởng thụ trong sự hỗn loạn, không còn coi thiện là tốt đẹp. Đây cũng là tình cảnh trên thế giới ngày nay?

Kỳ diệu hơn nữa, Đức Phật còn đề cập rằng thời gian ngày càng trở nên nhanh hơn. “Tháng ngày ngắn lại, đời người gấp gáp, bốn mươi tuổi đầu bạc trắng”.

Tranh vẽ cảnh Đức Phật Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Đạo
Tranh vẽ cảnh Đức Phật Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Đạo cho năm đệ tử đầu tiên. (Ảnh: wikimedia)

Những năm gần đây, chẳng phải chúng ta đều có cảm giác thời gian trở nên nhanh hơn? Dường như chưa làm được việc gì, trong nháy mắt trời đã tối rồi, trong nháy mắt tóc trắng đã thấy, cuộc sống cứ như vậy trôi qua.

Nói đến đây, có thể một số người cho rằng, đều nói Phật Pháp kim cang bất hoại, tại sao sau ngàn năm qua đi lại có người lệch rời Phật Pháp, hoặc là nói rằng Phật không còn linh nữa? Chúng ta hãy cùng nghe một câu chuyện nhỏ trong Phật giáo.

Năm đó sau khi Thích Ca Mâu Ni niết Bàn, Tôn giả Đại Ca Diếp kế thừa y bát của Ngài. Sau khi Đại Ca Diếp niết bàn, kế tục ông là Tôn giả A Nan, một đệ tử lớn khác của Phật Thích Ca Mâu Ni. Tới năm A Nan được 120 tuổi, một hôm, ông tình cờ nghe thấy một vị sư trẻ cung kính niệm rằng: “Nếu đời người trăm tuổi mà không thấy được thuỷ lão hạc, thì chẳng bằng sống một ngày mà được nhìn thấy”.

Thuỷ lão hạc là loài chim huyền diệu nơi nào? Tại sao con người phải nhìn thấy nó một lần trong đời?

Tôn giả A Nan nghĩ kỹ hơn về điều đó và không khỏi bật cười. Thì ra người thanh niên đó đang niệm một câu của Phật Thích Ca Mâu Ni: “Nếu đời người sống trăm năm mà không hiểu Pháp sinh tử, thì thà sống một ngày mà hiểu còn hơn”.

Ý nghĩa là nếu một người sống cả đời nhìn không thấu Pháp về sinh tử, không bằng chỉ sống một ngày mà hiểu được đạo lý. Không biết truyền đi như thế nào mà ba chữ “sinh tử Pháp” lại trở thành “thuỷ lão hạc”.

Sau đó, Tôn giả A Nan đã chân thành giúp nhà sư trẻ sửa sai. Khi nhà sư trẻ trở về, anh ta đã nói với sư phụ của mình. Không ngờ, tăng nhân đó nghe xong liền không vui, và nói với nhà sư trẻ: “A Nan bây giờ đã già, trí nhớ giảm sút, đừng nghe ông ấy. Những gì ta dạy ngươi không sai”.

Sau khi nghe lời sư phụ, vị sư trẻ đến nói lại với Tôn giả A Nan. Tôn giả nghe vậy thở dài và không nói gì nữa.

Tôn giả A Nan đã đọc lại bản gốc mà Ngài thuộc cho những người khác nghe, nhưng họ vẫn làm những gì họ muốn. Vậy thì còn cách nào nữa? Đức Phật Thích Ca mới Nhập niết bàn vài chục năm, mà đã có những người hiểu sai về Phật Pháp như thế. Tôn giả A Nan cảm thấy thất vọng trong lòng, rất nhớ Sư phụ và các đại đệ tử đã niết bàn, chẳng còn lưu luyến gì với thế gian này, chẳng bao lâu sau, Ngài cũng đã nhập Niết bàn.

Đức Phật nói với A Nan rằng vấn đề phát sinh ở đâu thì cần phải giải quyết ở đó, chỉ có như thế mới có thể đi tới nơi khác (Ảnh: chụp màn hình video)
Đức Phật nói với A Nan rằng vấn đề phát sinh ở đâu thì cần phải giải quyết ở đó, chỉ có như thế mới có thể đi tới nơi khác (Ảnh: chụp màn hình video)

Vì khi Phật Thích Ca Mâu Ni tại thế truyền Pháp, Pháp của Ngài không được ghi lại dưới dạng văn bản, các tăng nhân đều dựa trên trí nhớ và lý giải của bản thân để học Phật Pháp. Khi Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, các đệ tử có điều gì chưa hiểu rõ đều có thể thỉnh giáo Sư phụ. Tuy nhiên, sau khi Phật Thích Ca nhập Niết bàn, chúng tăng chỉ có thể tập hợp lại và chỉnh lý những lời giảng của Phật khi còn tại thế thông qua việc ghi nhớ tập thể và thảo luận, toàn bộ quá trình mất hàng trăm năm.

Vì bản thân Phật Thích Ca Mâu Ni không tham gia chỉnh lý nên sẽ không tránh khỏi sai sót trong quá trình này. Nhiều lời nguyên gốc của Ngài đã không được ghi lại đầy đủ. Hiện nay, hơn 2.000 năm đã qua đi, trong quá trình phiên dịch và diễn giải, có bao nhiêu kinh thư có thể đã bị hiểu sai hoặc thậm chí bị giả mạo?

Phật Pháp vẫn còn đó, nhưng ngày càng ít người có thể thực sự lý giải được Phật Pháp, đây có thể là một trong những lý do tại sao Phật Thích Ca Mâu Ni nói rằng vào thời kỳ mạt pháp, Pháp của Ngài không thể độ nhân được nữa.

Sở dĩ câu chuyện của Tôn giả A Nan được lưu truyền cũng có thể là do các vị sư trong quá khứ đã nhìn thấy một số hiện tượng trong thời kỳ mạt pháp, mượn câu chuyện này để nhắc nhở mọi người rằng khi Phật Pháp bước vào thời kỳ diệt vong, nếu ai đó giải thích loạn về Phật Pháp, không nên dễ bị mê hoặc.

Vậy sau mạt Pháp, mạt kiếp sẽ ra sao? Trời long đất lở, nhân loại biến mất? Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói rằng không phải vậy, trong tương lai Phật Di Lặc sẽ tiếp quản thế gian. Những người bước qua thời kỳ mạt kiếp sẽ tiến vào một thời kỳ tươi đẹp. Theo Đạo gia, đó chính là “bĩ cực thái lai”.

Minh An
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tượng Đức Mẹ rơi nước mắt