9 tuổi làm chưởng môn, pháp lực cao cường tại sao vẫn không cứu được hoàng đế

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Một vị Thiên sư của Đạo giáo 5 tuổi mới biết nói, mở miệng là một bài thơ, 9 tuổi làm chưởng môn, 12 tuổi vào cung giúp vua trừ nạn, liệu sự như Thần, pháp lực cao cường, biết trước tương lai, nhưng cuối cùng vẫn không cứu được hoàng đế là vì sao?

Tháng 11 năm Bính Ngọ Tĩnh Khang (năm 1127) đời Tống, khi đại binh nước Kim áp sát biên giới Tống, thì Hư Tĩnh Thiên sư nhận được Thánh chỉ mời ông vào kinh gấp. Ông lập tức lên đường, ngày đêm đi gấp đến kinh đô Biện Lương. Nhưng đến ngày 23, ông đến Tứ Châu tỉnh Giang Tô, ông bỗng nhiên dừng lại và đến Thiên Khánh Quán, yêu cầu đem giấy bút và viết một bài thơ. Sau đó ngồi ngay ngắn trước bàn, tọa hóa ở tuổi 36.

Thật trùng hợp, kinh đô Biện Lương cách xa ngàn dặm bị quân Kim tấn công và thất thủ ngày hôm đó.

Trong lúc nguy nan, tại sao hoàng đế lại muốn vời gấp vị Đạo sĩ này? Tại sao Đạo sĩ lại cưỡi hạc về Tây thiên ngay ngày hôm đó?

Khi nỗi nhục Tĩnh Khang kinh đô thất thủ xảy ra, Tống Huy Tông đau đớn hối hận. Trong hơn 20 năm trước, Hư Tĩnh Thiên sư đã sớm cảnh tỉnh Hoàng đế: “Xích mã hồng dương chi triệu” (Điềm báo ngựa đỏ dê hồng):

Nhất diện thanh đồng kính
Sổ trùng thương ngọc sơn
Hoảng nhiên thuyền dạ phát
Di tích động thiên vấn
Bảo điện hương vân hợp
Vô nhân vạn tượng nhàn
Tây sơn hạ hồng nhật
Yên vũ lạc san san

Tạm dịch:

Một tấm gương đồng thanh
Mấy tầng xanh núi ngọc
Đêm mờ thuyền khởi hành
Bước vào động thiên hỏi
Bảo điện hương mây quanh
Núi tây mặt trời lặn
Khói mưa chảy ròng ròng

Hư Tĩnh Thiên sư và Tống Huy Tông: Lần đầu tương ngộ

Năm Sùng Ninh thứ 2 đời Tống (năm 1103), ở châu Giải, khu Sản Diêm, Sơn Tây, vào một buổi sáng, sau khi mọi người tỉnh dậy, phát hiện ra nước trong những cánh đồng muối ào ào chảy ra ngoài. Đây là cảnh tượng xưa nay chưa từng xảy ra. Cánh đồng muối tràn nước, muối không ngưng kết, thế thì dân chúng địa phương sinh sống thế nào đây? Triều đình cũng không thu được thuế, và không có muối, tổn thất là rất lớn.

Khi đó, Tống Huy Tông Triệu Cát mới đăng cơ năm thứ 3, mới ngoài 20 tuổi, nghe được tin này thì nét mặt nghiêm trọng. Ông tìm Đạo sĩ nổi tiếng là Từ Thủ Tín, hỏi có cách nào không. Từ Thủ Tín trả lời rằng: “Đây là con nghiệt súc giao long tác quái, ắt phải mời Trương Thiên sư đến thu phục yêu quái”.

Truyền thuyết Đài Loan: Các loại rồng xuất hiện kèm theo các tai họa
“Đây là con nghiệt súc giao long tác quái, ắt phải mời Trương Thiên sư đến thu phục yêu quái”. (Ảnh minh họa tổng hợp)

Đương thời Chính Nhất giáo của Đạo gia do Trương Đạo Lăng sáng lập, truyền ở Long Hổ Sơn, Giang Tây đã đến đời thứ 30. Vị Trương Thiên sư mà Từ Thủ Tín nói đến đó, tên là Trương Kế Tiên (1092-1128), là chính truyền đích hệ của Trương Đạo Lăng, kế vị Thiên sư khi mới 9 tuổi. Khi thụ mệnh đến kinh đô yết kiến Huy Tông, cậu cũng mới 12 tuổi, vẫn còn là một đứa trẻ.

Có người hỏi, như thế này là để trẻ con bắt yêu quái hay để yêu quái bắt trẻ con? Đạo sĩ Từ Thủ Tín có nghiêm túc không vậy?

Từ Thủ Tín không phải là người tùy tiện nói bừa. Theo ghi chép trong “Hán Thiên sư thế gia”, vị Thiên sư Trương Kế Tiên này tuy tuổi nhỏ nhưng pháp lực không hề nhỏ. Khi lên 5 tuổi, cậu còn chưa biết nói. Một hôm nghe tiếng gà gáy, cậu cười thành tiếng, sau đó mở miệng nói, mà lại là một bài thơ:

Linh kê hữu ngũ đức
Quan cự bất ly thân
Ngũ canh trương đại khẩu
Hoán tỉnh mộng trung nhân

Tạm dịch:

Gà thiêng có năm đức
Mũ cựa chẳng rời thân
Canh năm mở miệng lớn
Thức tỉnh người trong mơ

Sau khi người trong mơ này được thức tỉnh, hôm sau cậu đã ngồi ngay ngắn trên đài sen xanh đả tọa, khiến mọi người cảm thấy kỳ lạ, gọi cậu là Thần đồng, Chân Tiên.

Huy Tông ngày đêm mong đợi, cuối cùng đã gặp được Trương Kế Tiên. Thấy cậu mặt như thoa phấn, mắt mũi thanh tú, tuổi còn nhỏ nhưng xung quanh thân thể toát lên khí chất phi phàm thâm trầm, Tống Huy Tông không nén nổi kinh ngạc. Huy Tông muốn thử vị Tiểu Thiên sư này, bèn hỏi: “Khanh ở Long Hổ sơn, đã từng gặp hổ chưa?”

Trương Kế Tiên trả lời: “Ở trong núi thường gặp hổ, còn rồng thì hôm nay mới gặp”.

Huy Tông nghe xong thì lập tức lòng vui phơi phới, thầm nghĩ, vị Tiểu Thiên sư này quả đúng là Chân Tiên. Huy Tông tràn đầy hứng khởi, bảo Thiên sư vẽ bùa để ông xem. Thiên sư vừa vẽ, Huy Tông vừa nhìn, dáng vẻ say mê, chốc chốc lại hỏi: “Sự linh nghiệm của chiếc bùa này từ đâu mà có?”

Trương Kế Tiên trả lời: “Thần khí ngụ ở trên bề mặt thì linh nghiệm cũng theo đó mà đến”.

Huy Tông lại hỏi: “Khanh biết phương thuật tu luyện kim đan?”

Trương Kế Tiên trả lời: “Đó là sự nghiệp của người ở trong núi hoang vắng, bệ hạ chỉ cần thanh tĩnh vô vi, công đức giống như Nghiêu Thuấn là đủ rồi”.

Đây chính là khéo léo khuyên Huy Tông nên học tập các Thánh hiền cổ đại, lấy quốc gia làm trọng, chớ mê tín trường sinh bất lão.

Huy Tông nghe xong thì cảm thấy tinh thần sảng khoái, hạ lệnh bày tiệc tiếp đãi Thiên sư, chiêu đãi cẩn thận rồi hãy nói chuyện tiếp.

Trừ giao long - để Huy Tông thấy Quan Vũ

Hôm sau, Huy Tông mới nói đến việc chính, mời Trương Thiên sư trừ yêu, giải quyết vấn đề cánh đồng muối tràn nước.

Trương Thiên sư lập tức vẽ một cái bùa trên tấm thẻ thép, sai đệ tử Chúc Vĩnh Hựu cùng thái giám đến châu Giải, ném cái bùa này vào cánh đồng muối. Một lúc sau, trên bầu trời phía trên đồng muối sấm sét ầm ầm, ban ngày chỉ chốc lát biến thành đêm đen. Đến khi ánh sáng lại sáng trở lại, mọi người phát hiện ra, trên cánh đồng muối nổi lên một thi thể con giao long.

Nghe thái giám trở về bẩm báo tin vui, ở trên điện Kim Loan, Huy Tông bất giác vỗ đùi khen ngợi: “Tuyệt, vị Thiên sư này quả là lợi hại”.

Huy Tông hứng khởi nói với Trương Kế Tiên: “Khanh trị chết con giao long, sai vị Thần tướng nào đi vậy, có thể cho trẫm thấy được không?”

Thiên sư trả lời: “Người mà thần phái đi chính là Quan Vũ. Bây giờ sẽ triệu ông ta đến cho bệ hạ”.

Trung nghĩa truyện: Quan Vũ - chiến Thần Hoa Hạ, nghĩa khí ngút trời
Hình nhân vật Quan Vân Trường một mình cưỡi ngựa (không phải ngựa Xích Thố) đi ngàn dặm. (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Nói xong liền tay nắm ấn kiếm làm phép. Thực ra lúc đó Huy Tông chẳng qua là hiếu kỳ nên buộc miệng hỏi mà thôi, nào ngờ Thiên sư đồng ý, còn làm mấy động tác. Trong khoảnh khắc, Quan Vũ xuất hiện trong điện Kim Loan, một tay cầm Thanh long Yển nguyệt đao, một tay xách đầu giao long.

Huy Tông nhìn thấy thì kinh sợ, suýt nữa thì kêu lên thành tiếng. Trong tay Huy Tông lúc đó vừa vặn đang cầm mấy đồng tiền xu đúc những năm Sùng Ninh, bèn ném cho Quan Vũ và nói: “Lấy tên đồng tiền này phong cho ông”.

Thế nên, mọi người sau này gọi Quan Vũ là “Sùng Ninh Đế Quân”, chính là có nguồn gốc từ chuyện này. Câu chuyện này được ghi chép trong các sách như “Hán Thiên sư thế gia”, “Đại Tống Tuyên Hòa di sự”...

Khi còn sống, Quan Vũ là người châu Giải, Sơn Tây, do đó được Trương Thiên sư sai phái hành sự. Sau này, Tống Huy Tông còn phong cho Quan Vũ là Võ Huệ Công, Võ An Vương. Mọi người cho rằng, đó là do Huy Tống mong được Thần linh Quan Vũ bảo hộ.

Trong Đạo giáo cũng vì thế mà gọi Quan Vũ là Hiệp Thiên Đại Đế, Đãng Ma Chân Quân… Từ đó, Quan Vũ trở thành một trong Hộ Pháp Tứ Soái của Đạo giáo.

Hư Tĩnh tiên sinh

Khi đó Huy Tông tuy bị kinh sợ bởi việc này, nhưng trong tâm thì vô cùng kính phục Trương Thiên sư. Ông hạ Thánh chỉ, ca ngợi Trương Kế Tiên: “Truyền thừa tổ Pháp, vẽ bùa lập công, hư tĩnh điềm hòa, Đạo hạnh cao khiết, ban hiệu Hư Tĩnh tiên sinh”.

Sau này, Huy Tông còn nhiều lần triệu mời Trương Kế Tiên vào kinh, giúp ông hàng yêu trừ nạn. Lần nào Huy Tông cũng vắt óc tìm cách lưu giữ Thiên sư cư trú lâu dài ở kinh thành, ban cho vàng bạc lụa là, Thiên sư đều không cần. Huy Tông bèn lấy vàng đúc tượng Thái Thượng Lão Quân và Hán Thiên Sư tặng, khiến Thiên sư rất khó chối từ.

Được biết Thượng Thanh Quán, nơi Thiên sư trú ngụ, là nơi hẻo lánh, đơn sơ, nhiều năm không được tu bổ, Huy Tông không những xây dựng Thượng Thanh Quán ở nơi mới, còn ngự bút viết tấm biển Tĩnh Thông Am, lại xây dựng 3 Đạo quán Linh Bảo, Vân Cẩm, Chân Ý tặng Thiên sư. Chưa hết, còn ban tước phong quan cho những người bề vai phụ thân và huynh đệ của Thiên sư.

Mật tấu điềm ngựa đỏ dê hồng, xin hãy tu đức

Trước rất nhiều ân sủng của Huy Tông đối với Thiên sư, từ sử sách, chúng ta thấy, điều mà Hư Tĩnh Thiên sư mong muốn hơn là Huy Tông có thể tu đức.

修行人
Điều mà Hư Tĩnh Thiên sư mong muốn hơn là Huy Tông có thể tu đức. (Winnie Wang/Secretchina)

Năm thứ 2 sau khi giải trừ nguy nan cánh đồng muối, tức năm Sùng Ninh thứ 4 (năm 1105), Thiên sư mật tấu cho Huy Tông “điềm báo ngựa đỏ dê hồng”. Ngựa đỏ là chỉ năm Bính Ngọ, dê đỏ là năm tiếp theo Đinh Mùi.

Trong lịch sử, một vòng luân hồi Giáp Tý 60 năm, mỗi khi đến năm Bính Ngọ và Đinh Mùi, quốc gia thường có những tai họa lớn xảy ra. Ví dụ, Lưu Bang giá băng, Lã Hậu bắt đầu độc chiếm đại quyền vào năm 195 TCN. Ngụy Minh Đế giá băng, họ Tư Mã lật đổ chính quyền Tào Ngụy và chấp chính vào năm 226. Hai năm này đều là năm ngựa đỏ Bính Ngọ.

Nhưng Tống Huy Tông hiển nhiên không coi trọng việc này, vẫn làm theo ý mình. Những gì Hư Tĩnh Thiên sư có thể làm chỉ là, mỗi lần nhân cơ hội Huy Tông tìm ông xử lý tai họa, ông nhắc nhở cảnh tỉnh hoàng đế tu đức.

“Hán Thiên sư thế gia” có ghi chép rằng: “Tết Đoan Dương (Đoan Ngọ) năm Đại Quan Đinh Hợi (năm 1107), Thiên sư 16 tuổi, Tống Huy Tông lại vời Thiên sư vào cung, nói rằng: “Trong cung dường như có yêu khí làm loạn, ái khanh giúp trẫm xem xét”.

Thiên sư nói: “Thần nghe nói, tà không can nhiễu được chính, yêu quái không thắng được người có đức hạnh. Bệ hạ tu đức, yêu khí ắt tự hết”.

Trong lúc đang trò chuyện thì nội thị vào tấu: “Nhân Tế đình quả nhiên có yêu quái”.

Thiên sư liền đi xem xét. Yêu quái thấy Thiên sư đến, nó bám vào thân một thiếu niên, tay ôm đầu, vừa khóc vừa bái. Thiên sư khuyên giải một lúc, thiếu niên mới ngừng khóc, nằm phủ phục trên đất rất lâu rồi mới tỉnh lại. Yêu quái đã rời khỏi thân thiếu niên và rời đi rồi.

Nói về những vấn đề mà Thiên sư xử lý giúp Huy Tông, quả thực có khá nhiều. Vừa mới khuyên yêu quái rời khỏi cung, thì cũng năm đó, kinh thành lại xảy ra dịch bệnh. Hoàng thượng lại sai người chuẩn bị mấy chục chiếc vại lớn, chuẩn bị sẵn nước đặt tại các nơi trong kinh thành, lấy bùa mà Trương Thiên sư vẽ rồi cho vào trong những vại nước đó, để những người bị bệnh đến uống. Những người uống nước này thì bệnh đều khỏi.

Tiếp sau đó lại là đại hạn. Tống Huy Tông mời Thiên sư làm phép cầu mưa. Thiên sư vừa ra tay thì một trận mưa lớn trút xuống 3 ngày, đã giải quyết được tình hình hạn hán. Huy Tông muốn ban cho Thiên sư chức Đại Hư đại phu, Thiên sư không nhận, Huy Tông bèn làm thơ tặng.

Thiên sư giúp Tống Huy Tông trảm yêu trừ ma, trị bệnh trị hạn hán, danh vọng như mặt trời chiếu sáng. Huy Tông sùng Đạo giáo, tự xưng Giáo chủ Đạo Quân Hoàng đế, trọng dụng Đạo sĩ, có lẽ cũng phần nào liên quan đến vị Đạo sĩ Trương Kế Tiên có pháp lực cực lớn ở bên. Chỉ là Tống Huy Tông tăm tối, đối với những lời khuyên của Thiên sư đều vào tai nọ ra tai kia, khiến Thiên sư rất lo lắng. Thiên sư biết Huy Tông sẽ có nạn, nếu ông cẩn thận tu đức, thì không phải là không thay đổi được. Nếu vẫn cứ một mực phóng túng làm càn, thì hậu quả sẽ không thể tưởng tượng nổi.

Tống Huy Tông tăm tối, đối với những lời khuyên của Thiên sư đều vào tai nọ ra tai kia, khiến Thiên sư rất lo lắng. (Tranh: Winnie Wang - secretchina)

Trương Kế Tiên nhiều lần nhắc nhở cảnh tỉnh Tống Huy Tông cần cẩn thận ách vận dê hồng ngựa đỏ, Tống Huy Tông vẫn mãi không lĩnh hội được hàm nghĩa trong đó, hoặc ông nghĩ Thiên sư pháp lực cao cường như thế này, có thể giúp ông giải trừ được tất cả các tai họa.

Nhưng nhân tâm không thay đổi thì Thần Tiên cũng không có cách nào. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, quân chủ tối tăm, liên lụy bách tích toàn quốc chịu khổ, đều sẽ chịu hậu quả. Thần hoặc người tu luyện có pháp lực cao cường, cũng không thể tùy tiện thi triển pháp thuật, phá vỡ phép tắc nhân quả. Con người muốn thay đổi vận hạn, duy chỉ có tu đức.

Biến động “trải qua một cuộc bể dâu”

Năm Chính Hòa thứ 2 (năm 1112), Thiên sư 21 tuổi, Huy Tông lại sai người đến mời, Thiên sư từ đó thác bệnh không đi nữa, mà cử đệ tử Vương Đạo Kiến đi thay mình, và phó thác đệ tử chuyển lời đến Huy Tông rằng, cần phải tu đức để tránh tai họa. Trương Thiên sư tuy thân ở Long Hổ sơn, nhưng vẫn một lòng canh cánh lo lắng đối với tương lai của Huy Tông và Đại Tống. Một ngày nọ, bất giác Thiên sư than thở và nói: “Bồng Lai bước vào bãi cạn, trở thành nương dâu”, đại ý là, Bồng Lai nước cạn, biển xanh lại sắp thành nương dâu rồi.

Khi nạn Tĩnh Khang xảy ra, mọi người mới hiểu rõ, câu nói đó là chỉ triều Tống biến đổi lớn lao, trải qua một cuộc bể dâu. Sử sách ghi chép, Trương Kế Tiên liệu sự như Thần, thường có những lời dự ngôn. Khi Trương Kế Tiên ở phủ Khai Phong ở kinh thành, Thái học sinh Trần Đông, Dịch Quan từng hỏi Thiên sư về tiền đồ của họ, Trương Kế Tiên nói rằng, Trần Đông là trung thần, lưu danh bất hủ, Dịch Quan làm huyện lệnh, trường thọ.

Sau này, Tống Cao Tông vượt sông sang bờ Nam, Trần Đông vì nói lời trung ngôn nên bị giết, được người đời sau ca ngợi là trung thần, lưu danh sử sách. Dịch Quan trở thành Huyện lệnh Thái Hòa, tuy nhà nghèo nhưng trường thọ. Vận mệnh hai người đều giống như dự ngôn của Trương Kế Tiên.

Đối với liên tiếp những lời khuyên bảo, nhắc nhở của Trương Thiên sư, Huy Tông không để tâm, có lẽ Huy Tông cảm thấy hiện nay thái bình, không thấy có nguy cơ, cũng có thể cảm thấy, tu đức quá khó, ngày còn rộng tháng còn dài.

Khi tất cả đều không sửa đổi, thì ngày tai họa rồi cũng sẽ bước những bước đã định trước đến. Những năm Tĩnh Khang, quân Kim tấn công Biện Lương. Năm Tĩnh Khang thứ 1 và thứ 2, chính là năm Bính Ngọ và Đinh Mùi. Lúc này, Tống Huy Tông và Khâm Tông mới nhớ đến những lời dự ngôn vận hạn “dê hồng ngựa đỏ” của Trương Kế Tiên, liền hạ lệnh nhanh chóng đi mời Trương Thiên sư vào kinh, giải cứu kiếp số.

Nhưng đã muộn mất rồi. Hư Tĩnh Thiên sư cũng không có sức xoay chuyển trời đất rồi. Từ đó, hai vua Huy Tông và Khâm Tông và vài nghìn thân thích của hoàng thất bị quân Kim bắt làm tù binh đem về nước, chịu đủ mọi kiếp nạn sỉ nhục, không còn cơ hội trở lại cố hương Trung Nguyên nữa.

Tương truyền, Hư Tĩnh Thiên sư cả đời không lấy vợ, không có con trai thừa kế. Do đó sau này, Trương Thiên sư của Chính Nhất giáo không còn là truyền thừa đích hệ nữa. Trương Kế Tiên có 7 quyển “Hư Tĩnh ngữ lục”. Trong tu Đạo, ông đề ra: “Tâm là tông của vạn pháp, Đạo không xa ở trong thân”. Người tu Đạo không được cầu bên ngoài, cần phải tìm lỗi ở chính mình.

Tất cả vẫn chưa kết thúc

Thời gian thấm thoắt, Trương Kế Tiên vũ hóa đã 40 năm, năm Thiệu Hưng Tân Dậu (năm 1141), Đạo sĩ nổi tiếng Tát Thủ Kiên lại gặp Trương Kế Tiên ở núi Thanh Thành, Tứ Xuyên. Trương Kế Tiên còn mời Tát Thủ Kiên đem một bức thư và một chiếc giày về cho gia đình. Mọi người cảm thất rất kỳ lạ, đào mộ ông lên xem, trong quan tài chỉ có một chiếc giày. Lúc này, mọi người mới hiểu rõ, thì ra Trương Kế Tiên chỉ dùng biện pháp thi giải để rời đi.

Tống Huy Tông có duyên với cao nhân như thế này, tận mắt thấy cao nhân triển hiện Thần tích, được cao nhân nhắc nhở nhiều lần, quả là may mắn biết nhường nào. Đáng tiếc Huy Tông không biết khi yên vui nên nghĩ lúc nguy nan, nên đã không nắm bắt được, kết quả khiến bản thân phải chịu hết thảy hậu quả đáng sợ này. Mặc dù Tống Huy Tông sùng Đạo giáo, nhưng chỉ muốn đắc được ích lợi trong đó, hoàn toàn không hiểu ý nghĩa đích thực của hết thảy các chính giáo, đó là đều phải tu phẩm đức nội tâm của bản thân.

Khi tai họa sắp ập đến, có người tu luyện thiện tâm không ngừng cảnh tỉnh những người vẫn còn mơ mơ hồ hồ, đang đắm chìm trong những phồn hoa mà bề ngoài có vẻ còn yên tĩnh. Đó là xuất phát từ cái tâm từ bi và thiện ý chân thành nhất của người tu luyện. Nếu người nghe vẫn cứ luôn thấy khó hiểu khó tin, thì chẳng phải cuối cùng chịu tai họa là chính bản thân mình đó sao?

Trung Hòa
Theo Vườn văn sử



BÀI CHỌN LỌC

9 tuổi làm chưởng môn, pháp lực cao cường tại sao vẫn không cứu được hoàng đế