Ukraine liên tiếp phá hủy các máy bay quan trọng của Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi tuyên bố bắn rơi máy bay trinh sát "Mắt thần" Beriev A-50 của Nga, Ukraine lại thông báo phá hủy máy bay chỉ huy trên không Ilyushin Il-22 của Moscow ở vùng biển Azov.

Tổng Tham mưu trưởng Valery Zaluzhny xác nhận thông tin không quân nước này bắn hạ quân sự A-50 của Nga trên biển Azov hôm 14/1.

"Không quân Ukraine đã phá hủy máy bay phát hiện radar tầm xa A-50 và máy bay chỉ huy đường không IL-22 của đối phương. Tôi xin cảm ơn lực lượng không quân vì chiến dịch hoàn hảo từ khâu lên kế hoạch tới thực thi", tướng Zaluzhny viết ngày 15/1 trên Telegram.

Bài đăng của ông Zaluzhny cũng đính kèm video đường đi của 2 chiếc máy bay trên radar.

Cùng ngày, khi được yêu cầu bình luận về tin 2 máy bay Nga bị bắn hạ, Điện Kremlin cho biết họ "không có thông tin".

Trước đó, RBC-Ukraine dẫn nguồn tin ẩn danh trong quân đội cho biết, 2 chiếc máy bay bị tấn công vào khoảng 21h ngày 14/1 (giờ địa phương). Chiếc A-50 được cho là biến mất khỏi radar khi bay qua bờ phía bắc của Biển Azov.

Chiếc Il-22M11 trúng đạn ở bờ phía đông, gần bán đảo Crimea mà Nga tuyên bố sáp nhập từ năm 2014. Theo RBC-Ukraine, chiếc Il-22M11 đã yêu cầu hạ cánh khẩn cấp ở thành phố Anapa ở miền nam Nga.

Vài giờ sau tuyên bố của quân đội Ukraine, một blog quân sự Nga chuyên đưa tin về lực lượng không quân đã đăng hình ảnh phần đuôi đầy mảnh đạn của một chiếc Il-22 trên đường băng trong một căn cứ của Nga.

Một người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine đăng lại hình ảnh, nói rằng chiếc máy bay dường như đã quay trở lại thị trấn Anapa của Nga, nhưng đã bị hư hại nặng nề, không thể sửa chữa được vì đã bốc cháy.

Với giá trị 330-500 triệu USD tùy phiên bản, A-50 là máy bay cảnh báo sớm trên không, có năng lực chỉ huy và kiểm soát, cũng như khả năng theo dõi tới 60 mục tiêu cùng một lúc.

Một số blogger quân sự Nga cho rằng, việc A-50 bị bắn rơi sẽ là tổn thất to lớn vì số lượng máy bay dòng này hiện còn hoạt động là rất hạn chế.

"Đây sẽ là một ngày đen tối nữa đối với Lực lượng Hàng không Vũ trụ và Phòng không Nga", Rybar, blogger có gần 1,2 triệu người theo dõi, viết. "A-50 không có nhiều. Chuyên viên vận hành chúng nói chung cũng rất hiếm. Nếu mẫu máy bay này bị bắn trúng, phi hành đoàn sẽ không thể thoát hiểm".

Theo Kyiv Post, Nga chỉ sở hữu 9 chiếc A-50. Mẫu máy bay này thường giữ khoảng cách với các hệ thống phòng không Ukraine nên việc Ukraine bắn hạ một chiếc A-50 sẽ đặc biệt đáng chú ý nếu là thật.

Hiện Kyiv chưa tiết lộ hệ thống vũ khí được sử dụng trong sự việc, nhưng có suy đoán cho rằng Không quân Ukraine có thể đã dùng hệ thống tên lửa phòng không Patriot do phương Tây viện trợ.

Một giả thuyết được Forbes đưa ra là trong những tuần gần, đây Ukraine đã có thể tăng cường sử dụng tác chiến điện tử để làm nhiễu tên lửa và hệ thống phòng không của Nga. Việc này khiến 2 chiếc máy bay vô tình đi lạc ra ngoài "vùng an toàn".

Trong khi đó, theo các blogger quân sự Nga, các máy bay này có thể đã bị trúng hỏa lực của quân đồng minh hoặc thậm chí bị một nhóm đặc vụ SAS của Anh bắn hạ bằng tên lửa đất đối không.

Natalia Humeniuk, người phát ngôn của Bộ chỉ huy quân sự miền Nam Ukraine, cho hay gần đây Nga đã sử dụng máy bay này một cách rộng rãi để chuẩn bị và tiến hành các cuộc tấn công tên lửa tầm xa vào Ukraine. Kyiv tuyên bố, A-50 của Nga là một trong những mục tiêu nhắm đến hàng đầu của Ukraine.

Ukraine dường như đang thách thức sự kiểm soát của Nga ở biển Azov, bao gồm các cảng Berdyansk và Mariupol mà Nga giành quyền kiểm soát năm 2022.

Triển vọng hòa bình còn xa vời

Phát biểu tại Davos (Thụy Sĩ) về kết quả các cuộc thảo luận quốc tế liên quan đến Công thức hòa bình của Ukraine, ông Andrii Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết Kyiv sẽ không chấp nhận đóng băng xung đột và sẽ tiếp tục giành lại các vùng lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát.

"Tổng thống (Volodymyr Zelensky) và đội ngũ của ông ấy sẽ không bao giờ đồng ý, không bao giờ chấp nhận đóng băng xung đột. Đó là điều không thể chấp nhận được với xã hội Ukraine. Ukraine không cần các cuộc xung đột đóng băng, chúng tôi chỉ cần một nền hòa bình lâu dài. Ukraine muốn ngăn chặn bất cứ hành động gây hấn nào trong tương lai", ông Yermak nói.

Xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ ba và chưa có dấu hiệu lắng xuống. Giới chức Kyiv nhiều lần tuyên bố không chấp nhận đóng băng xung đột với Nga vì cho rằng điều này chỉ tạo điều kiện cho Moscow tập hợp lực lượng cho chiến dịch tấn công thậm chí lớn hơn.

Mặt khác, Ukraine tin vào khả năng giành chiến thắng của mình. Trong bài phát biểu hàng đêm qua video, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, kịch bản này có thể trở thành hiện thực khi hiện giờ Ukraine đang được tăng cường năng lực quân sự.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 15/1 cho biết, Nga ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, theo ông Peskov, do các nước phương Tây và Ukraine chưa sẵn sàng đàm phán nên Nga buộc phải đạt được mục tiêu của mình thông qua một chiến dịch quân sự đặc biệt.

Ông Peskov nhấn mạnh quan điểm của Nga, được Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần đề cập, là ưu tiên các biện pháp hòa bình và ngoại giao để giải quyết các vấn đề an ninh. Ông cũng nhấn mạnh lệnh cấm của chính quyền Ukraine về việc đàm phán với Nga.

"Trước hết, chúng ta không nên quên rằng Kyiv đã chính thức ban hành lệnh cấm tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moscow. Chỉ cần nhắc đến lệnh cấm này có lẽ là cách tốt nhất để hiểu được sự vô lý hoàn toàn của tình huống hiện nay", ông Peskov cho biết.

Năm 2022, Tổng thống Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Những điểm chính trong kế hoạch hòa bình của ông Zelensky gồm khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine, Nga phải rút hết quân, đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và an toàn hạt nhân, trả tiền bồi thường, cũng như thiết lập một nghị định thư về hòa bình giữa Kyiv và Moscow.

Công thức hòa bình của Tổng thống Zelensky cũng kêu gọi Nga trao trả lại 4 vùng lãnh thổ mới sáp nhập cũng như bán đảo Crimea. Tháng 10/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập 4 vùng của Ukraine gồm Zaporizhia, Kherson, Donetsk và Lugansk.

Tuy nhiên, Moscow nhiều lần bác bỏ những yêu cầu này và tuyên bố hòa bình chỉ có thể đạt được nếu Ukraine trở thành quốc gia trung lập, từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, công nhận việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ từ Ukraine.

Tổng thống Zelensky cũng đã ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Putin. Moscow nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở hòa đàm giữa Nga và Ukraine.

Viên Minh (tổng hợp)

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Ukraine liên tiếp phá hủy các máy bay quan trọng của Nga